Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 23/11/2012
E-mail     Bản in

Xuân Quỳnh, một giọng thơ tình ám ảnh
QĐND - Xuân Quỳnh là một nhà thơ bẩm sinh, một nhà thơ vút lên từ số phận, từ tình yêu không bao giờ vơi cạn. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, chị đã đi một cách trọn vẹn trên con đường lớn của thơ ca. Con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời. Hàng mấy chục năm nay, thơ Xuân Quỳnh đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ bạn đọc và nó sẽ còn song hành cùng với những thế hệ mai sau.
 
Nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu
 
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày sinh nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, ngày 23-10, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm “Xuân Quỳnh, còn mãi một tình yêu”. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xin trích ghi một số ý kiến tại buổi tọa đàm.

PGS, TS Lưu Khánh Thơ:

Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ tình hàng đầu của thời kỳ hiện đại. Từ chặng đường đầu tiên mới bước vào làng thơ cho đến những ngày tháng cuối của cuộc đời, trái tim chị luôn cồn lên với những khát vọng yêu thương không ngừng nghỉ. Những người thân thiết với Xuân Quỳnh đều biết chị có thói quen diễn tả sự việc và tâm trạng mình qua thơ rất chính xác, đúng đến từng chi tiết nhỏ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh gắn với những con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Khi xâu chuỗi các bài thơ của Xuân Quỳnh lại, có thể thấy cả tiểu sử cuộc đời chị. Chị đã nghĩ bằng thơ, sống bằng thơ, dùng thơ để tự hiểu mình và cũng giúp mọi người hiểu mình. Những dòng thơ như biết chia sẻ với chị cả những niềm vui sướng cực độ, lẫn những đau đớn đến xé ruột xé lòng. Thơ Xuân Quỳnh chính là đời sống của chị, là những tâm trạng thật của chị trong mỗi bước vui buồn của đời sống.

Trước Xuân Quỳnh có lẽ chưa có người phụ nữ làm thơ nào đã nói về tình yêu bằng những lời cháy bỏng, tha thiết và nồng nàn đến như thế: Con sóng dưới lòng sâu / Con sóng trên mặt nước / ôi con sóng nhớ bờ / Ngày đêm không ngủ được / Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức…. Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ... (trích bài “Sóng” của Xuân Quỳnh).

“Sóng” và “Thuyền và biển” là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết gia tài thơ của những đôi lứa yêu nhau. 

Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất trân trọng và khao khát tình yêu. Cũng chính vì lẽ đó mà thơ chị đầy ắp lo âu, e ngại. Trong cuộc đời đầy biến động này, tình yêu quả là một cái gì đó thật mong manh, dễ đổ vỡ, bao giờ nó cũng kèm theo nỗi khắc khoải không yên: Em lo âu trước xa tắp đường mình / Trái tim đập những điều không thể nói... (trích bài “Tự hát” của Xuân Quỳnh”.

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái:

Về phương diện nữ sĩ, Quỳnh là một người cầm bút hạnh phúc. Tất cả niềm vui, nỗi khổ, những lênh đênh bảy nổi ba chìm của Quỳnh được thơ trang trải hết. Thơ là khuôn mặt ngời ngợi sáng trong của tâm hồn Quỳnh. Có bao nhiêu ánh sáng cũng được phản chiếu qua thơ và ngay cả khi Quỳnh như một chiếc lá đã lìa cành thì thơ vẫn tiếp tục sự tồn tại của Quỳnh trên cõi đời này. Chỉ mỗi thơ -chứ không phải người -đã thủy chung như nhất với Quỳnh, là nơi yên nghỉ êm đềm cho tâm hồn mệt mỏi của Quỳnh.

Thơ, với Quỳnh, đích thực là một hạnh phúc. Quỳnh bắt đầu đời làm thơ của mình dung dị, hồn nhiên như một con sông vận hành ra biển với những con sóng nhỏ nồng nàn, khao khát vị mặn trùng khơi. Hình tượng con sóng thơ ấy của Quỳnh ngay từ khi xuất hiện đã mang trong mình nó những đặc tính song đôi tương phản - dự báo một tính cách thơ chói gắt, đầy suy tư trăn trở sau này của nữ sĩ Xuân Quỳnh-Dữ dội và dịu êm-ồn ào và lặng lẽ-sông không hiểu nổi mình-sóng tìm ra tận bể-ôi con sóng ngày xưa-và ngày sau vẫn thế -nỗi khát vọng tình yêu-bồi hồi trong ngực trẻ… Bản chất nồng nhiệt trong thơ của Quỳnh dường như dễ ứng với sức sống ồ ạt, ập ã của sóng, của sông và của biển. Chỉ với nôn nao mong ngóng cháy bỏng của riêng Quỳnh, mới có thể viết da diết thế về sóng.

