
Thiếu tướng Lưu Dương năm 2010 – Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam, PV Minh Sáng
Khi đến phòng bệnh Ông đang nằm, chúng tôi thực sự hết sức bất ngờ. Theo hướng dẫn của nhân viên y tế trực, tôi đến phòng thì gặp một người phụ nữ khoảng 35 tuổi nói tiếng miền Tây. “Chúng tôi xin vào thăm ông Dương”. - Chị này hỏi: các anh là ai và ở đâu đến thăm? - Tôi là người bà con cùng quê Hạ Trạch, Quảng Bình, nghe tin ông bệnh nặng nên tìm đến thăm. Khi nghe giới thiệu xong chị này mời vào. Nhìn vào giường bệnh, thấy Ông nằm và kêu la vì đau, hai cánh tay cẳng chân phải buộc vào thành giường để ông không dùng tay gỡ các ống truyền thức ăn, ống thông tiểu. Chúng tôi gọi: Ông Dương ơi, chúng con người Cao Lao đến thăm ông này. Nghe tiếng gọi ông yên lặng nhưng không trả lời cũng không nói được gì còn đôi mắt cũng không mở được. Quay qua người phụ nữ hỏi xem mối quan hệ như thế nào và bệnh tật của Ông thì người này cho biết: Quê miền Tây, được thuê chăm sóc người bệnh trong viện. Cô ấy cũng không quen biết gì từ trước mà những người trong bênh viện giới chăm sóc bệnh nhân chứ không biết ông bệnh gì, từ lúc nào.
Khi chúng tôi đang hỏi chuyện thì có một Bác sĩ nữ đi vào phòng bệnh hỏi: Ai là người nhà và ai là người đã chăm sóc Ông tại gia đình? Câu trả lời là không có ai ở đây và không biết. Bác sĩ này nói tiếp: Khi nào có người nhà đến thì bảo sang gặp tôi. Trong khi đó Bệnh viện Thống Nhất và nhà Ông Dương cách nhau khoảng trên dưới 1km.
Trong tình huống như thế, chúng tôi không biết tìm hiểu và hỏi thăm gì được nhiều hơn nên chào Ông và cô nuôi bệnh ra về. Trên đường xuống tầng trệt (Ông Dương nằm lầu 4) ra lấy xe trong lòng tôi day dứt và suy nghỉ mãi. Tại sao một vị Tướng, một cán bộ cao cấp với điều kiện không khó khăn lắm (có thể nói là khá) lại nằm viện ttrong tình cảnh thế này? Không về ngay mà tôi ngồi lại ghế đá và tự đặt ra nhiều câu hỏi nhưng không có người trả lời. Nhìn vào phòng bệnh không thấy một hình ảnh dấu tích nào của người thân đến chăm sóc, cũng không thấy hình ảnh, vật dụng hay phẩm vật gì của gia đình cũng như khách thăm viếng … Phòng bệnh lạnh lẽo, trống vắng (so với các phòng bệnh khác) trong khu cán bộ Trung cao cấp….

Thiếu tướng Lưu Dương nằm điều trị tại Bệnh viện Thống nhất,TP.HCM
Ngồi khoảng hơn 30 phút, tôi không đành lòng về mà quay trở lại phòng bệnh của Ông Dương. Lúc này trong phòng Ông xuất hiện thêm 1 người phụ nữ khoảng 40 tuổi. Trao đổi tìm hiểu một lúc thì biết thêm chị này cũng là người giúp việc tại gia đình trong gia đình Ông Dương (gia đình chị Thúy) và không cung cấp được gì thêm. Lúc này chúng tôi dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh nhưng chị nuôi bệnh không muốn còn chị giúp việc nói tùy các anh.
Năm 1996, tôi đã có dịp ghé thăm gia đình Thiếu tướng Lưu Dương tại P,13, Q. Tân Bình. Năm 2004 bà Nguyễn Thị Xuân Ba – vợ ông Dương khi qua đời tại số 361, đường Nguyễn Thái Bình, phường 12, Q.Tân Bình (TP. HCM) chúng tôi cũng đến thăm viếng. Ông bà chỉ có một người con trai duy nhất là anh Lưu Quang Đạo tuổi khoảng 50. Anh Đạo bị khuyết tật từ lúc sơ sinh, khả năng nhận thức và điều khiển hành bị hạn chế rất nhiều chủ yếu nhờ sự trợ giúp, phát âm cũng thế. Qua một số lần được đến thăm gia đình và thấy tình cảnh của Ông khi vào viện như thế nên tìm hiểu thêm về hoàn cảnh thực tại thì được biết. Vài năm gần đây, Ông và anh Đạo đang sinh sống cùng với gia đình chị Thúy anh Chiến nhà đối diện với nhà Ông Dương trên đường Nguyễn Thái Bình. Chị Thúy là cháu gọi bà Nguyễn Thị Xuân Ba – vợ ông Dương là dì ruột (mẹ chị Thúy là em bà Xuân Ba). Anh Chiến chồng chị Thúy nguyên trước đây là lái xe của đơn vị Ông Dương. Trong một lần chở Ông về thăm quê vợ nên đã làm quen giới thiệu sau đó nên duyên với chị Thúy. Nhà ông Dương đang dùng cho thuê và giao cho vợ chồng chị Thúy quản lý … Vì đây là vấn đề tế nhị và chuyện riêng tư nên chúng tôi không tìm hiểu hỏi thêm gì và không tiện nêu ra đây.

Thiếu tướng Lưu Dương cùng con trai là anh Lưu Quang Đạo năm 2010 - Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam, PV Minh Sáng
Thực sự vì nghĩa tình Cao Lao, vì những trăn trỡ đối với một vị Tướng, một người con ưu tú của quê hương Cao Lao Hạ đã trải qua 3 cuộc kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn nên tôi viết ra điều này. Qua bài viết với mong muốn cung cấp một số thông tin để bà con ở quê hương cũng như trong khu vực Đông Nam bộ, những đồng đội của Ông biết và chia sẻ với gia đình ông Dương.
Ngay sau khi rời bệnh viện về nhà, tôi đã viết bài này. Tuy nhiên tôi không gửi ngay cho trang tin caolaoha.com vì có điều gì đó làm tôi phân vân. Vì thế, nói lên điều này có gì thiếu sót, chưa thuận tình nêu trong bài viết kính mong bà con cô bác, bạn đọc lượng thứ bỏ qua và góp ý thêm.
Bình Dương, ngày 20 tháng 9 năm 2015