Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. ĐỀN THỜ;TỪ ĐƯỜNG; LĂNG MỘ .
Đăng ngày 5/5/2020
E-mail     Bản in

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN LƯU XÁ – CHÙA BÁO QUỐC
(LUUTOC.VN) - Cần được bảo tồn,tôn tạo, phát huy truyền thống yêu nước, giữ gìn giá trị văn hóa của đân tộc Cụm Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Tên di tích: Đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc Loại công trình: Kiến trúc Loại di tích: Lịch sử Quyết định: Được công nhận Di tích theo Quyết định số 1214/QĐ ngày 30 tháng 10 năm 1990. Làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng xưa (nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) tỉnh Thái Bình.
Cụm Di tích lịch sử văn hóa Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc do gia tộc Thái Uý Lưu Khánh Đàm và nhân dân xây dựng từ thời Lý. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, qua bao thiên tai địch họa, vật đổi sao dời, dòng sông Luộc chuyển đổi dòng chảy, bên lở, bên bồi, qua bao lần chuyển dịch” Di tích lịch sử Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc” vẫn còn đó được nhà nước và nhân dân địa phương cùng Lưu Tộc Việt Nam, bảo tồn,tôn tạo, phát huy truyền thống yêu nước, giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc.
“ Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.” (1)
“Đất của Vua, chùa của làng”, là tương quan trong hai mệnh đề, ta thấy chùa đóng vai trò như thế nào trong tâm thức người dân trồng lúa nước. Một nền văn hóa sâu thẳm từ muôn đời xưa, được nuôi dưỡng thuần hậu bởi tiếng chuông chùa âm vang, sau lũy tre làng, mang nặng triết lý, trầm luân, nhân sinh, nhân quả, đi qua bao dâu bể thời gian, không gian, qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, của dân tộc, của dòng họ, thân phận, số kiếp con người.
“Chùa Báo Quốc” làng Lưu Xá, là tên gọi của vua Lý đặt cho để tỏ lòng quý trọng các quan đại thần họ Lưu có nhiều công lao giúp Vương triều nhà Lý.
Hiện nay được biết tên chùa “Báo Quốc” trên đất nước ta chỉ còn ba nơi có .“Chùa Báo Quốc” ở thành phố Huế, chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển “Sắc Tứ Báo Quốc Tự”
“Chùa Báo Quốc” ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên không rõ được xây dựng từ thời nào?.Còn các chùa mang tên Báo An, báo Thiên, Trấn Quôc, Khai Quốc, phần lớn đều nằm ở gần kinh thành Thăng Long, khi các triều đại phong kiến nước ta đều lấy đạo Phật là quốc đạo:
Đền Lưu Xá là nơi thờ phụng hai danh nhân lịch sử thời Lý (Thế kỷ XI - XII) là Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Ba. Chùa Báo Quốc là tên gọi của vua Lý đặt cho để tỏ lòng trọng vọng các quan đại thần có nhiều công lao giúp bốn triều vua Lý (Thái Tông - Thánh Tông – Nhân Tông – Thần Tông) xây dựng đất nước thịnh trị thời đó. Triều Lý vừa thành lập, giặc từ phương Nam lấn tới, Lưu Khánh Đàm được vua Lý giao cùng các tướng cầm quân đi đánh giặc, bắt sống vua nước Chiêm là Bố Hợp đem về. Ở phía Nam vừa yên thì phía Bắc giặc Tống lại lăm le lấn tới. Ông tâu với vua: “Mong bệ hạ đừng lo, xa giá bệ hạ thân chinh để thị uy bốn biển, ngoài cõi, thần và nghĩa đệ cùng các tướng sĩ lo đánh giặc”. Thời Lý ba lần giặc Tống vào đánh chiếm nước ta, đều bị quân dân ta đánh bại trong đó có công của Lưu Đàm.( Theo thần phả và ngọc phả đền Lưu Xá - chùa Báo Quốc )
Thái úy Lưu Khánh Đàm còn tâu xin vua miễn phu dịch và thuế cho dân làng Lưu Xá. Ông lại mua nhiều ruộng đất, ao hồ để làm của công cho dân làng.
