Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 6/11/2012
E-mail     Bản in

Vài suy nghĩ về mối quan hệ gia tộc và thành viên gia tộc Việt Nam
Chúng ta biết rằng ở Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác của phương Đông, gia đình và họ tộc có một vị trí rất quan trọng trong việc tổ chức đời sống cộng đồng. Gia đình Việt Nam bao gồm “gia đình hạt nhân” hay tiểu gia đình (gồm cha mẹ và con cái) lẫn “gia đình mở rộng” hay đại gia đình (tam- tứ đại đồng đường; gồm ông bà cha mẹ và con cháu).
 
 

Đây là một tổ chức cơ sở gồm nhiều thành viên gắn bó với nhau bởi huyết thống, nghĩa tình và bổn phận đối với nhau được xây dựng thành một tổ ấm tinh thần và vật chất để giáo dục và bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện cho con người trưởng thành có cuộc sống hạnh phúc và làm tròn bổn phận công dân đối với xã hội, đất nước,góp phần gìn giữ và phát triển van hóa dôn tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, có gia quy, gia lễ,gia phong riêng, vì vậy tất cả mọi gia đình đều phải tốt thì xã hội mới phát triển bền vững và lành mạnh được. Như vậy gia đình có một vị trí hết sức quan trọng trong xã nội, trong đời sống cộng đồng, có vai trò to lớn trong việc  giáo dục các thành viên trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Chính vì vậy trong quan niệm của người dân, nhà (tức gia đình) gắn liền với nước, nhà (gia đình) tiếp thu di sản văn hóa của dân tộc, bảo vệ nước và đóng góp công sức cho sự phồn vinh của đất nước; gia đình cũng là cái nôi chi phối sự chuyển biến (cả tốt lẫn xấu) của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Vì vậy trong truyền thống đạo đức của dân tộc ta, gia đình và “văn hóa gia đình” rất được coi trọng.
 
Tuy nhiên ở Việt Nam, đối với đời sống cộng đồng, vai trò của gia đình không lớn bằng vai trò của gia tộc (họ tộc).
 
Xét về thành phần cấu tạo thì gia đình (đơn vị cơ sở) và gia tộc (họ tộc - đơn vị cấu thành)  đều do những người cùng huyết thống gắn bó mật thiết với nhau tạo thành. Vì vậy, ở Việt Nam cũng như nhiều nước phương Đông gia đính và gia tộc (họ tộc) đều được coi trong như nhau. Tuy nhiên, giữa các dân tộc phương Đông cũng thấy có một sự khác biệt rất tế nhị về vai trò của gia đình và gia tộc. Chẳng hạn như ở Trung Quốc xưa (thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp gốc du mục), vai trò của gia đình lớn hơn vai trò của gia tộc (1). Còn ở Việt Nam xưa (thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp gốc nông nghiệp) thì vai trò của gia tộc (họ tộc) có phần lớn hơn vai trò của gia đình. Ở Việt nam vị trí và vai trò của họ tộc đối với mọi thành viên trong họ tộc thể hiện ở các mặt sau đây:
 
1.- Ở Việt nam “trong họ, ngoài làng” là quan niệm chi phối đời sống của người dân. Ở nước ta, mỗi người dân phải làm tròn bổn phận và nghĩa vụ đối với hai đối tượng quan trọng nhất: bên trong là họ hàng, bên ngoài là làng xóm.
 
2.- Ở Việt Nam, nhiều gia tộc có truyền thống họ tộc ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của các thành viên trong họ tộc như truyền thống hiếu học, truyền thống đỗ đạt, làm quan ( như họ Nguyễn làng Tiên Điền của Nguyễn Du), truyền thống làm kinh tế giỏi, truyền thống thượng võ, truyền thống cố kết gia tộc, vv...
 
3.- Ở Việt Nam, sức mạnh gia tộc, ý thức gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong một họ cá trách nhiệm cưu mang nhau về vật chất, hổ trợ nhau về trí tuệ, tinh thần và dìu dắt nhau, làm chỗ dựa cho nhau về mặt xác lập địa vị xã hội (“một người làm quan cả họ được nhờ”).
 
