Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 26/11/2014
E-mail     Bản in

Thành Đông giờ ở đâu?
(Kiến thức) - Theo ông Lưu Đức Ý, trong suốt thời gian tồn tại, thành Đông đã từng một lần ngăn chặn quân tàu ô từ Quảng Yên lên, bị chúng bao vây mấy tháng trời.

Nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long, thành Hải Dương (thành Đông) là một tòa thành đồ sộ, có vị trí chiến lược góp phần bảo vệ kinh thành khi ngăn quân giặc từ biển vào. Trải qua những thăng trầm lịch sử, tòa thành xưa tưởng như chỉ còn trong hoài niệm.

Đi tìm dấu tích thành Đông

Về TP Hải Dương, tôi làm một phép thử nhỏ khi đặt câu hỏi "thành Đông giờ ở đâu?" cho những người tôi gặp. Thế nhưng, từ anh xe ôm trên đường Lê Thanh Nghị ngoài 30 tuổi, bà chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Hưng Đạo ngoài 50 tuổi đến cô bé sinh viên năm thứ hai trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương - dù đều nhận "quê gốc ở thành phố" cũng lắc đầu ái ngại. Họ bảo có nghe đến tên tòa thành này, láng máng rằng phố Hào Thành "hình như có liên quan" mà không hề biết chính xác khu thành ấy là gì, ở đâu bây giờ.

Tôi đem câu chuyện này gặp ông Lưu Đức Ý, thành viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh, chủ biên kiêm đồng chủ biên nhiều cuốn sách đã xuất bản về đất và người Hải Dương. Ông Ý cười xòa: "Lâu lắm rồi. Người ta không biết cũng phải". Tôi thoáng chưng hửng vì biết rằng dấu tích tòa thành ấy đã chẳng còn nguyên vẹn, lo rồi cũng chỉ như "bóng chim tăm cá". Như đọc được ý nghĩ ấy của tôi, ông Ý trấn an: "Người ta có thể thay đổi lịch sử, phá hủy dấu tích của nó nhưng chẳng bao giờ làm nó biến mất vĩnh viễn được, chí ít là trong tiềm thức". Tôi đi tìm dấu tích thành Đông như thế.

 
Cửa Đông xưa nay đã là đường lớn, tấp nập xe cộ. 
 
Từng cầm chân giặc tàu ô

Ông Ý từng là giáo viên dạy Toán. Thế nhưng, lịch sử lại có sức hấp dẫn ông mãnh liệt, để rồi "càng tìm hiểu lại càng say mê, càng say thì càng phải tìm hiểu cho đến khi nào mắt không thể nhìn được, tay không thể ghi chép hay lần giở những trang giấy mới thôi", ông bảo. Vì thế, khi về hưu, ông có nhiều thời gian để chuyên tâm vào tìm hiểu lịch sử. Sự hiểu biết về mảnh đất mình sinh sống và sẽ gắn bó đến hơi thở cuối cùng này khiến người thầy giáo già ấy càng thêm tự hào. 
Ông kể về lịch sử thành phố, về đất, về người Hải Dương với tất cả sự háo hức, như thể ông đang nói về chính ngôi nhà mình do bàn tay mình thiết kế, bài trí, về những người thân cận của mình. Ấy thế mà, khi nhắc đến thành Đông, giọng ông trầm xuống, như nuối tiếc, như xót xa.

Lần giở những trang tư liệu, ông Ý cho hay, khi vua Gia Long thống nhất đất nước vào năm 1802, thành Hải Dương vẫn đóng ở Mao Điền, cách TP Hải Dương bây giờ chừng 15km. Trấn thủ là ông Trần Công Hiến. Tháng 8 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long ra Bắc Hà lần thứ hai, đi kinh lý qua Hải Dương, trấn phên dậu của Thăng Long đã nhận ra sự bất hợp lý của việc đặt trấn sở Hải Dương tại Mao Điền. 

Năm Giáp Tý (1804), vua ra Bắc Hà lần thứ ba để tiếp sứ nhà Thanh ở Thăng Long đã quyết định di trấn sở Hải Dương về phía đông 15km trên ngã ba sông Kẻ Sặt và Thái Bình, thuộc địa phận Bình Lao Trang, Hàn Giang, Hàn Thượng. Vì thế, trấn Hải Dương còn được gọi là trấn Hàn. Chính trấn thủ Trần Công Hiến cùng bộ công nhận trách nhiệm làm thành theo kiểu Vô-băng (Pháp). Lúc đầu gọi là Hải Dương trấn thành (thành của trấn Hải Dương). Năm 1831, vua Minh Mạng cải cách hành chính trong cả nước, trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, từ đó có Hải Dương tỉnh thành. Vì ở phía Đông kinh thành Thăng Long nên thành còn được gọi là thành Đông. 

 
 Con kênh nhỏ chạy dọc theo phố Hào Thành được cho là hào bao quanh thành Đông xưa.
 
