Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 20/5/2017
E-mail     Bản in

Tưởng nhớ Nhà Biên kịch Lưu Quang Hà
(LUUTOC.VN) - Nhân dịp Tác phẩm Đêm Trắng của tác giả Lưu Quang Hà gốc dòng họ Lưu Quang - Nam Xá, huyện Nam Trực, Nam Định được Giải Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh năm 2017. Chúng tôi xin trích đăng lại bài viết của NSƯT Vũ Hà để cùng tưởng nhớ lại nhà Biên kịch tài hoa.

(HNM) - Đó là Lưu Quang Hà. Ông từ trần ngày 22-7-2008, hưởng thọ 81 tuổi. Đám tang ông ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội diễn ra trang trọng. Ngoài thân bằng cố hữu, bạn bè, bà con khu tập thể Trung Tự nơi ông sinh sống mấy mươi năm, nhiều hơn  cả là các cựu chiến binh, văn nghệ sĩ và khán giả sân khấu. Xin được trích đôi dòng về “người chiến sỹ ấy”.
 
Năm 17 tuổi chàng trai đất mỏ Quảng Ninh, Lưu Quang Hà đã có mặt trong đoàn quân Vệ quốc, đi khắp các chiến trường Đông Bắc, Khu Ba, rồi được sung vào đại đoàn Quân tiên phong lên chiến trường Tây Bắc, trực tiếp làm công tác hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính ở chiến trường lịch sử này anh đã tận mắt chứng kiến những kỳ tích của tướng lĩnh và bộ đội ta trong suốt 55 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đồng thời cũng biết đằng sau những chiến công nhiều chuyện đau lòng mà sau này với tư cách người cầm bút, Lưu Quang Hà đã phản ánh chân thực và dũng cảm trong những kịch phẩm của mình. Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông làm giảng viên triết học trường sĩ quan hậu cần (nay là Học viện Hậu cần). Năm 1976 ông đảm trách cương vị hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Rời giảng đường, nhà giáo Lưu Quang Hà sang làm chuyên viên cao cấp, cố vấn I Liên hiệp Thủ công - Mỹ nghệ Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu. Dù ở bất cứ vị trí nào, mọi người vẫn kính trọng và yêu quý gọi người đảng viên trung kiên, cựu trung tá quân đội nhân dân Việt Nam Lưu Quang Hà bằng cái tên trìu mến: Người chiến sĩ ấy!
 
Gương mặt quắc thước, giọng nói lúc nào cũng sôi sục nhưng ánh mắt lại đau đáu, trầm tư, chứa chất bao nỗi niềm. Rất khó gần ông nếu anh hay “ca cải lương” về đời sống hoặc tuôn ra những “lời có cánh” tô vẽ hiện thực. Ông chỉ thích đối thoại với những người có chính kiến, nhất là những ai thích “đốt lửa” giống ông. Nếu anh không đốt lửa! Ông đã hào hứng đọc tôi nghe không dưới ba lần thi phẩm giàu sức sống ấy của nhà thơ Na-dim Hít-mét. Và thật sự từ ngày “xông” vào kịch trường, trái tim luôn rực cháy của ông đã tỏa nóng từng trang bản thảo. Dường như không bám sát thời sự, nhưng tác phẩm của ông đều thấm đẫm tinh thần thời đại. Hình tượng, phải nói là thần tượng trong những kịch phẩm của Lưu Quang Hà là những anh hùng dân tộc. Vở dịch năm màn viết về Nguyễn Huệ - Quang Trung “Người anh hùng áo vải” với cảm hứng chủ đạo: Một ngọn cờ hồng vào Nam ra Bắc, xuất quỷ nhập thần. Áo vải chân đất, vì dân diệt giặc, trừ gian. Đánh nhanh, thắng nhanh một trận đập tan quân địch. Trăm trận trăm thắng, trên đời có một không hai! Tôn vinh tính kiêu dũng oai hùng nhưng cũng vô cùng nhân ái của người Việt ta. Âm hưởng này lại hừng lên trong vở kịch lịch sử “Trần Hưng Đạo - ba lần đại thắng quân Nguyên Mông”. Kịch phẩm “Đêm cuối cùng của Nguyễn Trãi” không hề bi lụy bởi thảm họa vụ án Lệ Chi Viên mà vằng vặc nhân cách cao khiết của Ức Trai: Thấy việc trái không ngăn, là bất nhân; thấy việc phải mà không làm là bất nghĩa; việc nhân nghĩa mà không làm thì cương thường đổ nát. Đạo lý bị giày xéo, nhân tâm ly tán, ắt dẫn tới bại vong. Đấy là  lời trăng trối hào sảng trong đêm cuối cùng của danh nhân văn hóa nước Việt, tên tuổi sáng mãi ngàn thu...
 