Khi Thánh Tông lên ngôi lại phong cho Lưu Khánh Đàm làm Bình Chương sự. Triều đại Nhà Lý đạo Phật được coi là quốc Đạo. Cuối đời, Lưu Khánh Đàm xin về ở Lưu Xá, sửa chùa làng và tu ở đó. Vua Thánh Tông vì ông mà xa giá về Lưu Xá, nơi Lưu Khánh Đàm xuất gia. Nhà vua ban tên chùa nơi ông tu hành là “Báo Quốc Tự”,tức là “Chùa Báo Quốc”
. Đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền chuyện ba sư, một sãi.Trong những năm tu hành ở chùa làng, Lưu Khánh Đàm đã cùng các thiền sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Đỗ Đô tổ chức cho dân “khai thông sông Luộc”, “móc ruột sông Sinh”, “Đào phình sông Hóa” ở Thái Bình.
Khi Lưu Khánh Đàm tạ thế, vua Thánh Tông về dự lễ an táng, vì ông là khai quốc công thần nhà Lý, nên vua ban tên nơi ông tu hành là chùa Báo Quốc, ban cho ông tước vương, ban mỹ tự là “Chính trực chiêu cảm”, lại cho xây một tháp cao 9 trượng, 9 tầng ở bên lăng của Lưu Đàm vương. Dân làng Lưu Xá biết ơn xây đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng.
Chùa Báo Quốc: Chùa được xây dựng lại lần hai vào năm Tự Đức thứ 22. Chùa xây dựng theo kiểu chữ đinh. Từ ngoài vào qua tắc môn cũng to lớn, lộng lẫy như ngôi đền. Qua sân gạch đến bậc tam cấp là lối vào chùa. Tòa ngoài đại bái gồm 5 gian xây lối “Hồi văn cách bảng”. Nơi đây có 3 gian trung tâm tiếp nối với chuôi vô nơi thờ Phật. Hệ thống tượng pháp và đồ tế khí có nhiều nét độc đáo. Đặc biệt là có tấm bia đá Tự Đức 22 (1868) – ghi lại tích chuyển chùa đến vị trí này và ghi lại tích Thái úy Lưu Ba về tu và truyền bá đạo Phật ở đây.
Vào đời Trần sau ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, đất nước thái bình, thượng tướng Thái sư Tướng quốc Trần Quang Khải dong thuyền trên dòng sông Luộc, qua đây, thăm lại bến Lưu Gia – Hải Âp xưa ( quê hương thứ hai của nhà Trần) Ông đã hào sảng viết nên bài thơ nổi tiếng (Lưu gia độ) ca ngợi công trình đền đài, chùa chiền,miếu mạo, lăng tẩm, thái ấp của: “Cụm Di tích lịch sử văn hóa Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc”
Lưu Gia độ
Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình thu thuỷ thượng,
Hoang tử cổ trũng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lý đại sơn hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.
Dịch nghĩa
Bến đò Lưu Gia cây cao ngất trời,
Xưa phò giá sang đông từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ, đình xưa dựng trên sông thu,
Đền hoang, mộ cổ trước mấy con lân đá.