4.- Ở Việt nam, họ tộc có uy quyền rất lớn đối với mọi thành viên của nó. Mỗi thành viên của gia đình không chỉ chịu sự ràng buộc của “văn hóa gia đình” mà còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của “văn hóa gia tộc”. Không những thế, sự chi phối của “văn hóa gia tộc”, của “uy quyền gia tộc” nhiều khi còn khắt khe hơn sự chi phối của “văn hóa gia đình”, “uy quyền của gia đình”. Sự chi phối của “văn hóa gia tộc”, “uy quyền gia tộc” thể hiện ở chỗ mỗi họ tộc đều có gia pháp, gia lễ,gia phong, gia quy, gia đạo. Những quy định nầy đòi hỏi mỗi thành viên trong họ tộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. và khi một thành viên nào trong họ tộc vi phạm gia pháp, gia phong (như phụ nữ có chồng mà ngoại tình) thì họ tộc họp lại quyết định hình thức trừng phạt (thời phong kiến thường là”Gọt gáy bôi vôi”).
 
Về mối quan hệ giữa họ tộc và thành viên của họ tộc, mỗi thành viên trong họ tộc không chỉ có bổn phận và nghĩa vụ tuân thủ gia lễ, gia phong, gia pháp, mà còn có bổn phận và nghĩa vụ phải cố gắng học hành, đỗ đạt, làm kinh tế giỏi để làm rạng rỡ cho họ tộc, xóm làng, phải luôn nuôi đưỡng trong mình lòng tự tôn gia tộc, phải góp sức tùy theo khả năng vào sự phát triển họ tộc, những người kinh doanh thành đạt sẵn sàng giúp những người nghèo khó trong họ tộc vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
 
Ở Việt nam, ý thức gia tộc thể hiện mạnh mẽ ở nhiều thiết chế văn hóa như nhà từ đường, nhà thờ tổ, lễ giỗ tổ (tế tổ), lập gia phả (thực chất là tộc phả), trong đóviệc xây dựng nhà từ đường, việc giỗ tổ, lập gia phả (tộc phả) là hết sức quan trọng, vì nó gắn kết mọi thành viên trong gia tộc lại với nhau với tinh thanh62 luôn ghi nhớ công ơn tổ tiên, hiểu rõ nguồn cội và sụ phát triển, sự chuyển dịch, sự thịnh suy của họ tộc, thường xuyên nêu cao trách nhiệm đối với họ tộc, nhất là những thành viên thành đạt. Như vậy, ở Việt Nam, cùng với khái niệm “văn hóa dân tộc”, các khái niệm “văn hóa gia đình”, “văn hóa gia tộc” là những khái niệm cần được coi trọng, phát huy để làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của xã hội và của đất nước, cũng như cho sự hình thành một nền văn hóa dân tộc rực rỡ, đậm đà bản sắc Việt Nam.
 
Cũng cần nói thêm, sức mạnh gia tộc , ý thức gia tộc ngoài những mặt tích cực nêu trên, trong xã hội cũ, dưới thời phong kiến, cũng có một số mặt hạn chế như tư tưởng bản vị, cục bộ, dẫn đến tranh chấp quyền lợi, ngôi thứ, địa vị trong làng (ngày xua gọi là nạn xôi thịt), đôi khi có cả đổ máu. Nhưng dù sao, những mặt hạn chế đó chỉ là thứ yếu mà trong thời đại ngày nay hầu như đã mất dạng.
 
Từ những phân tích nêu trên, chúng ta có thể đi đến nhận định chung rằng: Để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt nam, chúng ta cần phải phát huy tối đa vai tró của “văn hóa gia đình” và “văn hóa gia tộc”, bảo tồn và phát huy những mặt tích cực của chúng trong đó có vấn đề nêu cao “ý thức gia tộc” nhằm chống lại những cuộc tấn công của các tệ nạn xã hội – con đẻ của mặt trái của nền kinh tấ thị trường và của hội nhập quốc tế.
 
Trong việc phát triển bền vững cộng đồng gia tộc, “văn hóa gia tộc” làm cơ sở cho sự phát triển bền vững cộng đồng dân tộc, văn hóa dân tộc; mỗi thành viên họ tộc đều có trách nhiệm rất lớn, nhất là các thành viên có sự thành đạt nhất định trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v...
 
 
Theo PGS HUỲNH LỨA


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)