Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. ĐỀN THỜ;TỪ ĐƯỜNG; LĂNG MỘ .
Đăng ngày 23/5/2023
E-mail     Bản in

VỀ MỘ CHÍ THÁI PHÓ LƯU KHÁNH ĐÀM
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm) - Bia mộ chí Thái phó Lưu Khánh Đàm (1093-1161) nguyên ở xã Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có tên là Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí (gọi tắt là mộ chí). Bia nay không còn, thác bản cũng không có. Văn bia do Lý trưởng cùng các hào mục xã đó sao chép lại vào đầu thế kỷ này. Bản sao chép ấy hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1027. Tất cả có 385 chữ.
Trước đó vào năm 1855, Tiến sĩ triều Nguyễn là Ngô Thế Vinh (1802-1856) có viết tiểu sử Lưu Khánh Đàm và em ông là Lưu Khánh Ba. (Xem: Nhị Lưu Thái phó thần sự trạng, ký hiệu A.1027). Những đoạn ông viết về Lưu Khánh Đàm, đều phù hợp với nội dung của Mộ chí. Chứng tỏ, đến thời điểm ấy (1855), bia mộ chí vẫn còn, và Ngô Thế Vinh đã dựa vào Mộ chí để viết tiểu sử Lưu Khánh Đàm. Sau này hào mục địa phương lại sao chép lại Mộ chí, và bản Mộ chí, ký hiệu A.1027 là đáng tin cậy.

Lưu Khánh Đàm là một nhân vật lịch sử quan trọng triều Lý. Năm 1127, Lý Nhân Tông sai Lưu Khánh Đàm và Mậu Du Đô tuyển chọn các quan chức đô... (Đại Việt sử ký toàn thư), Bản Chính Hòa, Bản kỷ, Q3, các tờ 25b, 32a)...

Nhưng từ trước tới nay, ngoài vài dòng ngắn ngủi ghi ở Toàn thư, chưa có công trình nào giới thiệu riêng về ông một cách đầy đủ. Có thể nói Mộ chí là tài liệu cổ nhất và đầy đủ nhất về Lưu Khánh Đàm. Tuy vậy, Mộ chí không ghi rõ năm soạn, nêu một số công trình gần đây, khi dẫn viết về thời gian hoạt động của ông, có chỗ lầm lẫn. Một thí dụ tiêu biểu là Thơ văn Lý Trần (tập 1, tr.430) cho rằng Lưu Khánh Đàm sống và hoạt động vào thơi kỳ Lý Thái Tông (1028-1054) trong khi, như dưới đây chúng tôi khảo sát, thì mãi đến năm 1093 Lưu Khánh Đàm mới ra đời.

Mộ chí tuy không ghi năm soạn, nhưng nói rõ ông mất vào tháng trọng đông, năm Tân Tỵ (Tân Tỵ trọng đông nhập tư mộ quynh). Căn cứ vào những ghi chép của Toàn thư: Tháng 12 năm 1127, “Vua không khỏe, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu (Toàn Thư, Bản kỷ, Q3, tờ 25b)... “Tháng 8 (năm 1128) xuống chiếu cho Lưu Khánh Đàm... chọn các quan chức đô: (sđd, tờ 32a). Tháng 3 (năm 1129)... vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt được (hươu trắng) (sđd, tờ 33b) và nhất là dòng ghi chép dưới đây: Tháng 11, năm Tân Tỵ (1161) “Thái úy Lưu Khánh Đàm mất (sđd, Q4, tờ 13b) thì tháng Trọng đông, năm Tân Tỵ mà Mộ chí ghi đúng là tháng 11 (âm lịch) năm 1161.

Lại, Mộ chí nói là ông hưởng thọ 69 tuổi “niên đăng lục thập hữu cửu, phi chiết đoản đã” (Tuổi thọ tới 69 không phải là chết non)... Như vậy thì Lưu Khánh Đàm sinh năm 1093 mất năm 1161.

