Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 6/2/2014
E-mail     Bản in

Tại sao phải “Cải táng?”
Có những việc mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn rất ngỡ ngàng. Đó là việc mà người chết chôn xuống sau ba năm lại đào lên, chuyển xương vào tiếu sành và chôn xuống lần hai. Việc này duy nhất chỉ có ở một vài nơi trên miền Bắc nước ta.

Tróc Long cổ

Cách đây đã khá lâu, tình cờ tôi gặp được ông thầy địa lý tên là Nguyễn Trực, người đất  Hiệp Hòa, Bắc Giang. Thầy sinh năm 1910 (Canh Tuất ), đi ăn cơm thiên hạ từ lúc 13 tuổi. Lúc tôi gặp thì thầy đã ngoài 70 tuổi, có bộ râu bạc khá dài, lưng hơi còng nhưng bước đi còn rất vững chãi.Thầy có đôi mắt tinh nhanh như loài chim, nhất là lúc đi “Tầm long điểm huyệt”. Thầy không uống rượu, không nghiện thứ gì. Vợ thầy nhiều hơn vài tuổi, mắt kém, lưng còng hơn thầy. Thầy không có con nên đã nhận một người con nuôi.  Lần đầu khi chúng tôi  gặp vợ chồng người con nuôi thì anh đã có 2 con nhỏ rồi.

Tôi còn nhớ con đường vào nhà thầy đi qua một cánh đồng mênh mông, ngạt ngào hương lúa nồng.  Xa xa có vài ngọn núi chạy ngang mờ trong mây in trên nền trời xanh.

Nhà thầy rất đơn sơ, tường xây cay đất, mái lợp ngói tây. Trong nhà đồ đạc sơ sài, một chiếc giường cũ, một cái chõng tre dùng để tiếp khách với bộ chén vại và chiếc xuyến bằng sứ  Bát Tràng cũ kỹ. Không bàn thờ. Tất cả trông rất đạm bạc. Ngoài sân có rất nhiều cây, một hàng cau, dàn trầu, một cây mít giống hiếm, những cây chanh lá dày thơm đặc biệt…Ngay ngoài cổng vào là một  cây dã hương to, thân thẳng tắp, có lẽ nó cao nhất làng.

Nhóm theo học thầy có tôi, anh La Hậu, Phạm Thành, Đỗ San, Chu Thảo. Mỗi người được thầy dạy theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào khả năng nhận thức. Anh La Hậu đươc thầy gọi là  người có cái “tràng” như ruột con trâu. Anh Đỗ San có “Can” như  đá cuội. Còn tôi thì thầy bảo  “Khẩu” giống như “gà trống” gáy sáng…

Thời gian để tiếp xúc trực tiếp với thầy rất ít bởi công việc của thầy rất bận. Sách vở về lĩnh vực này  trong giai đoạn đó rất khan hiếm, nên việc truyền đạt kiến thức cơ bản của thầy cho chúng tôi theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Tôi được thầy ưu ái một chút bởi vì biết vâng lời, nhanh hiểu và cũng biết bập bẹ chữ Tàu. Tôi còn nhớ như in những bài cơ bản đầu tiên, ví dụ cách tính hàng Can của tháng, của giờ:

                 Giáp Kỷ chi niên Bính tác sơ
                 Ất Canh … Mậu vi đầu
                 Bính Tân …tòng Canh khởi
                 Đinh Nhâm …Nhâm thuận hành
                 Mậu Quý hà phương …Giáp

Và để biết tổng quát về một người, thầy dạy cho cách tính theo   “Can, đởm, tràng, mao, khẩu, trủy, trảo, nha, giác, túc”.  Thầy hướng dẫn cả cách đọc  “Thông thư ngọc hạp” và  lịch “Vạn sự” ,  hiểu về “Tróc Long” và cách đặt địa bàn…

Thầy tinh thông về địa lý Dương cơ (Nhà ở) và Âm phần” (mồ mả). Sách của thầy viết toàn chữ Nho, có nhiều chữ cổ, xếp thành cột, đọc từ phải sang trái (chữ Việt Nam ta đọc từ trái sang phải). Ngoài sách ra, thầy còn một dụng cụ không thể thiếu trong khi làm việc đó là chiếc “Tróc Long”. Tróc Long là một vật hình tròn đường kính cỡ 20 phân, có rất nhiều vòng chữ in từ trong ra đến ngoài, ở giữa là một chiếc địa bàn cỡ bằng  đồng xu, kim óng ánh lung linh, nhỏ bằng sợi tóc, có 2 màu xanh đỏ luôn chỉ hướng Nam – Bắc. Sau này tôi cũng chế ra một chiếc “Tróc Long”, nhưng nó khác với “Tróc Long”cổ của thầy, vì nó rất Việt Nam (Trời tròn Đất vuông) và các vòng của nó xoay tròn được  (Biến hóa khôn lường).  Một lần tôi đưa chiếc “Tróc Long”  đó để thầy xem, thầy cầm nó ngắm một lúc rồi đưa lại cho tôi và nói: “Tao chẳng hiểu gì cả !” (Thầy thường xưng “tao” một cách thân mật với chúng tôi).

 
 Tróc Long VN

Có những lần chúng tôi theo thầy đi cải táng. Thầy hướng dẫn cặn kẽ cách xếp cốt vào tiểu sành. Cách đặt “Tróc Long”, phân kim tìm hướng huyệt, đâu là tay long, tay hổ, đâu là Án và Minh đường… Một công việc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Thầy dạy chúng tôi:  “Phân kim như chia ngọc”.