Thơ của Quỳnh không phải là thứ thơ tình thuận bằng trắc để dễ thuộc lòng, nhưng một khi đã đi vào hồn người, nó sẽ mắc lại ở đó và trở thành cái mà người ta vẫn gọi là “những câu thơ thuộc nằm lòng”. Những câu thơ ấy giống hệt như những giọt nước sau cơn mưa qua, còn đọng lại trên lá cây. Chỉ cần một làn tâm thức gió xúc cảm ở đâu chợt đến, là những câu thơ ấy sẽ rụng ngay xuống vùng tâm thức và mồn một hiện lên giữa lòng ta. Và bao giờ lòng ta cũng phấp phỏng bồn chồn khi đọc hoặc lắng lòng nhớ lại chúng. Có lẽ, cái “khát vọng tình yêu” từng thiêu đốt thơ Quỳnh cũng thiêu đốt luôn người đọc nó. Rất có thể từ đâu không biết, bỗng bất chợt đến những câu thơ sao khắc khoải nhức nhối lòng ta thế này, dẫu chỉ là “một chút thơ tình” muộn mằn “cuối mùa thu”: Mùa thu nay sao bão mưa nhiều / Những cửa sổ con tàu chẳng đóng / Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm / Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh / Em lo âu trước xa tắp đường mình / Trái tim đập những điều không thể nói / Trái tim đập cồn cào cơn đói / Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn… 

Thực ra, thơ với đời Quỳnh chỉ là một. Thơ và Quỳnh làm tôi bao giờ cũng liên tưởng đến một người đàn bà yêu đến hết và đến chết -một phẩm chất thơ và phẩm chất người ngày càng trở nên hiếm quý trong thế giới hôm nay phai bạc của chúng ta.

Nhà thơ Phạm Khải:

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhắc tới những đại diện tiêu biểu ở mảng thơ tình, thường người ta vẫn kể tên hai thi nhân Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Sau này, bên cạnh tên tuổi Xuân Diệu, người ta nhắc tới Xuân Quỳnh. Vẫn biết, ngoài hai tác giả nói trên, ở ta còn không ít người làm thơ tình hay, song về cơ bản, ai nấy đều thừa nhận Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai tiếng thơ có sức chinh phục đông đảo bạn đọc. Cả Xuân Diệu và Xuân Quỳnh đều giống nhau ở giọng thơ nồng nàn, da diết và đều có chung tâm trạng lo lắng, cuốn quýt như thể tình yêu chỉ là một thứ bong bóng mong manh dễ vỡ.

Năm 1962, Xuân Diệu có bài “Biển”. Một năm sau, Xuân Quỳnh cũng lại có “Thuyền và biển”. Đó là hai bài thơ tình thuộc loại nổi tiếng nhất của hai người. Chúng có cấu tứ tương đối giống nhau. Trong bài thơ của mình, Xuân Diệu ví người con trai như biển, người con gái là bờ, còn Xuân Quỳnh thì ngược lại: Những đêm trăng hiền từ / Biển như cô gái nhỏ / Thầm thì gửi tâm tư / Quanh mạn thuyền sóng vỗ... Bài thơ của Xuân Diệu có chỗ gào thét, trào dâng nhục cảm: Cũng có khi ào ạt / Như nghiến nát bờ em / Là lúc triều yêu mến / Ngập bến của ngày đêm... Xuân Quỳnh cũng đề cập tới chuyện này, nhưng là phụ nữ, chị kín đáo hơn: Cũng có khi vô cớ / Biển ào ạt xô thuyền / Vì tình yêu muôn thuở / Có bao giờ đứng yên...

Thật khó so sánh cái hơn, cái kém giữa hai bài thơ. Xuân Diệu kết thúc bài “Biển” bằng một hình ảnh có sức bung phá, rất tạo ấn tượng: Để những khi bọt tung trắng xóa / Và gió về bay tỏa nơi nơi / Như hôn mãi ngàn năm không thỏa... kèm theo đó là một tiếng kêu thống thiết: Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!... Xuân Quỳnh không biểu lộ tình cảm bộc trực như vậy. Chị không dùng từ “yêu” nhưng các hình ảnh nhắc tới ở phần kết bài vẫn đủ giúp chị gửi đi thông điệp tình yêu của mình: Những ngày không gặp nhau / Biển bạc đầu thương nhớ / Những ngày không gặp nhau / Lòng thuyền đau rạn vỡ / Nếu từ giã thuyền rồi / Biển chỉ còn sóng gió / Nếu phải cách xa anh / Em chỉ còn bão tố...

