Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 20/2/2014
E-mail     Bản in

Lưu Tộc VN với Lễ hội Xuân Giáp Ngọ và Giỗ Tổ nghề vàng bạc Châu Khê
(LUUTOC.VN) - Ngày 19 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (18/02/2014) tại làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ hội Xuân và Giỗ Tổ nghề vàng bạc truyền thống của làng Châu Khê như hằng năm. Đoàn Lưu Tộc VN đã về dự lễ dâng hương, BBT LUUTOC.VN giới thiệu một số hình ảnh về Lễ Hội của Đoàn Lưu Tộc Việt Nam, hậu duệ liên quan đến Cao Tổ Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín.
 
Hình ảnh Đình Châu Khê trong ngày Lễ hội

Tham gia Lễ hội Châu Khê năm 2014 có các đoàn đại biểu đại diện cho Lãnh đạo huyện Bình Giang gồm có Ông Nguyễn Thái Sơn - TUV, Bí Thư huyện ủy; Ông Vũ Hồng Hiên - Phó BT.TT huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Ông Vũ Quang Sang - PBT huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương (Ông Nguyễn Tiến Quang, TBT Tạp chí VHTTDL); tất cả lãnh đạo xã Thúc Kháng (BT Nguyễn Huy Thư - Phó BT.TT Bùi Văn Hùng, Phó BT – Chủ tịch UBND Bùi Văn Cường...); TƯ. Hội MNKH - Đá quý Việt Nam (Chủ tịch Hội – TS. Lê Ngọc Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQVN); Hiệp hội làng nghề Việt Nam (Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch); cùng đông đảo nhân dân Châu Khê tại phố (Hàng Bạc) và tại hương (Châu Khê). Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên Đoàn đại diện Lưu Tộc Việt Nam về tham dự Lễ Hội, trong Đoàn gồm có các Ông Lưu Thế Lũy; TS. Lưu Văn Thành; Ông Lưu Viết Vượng; Ông Lưu Vĩnh Phúc và bà Hồ Phương Thảo.

Lễ hội long trọng tưởng niệm 724 năm Đông đạo Tiết chế Bình Nguyên Đại tướng quân Phạm Sĩ có công giúp nhà Trần 2 lần đánh thắng quân Nguyên Mông; tưởng niệm 824 năm Thống lĩnh cấm binh Chu Tam Sương (thời nhà Lý) có công khai sơn phá thạch lập Chu Xá Trang (nay là làng Châu Khê)[1] và tưởng niệm 554 giỗ Tổ nghề vàng bạc là Ngài Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín (đời vua Lê Thánh Tông thế kỷ 15 người có công khởi dựng nghề Kim hoàn)[2]. Đó là ba vị Thành hoàng làng được thờ trong đình Châu Khê, trong đó Tướng quân Phạm Sỹ được thờ ở giữa, Đức Thánh Chu Tâm Sương thờ bên trái và Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín thờ bên phải (từ ngoài nhìn vào)
 
Bàn thờ Đại Tướng quân Phạm Sĩ
   

                Tượng thờ Đức Thánh Chu Tam Sương                   


                Tượng thờ Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín
 
Ngoài ra, Lễ hội còn tưởng nhớ các danh nhân, nghệ nhân, Tiến sỹ, Anh hùng Liệt sỹ của làng Châu Khê có công với đất nước.

Riêng Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín được phong là “Nghệ công vàng bạc” và được thờ là Tổ nghề vàng bạc Châu Khê ngày nay. Thượng thư Lưu Xuân Tín (thế kỷ XV) được vua Lê Thánh Tông giao mở “Tràng đúc bạc nén” làm tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Đức Thánh Lưu Xuân Tín đã về quê Châu Khê tuyển trai đinh lên Thăng Long thành lập Tràng đúc bạc nén, sau phát triển cả ngành Mỹ nghệ kim hoàn (MNKH) và đổi tiền. Đức Thánh đã khởi nguồn cho làng nghề Vàng bạc Châu Khê tại Hương (Châu Khê, Hải Dương) và tại Phố (Hàng Bạc, Hà Nội). Cụm di tích đình - chùa Châu Khê được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1991. Tại Hà Nội, Thượng Thư Lưu Xuân Tín được thờ cùng Hoàng đế Hiên Viên, (một nhân vật có tính chất thần thoại được coi là ông tổ của bách nghệ) - Tổ bách nghệ của Việt Nam tại có đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), nơi giao nguyên liệu và thu nhận bạc nén, một loại tiền tệ lưu hành đầu tiên của nước Đại Việt.

