Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 24/11/2012
E-mail     Bản in

Chữ Nhân trong Nhà lưu niệm LƯU TRỌNG LƯ
(Baonghean) Sinh thời, nhà thơ Lưu Trọng Lư ước mơ có một mảnh vườn, một ngôi làng nhỏ giữa làng quê đầm ấm, thanh bình. Bài thơ “Miếng đất” của ông có đoạn:
                                                                                                                   Tôi nào mơ nhà cao cửa rộng
Chỉ xin dăm thước đất
Mần cái ao nhỏ
Đêm nằm nghe con mè con trắm chơi trăng
Tháo lòng, trồng sống được vài cây
để năm 2000 chăng chớ
Vào tay áo này được đón gió ngàn khơi

Thấu cảm nỗi ước ao của Lưu Trọng Lư, ngay sau khi nhà thơ qua đời, vào cuối năm 1991, các con ông – mà người chịu trách nhiệm chính là một người con trai của ông, nhà báo, nhà thơ Lưu Trọng Văn – đã tìm mua một mảnh đất ở ngoại vi Thành phố Hồ Chí Minh. 5 năm sau, nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Lưu Trọng Lư (10/8/1991 – 10/8/1996), gia đình nhà thơ cùng đông đảo bạn văn chương, bạn đọc đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà Lưu niệm tại mảnh đất ấy, nay thuộc khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7. Khu đất rộng 800 mét vuông, cạnh những nhà dân, cũng có vườn mát xanh cây cối và ao chuôm tương tự.
 
Một số hiện vật trong Nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư

Nhà ở và Nhà Lưu niệm tách riêng nhau, xen giữa là các vạt cỏ, các cụm cây, khoảng trống làm sân và đường đi. Hàng cau, hàng dừa, khóm tre ngà và một số cây cảnh khác được trồng ở những nơi thích hợp, tôn lên vẻ ưa nhìn của một khuôn viên nhỏ. Vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, nghệ sĩ Tôn Lệ Minh, đã sống những năm cuối đời tại đây. Khách thăm trước khi bước vào Nhà Lưu niệm, xin hãy thắp hương nơi phần mộ của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Nhà mộ do kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, trưởng nam của Lưu Trọng Lư, thiết kế và hướng dẫn thi công. Vòm mái nhà mộ hình chữ Nhân, lợp ngói đỏ bên dưới, phía đầu mộ được đỡ bằng một trong những cột gỗ hình cái bút chĩa lên trời. Phía trên bệ đá của ngôi mộ tượng trưng là lọ tro đặt trong hộp kính đưa từ Hà Nội vào sau khi thi hài nhà thơ được hỏa táng. Phía dưới bức chân dung nhà thơ là hai dòng thơ:
 
Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ,
Vì thương người lắm mới say thơ.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư truyền lại chữ Nhân cho con cháu cùng bạn đọc. Gia đình Lưu Trọng Lư lưu ý đặc biệt đến chữ Nhân khi tạo lập một ý tưởng về Nhà Lưu niệm, việc làm này chắc chắn làm cho linh hồn nhà thơ mát mẻ.

Nhà Lưu niệm có hai tầng, một góc phòng dành đặt bàn thờ bà Tôn Lệ Minh. Người nghệ sĩ đàn tranh, người bạn đời của nhà thơ Lưu Trọng Lư như chưa hề xa khuất: bà hiển hiện ở cây đàn tranh kia, hiển hiện ở bức ảnh thời con gái nhan sắc kia.

Ngước lên cao, dòng chữ Tôi thà bị lừa, còn hơn không tin vào con người viết trên vải trắng gợi nhớ đến giờ phút đưa tiễn nhà thơ Lưu Trọng Lư đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tấm vải trắng có dòng chữ của Lưu Trọng Lư, từng phủ trên quan tài. Nhìn quanh các bức tường, thấy nhiều câu thơ, bài thơ được gia đình viết trên vải hoặc trên tấm giấy lớn.

Bài thơ “Miếng đất” cũng được gia đình viết trên vải treo cùng các bài thơ khác. Rồi bài thơ của Thế Lữ gửi Lưu Trọng Lư viết vào mùa Thu năm 1972, nhan đề Thu nữa rồi sao và bài thơ của Lưu Trọng Lư viết năm 1972, nhan đề Sắp Trung Thu, gửi Thế Lữ bên cạnh lời viếng của các đồng chí Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp là bài thơ của nhà thơ Tố Hữu viết vào ngàytiễn đưa Lưu Trọng Lư:

 
Lưu Trọng Lư ơi! Biệt cõi trần
Tiếng Thu man mác nhạc trong ngần
Nửa đêm sực tỉnh, đời pha mộng
Da diết lòng anh, một chữ Nhân!

Theo Phạm Đình Ân


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)