Vậy tại sao Thơ văn Lý Trần lại cho rằng Lưu Khánh Đàm sống và hoạt động vào thời kỳ Lý Thái Tông (1028-1054). Đó là vì Thơ văn Lý Trần dựa vào một đoạn văn bia chùa Hương Nghiêm, núi Càn Ni (Càn Ni Hương Nghiêm tự bi minh) Đoạn đó như sau:

“Thời Thái Tông trạch bỉ quân dân, sư tòng huynh Thái phó Lưu công trác nhiên hữu dị, chiếu nhập nội đình. Ký Thánh Tông lập cực, công thị duy ác chi trung, lũy thừa sủng quyến. Đãi dương kim Minh Hiếu hoành đế tiễn tộ ngự bảo, niệm công bật lượng) tam đại hữu công, phong vi Nhập nội nội thị sảnh, đô đô tri, Kiểm hiệu thái phó kiêm Cung dịch sứ, Đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Thực ấp lục thiên thất bách hộ, thực thực phong tam thiên hộ...”.

(Bấy giờ, vua Lý Thái Tông lựa chọn người trong quận, người anh họ của thiền sư (Đạo Dung) là Thái phó Lưu công, dáng vẻ khác thường, vua xuống chiếu cho vào nội đình. Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, ông hầu hạ nơi màn trướng, luôn được vua tin dùng. Đến nay, Minh Hiếu hoàng đế (Lý Nhân Tông) ngự ngôi báu, nghĩ ông có công giúp rập ba triều (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông) phong ông làm Nhập nội nội thị sảnh, Đô đô tri, Kiểm hiệu Thái phó kiêm Cung dịch sứ, Đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Thượng trụ quốc Khai quốc công. Thực ấp 6 nghìn 7 trăm hộ, thực thực phong 3 nghìn hộ...).

Thơ văn Lý Trần cho rằng “Thái phó Lưu công” ở đoạn trên là Lưu Khánh Đàm (xem chú thích 9, tr 430, tập 1) và chú rõ: “Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí thì quê quán và chức tước của Lưu Khánh Đàm và vị thái phó Lưu công ghi trong bia chùa Hương Nghiêm trên đây là hoàn toàn thống nhất”.

Thực ra, Đại Việt sử ký toàn thư không ghi quê quán của Lưu Khánh Đàm. Về chức tước, chỉ ghi 2 chữ “Thái úy” Mộ chí có ghi quê quán của Lưu Khánh Đàm nhưng có những chi tiết khác với văn bia chùa Hương Nghiêm. Cả tên quan chức của vị “Thái phó Lưu công” ghi trên bia chùa Hương Nghiêm cũng khác với quan chức của Lưu Khánh Đàm trong Mộ chí. Xin đối chiếu:
 
Xuất xứ Quê quán Quan tước
Mộ chí
(Lưu Khánh Đàm)
Nguyên quán: Thôn Yên Lãng, giang Ngũ Huyện, quân Cửu Chân, Châu Ái. Ông bà nội đem 5 người con dời quê hương. Suy thành tá lý công thần, Quang lộc đại phu nhập nội thị sảnh, Đô đô tri, Tiết độ sứ, Đồng tam ty bình chương sứ, Thượng trụ quốc khai quốc công. Thực cấp 6000 hộ, thực phong 3000 hộ
Bia chùa Hương Nghiêm (Thái Phó Lưu Công) Không ghi rõ quê quán. Chỉ nói Thái Phó Lưu Công là anh họ của thiền sư Đạo Dung, quê quán thiền sư ở giang Ngũ Huyện, quận Cửu Chân, Châu Ái. Nhập nội nội thị sảnh, Đô đô tri, Kiểm hiệu Thái phó kiêm cung dịch sử. Đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Thượng trụ quốc, khai quốc công, thực cấp 6700 hộ, thực thực phong 3000 hộ...