Để xác định hướng nhà (Dương cơ), thầy bảo chủ nhà đưa ra một cái mâm, đổ vài đấu gạo vào mâm, thầy nhẹ nhàng đặt “Tróc Long” trên mâm gạo đã được san phẳng. Sau đó căng chỉ hai đầu, chạy qua mặt địa bàn, xác định “Sơn và hướng”. Động tác rất trang nghiêm đầy bí ẩn …

Có lần tôi hỏi thầy: Tại sao chỉ có ở miền Bắc ta mới có phong tục “Cải táng” (hay còn gọi là sang cát), thầy im lặng rất lâu, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, thầy kể:

 “Thời xưa, đàn ông đa thê (nhiều vợ), nhất là những nhà giàu có. Đã nhiều vợ lại ích kỷ, gia trưởng, hẹp hòi, thậm chí còn hay “ ghen bóng ghen gió”. Nhiều ông chồng lòng dạ không yên bởi nghĩ rằng trong những bà vợ của mình,  bà nào chung thủy, liệu rằng có bà nào trót quan hệ “mây mưa trăng gió” với người đàn ông nào khác ?...

Cũng từ cổ xưa người ta đã biết nếu người đàn bà nào có quan hệ tình ái (tình dục) với một người đàn ông thì sau khi chết chôn một vài năm, khi bới lên xem, ở đốt xương cụt sẽ có một chấm đen. Nếu quan hệ với 2 hoặc 3 người đàn ông khác thì sẽ có hai hoặc ba chấm đen… Và tục cải táng cũng bắt nguồn từ đó” (để giải đáp cho một bí mật).

 
Thầy cũng tiết lộ thật với tôi rằng “Việc làm này (tức cải táng) chẳng có tác dụng gì đâu con ạ.” Câu này thầy nói rất nhanh làm tôi ngạc nhiên!
Tôi thầm nghĩ trong lòng “chẳng có tác dụng gì” nhưng sao thầy vẫn làm việc này trong bao nhiêu năm rồi, từ lúc thầy 13 tuổi đã bước vào nghề (?).

Cũng từ ngày ấy, tôi mới hiểu tại sao vua chúa không bao giờ cải táng. Có nhiều nước, nhiều dân tộc người chết được an táng  bằng cách đào sâu chôn chặt, thế mà nước họ, dân tộc và xã hội của họ vẫn văn minh,  phát  triển. Hoặc trên thế giới cũng có những phong tục dành cho người chết như: Điểu táng (xác người được xẻ ra để chim kền kền ăn), Hỏa táng (xác người được thiêu, sau đó tro được  đem rắc xuống sông xuống biển), Thực táng (xác người chết được đặt giữa nhà, người sống nhảy múa xung quanh,từng  người trong gia đình cắt xẻo thịt người chết để ăn …cho đến hết !), ...

Thời cổ Ai Cập, khi các Pharaon dùng thuật ướp xác trong các kim tự tháp thì cũng từ đó nền văn minh Ai Cập bị sụp đổ.

Đã có rất nhiều người nhờ thầy sang cát đặt mồ mả. Nhưng tôi chứng kiến nhiều người cũng chẳng vì thế mà phát lên được. Thậm chí có người thì càng nghèo đi, có người rơi vào cảnh tù tội, có người phá sản… Có những nhà  khi cải táng cho người thân, sau đó trong gia đình họ hàng có người lâm nhiều bệnh, thần kinh bất an, tính tình thay đổi, có người bị ung thư rồi chết…

Cải táng cũng giống như làm đám ma lần thứ hai. Gia đình rất vất vả, tốn kém, nhất là những nhà nghèo....Đêm hôm âm u, giá rét, con cái cháu chắt kéo nhau ra bãi nghĩa trang hiu hắt, đứng quanh mả người chết đã được lật ván thiên, khóc lóc ri rả, đau thương… Chỉ khổ cho các con trẻ và các ông bà cao tuổi.

Đứng về góc độ khoa học  mà đánh giá thì công việc “cải táng” rất mất vệ sinh, cả một vùng bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nặng môi trường. Bước vào nghĩa trang có “cải táng” chỉ thấy đất đai bị đào bới nham nhở lở loét làm mất đi vẻ đẹp trang nghiêm là nơi người chết an nghỉ. Có trường hợp mả này vừa bới lên “cải táng” mới được vài ngày thì ngay sau đó đã có đám khác chôn vào.Còn có cả trường hợp  xác đã chôn xuống 3 năm,  đến kỳ “cải táng” khi đào mả lên, thịt vẫn chưa tiêu hết, lúc ấy phải lấy dao róc thịt, trông thật khiếp sợ và đau lòng…”Cải táng” thật không khoa học và văn minh chút nào!

    Nhà nước ta không có luật “người chết phải cải táng”.
    Phật giáo “Từ bi – Trí Tuệ”  không có Pháp quy định người chết phải “Cải táng” ! ...

Sau này, tôi còn có dịp tiếp xúc với một vài thầy địa lý có tầm cỡ. Nhưng điều cơ bản mà tôi nhận biết được ở các thầy là khi làm về “Âm Phần”, các thầy thiểu hẳn một chân lý khoa học là: “Thân xác được sinh ra từ cát bụi lại trở về với cát bụi”.

     Và có một  năng lượng tồn tại vĩnh hằng thì các thầy địa lý lại không bao giờ có ân huệ được nhìn thấy!

Dù sao quy luật về vùng “Ánh Sáng” và “Bóng Tối” vẫn luôn tồn tại cạnh nhau.  Chỉ có điều trí tuệ ta có nhận biết và phân biệt  được  ta đang “Sống” ở vùng nào?  Điều đó khẳng định rõ cội nguồn của một “Đẳng Cấp”,  một “Giống Nòi”!
 

 
Theo Nguyễn Xuân Điều


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)