Thành Đông ban đầu được đắp bằng đất, có hình lục giác, mỗi góc có trạm gác; chu vi 551 trượng 6 thước, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, mở 4 cửa (Đông, Tây, Nam, Bắc). Cửa chính hướng Nam, chính giữa là kỳ đài. Từ kỳ đài đi lên là hành cung, nơi vua ra kinh lý nghỉ ngơi. Dinh của 4 quan tổng đốc gồm Bố chánh, Án sát, Lãnh binh nằm xung quanh cột cờ và hành cung. Phía trong là một loạt các kho chứa tiền, lương thực, vũ khí. Phía cửa Bắc là nơi xét xử tội phạm. Thành Đông ban đầu không có dân, chỉ có quan lại và quân lính. Sau này, vợ con quan quân chuyển dần đến ở phía cửa Đông của thành, ven sông Kẻ Sặt, hình thành các giáp rồi lập nên Đông Kiều phố, buôn bán sầm uất. Cũng từ đây, TP Hải Dương phát triển dần.

Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, các vua triều Nguyễn củng cố thành bằng cách gia cố thêm bốn cửa gọi là thành ngoại. Đầu năm 1873, thành bị thực dân Pháp chiếm giữ nhưng cuối năm đó được chúng trả lại cho quan quân. Năm 1883, thực dân Pháp đi đường thủy theo sông Kẻ Sặt tiến vào, quân ta phải bỏ chạy lên Mao Điền, thành rơi vào tay thực dân Pháp.

Hiện, ông Ý vẫn giữ được tấm bản đồ thiết kế khu thành của thực dân Pháp giai đoạn 1923 - 1927. Theo đó, trong khoảng thời gian này, thực dân Pháp sẽ lấy cát sông Kẻ Sặt lấp khu đất trũng quanh thành để xây dựng cơ quan và bán cho dân. Chúng chia ra các khu như khu giáo dục (chỗ trường Tiểu học Võ Thị Sáu bây giờ) và khu y tế thuộc xã Hàn Giang, tuy nhiên do không có kinh phí nên khu này được chuyển sang làm sân vận động. Như vậy, đến khoảng đầu thế kỷ XX, thành Đông gần như bị "xóa sổ" hoàn toàn.

Cũnh theo ông Ý, trong suốt thời gian tồn tại, thành Đông đã từng một lần ngăn chặn quân tàu ô từ Quảng Yên lên, bị chúng bao vây mấy tháng trời. Nhưng cuối cùng, chính sự quả cảm của quan quân trong thành đã cầm chân được quân giặc, ngăn không cho chúng tiến sâu vào trong và buộc chúng phải rút lui.

 
Theo ông Lưu Đức Ý, thành Đông xưa có hình lục giác với 4 cửa ra vào. 
 
Chuyện không của riêng thành Đông

Đưa tôi đi tìm lại dấu tích thành Đông, ông Ý thật thà: "Dấu tích của tường thành xưa hầu như không còn nữa. Chỉ còn lại khu vực từng là hào bao quanh thành trước đây cùng những chiếc cầu để vào thành".

Theo đó, cửa Đông trước đây giờ nằm giữa Bưu điện tỉnh và Ngân hàng TMCP Công thương, xe cộ tấp nập. Cửa Nam là khu vực công ty chế tạo bơm Ebara. Hai cửa này bị thực dân Pháp phá hủy từ cuối thế kỷ XIX. Cửa Tây nằm trên đường Tuệ Tĩnh, khu vực Viện Quân y 7. Duy chỉ có khu cửa Bắc trên đường Chi Lăng nay vẫn còn dấu tích cây cầu vào thành bắc qua con sông nhỏ, trước đây là hào bao quanh thành, song vì quá trình đô thị hóa nên không còn giữ được nguyên vẹn. Hiện nay, con kênh chạy dọc theo phố Hào Thành cũng được cho là hào bao quanh thành ngày xưa. "Thật khó để người ta nhận ra dấu tích của thành cổ bởi những gì còn sót lại đều chỉ gợi lên vẻ mịt mùng, phải đọc tài liệu, xác định được vị trí tòa thành xưa thì mới hiểu được", ông Ý thừa nhận.

Hỏi ông có tiếc không khi thành Đông từng một thời là biểu trưng của Hải Dương nay đã hầu như không còn, ông Ý lắc đầu, thở dài: "Buồn cũng chẳng làm gì được nữa rồi. Thời gian, bom đạn chiến tranh, con người đã phá đi tòa thành cổ". Đoạn, ông nói như an ủi chính mình: "Nhưng thôi, chuyện đâu phải của riêng thành Đông nữa, nhiều di tích cũng chung số phận mà".

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến thành Đông từng là niềm tự hào của người Hải Dương, là biểu trưng của tỉnh. Ông bảo, bây giờ nói đến chuyện khôi phục thành cổ là rất khó. Chỉ mong sao những dấu tích còn lại của thành được bảo tồn để con cháu hiểu biết được phần nào lịch sử quê hương.

 

 
Theo THANH THỦY


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)