Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 10/9/2013
E-mail     Bản in

Kỷ vật của liệt sĩ và hành trình trở lại quê nhà
Sau 45 năm lưu giữ, thầy giáo Lý Quang Nhân, giáo viên Trường THCS số 1 Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vừa trao lại cuốn nhật ký – kỷ vật cuối cùng của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, nguyên quán tại số 7 đường Cát Bi, thị xã Kiến An (nay là số 123 phố Lê Quốc Uy, phường Bắc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng) cho gia đình liệt sĩ trong niềm xúc động, nghẹn ngào.
 Cuối cùng, con đã về
 
Những trang giấy ngả màu thời gian của cuốn nhật ký cũng run rẩy theo từng cơn nấc nghẹn của người cha đã gần 90 tuổi của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng trong buổi lễ cuốn nhật ký được trao lại gia đình. Nâng niu cuốn nhật ký trong tay, cụ Lưu Văn Sắc, cha liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng nức nở: “Bố nhớ con… Cuối cùng thì kỷ vật duy nhất con để lại cũng đã trở về với gia đình ta…”. Trên gương mặt người cha, dòng nước mắt mặn mòi từ từ chảy xuống trong niềm xúc động và nỗi nhớ thương con đến nghẹn lòng.
 
Liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng sinh năm 1945, nhập ngũ ngày 1-4-1965 khi tròn 20 tuổi. Trong một trận đánh ác liệt tại trận địa gần ngầm Đá Bước thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), chiến sĩ Lưu Mạnh Hùng đã anh dũng hy sinh. Theo ông Lưu Quang Dũng, em ruột của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, sau khi nhận được tin anh Hùng hy sinh, gia đình nhận được một số kỷ vật của anh Hùng do đơn vị gửi về nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, nhà bị bom Mỹ đánh sập, nên toàn bộ kỷ vật đó đã thất lạc.
 
Ngày 17-7 vừa qua, gia đình nhận được điện thoại từ chị Ngô Thị Thúy Hằng, Trung tâm MARIN thông báo có người đang lưu giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Hùng và mong muốn trao lại cho thân nhân liệt sĩ.  Gia đình ông rất bất ngờ, vui mừng và xúc động. Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất còn lại của liệt sĩ Hùng. “Gia đình tôi rất cảm động trước tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của thầy giáo Lý Quang Nhân gìn giữ cuốn nhật ký suốt mấy chục năm và nỗ lực tìm mọi cách để đưa cuốn nhật ký trở lại quê nhà. Mong rằng, sẽ còn nhiều hơn nữa những tấm lòng như thầy Nhân để nhiều gia đình khác cũng được hưởng niềm vui như chúng tôi”, ông Dũng chia sẻ.
 
Ông Lưu Văn Sắc (áo trắng), cha của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng xúc động áp cuốn nhật ký của con trai vào ngực.
 
 Hành trình đáng nhớ
 
Trong buổi gặp gỡ, trao cuốn nhật ký cho gia đình, người thân liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, thầy giáo Lý Quang Nhân xúc động kể: Năm 1968, khi ông còn là cậu học sinh, vùng quê Sơn Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình thường xuyên có các đơn vị bộ đội về đóng quân, chiến đấu. Trước khi lên đường đi B, một anh bộ đội có tên là Nhì (quê ở Quảng Nam, đồng đội cùng đơn vị với anh Lưu Mạnh Hùng) giao lại cho cậu bé Nhân (khi ấy) cuốn nhật ký của người chiến sĩ Lưu Mạnh Hùng. Do chiến tranh loạn lạc, ông Nhân không còn liên lạc được với người lính tên Nhì và mất hết mọi tin tức từ đó.
 
Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn sách vở, với ông Nhân và nhiều bạn bè, cuốn nhật ký có bìa làm từ nhiều miếng vải ghép lại trở thành tài liệu học tập quý báu, bởi trong cuốn nhật ký, liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng trích dẫn rất nhiều câu nói của các danh nhân nổi tiếng thế giới như Các Mác, Ăng ghen, Hồ Chí Minh và các nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên… Những trang viết của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng cũng chan chứa niềm tin yêu cuộc đời, niềm hy vọng và sáng ngời lý tưởng, quyết tâm chiến đấu, cống hiến cho cuộc kháng chiến “khó khăn nhưng tươi đẹp, gian khổ nhưng hạnh phúc” của dân tộc; những tâm tư, nỗi niềm nhớ thương gia đình, quê hương, bè bạn… Với thầy giáo Nhân, “những lời anh viết, nếu ai mới xem qua đã bị lôi cuốn và không thể không đọc bởi những tâm tư, suy nghĩ nặng lòng với đất nước, với quê hương, gia đình, tình người, tình đời… những trăn trở của một chàng trai trẻ đang sục sôi nhựa sống”.
 
“Nghe lời Cha, con muốn là Thánh Gióng
Vút bổng trời cao, kéo quạ Mỹ lộn nhào
 Nghe lời Cha, con muốn là viên gạch
 Xây nên nhiều nhà máy, lò cao…
Nghe lời Cha, trái tim con với quân thù là đá
Với nhân dân con là cả tình thương
Nguyện suốt đời con mãi dưới cờ Cha”
(Dòng tâm huyết khi nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch)
 
Những trang viết của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng trở thành nguồn suối mát, nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước đối với thầy giáo Nhân và bạn bè.

Do cuốn nhật ký được chuyền tay quá nhanh, ông Nhân bị thất lạc và mãi 20 năm sau mới tình cờ tìm lại được cuốn nhật ký trong chiếc hộp đựng đàn của một người bạn học cùng lớp trước đây. Sau khi tìm lại được cuốn nhật ký, ông Nhân luôn đau đáu ước nguyện đưa cuốn nhật ký về với gia đình liệt sĩ Hùng. Qua nội dung ghi chép, ông Nhân đoán chủ nhân của cuốn nhật ký quê ở Hải Phòng. Nhiều lần, ông Nhân tìm kiếm địa chỉ gia đình liệt sĩ Hùng nhưng không có kết quả. Cuối cùng, ông đăng thông tin về cuốn nhật ký và tâm nguyện mong muốn tìm được địa chỉ gia đình liệt sĩ Hùng lên các trang mạng. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN), liên lạc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, ông Nhân tìm được thân nhân của liệt sĩ Hùng là ông Lưu Quang Dũng, em trai, hiện sống tại số nhà 11/75 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An (Hải Phòng).
 
Chia sẻ về giây phút nhận được tin đã tìm thấy địa chỉ liên lạc thân nhân liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, ông Nhân cho biết: “Một cảm giác khó tả, khó gọi tên ào đến vây lấy tôi. Đó vừa là sự xúc động, vừa là nỗi vui mừng xen lẫn hồi hộp và một chút tiếc nuối khi phải xa cuốn nhật ký mà mình đã nâng niu mấy chục năm nay”. Trong niềm xúc động, bồi hồi, thầy giáo Lý Quang Nhân không thể nào chợp mắt trong suốt chặng đường hàng trăm cây số đưa kỷ vật duy nhất của người chiến sĩ, liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng trở về trong vòng tay ấm áp của gia đình, người thân. Với sự nỗ lực mấy chục năm không mệt mỏi cùng sự chung tay, giúp đỡ của nhiều cơ quan, tổ chức, thầy giáo Lý Quang Nhân cũng đã hoàn thành hành trình đáng nhớ của cuộc đời mình…
           
 
Theo Thành Lê (Báo Hải Phòng)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)