 

Lễ đón nhận Bằng Di tích VH-LS Quốc gia cho đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc (năm 2013)   
 
    Lễ Hội được tổ chức từ chiều ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (17/02/2014) với Tế cáo Yết Nam Quan, Tế Nữ Quan; Thi đấu thể thao, cầu lông, bóng bàn, bóng đá; gia đình các dòng họ tại làng vào dâng lễ; buổi tối có giao lưu văn nghệ bên Đình.

Sáng ngày 19 tháng Giêng là nghi lễ nhà nước tổ chức Lễ Hội và rước lễ. Ông Phạm Ứng Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng - Trưởng ban QLDT, Trưởng ban Tổ chức đã đọc diễn văn khai Hội. Tiếp theo là thủ tục đánh trống, đánh chiêng mở Hội. Lễ Tế bắt đầu bằng việc dâng và tuyên đọc Chúc văn của Chủ Tế và 2 Cụ phụ tế; rồi lần lượt các đoàn đại biểu vào dâng hương: Đoàn 5 bậc kỳ lão của làng dâng hương; Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, tiếp theo là các đoàn TƯ. Hội làng nghề Việt Nam, TƯ. Hội MNKH Việt Nam, Hội MNKH của tỉnh/TP: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng; Đoàn Lưu Tộc Việt Nam và các đoàn riêng lẻ của các dòng họ, gia đình, cá nhân vào viếng... Sôi nổi nhất là nghi thức và việc rước kiệu. Đoàn rước kiệu gồm: Đội kèn trống, đội quốc kỳ, đội múa lân, học sinh phổ thông, bát bửu, ba kiệu Tướng quân Phạm Sỹ, đức Thánh Chu Tam Sương và Tổ công vàng bạc Lưu Xuân Tín, cùng đội tế nam, tế nữ, CCB và các tầng lớp nhân dân...cùng tham gia lễ hội.   
 
Tiết mục hát quan họ liền anh - liền chị trên hồ trước Đình Châu Khê
 

Ông Phạm Ứng Kiệt (PCT UBND Xã, TB QLDT, TBTC Lễ Hội) đọc diễn văn khai mạc Lễ Hội
 
Không gian Lễ Hội
  
Đội Lễ Tế đọc Chúc Văn tưởng niệm trên đàn Tế
  
Năm Cụ Kỳ lão của làng dâng hương
 
 Đoàn Lãnh đạo huyện Bình Giang (do Ông Nguyễn Thái Sơn, TUV, BT HU dẫn đầu) và xã Thúc Kháng (do Ông Nguyễn Huy Thư, Bí thư Đảng ủy dẫn đầu) làm lễ
 
 
Đoàn Lưu Tộc Việt Nam dâng hương trên Đàn Tế
(Từ trái sang, hàng trước: TS. Lưu Văn Thành, Ông Lưu Thế Lũy, 
hàng sau: Ông Lưu Vĩnh Phúc, Bà Hồ Phương Thảo và Ông Lưu Viết Vương) 


Từ trái sang > Bà Hồ Phương Thảo - Ông Lưu Viết Vương - Ông Lưu Thế Lũy và Ông Lưu Vĩnh Phúc

