Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. NGỌC PHẢ; TỘC PHẢ; PHẢ ĐỒ .
Đăng ngày 28/12/2013
E-mail     Bản in

CÔNG THẦN TUY LỘC ĐẠI VƯƠNG NGỌC PHẢ LỤC
(LUUTOC.VN) - Trân trong giới thiệu bản dịch "ĐẠI VƯƠNG NGỌC PHẢ LỤC" của Ông Nguyễn Đức Toàn và Ông Hoàng Giáp, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam biên dịch và hiệu đính, hoàn chỉnh vào ngày 30/03/2006. Hiện cuốn Đại Vương Ngọc Phả lục (chữ Hán Nôm) đang được lưu trữ và bảo quản cẩn mật trong 1 két sắt để tại Đền thờ Thái sư Lưu Cơ ở thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

 
Đình làng Đại Từ, nơi hiện đang thờ Tuy lộc Đại vương Lưu Cơ làm Thành hoàng làng.

ĐẠI VƯƠNG NGỌC PHẢ LỤC
(Phụng chép bài tựa Đại vương Ngọc Phả lục)
 
Phả lục Đại vương của ấp ta, từ năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) do quan Đại học sĩ Nguyễn Bính kính soạn. Đến năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), quan Thiếu Khanh Nguyễn Hiền thừa sao, bản ấy ở ấp ta đã bị thất lạc từ lâu, chẵng biết từ năm nào. Nay nghe ở xã Bình Đăng, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây, nhà quan Thượng thư Bộ Lễ của triều Lê cũ còn giữ được quyển Bách thần phả lục, nay vẫn còn lưu truyền. Các vị bô lão thân hào ấp ta hội họp, cử người đến nơi xin chép bản chính đem về phụng sự. Già trẻ toàn ấp đều rất vui vẻ, chẳng khác gì như mây mù vén mà thấy được trời xanh, lúc tối tăm hết mà hiện ngày sáng.
 
Vả nữa ấp ta hơn nghìn năm nay, các bậc văn thân hào mục đời nào cũng có mà chỉ một việc chép thần tích không thấy nhắc đến, thoảng hoặc có nhắc thì cũng nhắc rụt rè, quanh co không đến nơi, thật là đáng tiếc. Nay một lời phát ra, ai ai cũng một lòng, may được như sở nguyện, hay là do ý Trời mở lòng chăng? mà ý thành của dân ta cảm động đến chăng !mà âu cũng là sự cảm ứng thần linh của Đại vương ta vậy. Nhân đây xin viết lại và khắc vào bia đá để truyền lâu dài.
 
Chép ngày tốt, tháng 3 năm Đinh Hợi, Niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887)

 
 Một trang bản thần tích chép lại vào năm 1887 nói về thân thế sự nghiệp của danh thần Lưu Cơ. 
 
ĐINH TRIỀU CÔNG THẦN TUY LỘC ĐẠI VƯƠNG NGỌC PHẢ LỤC
(Nguyên Quốc triều Lễ Bộ chính bản)
 
Nước Việt ta từ thời Hậu Ngô vương, đến Thập nhị Sứ quân chia nhau cát cứ đất đai. Lúc ấy, ở trấn Thanh Hoa ngoại (nay đổi là Thanh Hóa) có 1 lão ông Họ Lưu tên là Kỳ , lấy bà Lê Thị Phương, vợ chồng duyên đẹp đã hơn 20 năm, nay gần đến tuổi tứ tuần mà chưa có con. Ông bà làm nhiều điều hành nhân tu đức, thương giúp người bần hàn nghèo khó, lại thường hay cầu khấn trời đất quỷ thần ban phúc.
 
Vợ chồng một hôm đang ngồi, bảo với nhau rằng:

“Vợ chồng mình bình thường hay làm việc tích đức, không có lòng ác mà mộng sinh hùng sinh bi (1) còn muộn mằn, điềm ngọc chương (2) chơi đùa chưa tới.Thường nghe trong xứ ta có Bạch Bát (3) sơn thần rất linh thiêng, nhiều người đến cầu tự tất hiển ứng, vợ chồng ta sao không biện lễ vật đến núi ấy để mà cầu”.
 
 Thế là vợ chồng cùng trai giới, chọn ngày hành lễ đến núi Bạch Bát cầu tự. Vợ chồng lưu trú ở lại 3 hôm. Tối bỗng thấy sắc đỏ giáng vào trong lòng. Hôm sau vợ chồng lại làm lễ bái tạ Sơn thần để trở về nhà. Sau 3 tháng thì bà Lê Thị Phương quả nhiên có thai và vào ngày mùng ba tháng Giêng, hạ sinh được 1 người con trai, đường đường tuấn tú, dĩnh ngộ khác thường.
 
Đến năm lên 7,8 tuổi bố đặt tên là Cơ và cho theo học cùng trong bản xứ với Tri Hối Tiên sinh ở huyện Gia Viễn. Được 10 năm, các môn Kinh, Truyện, Tử, Sử môn nào cũng tinh thông, được thầy dạy rất xem trọng, mọi người đều khen cậu bé Lưu Cơ là người khác thường. Đến năm 16 tuổi, thân phụ Lưu Kỳ mệnh chung qua đời, Ông ở cư tang giữ lễ không ra khỏi nhà. Khi hết tang cha, ở nhà an phận nghèo không cầu danh tiếng. Kế đến, thân mẫu Lê Thị Phượng qua đời, lúc ấy Ông đã ngoài 20.
 
