Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 28/11/2012
E-mail     Bản in

"Cõi đi về" của những người nổi tiếng: Ngôi nhà văn nghệ sĩ lớn nhất Thủ đô
GiadinhNet - Đó là nơi trú ngụ của gần 30 gia đình văn nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu...
Sau nửa thế kỷ với bao thăng trầm, ngôi nhà văn nghệ sĩ vẫn còn đó như một chứng tích lịch sử, nơi ra đời của bao bản nhạc, bài thơ, vở kịch, bao cuốn tiểu thuyết sống mãi với thời gian. Căn phòng xưa của gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn còn đó cùng giai thoại về mối tình đẹp như mơ và những vần thơ tình bất hủ…
 

Cổng chính dẫn vào khu nhà văn nghệ sĩ bây giờ. Ảnh: L.X

Miền thương nhớ…

Đó là ngôi nhà 4 tầng nằm ngay mặt tiền ở Phố Huế, đối diện chợ Hôm nổi tiếng. Ngôi nhà này xưa vốn là nhà Lục Quốc, một khách sạn, nhà hàng nổi danh của nhà tư sản Lê Cường. Do được xây làm khách sạn nên mỗi tầng của tòa nhà được chia thành nhiều phòng nhỏ khoảng 9 đến 10 phòng tùy tầng, mỗi phòng chỉ rộng chừng 15m2. Toàn bộ tòa nhà được xây trên diện tích chừng 300 m2, với mặt tiền kéo dài khoảng 15 mét trên Phố Huế nên trông phía ngoài mang đậm dáng dấp của chung cư ngày nay.

Sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), tòa nhà này được phân cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam quản lý. Vì thế ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đây đã là chốn cư ngụ của rất nhiều văn nghệ sĩ. Những nhạc sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Ngô Huỳnh, nhạc sĩ Phan Thanh Nam, nhạc sĩ Hoàng Nguyễn, nhạc sĩ Phạm Ngữ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thới... Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng cũng từng cư ngụ trong ngôi nhà văn nghệ sĩ lớn nhất Hà Nội này như nhà văn Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn), Hà Mậu Nhai, Mạc Phi, Bàng Sỹ Nguyên, Hà Minh Tuân, Nông Quốc Chấn, Trạng Nghị, nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình, nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Lương Đống, diễn viên Tố Uyên...

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Hùng, con trai một cán bộ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam - người lớn lên từ những căn phòng chật hẹp trong ngôi nhà văn nghệ sĩ - đến nay vẫn còn vẹn nguyên những hình ảnh một thời thơ ấu rộn rã tiếng hát, tiếng cười. "Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hồi đó còn sáng tác riêng một bài hát dành cho lũ trẻ trong khu nhà nghêu ngao hát: Nhà 96 các cháu rất ngoan/Mỗi khi lên cầu thang thì đi nhẹ bước/Khi xuống bếp lấy nước thì không làm bẩn nhà/Ấy thế mới gọi là/là các cháu ngoan", ông Hùng nhớ lại. Hồi đó, lũ trẻ được nhạc sĩ tập dượt cho hát rất đúng điệu, đến khi đi biểu diễn văn nghệ ở khu phố đã giành giải nhất. Những đứa trẻ con của nhà văn nghệ sĩ ngày ấy dường như là một "thế giới rất khác" với những khu nhà xung quanh, bởi nơi ấy luôn có tiếng cười, tiếng hát, mọi người sống rất hòa thuận và quây quần với nhau. Tuyệt nhiên không có sự cãi vã hay lời qua tiếng lại dù cuộc sống bấy giờ thật khốn khó, chật vật vô cùng, nhất là với giới văn nghệ sĩ.
 
Người hàng xóm Phạm Trọng Thìn bên căn phòng của gia đình
Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Nơi ra đời của những tác phẩm sống mãi với thời gian…

Hồi đó, các hộ gia đình chỉ ở tầng 2 và tầng 3, còn tầng 1 để dành đun bếp, khu nước máy và để xe đạp. Tầng 4 được dành để làm câu lạc bộ nghệ sĩ có đủ cả sân khấu để biểu diễn, có sàn nhảy, có cả căng tin để bán café... là nơi mà sáng sáng, tối tối các văn nghệ sĩ tụ họp bàn chuyện sáng tác. Đó còn là nơi tụ họp, trò chuyện, tiếp đón những văn nghệ ở khắp nơi trên cả nước đến đàm đạo mỗi khi họ có dịp ra Hà Nội.

"Hồi đó ở tầng 2 có nhà bác Văn Ký, nhạc sĩ Ngô Huỳnh, nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận; tầng 3 có gia đình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, Xuân Tuyền, nhạc sĩ Phạm Ngữ, nhà văn Đồ Phồn, nữ diễn viên Tố Uyên cũng từng ở tầng 3... Hồi ấy, sáng sáng bố mẹ tôi và các bác, các chú văn nghệ sĩ đều đi làm cả, chiều và đêm về thì đều phải ra vòi nước công cộng ở đầu phố Trần Nhân Tông hứng nước nấu nướng, giặt giũ quần áo. Hồi đó đến nước cũng chảy yếu, có khi xếp hàng mấy tiếng mới lấy được nửa phi nước nhưng tôi nhớ mọi người luôn cười đùa, hát hò vui vẻ chứ không cau có, cãi vã, tranh nhau như tại những vòi nước của khu dân cư khác", ông Nguyễn Văn Hùng nhớ lại.
 