             Làng Châu Khê nổi tiếng văn vật, thời nào cũng có người tài giúp nước, có công với Tổ quốc. Đường Võ có Tướng quân Phạm Sĩ, Chu Tam Sương; đường Văn có 7 tiến sỹ khoa bảng thời xưa; đường nghiệp là quê hương của những nghệ nhân vàng bạc nổi tiếng của đất nước từ thế kỷ XV, do “Nghệ Công Bạc Vàng” - Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín khởi xướng và dẫn dắt. Hiện nay, làng nghề có 99% hộ gia đình làm ngề vàng bạc với 1000 tay thợ kim hoàn, trong đó có 27 người được Nhà nước phong tặng là Nghệ nhân. Đã hình thành 3 Chi hội Kim hoàn: Chi hội Châu Khê (vùng nghề cội nguồn); Chi hội Phúc Tân Hoàn Kiếm, Hà Nội; Chi hội Kim hoàn Hải Phòng và nhiều doanh nghiệp, doanh nhân riêng lẻ... Tất cả đều là thành viên của TƯ. Hội Mỹ nghệ Kim hoàn – Đá quý Việt Nam và Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam.

          Ngoài việc đình Châu Khê cùng chùa Liên Hoa được công nhận là Di tích VH-LS quốc gia (năm 1991), làng Châu Khê còn được UBND tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu “Làng Văn hóa” (năm 1998), là Làng nghề thủ công Vàng Bạc truyền thống (năm 2004) và được Hiệp Hội làng nghề Việt Nam tặng Bằng Tinh hoa làng nghề và làng nghề nông thôn Việt Nam có thu nhập cao. Đó là nhờ về kinh tế làng Châu Khê luôn đi bằng hai chân vững chắc: Làng lúa - Làng nghề.

Tất cả các Chi hội và nhiều doanh nghiệp, doanh nhân về dâng hương thành kính lên Thành hoàng làng và đặc biệt là lên Tổ nghề Vàng bạc Lưu Xuân Tín.
 
 Các đoàn đại diện các chi hội MNKH và nhiều doanh nghiệp... dâng hương
 
 Rước kiệu Thành hoàng làng
 
  
Rước kiệu Tổ Nghề Kim hoàn Châu Khê
 
  
Rước kiệu biểu tượng Làng nghề Kim hoàn Châu Khê - Hàng Bạc

Ở Việt Nam, lịch sử ghi nhận có ba trung tâm có nghề vàng bạc tại ba vùng khác nhau ở miền Bắc. Đó là làng Châu Khê (Hải Dương), làng Định Công (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và làng Đồng Sâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình). Từ những ngày đầu, thợ kim hoàn từ cả ba làng đều đến Thăng Long tụ thành phường tập trung tại Hàng Bạc. Mỗi làng hành nghề theo truyền thống của mình, song chung quy là thu hút khách hàng, cùng chế tác cùng kinh doanh, có cạnh tranh, nhưng luôn là bạn đồng hành của nhau để cùng phát triển. Tuy nhiên, làng Châu Khê vẫn đông đúc và mạnh hơn, phát triển đến mức như một làng Châu Khê thứ 2 với đầy đủ mô hình làng xã như ở quê nhà.

Có một vấn đề là tiền duệ và hậu duệ của Thượng Thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín đến nay chưa được rõ vì chưa được nghiên cứu và tìm hiểu kỹ. Ở đây và phố Hàng Bạc có một đặc điểm giống như một số địa danh liên quan đến họ Lưu, nhưng hiện nay không có người họ Lưu sinh sống. Tại làng Châu Khê có ba ngôi mộ cổ của người họ Lưu, nhưng chưa rõ là mộ của dòng họ nào vì thi thoảng con cháu có về thắp hương, tả mộ nhưng không vào làng vì không có người thân thích. Ở làng bên có người họ Lưu làm nghề kim hoàn nhưng là mới xuất hiện gần đây và do thợ Châu Khê dạy và truyền nghề cho. Đây là một vấn đề đang còn để ngỏ, mong bà con làng Châu Khê, con cháu họ Lưu ở Hải Dương nói riêng và họ Lưu Việt Nam nói chung lòng sớm tìm ra lời giải...

Ghi chú:
1. CHÚC VĂN TƯỞNG NIỆM
(Đọc trên Đàn Tế tại sân Đình ngày Lễ Hội 19 tháng Giêng năm Giáp Ngọ)

 
Việt Nam quốc, Hải Dương tỉnh, Bình Giang huyện, Thúc Kháng xã, Châu Khê thôn. 
 
