Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 22/12/2011
E-mail     Bản in

Ai là người hiến kế dời đô về Thăng Long ?
Sử xưa ghi năm 1010 Lý Thái Tổ cho dời đô về Thăng Long, bởi biết nơi đây là vùng đất trù phú, thuận lợi để phát triển muôn đời về sau. Tuy nhiên, phát hiện ra giá trị của vùng đất mà sau này được gọi là Thăng Long là Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) hay một vị công thần nào khác? Điều này hầu như vẫn còn là một ẩn số. Mới đây, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện được cuốn ngọc phả quý, ghi rõ cuộc đời, thân thế của người đã dâng kế dời đô.
 
Những thông tin quý từ bản Ngọc phả

Một số nhà nghiên cứu thuộc sở Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Thái Bình và viện Hán Nôm khi dịch cuốn Ngọc phả được lưu giữ trong đền thờ của làng Lưu Xá xã Canh Tân huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình đã phát hiện: các vị thần mà người dân nơi đây thờ tụng là người khai quốc công thần, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi và là người hiến kế dời đô về Thăng Long. Hai vị công thần đó là hai anh em cùng cha khác mẹ: Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều, sinh năm 989 mất năm 1058.

Cuốn ngọc phả ghi sự kiện quan trọng này có tên là: Lưu Đại Vương thần phả, viết bằng tiếng Hán trên một loại giấy bản khá dai và tốt, do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thảo vào năm 1572, trong đợt đầu soạn thần tích các vị thần của nước ta. Từ khi ra đời đến nay, trải qua chiến tranh, lũ lụt nhưng ngọc phả vẫn được dân làng giữ gìn cẩn thận trong một chiếc dương sắt cất trong hậu cung của đền thờ.

Ngọc phả ghi lại khá chi tiết thân thế cuộc đời của hai vị: cha là Lưu Ngữ, người gốc ở Châu ái (Thanh Hóa ngày nay), ra làm quan được vua ban ruộng lộc ở Lưu Xá. ông về đây và lấy thêm vợ hai. Vào cùng ngày cùng tháng cùng năm, hai bà vợ của ông trở dạ và sinh ra Lưu Đàm, Lưu Điều. Hai anh em từ nhỏ đã thông minh hơn người. Mỗi người có sở trường riêng: Lưu Đàm tinh thông về văn học còn Lưu Điều giỏi võ thuật. Hai ông được cha phó thác cho Lý Công Uẩn.

Năm Lê Long Đĩnh chết, ngọc phả ghi rằng: "Khi ấy triều đình vô chủ, Đào Cam Mộc bàn mưu với Đàm Công, Điều Công lập Công Uẩn làm chủ. Công Uẩn từ chối hai ba lần không dám nhận. Đàm Công tiến đến thưa rằng: "Nay Ngoạ Triều (tên hiệu của vua Lê Long Đĩnh, vị vua cuối cùng của nhà tiền Lê -PV) thất đức giết anh, ngược đãi mọi người. Hòa đao mộc lạc, quả là nhà Lê mất rồi. Uy đức minh công (chỉ Lý Công Uẩn) nơi nơi đều rõ, nguyện theo lời thỉnh cầu của mọi người cùng nhau hiệp lực làm cho điềm lành trấn động, ứng với trời và người cùng đồng thuận, xin chớ do dự”.

Lưu Đàm nói chưa dứt lời thì Lưu Điều chém đứt đôi trác án và nghiêm giọng nói: "Triều đình không thể một ngày vô chủ. Nay Lê Ngọa triều vô đạo, trời oán, người giận. Lý Công Uẩn uy đức vốn được trọng vọng, thiên hạ đồng lòng theo về cùng lập làm ngôi đế, kẻ nào dám càn dỡ sinh chuyện di nghị sẽ giống như chiếc án này. Cả triều đình nghe lời nói ấy, không ai không chấn động sợ hãi bèn phò Lý Công Uẩn làm ngôi vua, triều đình bái lạy, mừng hô vạn tuế”.

Cũng theo ngọc phả, hai anh em Lưu Đàm, Lưu Điều không chỉ giúp vua Lý Thái Tổ lên ngôi mà Lưu Đàm còn có công hiến kế dời đô cho vua: "Quang lộc đại phu (tức Lưu Đàm) dâng lời  rằng: "Long châu là địa phương giàu mạnh, chính là cái gốc  vững bền, đóng đô ở đây thì quốc gia cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch. Mong bệ hạ dời đô ra nơi đó”. Vua Thái Tổ thấy phải nên đã cùng văn võ bá quan chuyển đô ra Thăng Long ngày nay. Sau này Vua Lý Thái Tổ xét thấy Lưu Đàm là người có công đánh giặc (giặc Chiêm Thành, Tống) và có công hiến kế dời đô nên đã phong cho ông chức Thái phó khai quốc công thần. Cuối đời ông về Lưu Xá tu ở chùa Báo Quốc và giúp đỡ dân làng. Sau khi Lưu Đàm, Lưu Điều mất, dân làng đã thờ hai ông tại đền “Nhị Lưu thái phó”, cử người hương hỏa quanh năm.

