Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 28/3/2017
E-mail     Bản in

Những dòng họ gỡ bỏ gánh nặng vô hình
(HUNGYEN) - Những quy ước từng lưu truyền trong họ hàng trăm năm đã được bổ sung, sửa đổi. Đó là nỗ lực của một số dòng họ trên địa bàn tỉnh nhằm xoá bỏ dần quan niệm “trọng nam khinh nữ”, gánh nặng “vô hình” với hàng vạn gia đình, mà hiện vẫn còn tồn tại nặng nề, dai dẳng và khá phổ biến…
   
Một buổi tuyên tuyền dân số
Một buổi tuyên tuyền dân số tại Yên Mỹ
 
Một quan niệm tưởng chừng không bao giờ thay đổi được với dòng họ Lưu Ngọc ở thôn Lưu Trung xã Liêu Xá (Yên Mỹ) bởi lẽ trong gia phả họ Lưu có ghi: “Không ham giàu sang phú quý, chỉ mong đông con nhiều cháu…”, “thành viên dòng họ phải là đinh (nam)”, “mừng lão, thăm hỏi, kính viếng chỉ cụ ông”, “báo sinh hàng năm chỉ báo cháu trai”... Quan niệm “To họ dài dòng” đã tồn tại hàng trăm năm trong dòng họ Lưu nên việc đưa chính sách dân số-KHHGĐ vào thực hiện trong các gia đình của dòng họ rất khó khăn và phức tạp.
 
Thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, cực khổ và thiệt thòi khi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề, các cụ cao tuổi và Hội đồng gia tộc dòng họ Lưu Ngọc đã tích cực hưởng ứng chính sách dân số. Các điều lệ mới của dòng họ được ra đời nhằm thay đổi tập tục lạc hậu đã ăn sâu bén rễ lâu đời, bằng hình thức mời cả nam và nữ tham gia các hoạt động của dòng họ và đề cao vai trò của người phụ nữ. Từ việc hiếu hỷ, thăm hỏi đến khuyến học… đều không phân biệt là trai hay gái của họ. Mời các cụ bà và con gái họ tham gia giỗ tổ và họp họ. Báo sinh hàng năm cả cháu nam và nữ. Khen thưởng nam nữ như nhau. Thăm hỏi, mừng thọ, điếu phúng cụ ông cũng như cụ bà, nam cũng như nữ... Đây được coi là bước đột phá đổi mới quan trọng trong dòng họ Lưu Ngọc. Bước đầu, nhận thức về việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình ở các gia đình trong họ được nâng lên. 
 
Chị Lưu Thị Phượng, thôn Lưu Trung cho biết: “Do trước đây chưa nhận thức được việc đông con vất vả, cực nhọc như thế nào nên tôi đã sinh 3 cháu. Đông con nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, sau khi được các cụ trong họ tới tuyên truyền vận động tôi đã nhận thức được việc sinh ít con có lợi như thế nào nên thường động viên và khuyên các cháu không lặp lại hoàn cảnh của bố mẹ nữa mà chỉ sinh từ 1 đến 2 con để có điều kiện chăm lo cho con cái và phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.” 
 
Dòng họ Đào ở xã Đồng Than (Yên Mỹ) cũng là một trong những dòng họ lớn, có từ lâu đời. Từ hàng trăm năm trước, mong muốn “đông con nhiều cháu”, tư tưởng “nữ nhi ngoại tộc” đã được họ lưu truyền lại cho con cháu để xây dựng “To họ dài dòng”. 
 
Theo đó, gia đình nào cũng phải đông con nhiều cháu, có con trai để nối dõi tông đường và nương tựa khi già yếu.  Thành viên của dòng họ chỉ gồm nam giới. Các hoạt động của dòng họ đều đề cao nam giới như: tham gia họp giỗ tổ, thanh minh hàng năm phải là nam giới… 
 
Bởi vậy việc thực hiện chính sách dân số/KHHGĐ vào dòng họ được đánh giá là “cực kỳ phức tạp và khó khăn”. Tuy nhiên với tấm lòng vì thế hệ mai sau, đồng thời góp phần giúp cho các gia đình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, có điều kiện để con cháu được học hành, xoá bỏ quan niệm lạc hậu “trọng nam khinh nữ”, dòng họ Đào đã tích cực tham gia thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ. 
 
Thời gian qua, dòng họ Đào đã đưa chính sách dân số-KHHGĐ vào dòng họ bằng nhiều hình thức. Tập tục “trọng nam khinh nữ” lâu đời của dòng họ được thay đổi bằng hình thức đề cao sự bình đẳng nam- nữ, nữ giới được mời tham gia các hoạt động của dòng họ như: tham gia giỗ tổ, họp họ, báo sinh, hiếu hỷ, mừng thọ…
 
Ông Đào Văn Hai, đại diện dòng họ Đào ở xã Đồng Than bày tỏ, “Những đổi thay này đã tác động tích cực đến việc thực hiện chính sách gia đình 2 con, dù trai hay gái. Trong đó, các gia đình đỡ phần chịu sức ép phải có con trai để nối dõi!”
 
Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quyết định tới kết quả chương trình kế hoạch hoá gia đình là việc chuyển đổi nhận thức của người dân. Bởi vậy, hiện nay công tác tuyền truyền về dân số-KHHGĐ không chỉ hướng tới đối tượng trong độ tuổi sinh sản mà còn chú trọng vận động các dòng họ, gia đình cùng vào cuộc. 
 
Ông Trần Đình Tập đại diện dòng họ Trần Đình, thôn Liêu Xá cho biết: Theo qui ước mới của dòng họ, luôn khuyến khích, đề cao vai trò của con dâu, con gái, từ việc mừng thọ các cụ cao tuổi, hiếu hỷ đến khuyến học, trong dòng họ không phân biệt là trai hay gái. Vì vậy trong họ có rất nhiều gia đình có kinh tế khá giả, bố mẹ hoà thuận hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi và thành đạt, điển hình như gia đình anh Trần Đình Hưng, Trần Đình Núi... Đó chính là nguồn động viên rất lớn đối với các gia đình sinh con một bề. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh đã có một số dòng họ chủ động bổ sung, sửa đổi điều lệ đã lưu truyền hàng thế kỷ nhằm xoá bỏ dần quan niệm “trọng nam khinh nữ”, gánh nặng “vô hình” đè lên vai hàng triệu gia đình, mà hiện vẫn còn tồn tại nặng nề dai dẳng và khá phổ biến trong một trong một bộ phận người dân, ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện chính sách dân số/KHHGĐ. 
 
Ông Nguyễn Đức Lộc, Chi cục trưởng Chi cục dân số/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Việc đưa chính sách dân số/KHHGĐ vào hương ước, quy ước của dòng họ bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Khi nhận thức về chính sách dân số của không ít người dân còn chưa cao, nhưng khi đã trở thành quy định của dòng họ, những sức ép “vô hình” sẽ dần được tháo bỏ cho mọi thành viên”. 
 
 
Minh Huệ