Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 7/2/2014
E-mail     Bản in

CÚNG GIỖ VÀ THỜ PHỤNG TỔ TIÊN (P.2)
Ngày nay, cách lạy cũng đã được giản lược, hoặc vì không hiểu đúng phép người ta hành lễ một cách lấy có với những động tác vô nghĩa.

Đã có xu hướng thay thế lạy bằng những cái "xá", nhất là những người ăn mặc âu phục. Rồi đây, có thể tục lạy sẽ bị bỏ dần và mất hẳn trong mọi lễ nghi trong gia đình cùng ngay cả ở các đền chùa. Thiết tưởng cũng cần ghi lại một vài nét về tác động của cách lạy với hoài mong lưu lại một chút cơ sở về sau.

Người lạy đứng thẳng, chắp tay lên cao ngang trán, cong mình xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần bàn tay đang chắp (đây là thế phủ phục), cất đầu vào mình thẳng lên đồng thời co hai tay vẫn lên chắp trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, đem hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên, chân trái đang quỳ tự nhiên theo cử động chót này cùng đứng thẳng lên. Người lạy, trước khi khấn đã lễ bốn lạy, và sau khi khấn từ tư thế quỳ đứng lên, đã qua như lễ được một nữa lạy, cho nên người ta thường nói là lạy "bốn lạy rưỡi" là vậy.

 

Văn tế, văn khấn thật ra chỉ là những lời nói sửa soạn trước cho được nghiêm chỉnh với việc dùng từ ngữ cẩn thận và cách thức kính cẩn trình bày lên các đấng thần thánh, với Tổ tiên trong các lễ tế hay cúng giỗ. Cũng có một số bài đã trở thành những áng văn chương tuyệt tác, ý nghĩa thâm trầm được làm ra do những văn tài xuất chúng. Chẳng hạn như bài văn tế tiểu tường do thi sĩ Tản Đà làm giúp cho một vị tri huyện tế mẹ đã được dẫn ở đoạn trước. Thông thường văn tế, văn khấn chia làm ba đoạn chính:

1. Đoạn thứ nhất gồm có ngày tháng, tên của người đứng ra chủ động việc cúng tế và nói về lễ vật.
2. Đoạn thứ nhì gồm tên tuổi, hiệu, thụy các vị được cúng tế.
3. Đoạn thứ sau cùng nói rõ mục đích của tế lễ, nhân dịp nào.

Văn tế thường theo một thể riêng như thể phú. Văn khấn có thể viết theo văn vần, gồm một đoạn theo thể phú, hoặc bằng văn xuôi. Văn khấn cũng như văn tế, khi người hay giỏi chữ Nho thường dùng Hán văn, về sau người ta chuyển sang Việt văn. Cần nhất là hay, có ý nghĩa và được đọc một cách trang trọng. Điều cần lưu ý là trong các lễ giỗ kỵ, văn khấn nên viết sẵn ra giấy. Người chủ lễ đứng trước bàn thờ, vái bốn vái rồi cầm giấy đưa ra trước mặt mà đọc. Đọc xong vái năm cái. Tiếp theo là thân nhân trong gia đình vào lễ theo thứ tự.

Sau đây là một bài văn khấn Nôm bằng thơ nhằm mục đích giúp có thể đọc và dễ nhớ theo một thức giả xưa làm ra, dùng vào việc cúng Lễ Gia tiên:

Ngày ... tháng ... năm (âm lịch), tín chủ là ... tuổi ... sinh quán tại ... trú quán tại ... cùng toàn gia.

Cúc cung bái trước bàn thờ,
Kính dâng lễ bạc hương hoa rượu trầu.
Cùng là phẩm vật trước sau,
Lòng thành tâm nguyện thỉnh cầu gia tiên.
Cao tằng tổ khảo đôi bên,
Cao tằng tổ kỷ dưới trên người người.
Cô dì chú bác kính mời,
Đệ huynh đồng thỉnh tới nơi từ đường.
Cúi xin hưởng chút lễ thường,
Và xin phù hộ khang cường toàn gia.

                                                       Cẩn cáo

Thức ăn các thứ, nói chung là đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng thanh khiết và dành riêng, không được để con cháu đứa nào đụng tới. Các thức ăn đã nấu nướng xong, phải đem cúng gia tiên trước rồi con cháu mới được ăn. Cũng như lúc ông bà còn sống, ông bà cha mẹ chưa ăn thì con cháu không được phép động tới.

Để tránh tình trạng lỗi lầm do không biết của các cháu nhỏ, các thức ăn nấu nướng xong phải được múc ra dành cho việc cúng lễ cho phải phép.

Trong việc cúng ông bà, chẳng nên làm lấy có hay chỉ để khoe khoang với thiên hạ. Phải lấy tâm thành, kính trọng làm gốc. Người xưa quan niệm rằng trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần đều biết rõ (Tâm động quỷ thần tri).

Cúng bái chỉ làm cho có hình thức, thiếu lòng thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo ngay lành. Không một vị Tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Thà chén cơm dĩa muối mà lòng thành hơn mâm cao cỗ đầy mà tâm địa dửng dưng.

 

 

Theo VietShare


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)