Đặc biệt Lưu Quang Hà dành nhiều thời gian, tâm lực viết những tác phẩm có hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm đầu tiên viết cho sân khấu và điện ảnh là “Đêm diễn “Rồng tre” ở Paris”. Năm 1923 Nguyễn Ái Quốc ở Paris  trên hành trình tìm đường cứu nước, đã viết vở kịch “Rồng tre” để vạch mặt bọn đế quốc và phong kiến nhân dịp ông vua bù nhìn Khải Định sang Pháp. Viết xong bị cấm, sau đó được câu lạc bộ ngoại ô Paris diễn trong một ngày đông giá lạnh. Vở kịch do các đồng chí hoạt động cách mạng người Âu, người Phi, cả chiến sĩ người Pháp biểu diễn, đã thành sự kiện chính trị ở thủ đô nước Pháp bấy giờ. Qua đó càng thấm thía thêm vì sao Bác Hồ của Việt Nam, còn là Bác Hồ của châu Phi nóng bỏng, của châu Mỹ sôi sục đấu tranh, của châu Á, châu Âu bừng bừng khí thế cách mạng... Vì sao thế giới nặng ân tình/ Nhớ mãi tên Người - Hồ Chí Minh/ Như một niềm tin, như dũng khí/ Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh... Kịch bản này của Lưu Quang Hà đã được dàn dựng phát nhiều buổi trên sóng phát thanh, truyền hình trung ương.
 
Trong số năm tác phẩm viết về Bác, thành công hơn cả, ghi dấu ấn Lưu Quang Hà đặc biệt hơn cả là vở kịch “Đêm trắng”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990, đã được các đoàn kịch danh tiếng nhất trong Nam ngoài Bắc dàn dựng, biểu diễn hàng ngàn đêm. Đêm diễn nào cũng gây niềm xúc động lớn lao, những cảm nhận sâu sắc của đông đảo đối tượng người xem. Vở viết về vụ án Bác Hồ xử tử hình một cán bộ cao cấp trong quân đội bị thoái hóa, biến chất - đại tá, cục trưởng cục quân nhu (trong kịch là nhân vật Hoàng Trọng Vinh). Trong đêm   trắng ấy, Bác Hồ đã nói với Hoàng Trọng Vinh: “Sức mạnh của cách mạng là lòng tin của quần chúng. Có lòng tin thì khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Mất lòng tin thì tan rã, sụp đổ. Cộng sản mà ăn cắp, mà hà hiếp nhân dân, mà hãm hại đồng chí, mà luồn nịnh cấp trên, thì còn ai tin, ai theo cộng sản nữa. Mất tiền, mất của còn tìm lại được. Mất lòng tin thì khó mà lấy lại được”. “Đêm trắng” là hồi chuông báo động “đỏ” về nạn tham nhũng đang có nguy cơ làm nghèo đất nước, suy thoái lòng tin vào chế độ.
 
Suốt đời cầm bút Lưu Quang Hà đã viết từ trái tim rực cháy. Nếu anh không đốt lửa? Lưu Quang Hà đã đốt lửa, ngọn lửa dũng khí, của tình yêu và niềm tin. Ngọn lửa ấy đang cháy  trong tôi, trong anh, trong mỗi chúng ta. Ngàn thu yên nghỉ, hỡi người đốt lửa không mệt mỏi...

 Hà Nội, 26-7-2008

 
 

Theo NSƯT Vũ Hà


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)