Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 29/10/2012
E-mail     Bản in

GỠ “NÚT THẮT” CHO DU LỊCH LÀNG NGHỀ
Để phát huy giá trị du lịch làng nghề, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa ra góp ý, các tour làng nghề cần gắn với lễ hội truyền thống, xây dựng cảnh quan thiên nhiên như bến nước, đình làng, giếng nước… Người dân địa phương cần có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành từ khâu hướng dẫn sản xuất, cho thuê cơ sở lưu trú tại nhà, thuyết minh cho khách về phong tục tập quán của làng, mời khách những món ăn truyền thống, đặc sản địa phương…

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Tại hội thảo mang tên "Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội đã đưa ra các giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” cho du lịch làng nghề, thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 3.355 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 400 làng nghề truyền thống với trên 200 loại sản phẩm thủ công. Riêng Hà Nội sở hữu tới 272 làng nghề truyền thống lâu đời, giàu giá trị về văn hóa - lịch sử. Những năm gần đây đã xuất hiện các điểm du lịch là các làng nghề, như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh Đông Hồ, mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng đèn lồng Hội An (Quảng Nam)... Hà Nội cũng đã xây dựng 16 tour du lịch làng nghề nhưng mới chỉ có tour làng gốm Bát Tràng thu hút được du khách trong và ngoài nước. Theo con số thống kê của Ban Quản lý chợ gốm sứ Bát Tràng, trung bình hàng tháng, chợ gốm Bát Tràng đón 25-30 nghìn lượt khách trong nước, 5-6 nghìn lượt khách quốc tế. Nhiều tour làng nghề khác như mây tre đan Chương Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái mặc dù được một số ít hãng lữ hành khai thác nhưng không có khả năng cạnh tranh.

Một vấn đề khác là hầu hết các tour du lịch làng nghề không có đội ngũ thuyết minh về những nét đặc sắc hay lịch sử phát triển của làng nghề; cung cấp bản thuyết minh tường tận về đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề. Bên cạnh đó, tình trạng chung của người dân ở các làng nghề là thiếu kiến thức về du lịch và không biết ngoại ngữ. Người dân không hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch... Kết quả là khách du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của nơi tham quan vì không có cơ hội tiếp xúc với người dân và công việc của họ.

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, sản phẩm du lịch làng nghề hiện vẫn còn dựa vào tài nguyên có sẵn, ít tạo ra sự khác biệt giữa các làng nghề. Việc đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch còn ở dạng thô, đơn giản làm cho các sản phẩm đơn điệu, các chương trình du lịch kém hấp dẫn. Việc giới thiệu làng nghề chưa gắn với giới thiệu các danh lam thắng cảnh, gắn với các lễ hội, thiếu các dịch vụ đi kèm… Do đó, chúng ta chưa khai thác được thế mạnh của làng nghề ở từng địa phương.

Để phát huy giá trị du lịch làng nghề, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa ra góp ý, các tour làng nghề cần gắn với lễ hội truyền thống, xây dựng cảnh quan thiên nhiên như bến nước, đình làng, giếng nước… Người dân địa phương cần có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành từ khâu hướng dẫn sản xuất, cho thuê cơ sở lưu trú tại nhà, thuyết minh cho khách về phong tục tập quán của làng, mời khách những món ăn truyền thống, đặc sản địa phương…

Theo nhận định của một số chuyên gia du lịch, để du lịch làng nghề phát triển, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút du khách; tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch lồng ghép với các hoạt động, sự kiện văn hóa dân gian tại các vùng có làng nghề truyền thống...

 

                                               


Nguồn: Báo Hànộimới