Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 27/12/2011
E-mail     Bản in

Nghệ thuật chưng mâm quả Nam bộ : Cho vốn cổ thăng hoa
Ngày tết cổ truyền, trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình Việt Nam, nhà nào cũng chưng một mâm ngũ quả. Điều này đã trở thành một nét đẹp tinh thần ăn sâu vào máu thịt của người dân Việt Nam. Và chính trong truyền thống bao đời ấy, một “môn nghệ thuật” mới đã ra đời trên mảnh đất phương Nam: nghệ thuật chưng mâm ngũ quả.

Nghệ thuật chưng mâm quả Nam bộ: Cho vốn cổ thăng hoa

Tác phẩm “Long Phụng”
dùng trong đám cưới

Người Việt Nam ta vốn từ lâu đã quen với cách gọi này chứ thực ra “mâm ngũ quả” không bắt buộc phải chưng những thứ quả gì. “Ngũ” ở đây theo quan niệm Trung Hoa xưa chính là con số biểu thị Ngũ hành: Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ và cũng chính là tượng trưng cho ngũ phương, ngũ sắc, ngũ luân, ngũ quan… Như vậy bản thân “ngũ” đứng ở vị trí trung tâm như là một biểu hiện chung của sự sống. Theo đó, “ngũ quả” được coi là tập thành đủ đầy mọi lễ vật để dâng cúng tổ tiên, thần thánh… trong những dịp lễ, tết. Tâm linh người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội được thể hiện thâm trầm nhưng sâu sắc là thế. Và bao đời nay, nó vẫn còn tồn tại, thăng hoa.

Mâm ngũ quả ở mỗi vùng, miền đều có nét khác nhau nhưng tựu trung đều mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt lành và thể hiện lòng thành của gia chủ. Người miền Bắc và nhiều tỉnh miền Trung có thói quen bày trên mâm ngũ quả nải chuối hay trái phật thủ, tượng trưng cho bàn tay che chở của trời đất hoặc ngụ ý hứng lấy những may mắn, tốt lành trong năm mới. Bên trên nải chuối có thể bày cam, quýt, bưởi, quả trứng gà (lêkima) hay đu đủ… miễn sao cho phong phú và đẹp mắt là được.

Còn tại miền Nam, nhiều nơi vẫn chưng mâm ngũ quả theo một quan niệm khá bình dân: “cầu sung vừa đủ xài” từ cách đọc chệch của 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Khi đời sống đổi thay từng ngày, mâm ngũ quả của tâm linh ngày nào nay đã tiến thêm một bước để trở thành một “món nghệ thuật” độc đáo. Vùng Thủ Dầu Một (Bình Dương), người dân đặc biệt yêu thích và thường chưng trong nhà những “mâm quả” kết hình của Tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng. Hiện nay, không chỉ ngày tết mà trong những dịp hội hè, cưới hỏi, khai trương, động thổ và thậm chí trong ma chay, người miền Nam cũng thường dùng những mâm quả độc đáo này.

Hàng năm, tại TPHCM, Bình Dương… không ít dịp người dân được chiêm ngưỡng những tác phẩm trưng bày hoa quả hoành tráng mà cũng hết sức tinh tế từ bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân. Những người mê loại hình nghệ thuật này thường lui tới những địa chỉ quen thuộc như Suối Tiên, Công viên Tao Đàn, Dinh Thống Nhất, Công viên Văn hoá Đầm Sen… trong những dịp lễ lớn để thi tài, học hỏi và… thán phục nhau. Lễ hội trái cây Nam bộ giờ đây cũng không thể thiếu những tác phẩm nghệ thuật làm từ trái cây – những sản vật ngon nhất, đẹp nhất do chính bàn tay lao động của người nông dân Nam bộ làm ra.

Nghệ thuật chưng mâm quả Nam bộ: Cho vốn cổ thăng hoa

Tác phẩm “Song long” cao hơn 2m
của nghệ nhân Đào Văn Dúp.

Trong một lần dự buổi lễ trao bằng nghệ nhân dân gian gần đây, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ nghệ nhân Đào Văn Dúp, một trong những người có thâm niên và tên tuổi trong nghề chưng mâm quả tại TPHCM cũng như tại miền Nam. Tới thăm ông tại tư gia (ấp Thới Tứ – xã Thới Tam Thôn – huyện Hóc Môn), tận mắt thấy ông kết mâm quả “Long Phụng” cho một đám cưới mới thấy hết sự khéo léo và chữ tâm nơi người nghệ nhân già với cái nghề đã qua 3 đời truyền nối. Các loại củ, quả, cành lá hàng ngày vẫn xuất hiện trong bữa ăn nhưng qua bàn tay của người nghệ nhân chúng trở lên sống động, có hình và có thần. Từ trái ớt đỏ, củ tỏi, lá dứa, trái đậu bắp, đậu đũa, củ hành tây, cà bát đến các loại hoa cúc, trái cau, dừa nước… mà kết thành đầu long, đuôi phụng, mình lân, vuốt hổ… cái nào cũng khéo, cũng chỉnh.

Có một điều lạ là không ai biết ông Tổ nghề này là ai, nhưng những người như nghệ nhân Đào Văn Dúp luôn thành kính mỗi khi nhắc tới những người đi trước đã dày công tìm kiếm và lưu truyền tinh hoa của nghề. Từ đó, nghệ nhân luôn tâm niệm phải giữ trọn chữ “Tâm”, chữ “Đức” cũng như tích cực truyền thụ vốn nghề cho các thế hệ mai sau. Hiện nay tại các quận, huyện thuộc TPHCM như quận 3, 11, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi có cả trăm người theo học và thực hành nghề chưng mâm quả. Tại chợ Bến Thành cũng có nhiều quầy trái cây nhận đặt hàng chưng mâm quả để phục vụ nhu cầu của người dân thành phố, nhất là vào dịp cuối năm. Những người “tinh” nghề hàng năm vẫn tham gia các cuộc thi tại địa phương và các tỉnh, họ coi đó như một thú chơi văn hoá độc đáo, tao nhã gắn bó máu thịt với đất và người phương Nam.

Theo Tuân Nguyễn