Còn nhiều điểm bất đồng

Ngọc phả được tìm thấy tại đền làng Lưu Xá khẳng định sự đóng góp của hai anh em Lưu Đàm, Lưu Điều với đất nước. Đặc biệt Lưu Đàm còn là người tinh thông địa lý, có tầm nhìn xa trông rộng xướng xuất việc dời đô về Đại La (Hà Nội ngày nay). Điều này trái với những suy luận từ trước đến nay, vẫn cho rằng đề xuất này là của thiền sư Vạn Hạnh. Vì Vạn Hạnh là người nuôi dạy Lý Công Uẩn từ nhỏ, lại là người tinh thông địa lý. Tuy nhiên Lưu Đàm, Vạn Hạnh hay một người nào đó xướng xuất việc dời đô cho đến nay vẫn còn là ẩn số.

Trong Đại Việt Sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ  18, năm 1697) có nhắc 4 lần đến Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều (còn có tên gọi khác là Lưu Ba) trong các trang: 295, 298, 308, 323 của tập I . Trong cuốn Đại Việt sử ký tiễn biên, nhắc 5 lần đến Lưu Khánh Đàm trong trang: 260, 265, 267, 274, 291 và một lần đến Lưu Khánh Điều trong trang 263. Tuy nhiên lại không thấy nhắc đến những sự kiện như: Lưu Đàm phò vua Lý Thái Tổ lên ngôi, Lưu Điều đập tan trác án, Lưu Đàm xướng xuất dời đô...

Vấn đề xác định năm sinh năm mất của hai nhân vật Lưu Đàm, Lưu Điều trong sử sách cũng có độ vênh khá lớn. Theo ngọc phả và bia ký tìm được ở Thái Bình, hai ông sinh năm 989 mất năm 1058 thọ 69 tuổi, làm quan trong các triều Lý Thái Tổ (1010 1038), Lý Thái Tông (1028  1-54), Lý Thánh Tông (1054  1072). Tuy nhiên, sách sử lại ghi hai ông làm quan qua các triều Lý Thánh Tông (1054  1072), Lý Nhân Tông (1073 - 1127) đến Lý Thần Tông (1128 1138). Và cũng theo như sách sử thì hai ông sinh ra khá lâu sau sự kiện Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long, nên việc xướng xuất dời đô là không thể có.

Thế nhưng khi lật dở kỹ từng trang Đại Việt sử ký toàn thư ta cũng thấy có sự mâu thuẫn trong chính cuốn sách này: sách ghi Lưu Khánh Đàm chết hai lần: "Bính thìn (Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 4 (1136), Thái úy Lưu Khánh Đàm chết (trang 308) (Nguyên văn: Tân Tỵ Đại Định năm thứ 22 (1161) tháng 11 Thái úy Lưu Khánh Đàm chết (trang 323)).

Cũng dựa vào sách này thì suy ra năm sinh của hai ông Thái úy này là năm 1067, 1092, lúc này thì cha của hai ông, tức Lưu Ngữ đã mất từ lâu. Xung quanh việc bất đồng trong các tư liệu lịch sử, nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Minh Đức và nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn cho hay: "Những sai sót mâu thuẫn trong sử sách cũng dễ hiểu vì nhà Lý mất nửa thế kỷ không chép sử, mãi năm 1272 Lê Văn Hưu mới viết Đại Việt sử ký, rồi hơn hai thế kỷ sau (1479) Ngô Sỹ Liên mới viết Đại Việt sử ký toàn thư. Cũng theo hai ông: Ngọc phả hay thần tích không phải là lịch sử nhưng là nguồn tư liệu quý để tìm về quá khứ.

Thời điểm Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long  Hà Nội đã đến gần. Việc xác định những cứ liệu lịch sử liên quan đến quyết định dời đô rất có ý nghĩa. Vai trò, công lao của vua Lý Công Uẩn đối với sự hình thành và phát triển của Thăng Long- Hà Nội là không thể bàn cãi. Công lao, vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh đối với sự ra đời của nhà Lý và văn hoá xã hội của dân tộc cũng đã được sử sách, nhà khoa học khẳng định. Nhưng việc làm rõ sự công sức của những người đã có chủ kiến hay, giúp vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long-một quyết định có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển không chỉ của Thăng Long  Hà Nội mà còn với cả đất nước là một điều hết sức nên làm.      


Theo THÀNH HUẾ