Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 29/10/2012
E-mail     Bản in

Tinh thần cộng đồng giải quyết vấn đề cộng đồng
Làng nghề Việt Nam trong sự biến chuyển của đời sống xã hội và những biến chuyển từ tự thân các làng nghề đang đứng trước những vấn đề về phát triển và bền vững, những vấn đề về khó khăn, thách thức và thời cơ. Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam – một người tâm huyết với việc phát triển và phát triển bền vững các làng nghề có những chia sẻ xung quanh vấn đề kể trên.
 PV: Hiệp hội làng nghề Việt Nam được thành lập vào tháng 2-2005. Như vậy, hiệp hội đã đi vào hoạt động được hơn 7 năm. Nhìn lại chặng đường 7 năm vừa qua, ông đánh giá như thế nào về vai trò của hiệp hội trong việc bảo tồn, phát triển các làng nghề Việt Nam?

Ông Lưu Duy Dần: Các hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực, hiệu quả đối với các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng là một trong những hiệp hội xã hội nghề nghiệp. Hiệp hội đã tập hợp các làng nghề thành viên để làm những việc ích nước, lợi dân. Chúng ta cần đánh giá hết, đúng mức vai trò của các hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp.

Hiệp hội trong thời gian qua đã tập hợp các làng nghề truyền thông, công nghệ truyền thống. Hiệp hội cũng đã đưa ra được những tiếng nói phản biện về vấn đề chính sách, đào tạo nghề, môi trường… Chúng tôi cũng đã đưa ra 3 mô hình đào tạo: một là, đào tạo lao động để phát triển làng nghề mới; hai là, đào tạo lao động gắn với vùng nguyên liệu và tiêu thụ ngay; thứ ba, đào tạo nghề để tăng giá trị sản phẩm hướng ra xuất khẩu.
Hiệp hội cũng đã tiến hành 4 lần vinh danh các làng nghề Việt Nam: 145 nghệ nhân làng nghề truyền thống, công nhận 52 làng nghề truyền thống. Hiệp hội cũng tham gia hội đồng xét thưởng quốc gia nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.


Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam

PV: Những khó khăn của làng nghề Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Lưu Duy Dần: Làng nghề Việt Nam hiện có những khó khăn cơ bản. Những khó khăn đã kéo dài trong một thời gian dài. vốn khó tiếp cận. Nhiều chính sách ưu đãi không về được với làng nghề: mặt bằng sản xuất, nhân lực, hạ tầng cơ sở, môi trường. Chúng ta thiếu một qui hoạch phát triển làng nghề mang tính tổng thể. Làng nghề Việt Nam lại phát triển tự phát, phân tán, có nhiều cái lạc hậu, khó có đủ sức đề kháng với những khó khăn của nền kinh tế cho nên làng nghề có nhiều cuộc chao đảo lớn. Nhiều làng nghề hiện nay có nguy cơ thất truyền. Thế hệ trẻ không học theo nghề truyền thống. Rất nhiều người tâm huyết nhưng chưa đủ sống nên khó theo nghề.

Làng nghề chúng ta đang rất thiếu cái vốn cơ bản về văn hoá. Hay nói cách khác vấn đề kinh doanh văn hoá ở nước ta yếu và thiếu. Chính sách con người cũng chưa được đánh giá đúng. Trong khi, thế giới coi mỗi nghệ nhân là một báu vật nhân văn sống của nhân loại.

Trước những khó khăn đó, chúng ta không bi quan mà thời kỳ này đang chuyển đổi. Có thể coi những nghề thủ công đã đi song hành cùng lịch sử, những bước đi thăng trầm của lịch sử. Nghề thủ công có những bước chuyển như chuyển sang phục vụ về tâm linh, các công trình lớn, văn hoá lớn, biến đổi về công nghệ, chất liệu. Đó chính là hiện đại hoá công nghệ truyền thống và truyền thống hoá công nghệ hiện đại.

Sự phát triển làng nghề cần gắn với lịch sử, truyền thống để tạo nên một không gian văn hoá. Chúng ta cũng cần có sự liên kết, giao thoa giữa các nước Đông Dương để tìm ra một bước đi thịnh vượng.

PV: Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Và chỉ cách đây ít ngày thôi, ngày 13-7 vừa qua, ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra dự báo khủng hoảng kinh tế sẽ lên tới đỉnh điểm vào năm 2013. Đứng trước tình hình như vậy, ông đánh giá như thế nào về thời cơ và thách thức của làng nghề Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Ông Lưu Duy Dần: Trước tình hình đó, tôi nhận thấy làng nghề Việt Nam gặp những thách thức về vốn, thị trường bấp bênh, công nghệ lạc hậu, môi trường, nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

Đây cũng là thời cơ để bản thân các làng nghề phải tự liên kết với nhau, chuyển đổi mẫu mã, công nghệ mới, sản phẩm phải mang tính toàn cầu, đổi mới, tìm tòi sáng tạo, sản phẩm phải có hàm lượng văn hoá cao.

PV: Thưa ông! Thực trạng hiện nay là vấn đề môi trường ở các làng nghề chưa được đảm bảo đúng mức. Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 14-6 vừa qua, bộ trưởng bộ công an – ông Trần Đại Quang cũng có nhắc đến việc: bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có môi trường làng nghề nói riêng còn nhiều bất cập… Đất nước ta có nhiều làng nghề nhưng phần lớn những làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải nên đã gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng. Quan điểm của ông như thế nào về thực trạng này?

Ông Lưu Duy Dần: Ta nói làng nghề gây ô nhiễm là chưa chính xác. Ta có thể chỉ ra làng nghề cụ thể nào gây ô nhiễm chứ không thể nói làng nghề chung là gây ô nhiễm. Cả nước hiện có 3355 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có hơn 400 làng nghề truyền thống. 

Hiện cũng có những làng biến tướng thành làng nghề như nhựa tái chế, đun lò gạch. Dọc sông Hồng suốt từ vùng thượng nguồn đổ về có hàng ngàn lò gạch. Đó không thể coi là làng nghề. Những làng ô nhiễm cần phải xử lý.
 
Nhận thức của nhân dân chưa cao. Sản xuất phải gắn với đảm bảo môi trường. Và, nếu nói về ô nhiễm thì các cơ sở y tế, khu công nghiệp cũng rất nguy hiểm. Không thể đổ hết cho làng nghề.

Nhưng, trong đó cũng có những làng nghề như làng sắt Đa Hội (Bắc Ninh) chẳng hạn. Mỗi năm thu trên dưới 1000 tỷ nhưng cả làng điếc hết. Lớp học phải dùng loa để giảng bài. Rồi dòng sông từ Quế Võ đổ về Từ Sơn, cây cối chết hết.

Chúng ta cần phải quay lại tính cộng đồng cao. Có những vấn đề ở làng quê chỉ nhân dân mới giải quyết được. Những qui ước, hương ước ở làng quê với mối quan hệ cộng đồng cao có thể giải quyết được những vấn đề của cộng đồng. Tinh thần cộng đồng kết hợp với chính sách, khoa học, thông tấn báo chí sẽ tạo nên một sức mạnh tổng thể.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được thành lập ngày 3-2-2005. Hiệp hội làng nghề Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận và tự nguyện của các làng nghề và tổ chức kinh doanh, các nghệ nhân cùng những người tâm huyết cùng hợp sức thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Theo Thời báo Mekong tháng 7-2012