Nhà văn Lê Phương Liên:

Những tập sách Kim Đồng: “Mẹ con nhà mối”, “Bao giờ con lớn”, “Mùa xuân trên cánh đồng”, “Vẫn có ông trăng khác”, “Bến tầu trong thành phố” và đặc biệt là tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” từng được giải thưởng của Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam và sau này được đưa vào “Tủ sách vàng” của NXB Kim Đồng, đã ghi nhận Xuân Quỳnh là một tác giả vào hàng xuất sắc nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Nếu ở trong thơ Xuân Quỳnh say đắm với tình yêu thì ở trong truyện thiếu nhi, tình yêu của chị thật đằm thắm vì chị viết cho thiếu nhi trước hết là viết cho chính con mình. Có lẽ với người phụ nữ đời làm con gái thì ngắn, đời làm mẹ dài hơn. Xuân Quỳnh gặp gỡ Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ ra đời như một đóa hoa của mối tình ấy. Chị làm thơ cho cả ba con, nhưng với cậu con út chị dành nhiều bài đắm đuối say sưa nhất. Có lẽ những bài như “Con yêu mẹ”, “Truyện cổ tích về loài người”, những bài thơ hay nhất của thơ thiếu nhi Việt Nam đã ra đời trong một khối tình như thế.

Bài “Con yêu mẹ” như một câu chuyện hỏi đáp giữa mẹ và con muôn thuở và Xuân Quỳnh đã là người sáng tạo. Bắt đầu từ một cõi mênh mông: Con yêu mẹ bằng ông trời / Rộng lắm không bao giờ hết / Thế thì làm sao con biết / Là trời ở những đâu đâu / Trời rất rộng lại rất cao / Làm sao con tìm thấy mẹ?
Chúng ta có khá nhiều bài thơ, bài hát về “Mẹ yêu con” nhưng “Con yêu mẹ” thì mới chỉ có Xuân Quỳnh. Chị đã làm một phép nghịch đảo, một lối đùa vui, một chút dí dỏm, hóm hỉnh và chính vì thế mà bài thơ đi vào lòng các em nhỏ đầy thú vị. Từ cõi mênh mông của bầu trời, chị đã dắt các em về sự gần gũi: à mẹ ơi có con dế / Luôn trong bao diêm con đây / Mở ra là con thấy ngay / Con yêu mẹ bằng con dế...

Cũng với phép nghịch đảo ấy, Xuân Quỳnh sáng tạo ra bài thơ “Truyện cổ tích về loài người”: Trời sinh ra trước nhất / Chỉ toàn là trẻ con…
Một câu nói đùa như chuyện ngược đời đã khiến trẻ em thích mê, cười phá lên vui vẻ… Có lẽ tình yêu con trẻ đã khiến Xuân Quỳnh trở thành một “nhà tâm lý” như vậy. Phải chăng tính hài hước là một yếu tố không thể thiếu trong văn học thiếu nhi và Xuân Quỳnh như bẩm sinh ra đã hài hước. Chị đã làm tươi thắm thơ thiếu nhi Việt Nam bằng tính hài hước đó.

Không chỉ có duyên với thơ thiếu nhi, Xuân Quỳnh còn có duyên kể chuyện. Chị đã sáng tạo ra một “tuổi thơ nghệ thuật” từ tuổi thơ của mình và tuổi thơ của các con. Chị là một trong những cây bút thành công đầu tiên về đề tài gia đình cho trẻ em. Chị viết về những chuyện trong nhà, về bà nội, bà ngoại và ông nội, ông ngoại với những chi tiết cảm động cười ra nước mắt. Những truyện ngắn “Bà bán bỏng cổng trường tôi”, “Thầy giáo dạy vẽ”, “Người làm đồ chơi”… chị viết về số phận những người thấp bé, yếu đuối, không ai chú ý trong xã hội với một tình yêu thương vô hạn. Có thể nói rằng, những truyện ngắn nho nhỏ ấy, có giá trị bồi dưỡng vun đắp cho tính nhân bản trong trái tim các em nhỏ. Thiết nghĩ, đấy chính là cái gốc của văn học thiếu nhi!

Xem bộ sưu tập Thơ - Xuân Quỳnh website : http://poem.tkaraoke.com/tim.tho?q=xu%C3%A2n-qu%E1%BB%B3nh&t=6
Theo HÀ XUÂN lược ghi