Căn phòng của gia đình nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận và vợ là
 bà Vũ Thị Khánh.
Bây giờ nó cũng phải cõng thêm nhiều thứ trông… nhem nhuốc
như thế này!

Trong khu tập thể văn nghệ sĩ lớn nhất nước này, biết bao tác phẩm đã ra đời và nhanh chóng đi vào lòng người, sống mãi với thời gian của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu hay những cuốn tiểu thuyết nổi danh của nhà văn Đồ Phồn, Hà Minh Tuân vv... Trong ký ức của nhiều người lớn lên ở khu nhà văn nghệ sĩ, đến nay như vẫn còn văng vẳng đâu đó giọng ca của ca sĩ Thu Hiền, ca sĩ Bích Liên, ca sĩ Vũ Dậu, ca sĩ Ái Vân... khi tập hát nơi đây. Những ca sĩ ấy sau này đều thành danh và trở thành những nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao thuở trước cũng thường lui tới tòa nhà này để trò chuyện với người bạn thân là Lê Chính, một họa sĩ trình bày báo Văn Nghệ kỳ cựu.

Dấu tích Lưu Quang Vũ -  Xuân Quỳnh  còn mãi…

Sau năm 1975, các văn nghệ sĩ bắt đầu rục rịch chuyển đi. Cho đến những năm 90 thì hầu như không còn ai. "Chủ yếu cư dân của tòa nhà là văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc nên sau giải phóng, họ chuyển hết về miền Nam"- ông Nguyễn Văn Hùng cho hay. Bây giờ chỉ còn duy nhất hai căn phòng xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh là còn vẹn nguyên. Cả hai căn phòng này đều đóng cửa. Thi thoảng người nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến dọn dẹp căn phòng xưa của ông trên tầng 2. Còn căn phòng của gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh thì thường có người em gái là Lưu Khánh Thơ ghé đến và người con trai là Lưu Minh Vũ tới hương hỏa.

Người hàng xóm ngay kề bên căn hộ của gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh- ông Phạm Trọng Thìn kể: "Hai căn hộ sát liền nhau ngay ban công phía trong tòa nhà là nơi mà gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh sinh sống từ khi họ lấy nhau cho tới khi không may bị tai nạn qua đời. Căn phòng cửa sơn màu vàng nhạt phía ngoài là nơi sinh hoạt, ăn uống, còn căn phòng sơn màu xanh thẫm phía trong là nơi mà trước kia Lưu Quang Vũ thường ngồi sáng tác kịch. Nhiều bài thơ, vở kịch nổi tiếng đã được Lưu Quang viết từ căn phòng này. Hàng trăm bài thơ, vở kịch nổi tiếng của họ được viết nên từ nơi đây". Cũng chính tại căn phòng nhỏ chật chội trên tầng 3 nhà văn nghệ sĩ ấy, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết nên bài thơ "Nhà chật" nổi tiếng.

Người mẹ của nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ - bà Vũ Thị Khánh - cũng vì thương nhớ về miền sống đã gắn bó máu thịt với gia đình bà nên không chịu đi nơi khác rộng rãi cùng con, mà cứ ở mãi trong căn phòng tầng 2. "Chỉ đến khi quá già yếu, cụ mới chịu chuyển đến ở cùng con cháu, mà cụ cũng chỉ đi độ vài năm nay thôi", ông Phạm Trọng Thìn cho biết.

Bây giờ, tòa nhà văn nghệ sĩ nổi danh xưa vẫn còn đó nhưng mang thêm nhiều diện mạo mới của cuộc sống phồn hoa đô thị. Những lồng sắt, những căn phòng nho nhỏ che bằng cót ép hoặc xây kiên cố bằng bê tông sắt thép mọc thêm ra. Những văn nghệ sĩ tên tuổi xưa giờ chẳng còn ai ở đây nữa! Dù vậy, dấu tích xưa nơi đây vẫn sống mãi với thời gian cùng những tên tuổi, những tác phẩm bất hủ của cả một thế hệ những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch... tên tuổi hàng đầu của Việt Nam.
 
Một số nghệ sĩ từng sống ở "nhà văn nghệ sỹ":
 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Ông là một trong những nhạc sĩ “nhạc đỏ” thành công với chất liệu dân ca. Những sáng tác của ông được chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền...

Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre.
 
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển...
 
Nhạc sĩ Văn Ký

Ông hoạt động âm nhạc tại Hà Nội từ năm 1955, nhiều ca khúc tiêu biểu của ông đã được viết tại Hà Nội. Những ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký đậm chất trữ tình, trong sáng và được nhiều công chúng yêu thích. Văn Ký đã viết khoảng 400 nhạc phẩm trong đó có ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng...

Nhạc sĩ Văn Ký đã được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2001.
 
Nhà thơ Xuân Quỳnh

Bà là nữ thi sĩ giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh... Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt nam. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.
 
Nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ

Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ (40 tuổi) ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu. 

Theo Lã Xưa