          Hôm nay, ngày 19 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ là ngày Lễ Hội đầu xuân, Giỗ Tổ nghề kim hoàn truyền thống Châu Khê. Để tri ân công đức của tiền nhân, Anh hùng liệt sỹ có công với nước:
  1. Chu Thống Lĩnh cấm binh thời Lý (1009-1226), người có công khai sơn phá thạch, lập Chu Xá Trang, nay là làng Châu Khê.
  2. Dực Hồ Hầu Hải Dương Đại Bình Nguyên Đại tướng quân Phạm Sỹ, hiệu Huyền Du thời Trần, thế kỷ XIII, có công hai lần cùng Hưng Đạo Vượng và Tham tán Phạm Ngũ Lão đánh tan giặc Nguyên Mông (1258-1288), người là Đức Thành Hoàng làng ta.
  3. Lưu Thượng thư Bộ Lại được vua Lê Thánh Tông (1460-1497) giao lập xưởng đúc bạc nén làm tiền tệ trong kinh kinh thành Thăng Long. Từ đây đã khởi dựng nghề kim hoàn Châu Khê - Hàng Bạc. Ngày nay, dân suy tôn là Tổ nghề vàng bạc Châu Khê.
 
Trời Thúc Kháng bốn mặt lộng cờ
Đất Châu Khê một ngày Hội mở
Lòng dân ta hân hoan rạng rỡ
Vui đón ngày Hội Lễ linh thiêng
Nhớ công đức người khai sơn phá thạch
Ơn đức Thành hoàng lừng lẫy oai phong
Ân nghĩa cụ Tổ bạc vàng truyền thống
Mang nghề dạy chữ giúp dân lành
Xóm làng vui nhộn nhịp thanh danh
Đình, miếu uy nghi hương khói tỏa...
 
NHỚ CHO THỐNG LĨNH XƯA
Một nắng hai sương
Trí cao tài lớn
Khai sơn phát thạch
Lập Chu Xá trang
Có xóm có làng
An cư lập nghiệp
Đời đời nối tiếp
Hậu duệ vun trồng
Chung sức đồng lòng
Làm nên sự nghiệp
Con đường bước tiếp
Để có Châu Khê
Di tích, làng nghề
Văn minh, văn hóa...
NHỚ TƯỚNG QUÂN PHẠM SĨ
Là cây đại tùng hóa thân
Là Hoàng Long ứng thế
Động Lôi nham hun đúc
Thần La Hán giáng sinh
- Lúc thiếu thời:  Bẩm chất thông minh
Thiên tư hiếu thảo
- Khi lớn lên:Văn chương uyên bác
Võ nghệ tinh thông
Được: Phạm Thái bảo kiến nghị, Hưng Đạo Vương tiến cử làm Tham nghị trong triều, tuần tra phong hóa là khuôn mẫu đại thần.
VỚI CHÂU KHÊ TA
- Nơi đây phong thủy nhất hồ thiên
- Tứ diện Hà Sơn các bảo tuyền
- Nhất kiến Châu Long giai quý cách
- Công khanh  hầu bá thế tương truyền
ĐƯỢC DỊCH LÀ
- Nhằm theo phong cảnh một vùng trời
- Bốn mặt Sơn Hà ấp coi
- Một mảnh Châu Long là quý cách
- Công hầu khanh tướng nối đời đời
 
- Người lấy nơi đây:
          Để tụ khí cục long
Người mộ tập gia thần, mở trường luyện văn võ
Dạy dân học chữ, học nghề, được dân tin yêu ngưỡng mộ.