Khi hết tang, nghe tiếng Đinh Bộ Lĩnh khởi nghĩa ở động Hoa Lư, Ông liến đến bái yết, Đinh Bộ Lĩnh rất vừa ý. Thời bấy giờ, 12 Sứ quân chia nhau cát cứ đất đai. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng công, chiếm cứ đất Siêu Loại. Lưu Cơ tuy tuổi mới hơn 20, nhưng tài văn võ không gì không thạo, các việc binh cơ quân vụ không gì không thông thuộc. Vì vậy, Đinh Bộ Lĩnh cử Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư đến đóng giữ ở huyện Siêu Loại để bình định Lý Lãng công.
 
Lưu Cơ quản lĩnh 3.000 binh mã đóng quân ở trang Đại Từ (nay là xã Đại Từ) huyện Tế Giang (nay là Văn Giang) phủ Thuận An (nay là Thuận Thành) Vũ Ninh (nay là Bắc Ninh) thiết lập đồn doanh, ngày đêm phòng giữ.Lúc ấy, nhiều trai tráng của trang Đại Từ đã cùng đến xin ứng mộ nghĩa quân, Lưu Cơ đồng ý cho.
 
Đóng đồn ở đấy được 1 năm, ông thấy đất ở trang Đại Từ phong cảnh đáng yêu, người dân thuần hậu, cùng có cái thế địa lợi nhân hòa. Ông liền cho dựng một gian nhà làm chỗ nghĩ ngơi và cho dân trang Đại Từ 1.000 quan tiền, bảo rằng:
 
“Khi nào ta 100 tuổi, ắt sẽ làm thần ở trang này.Ta bình sinh không ăn thịt cá, về sau khi làm lễ tế tự cho ta thì chớ dùng các loại thịt trâu, lợn, gà, mà chỉ dùng đồ chay thôi”
 
Về sau, nhân lúc Lý Lãng công ngu muội, bạo động làm tàn hại nhân dân. Đinh Bộ Lĩnh sai Ông tiến quân tiểu trừ, Lý Lãng công thua chạy. Đinh Bộ Lĩnh nghe tin khen ngợi mãi không thôi, liền phong cho Ông làm Đô hộ phủ sĩ sư, Thượng tướng phụ quốc công cùng với Đinh Điền, Nguyễn Bặc (4) làm Đại tướng.
 
Lại nói chuyện, sau khi bình được Lý Lãng công, Ông trở về kinh đô Hoa Lư giúp vua sửa sang việc chính sự. Đến năm 70 tuổi, Ông nghĩ hưu có về thăm quê cũ trang Tri Hối (5) rồi lại lên xe về trang Đại Từ thăm hỏi, ban thưởng cho những người già, Ông lưu lại ở đây 10 ngày mới về.
 
Ba năm sau thì Ông mất vào ngày 24 tháng 12. Người bản huyện đem việc tâu lên triều đình, vua Đinh Tiên Hoàng lại phong cho Ông chức Tuy Lộc Đại vương và truyền rằng những trang trại Ông đã đóng quân thì cho lập miếu phụng thờ., ban 8 cái nón đồng cho các nơi nhận về thờ để biểu thị nhớ thời Ông còn cầm quân.
 
Thế là nhân dân trang Đại Từ cảm động, mến tình cũ và ơn huệ của Ông nên lập miếu phụng sự nơi nhà cũ, bốn mùa tám tiết hương khói thờ cúng theo nghi thức. Trải qua các đời Lê, Lý, Trần đều có sắc phong tặng.
 
Xưa Thái Tổ hoàng đế (6) lúc còn phải như rồng thiêng nằm ẩn, từng đi qua đền của Tuy Lộc Đại vương ở đất trang Đại Từ, huyện Tế Giang có ngầm khấn cầu Ngài Lưu Cơ phù hộ cho vận nước. Đến khi Thái Tổ yên vị được thiên hạ, Vua đã sắc phong cho bách thần, phong cho Ông chức Thượng đẳng thần Tuy Lộc Đại Vương, đặc gia phong mỹ tự: " TUY LỘC ĐẠI VƯƠNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN ", chuẩn cho dân trang Đại Từ phụng sự.
 
Kê khai các chữ kiêng húy:
  • Tên Thân phụ của Đại vương là Kỳ.
  • Tên Thân mẫu của Đại vương là Phương.
  • Tên húy của Đại vương là Cơ.
Kê khai các ngày sinh và ngày hóa (7):
- Ngày sinh của Đại vương là ngày Mùng 3 tháng Giêng Âm lịch: Lễ dùng các thức chay, ca hát âm nhạc nhưng không được tế thịt.
-  Ngày hóa của Đại vương là ngày 24 tháng 12 Âm lịch: Lễ dùng đồ chay, vàng mã nhưng không được tế thịt và tổ chức ca hát.
 
* Quản bách thần tri điện Hùng Lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền thừa sao.
.........................................................................................................................
 
Chú thích:
  • (1) Hùng Bi: chỉ việc nằm mơ thấy gấu, là điềm báo sinh con trai.
  • (2) Ngọc chương: chỉ việc sinh con trai, lấy ngọc chương cho con trai chơi.
  • (3) Núi Bạch Bát: không rõ ở đâu.
  • (4) Đinh Điền, Nguyễn Bặc là 2 tướng giỏi của Đinh Bộ Lĩnh có nhiều công la, về sau được phong làm Đại tướng.
  • (5) Tri Hối: nơi xưa Lưu Cơ theo học với Tri Hối Tiên sinh.
  • (6) Thái Tổ Hoàng đế:: để chỉ Vua Lê Lợi, vua Thái Tổ Nhà Lê.
  • (7) Ngày hóa; là ngày tạ thế của Đại vương.
QUANG BÌNH (St)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)