Bản đồ thái bình ghi mấy ngàn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ nay trở lại đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống sông trong
Cụm Di tích lịch sử văn hóa Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc xưa hẳn là những công trình nguy nga, tráng lệ, những lăng tẩm linh thiêng, hoành tráng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tàn phá của chiến tranh, thiên nhiên và thời gian, ngày nay những công trình đó không còn nữa. Di tích xưa nằm ngay ven bờ sông Luộc, do sự dịch chuyển dòng chảy,của dòng sông Luộc, có lẽ đến nay đã lở hết, vùi lấp một phần công trình dưới lòng sông. Những cảnh trí nói trên đến nay đã hoàn toàn không còn. Làng Lưu Xá bây giờ (tức Lưu Gia) cũng mới di chuyển từ ngoài đê vào trong đê. Cách đây khoảng trên chin chục năm, nhân dân làng Lưu Xá cón di chuyển một ngôi mộ ngoài bờ sông bị sạt lở vào phía trong đê bối. Ngôi mộ ấy chính là ngôi mộ năm trước có con lân đá nói đến trong bài thơ, mặc dầu con lân đá cũng như những đền tháp đã mất đi từ bao giờ không còn nữa. Năm Tự Đức 22 (1868), do sự dịch chuyển dòng chảy,của dòng sông Luộc, nhân đân địa phương với lòng thành kính, gi nhớ công lao của các Ngài. Đã di chuyển, chùa chiền, lăng mộ, miếu mạo của hai quan Thái Uý Lưu Khánh Đàm, Thái Phó Lưu Điều đã được di chuyển vào trong đê sông Luộc – tức vị trí ngày nay.
“Sinh tại đây, đền miếu tại đây, lăng mộ tại đây, làng Lưu Xá, tôn thờ, Lưu thái úy
Đời như thế, tấm lòng như thế, công lao như thế, gương anh hùng, tỏa sáng đất trời Nam
Những năm vừa qua, theo nguyện vọng của nhân dân làng Lưu Xá cùng Lưu Tộc Việt Nam. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và chính quyền địa phương, Tỉnh Thái Bình đã cho quy hoạch xây dựng cum: “Di tích lịch sử văn hóa Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc” nhưng đến nay qua nhiều năm vãn chưa tiến hành xây dựng được. Duy chỉ có hai ngội mộ của: Thái Uý Lưu Khánh Đàm, Thái Phó Lưu Điều đã được nhân dân và chính quyền địa phương cùng Lưu Tộc Việt Nam, đóng góp công, của xây dựng nay đã gần hoàn thành..
Cum: “Di tích lịch sử văn hóa Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc” cần sớm được đầu tư xây dựng cho xứng đáng với tầm vóc công trình trước đây, với công lao, công trạng của Thái Uý Lưu Khánh Đàm, Thái Phó Lưu Điều trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Làng Lưu Xá nay không còn dòng họ Lưu, làng kia nay biến ra đồng, dòng sông Luộc bên nở bên bồi, bến Lưu gia xưa nay đã xa rồi? Song đền Lưu Xá thờ Nhị vị đại vương Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ba và các vị công thần triều Lý còn đó, phần mộ của các Ngài vẫn được nhân dân hương khói ngàn năm nay. Trước bài vị, anh linh của các Ngài, trong khói hương linh thiêng, thần bí, hôm nay. Chúng ta những người con của dòng dõi họ Lưu không khỏi bùi ngùi xúc động, cảm kích, tự hào về một quá khứ hào hùng của dân tộc và dòng họ Lưu chúng ta. Trước anh linh của các Ngài. Chúng ta “Lưu Tộc Việt Nam” cần phải làm gì để cùng địa phương tôn tạo cho không gian tín ngưỡng, không gian văn hóa tâm linh, đền Lưu Xá, chùa Báo Quốc, mộ chí của Cao tổ nhị vị Đại Vương ngày càng to đẹp đàng hoàng hơn.
Kính mong và đề nghị người người chúng ta, nhất là những người con Lưu Tộc Việt hãy cùng chung sức, chung lòng, đóng góp, trùng tu, xây dựng. Cum: “Di tích lịch sử văn hóa Đền Lưu Xá – chùa Báo Quốc” đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Theo đúng luật di sản văn hóa
Lưu Thái Uý, dựng cơ đồ, Vương triều Lý, lưu quang sự nghiệp
Hậu duệ Lưu, kế tục Lưu, huyện Hưng Hà, lưu đức tài tâm
Nhân ngày Phật Đản mồng 8 tháng 04 năm Canh Tý – 2020
Lưu Thiên An
Lưu Thiên Ân


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)