 
NÊN NGƯỜI ĐÃ ĐỀ THƠ
- Thành Long tứ thủy địa hùng cường
- Sơn thủy bao hàm khắp tứ phương
- Chu Xá Long đầu chân quý cục
- Cung đình thế thế xuất tài lương
ĐƯỢC DỊCH LÀ
- Rồng xanh cảnh đẹp địa hình hay
- Sơn thủy bao vây bốn mặt đây
- Chu Xá đầu rồng là quý cách
- Cung đình đời nối lắm hiền tài

Rồi người kéo quân đi cùng Hưng Đạo Vương và tham tán Phạm Ngũ Lão diệt tan 100 vạn quân Ô Mã Nhi, phá tan ý trí xâm lược của giặc Nguyên Mông, giặc cỏ nhà Hồ, nhà Mạc trên đất tỉnh Đông; góp phần đưa giang sơn nhà Trần yên vui vững như thái sơn bàn thạch.
Người:
          - Mưu lược thật uyên thâm, công lao to lớn
          - Lịch sử còn ghi, khói hương muôn đời ngào ngạt
          - Người là Đức Thánh Thần, Thượng đẳng Châu Khê ta.
Nhân dân ghi tạc dạ, lập sỹ công từ thờ, ngưỡng mộ công ơn người ghi đề bài truyển tụng.
          “Ái Châu một thủa trời sinh ra
Phạm sỹ danh nhân đất Bắc Hà
Chu Xá – Châu Khê đi cứu nước
Thăng Long Đông các dựng xây nhà
Vân Đồn – Vạn Kiếp cầm ngang giáo
Đông Bộ - Bạch Đằng chỉ thẳng qua
Tiên tổ còn lưu danh trí dũng
Cháu con truyền mãi nghĩa nhân cao”... (Vũ Đình Liên)
 
NHỚ CỤ TỔ NGHỀ VÀNG BẠC
                   - Tương truyền xưa để lại
- Ở đời Lê Thánh Tông (1460-1497)
- Có ngài Lưu Xuân Tín - chức Thượng thư Bộ Lại
- Đã được vua giao quyền lập xưởng đúc bạc nén
- Làm tiền tệ kim ngân - ở kinh thành Thăng Long
- Người về mộ dân - giai đinh quê Chu Xá
- Cũng từ đây tất cả - đã có nghề kim hoàn
- Rồi lập phố Hàng Bạc - cầu nối của Châu Khê
- Như gió mới đưa về ấm no và hạnh phúc.
          NÊN CÓ CÂU:
- Tại phố tại Hương chung một quê
-  Châu Khê - Hàng Bạc ngược xuôi về
- Ân sâu hương hỏa công ơn Tổ
- Mỹ nghệ kim hoàn khởi sắc quê... (Phạm Minh Tiến)
          CHÚNG CON NAY:
                   Uống nước nhớ nguồn tiếp bước xưa
                   Đền ơn đáp nghĩa vào ngày mới
Quê hương thay đổi vững bước đi lên
Sự nghiệp văn minh một lòng tiến tới
Đường công nghiệp rộng mở năm Châu
Đỉnh trí tuệ đi đầu bốn biển
Nhìn vào hậu thế thêm vui
Tưởng đến tiền nhân chẳng thẹn... (Đặng Vũ Khiêu)
NƠI ẤY:
                   Cung đình Chu Xá
Trăng nước Châu Giang
Sáng soi lồng lộng
Dòng nước nao nao
Cờ bay khắp chốn
Anh linh hiển hách
Đại vương vang danh vạn cổ...

2.  Tài liệu tham khảo:

[1]-  Châu Khê Thần tích Sự trạng, do Đại học sĩ Nguyễn Bính, niên hiệu Hồng Phúc (1572) phụng soạn.
[2]- Tập san Liên hiệp các Hội KHKT-VN số 3 (051) ngày 20/3/2006.
[3]- Tài liệu sưu tầm và tổng hợp của BS Phạm Minh Tiến, nguyên TB QLDT - Chủ dự án Phục hồi Nghề vàng bạc Châu Khê 1988-2012; Hải Dương -2013.
                        
* Copy đường dẫn dưới đây dán vào thanh địa chỉ để đọc thêm bài Tường thuật về Lễ hội và Giỗ Tổ làng nghề Kim hoàn đăng trên website CHAUKHE.COM:
http://chaukhe.com/24/02/2014/mot-so-hinh-anh-le-hoi-xuan-va-gio-to-nghe-vang-bac-chau-khe-nam-2014/

                                      
TS. LƯU VĂN THÀNH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)