Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 5/5/2012
E-mail     Bản in

Chuyện lạ của những người anh hùng
NDĐT- Vừa rời tay khỏi chiếc cày, những chàng nông dân của chúng ta đã được ”bốc” thẳng lên buồng lái máy bay chiến đấu, sau khóa huấn luyện ngắn. Có lẽ trên thế giới hiếm nơi nào tuyển chọn phi công như thế, bởi nhiều người trong số này chỉ vừa học xong cấp... I. Sau hơn 33 năm trăn trở, Đại tá, Anh hùng phi công Lưu Huy Chao mới đây đã tìm được người giúp hoàn thành cuốn tự truyện Chúng tôi và MiG – 17 (NXB CAND. H.2009) kể về những ngày cùng đồng đội bảo vệ bầu trời miền bắc. Bảo vệ sự thật


 

 

Chuyen la cua nhung nguoi anh hung

Vẫn hiển hiện sự sống-chết trong gang tấc, đạn bom và tiếng gầm rú đặc trưng của chiến tranh, nhưng sâu hơn cả, phần lớn trang sách đã được dành cho đồng đội- cho những người còn sống, từng sống trong những ngày bảo vệ vùng trời của tổ quốc.

Nhiều người trong số họ bây giờ đã trở thành người hùng với những bảng lý lịch, thành tích chói lọi. Song dường như những ánh hào quang đó có lúc đã làm khuất những đốm sáng rất ”đời”.

Xuất thân từ nông dân, cho dù đã trở thành phi công, ”người hùng” nhưng khi xuống mặt đất họ lại trở về với ”bản năng” gốc rễ, đời thường mà hiếm lực lượng không quân hiện đại nào trên thế giới có được...

Kính trọng sự thật, cuối năm 2008 một nhà văn tự nhận ”chuyên viết dạng hư cấu” đã tìm một giọng văn hợp với thể loại tự truyện để ”chắp cánh” cho những điều mà ông Lưu Huy Chao và thế hệ phi công lái MiG – 17 năm xưa muốn kể.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng người được nhờ giúp đỡ đã tìm Thủy Hướng Dương, một giọng văn nữ, ít xuất hiện trên văn đàn để cùng Đại tá Lưu Huy Chao thực hiện công việc ”viết cho tôi, cho những người còn sống và cả những người đã khuất” với quan điểm ”không viết lại lịch sử, mà chỉ muốn góp thêm một góc nhìn từ chuyện của ”người trong cuộc”.

Khát bay và khát ”yêu”

Tập trung từ nhiều địa phương khác nhau, phần lớn lớp phi công lái máy bay tiêm kích MiG – 17 của không quân Việt Nam vẫn chưa quên ”nguồn gốc nông dân” của mình. Sau một năm rong ruổi cùng các chứng nhân, Thủy Hương Dương kể lại vài chuyện lạ: Phi công của chúng ta ”thèm” được cày cấy. Đại tá Lưu Huy Chao ”mật lệnh” cho anh em mượn ruộng của dân để trồng lúa. Sản phẩm thu được hơn một tạ, các anh cất lại để... nấu rượu. Gốc nông dân, nhiều phi công vẫn nghiện chè đặc, thuốc lào.

Chiến đấu tất có thương vong. Giữa những năm 1960, MiG – 17 bị rơi nhiều lắm, có hôm bay bốn thì rơi mất hai, bay tám thì mất bốn... Mai Khắc Lộc bị bắn rơi, một mình mò mẫn trong rừng với vết thương nặng trên trán. Kiệt sức vì đói, khát. Lộc may mắn tìm được một cái hố do thú rừng đào rồi nằm xuống đó. Âu nếu chết, cũng có cái hố làm mồ... Nhưng anh không chết. Gần 10 ngày sau, Lộc được trung đoàn tìm thấy.

Dù ốm, nhưng nghe báo động, những anh nông dân đang nằm trên giường cũng căng tai nằng nặc xin được xuất kích. ”Để đào tạo một phi công bảo vệ tổ quốc phải mất... 80kg vàng. Mình không nằm để xem nó bắn phá được”.

Trước một núi chi tiết ngồn ngộn sức sống, có lúc Thủy Hương Dương đã phân vân không biết nên bỏ, lấy cái nào. Nhưng, chuyện đưa được 12 máy bay xuống sân bay trong điều kiện thời tiết khó khăn với lời hứa thưởng ”nếu xuống an toàn, sẽ cho tất cả về gặp vợ” là chi tiết đắt, được chị nâng niu đếm từng câu chữ.

Lính xa nhà, anh nào chẳng nhớ vợ. Có anh nhớ phát cuồng, giả ốm để được về quê. Cấp trên cho nghỉ phép liền hộc tốc chạy. Vừa đến ga đã nghe vợ vắng nhà, thế là hụt. Cả đơn vị khát vợ như ruộng hạn chờ mưa, nhưng chỉ duy nhất, có một anh rất sợ gặp vợ. Trước ngày nhập ngũ, gia đình quáng quàng ”bắt” về cho một cô vợ, thế là anh dỗi. Thi thoảng vợ anh vẫn đến sân bay tìm chồng, nhưng không gặp. Anh đi trốn.

Mỗi chuyến bay, vợ phi công cứ như ngồi trên lửa. Thủy Hướng Dương kể lại mẫu chuyện vợ của một phi công hễ nghe chồng xuất kích là tất tả đạp xe 30km đến sân bay, rồi ... khóc. Có hôm, anh không quay lại sân bay cũ, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay khác, thế là chị khóc vì tưởng đơn vị giấu tin chồng hy sinh.