Điều khác biệt rõ rệt là: Lưu Khánh Đàm làm Tiết độ sứ, Đồng Tam ty bình chương sự. Còn vị Thái phó Lưu công (ở bia chùa Hương Nghiêm) làm Kiểm hiệu Thái phó kiêm cung dịch sứ, Đại tướng quân. Như vậy, có thể có hai vị Thái phó Lưu công: Một vị, như chúng ta đã biết, là Lưu Khánh Đàm, sinh năm 1093 mất 1161, trải thờ 3 triều vua Lý Nhân Tông, (1027-1127), Lý Thần Tông (1128-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175). Một vị khác, sống và hoạt động chủ yếu vào thời Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1055-1071) và Lý Nhân Tông (1072-1128). Có thể tìm “lai lịch” của vị đó không?

Văn bia chùa Hương Nghiêm có đoạn (dịch): “Bấy giờ, vua Thái Tông chọn người trong quận, anh họ Thiền sư là Thái phó Lưu Công dáng vẻ khác thường, vua xuống chiếu vào nội đình “Mộ chí cũng có đoạn: (Dịch) “Ông nội, bà nội (của Lưu Khánh Đàm), đem theo 5 người con trai, (trong đó) có Huy Triết công, dời quê hương đi nơi khác, được hương đảng ca ngợi, tiếng tốt truyền tới kinh đô. Đời vua thứ 2 triều Lý có lệnh tiến cử con nhà lương thiện, ông được vào hầu trong nội đình...”

(Tổ Khảo, Tổ Mẫu hoài ngũ nam, hữu Huy Triết công, tức lữ vu khách quán yên. Hương đảng dự mĩ, kinh quốc ký văn. Lý thiên đệ nhị thế sắc tiến ôn lương chi hộ, sung vu nội thị chi mâu...)

Người được vào hầu trong nội đình thời Lý Thái Tông ở Mộ chí là Huy Triết công, cha của Lưu Khánh Đàm, chứ không phải là bản thân Lưu Khánh Đàm. Vị Thái phó Lưu công anh họ thiền sư Đạo Dung, được lựa chọn vào nội đình thời Thái Tông ghi trong bia Hương Nghiêm, chính là Huy Triết công, trong Mộ chí tức là cha Lưu Khánh Đàm, chứ không phải là Lưu Khánh Đàm như Thơ văn Lý - Trần khẳng định (tr 430, tập 1).

Đến đây, có thể tóm tắt mấy dòng tiểu sử Lưu Khánh Đàm như sau:

Lưu Khánh Đàm (1093-1161) nguyên quán ở xã Yên Lãng, giang Ngũ Huyện, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Thiệu Yên Thanh Hóa, sau dời đến xã Lưu Xá, phủ Long Hưng, nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình. Cha ông là Huy Triết Công vào thời Lý Thái Tông được chọn vào chốn Nội đình, trải thờ 3 triều vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông làm quan đến chức Kiểm hiệu Thái phó, kiêm cung dịch sứ, Đại tướng quân, tước Khai Quốc công...

Lưu Khánh Đàm là người tài giỏi, siêng năng, trung thành, thận trọng coi việc quân lữ có nhiều chiến công. Cuối đời vua Nhân Tông (năm 1127) với chức Thái úy, vâng mệnh nhận di chiếu phò tá Thần Tông lên ngôi Hoàng đế. Ông trải thờ 3 đời vua (Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông) làm quan với các chức tước; Quang lộc đại phu, Suy thành Tá lý công thần, Nhập nội thị sảnh Đô đô tri, Tiết độ sứ. Đồng Tam ty bình chương sự, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Ông mất vào tháng 12 năm 1161 hưởng thọ 69 tuổi.

Như vậy là: việc lầm lẫn bắt nguồn từ nhận thức của người đời sau, cho Thái phó Lưu công trong bia chùa Hương Nghiêm (soạn năm 1125) và Thái phó Lưu quân, trong Mộ chí (soạn năm 1161) là 1 người Thái phó Lưu Khánh Đàm. Thực ra, đó là hai người, hai cha con Thái phó Lưu Khánh Đàm. Cả bia chùa Hương Nghiêm, Mộ chí và Toàn thư đều ghi chép trung thực về Lưu Khánh Đàm và cha ông là Huy Triết Công không hề có “chênh lệch”
Hoàng Văn Lâu