Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Nghệ An.
Đăng ngày 29/7/2015
E-mail     Bản in

Nét đẹp truyền thống dòng họ Lưu
(Baonghean) - Họ Lưu là một trong những dòng họ lớn ở xã Thanh Tường (Thanh Chương), trải qua hàng trăm năm định cư, phát triển, các thế hệ họ Lưu đã hun đúc nên nhiều truyền thống vẻ vang. Trong đó, nổi bật nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống tri ân…
Theo “Lưu tộc phả ký”, họ Lưu ở Thanh Tường khởi nguồn từ xứ Vạn Cồn, Hà Khê, huyện Hưng Nguyên; tính từ năm Canh Tý (1719) khi ông tổ Lưu Văn Tôn về làng Dinh Chu lập nghiệp, đến nay đã gần 300 năm, trải qua 11 đời, có 925 hộ. Nhà thờ đại tôn họ Lưu khởi tạo từ thời thuỷ tổ, từng được nâng cấp, xây dựng lớn vào thời vua Thành Thái, qua nhiều lần tôn tạo vẫn giữ nguyên được kiến trúc xưa (gồm thượng điện, bái đường, tả vu và hữu vu); bên trong có nhiều bức đại tự, câu đối, đồ tế khí cổ kính (hương án, lư hương, khảm, thẻ, gươm, đao…). Trong kháng chiến, nhà thờ họ Lưu từng là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến, hành chính xã Đại Đồng; là nơi lưu trữ, cất giấu vũ khí, dược phẩm và đóng quân của bộ đội.
 
 
Lễ tri ân Liệt sỹ tại khuôn viên Lăng Mộ Tổ họ Lưu (xã Thanh Tường, Thanh Chương).
 
Người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học của dòng họ là cụ Lưu Sĩ Chương (1884 - 1930), từ nhỏ nổi tiếng thông minh, đậu cử nhân năm 1915, được triều đình Huế bổ nhiệm làm chức Kiểm tịch sung nha Hộ Thành, kinh thành thừa phái hạng ba. Ông mất từng được nhà nước phong kiến truy tặng: Hàn lâm viện kiển thảo. Ngày nay, tiếp tục phát huy truyền thống của cụ cử “Tiên nhân phúc ấm tuỳ ư hậu - Thánh đại khoa đồ tiến tự kim”, con cháu họ Lưu vẫn chăm chỉ sách đèn, học hành thành đạt. Hiện trong họ đã có 10 thạc sỹ, hàng trăm người có trình độ đại học, 1 nhà giáo ưu tú, 1 nghệ sỹ ưu tú và nhiều người là cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang. Từ năm 2000, họ đã thành lập ban khuyến học và xây dựng được quỹ khuyến học. Hàng năm, vào ngày tế tổ (18 tháng Giêng), họ đều tổ chức trao phần thưởng cho các học sinh đậu đại học, cao đẳng và học sinh giỏi các cấp.
 
Con cháu họ Lưu định cư tại quê nhà hay đi làm ăn, lập nghiệp xa vẫn luôn sống đoàn kết, hoà thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, một lòng hướng về quê cha đất tổ. Những năm điều kiện kinh tế khó khăn, họ đã xây dựng được nguồn quỹ hỗ trợ trên 2 tấn lúa để giúp đỡ các gia đình trong họ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngày nay, tinh thần tương thân, tương ái đó đã và đang được con cháu phát huy dưới nhiều hình thức khác nhau. Công việc hiếu, hỉ (mừng thọ, cưới hỏi), trong dòng tộc được họ quan tâm, tổ chức chu đáo. Những gia đình có người ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn đều được họ thăm hỏi kịp thời. Việc cưới, việc tang đều được thực hiện theo nếp sống văn hoá.
 
Đặc biệt, con cháu dòng tộc họ Lưu đã tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào cách mạng. Trong họ có 3 đảng viên hoạt động thời kỳ 1930 - 1931, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Trần Thị Thế, Nguyễn Thị Dong, Nguyễn Thị Bường). Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có hàng trăm con em trong họ lên đường tòng quân đánh giặc, 17 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia, nhiều người là thương binh, bệnh binh. Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được duy trì. Bức đại tự lâu đời trong từ đường họ Lưu, với 4 chữ “Ẩm - Hà - Tư - Nguyên”, như lời nhắc nhở cháu con luôn nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Từ năm 1987, họ đã lập bảng vàng ghi danh các liệt sỹ trong dòng họ để thờ phụng, tri ân tại từ đường với tinh thần “Tổ quốc ghi công, Lưu tộc đại tôn tưởng nhớ”. Năm 1993, sau khi tôn tạo lăng Tổ, họ đã xây dựng nhà bia tưởng niệm, lưu danh 17 liệt sỹ họ Lưu ngay trong khuôn viên mộ Tổ. Kể từ đó đến nay, hàng năm vào dịp 27/7, họ Lưu đều tổ chức chu đáo lễ tri ân Liệt sỹ; thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, Liệt sỹ trong họ. Tri ân đã trở thành nét đẹp truyền thống tiêu biểu của họ Lưu trong hàng chục năm qua./.
 
HUY THƯ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)