Lặng lẽ chờ những âm thanh của hòa bình, trong khu nhà ”hạnh phúc” của phi công, vợ của những người lính đến thăm chồng lúc nào cũng làm sẵn một mâm cơm nóng sốt để ngồi chờ. ”Mỗi lần nghe tiếng bước chân, họ liền lao ra, ôm chầm lấy... rồi rối rít xin lỗi, vì nhầm!”, Thủy Hướng Dương như đã rơi nước mắt khi kể lại chi tiết này. Cũng là phụ nữ nên hình như họ dễ đồng cảm với nhau.

Những điều không dễ kể

Đoàn không quân Yên Thế được thành lập với ”vốn liếng” ban đầu gồm 21 phi công và chỉ huy sau chuyến huấn luyện ngắn ở nước ngoài. Có lẽ đây là khóa huấn luyện lạ lùng nhất, bởi trong ngày tốt nghiệp cả đơn vị mỗi người được phát cho một chiếc máy bay, vượt biên giới bay về nước.

Chiến công của MiG – 17 nói chung, và không quân Yên Thế nói riêng trong những năm chống Mỹ có thể không phải nhắc lại. Bởi những cái tên Lưu Huy Chao, Mai Khắc Lộc, Nguyễn Văn Bảy... đã là những ”thương hiệu” bắn rơi máy bay được thế giới biết đến.

Cay cú vì dính những ”đòn đau” ông chủ Nhà trắng đã lệnh cho không quân Mỹ phải tìm diệt bằng hết MiG – 17 của không quân Việt Nam, nhưng oái oăm, viên đại tá nhận lệnh đã bị bắn rơi, bắt sống trong trận đối đầu trên không giữa 4 MiG – 17 và 12 chiếc F4, F105 nhận lệnh ”tìm diệt” của Mỹ.

Nhưng sau những thành tích được nhiều người biết đến, ở một điểm khuất nào đó, nhưng phi công MiG – 17 của chúng ta vẫn là những người lắm tật... Và Thủy Hướng Dương là người được chọn để chép lại ”sự thật” mà có lẽ, theo ông Chao thì ”nó có thể làm ai đó chưa vừa lòng”.

Tôi đã đọc nó từ bản thảo của Thủy Hướng Dương, và có lúc phải mỉm cười, nhiều đoạn phải lặng đi vì cảm phục, nghĩ ngợi, rồi chạnh lòng trước những câu chuyện thật đến không thể thật hơn được nứa, "đời" không thể "đời" hơn được nữa. Đó là lúc anh Bảy đưa tay che lỗ thủng bị bắn trên thân máy bay và bị lực hút kéo tuột ra ngoài. Hoặc lúc một vài phi công chúng ta lên máy bay, lập công dù trước đó ít phút vẫn trong trạng trái lâng lâng say thuốc lào. Và trong cả một buổi họp rút kinh nghiệm, nhiều phi công đã xin nghỉ bay vì... sợ, như ông Chao nhớ lại, rất thật khi trực diện đối mặt với hy sinh và trách nhiệm của người lính: "Tôi nói thật chẳng có anh nào là không sợ, nhưng sợ thì sợ vẫn phải chiến đấu, tìm cách chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, chứ chả lẽ không bay nữa hay sao?"

Nhưng trong chiến tranh, những điều tưởng chừng không thể đã thành có thể, và nó cứ tồn tại, dường như không gặp trở ngại nào. Đó là những chuyện mà theo tôi và những người cùng làm sách, nếu không có những mẫu chuyện đặc ”tính nông dân” thế này thì còn lâu, chúng ta mới có một thế hệ ”nông dân ngồi trong buồng lái MiG – 17”.

Cuốn sách của Thủy Hướng Dương dày hơn 300 trang do NXB CAND xuất bản, được vinh dự được Nguyên TBT Lê Khả Phiêu viết lời nhận xét.

Quyển sách được thực hiện trong vòng một năm, với sự hỗ trợ của Quân không quân Việt Nam. Tác giả Thủy Hướng Dương và NXB đã đồng ý để báo NDĐT trích giới thiệu một phần nội dung tư liệu thú vị này nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam và 20 năm ngày Quốc phòng toàn dân.

* Đại tá, Anh hùng LLVT Lưu Huy Chao, sinh năm 1936 tại Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa.

* Được tuyên dương Anh hùng LLVT ngày 22- 12- 1969, khi đó là Đảng viên, Thượng úy, Đại đội trưởng Đại đội 2, Đoàn Không quân Yên thế, Quân chủng PKKQ

* "Trong 4 năm từ 1965- 1969), Lê Huy Chao đã đánh 19 trận, bắn rơi 6 máy bay địch gồm (2 F4, 2 F8, 1 F105, 1C47). Ngoài ra còn chỉ huy Biên đội đánh, yểm hộ cho đồng đội bắn rơi 11 chiếc..."- Trích tuyên dương của Chủ tịch Nước VNDCCH năm 1969.

* Đã được tặng thưởng:

- 1 Huân chương Quân công hạng 3

- 3 huân chương Chiến công (hạng 1,2,3)

- 1 Bằng khen

- 1 danh hiệu Chiến sỹ quyết thắng

- 6 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người (Huy hiệu Bác Hồ dành riêng tặng phi công)

 


Theo NHANDAN ONLINE