Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Con ngoan - Trò giỏi.
Đăng ngày 25/11/2012
E-mail     Bản in

Bốp Bi và ba bài học vào đời
(VH)- Câu chuyện “nhà có 3 nghệ sĩ” đã đưa tôi tìm tới nhà PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN với một lời chỉ đường tương đối mơ hồ. Đang loay hoay tìm người để hỏi thăm thì nghe tiếng piano cất lên từ ngôi nhà ngay trước mặt.
Hai anh em Bốp và Bi bên đàn

Bình dị như bao ngôi nhà khác, chỉ có âm nhạc cùng sự dìu dắt của người cha, sự chắt chiu của người mẹ đằng sau những giải thưởng lấp lánh được hai tài năng trẻ Lưu Hồng Quang, Lưu Đức Anh mang về đã khiến ngôi nhà nằm trong con ngỏ nhỏ ở phố Lò Đúc trở nên khác biệt.
 

Bốp, Bi   Phở và nỗi nhớ Tiếp tôi trong ngôi nhà âm nhạc nổi tiếng là người phụ nữ duy nhất của gia đình, một người “không âm nhạc” và ít nổi tiếng nhưng lại có một vị trí đặc biệt đối với ba gương mặt âm nhạc nổi tiếng còn lại: bà Phan Hồng Châu. Lưu Hồng Quang xin phép lên tầng 2 để tiếp tục tập đàn.
 

Bà Châu vừa trìu mến nhìn theo cậu cả vừa nói: “Bốp sắp có buổi biểu diễn với Dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch”. Hoá ra tên gọi trong gia đình của tài năng trẻ Lưu Hồng Quang là Bốp còn Lưu Đức Anh là Bi. “Bốp tức là trắng bốp. Lúc mới sinh ra nó trắng như cục bột. Đức Anh thì tròn như viên bi nên gọi là Bi.
 

Sau này mọi người thường gọi thành Bob và Bi theo tên một ban nhạc nổi tiếng”. Bà Châu bắt đầu câu chuyện một cách khá cởi mở. Người phụ nữ đứng đằng sau những cái tên nổi tiếng của làng nhạc là một doanh nhân duyên dáng. Với nhiều người, cuộc sống bên cạnh 3 nghệ sĩ thường không dễ dàng nhưng bà mẹ của gia đình âm nhạc thì cho rằng nếu đã xác định được mọi thứ ngay từ đầu thì không có gì khó khăn.
 

Sự “hy sinh” của bố mẹ cho con cái trong ngôi nhà âm nhạc này cũng không giống ai. Hy sinh bé nhất và đời thường nhất của vợ chồng NSƯT Lưu Quang Minh là xem tivi... không tiếng. Vì tối nào Bốp và Bi cũng tập đàn, bố mẹ vừa xem hình trên tivi vừa nghe nhạc.
 

Còn hy sinh lớn nhất của gia đình cho âm nhạc là sự xa cách và những nỗi nhớ. Bốp vốn là một cậu bé nhút nhát và yếu ớt. Khó có thể diễn tả hết nỗi lo lắng của vợ chồng NSƯT Lưu Quang Minh khi Bốp lên đường sang nhập học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Úc. “Lo lắng và nhớ con.

Cảm giác của những ngày đầu Bốp đi học xa thật khó khăn. Bốp đã từng xa nhà để đi thi ở nước ngoài nhiều nhưng lần nào cũng có bố bên cạnh, có khi còn cả em Bi nữa. Nhưng sang Úc thì chỉ có một mình, phải tự lo mọi thứ. Lo lắng, thương con nhưng cũng phải cố giữ trong lòng, không nói ra vì sợ con mềm yếu. Lúc nào nhớ quá thì lại nhắn một cái tin ngắn thôi.  Cậu bé 18 tuổi Bốp vượt qua nỗi nhớ nhà và... sợ ma bằng cách làm bạn với cây đàn mà bố mẹ dành dụm tiền để mua cho.
 

Bốp tập đàn gần như mọi lúc có thể. “Nhớ bố mẹ, nhớ Bi và... thèm phở”- chàng trai 18 tuổi cười bẽn lẽn khi chia sẻ. (Nhà của Bốp và Bi nằm ngay gần tiệm Phở Thìn nổi tiếng- PV). “Có lần mẹ sang thăm, lôi từ hành lý ra một túi đồ đựng toàn các nguyên liệu để nấu phở. Em vừa vui, vừa buồn cười và thấy thương bố mẹ quá!”.
 

Gia đình Bốp, Bi
 

Mẹ và con và coca Bà Phan Hồng Châu kể: “Lần đầu tiên sang Úc thăm Bốp, anh chàng “tâm sự”: Mẹ ơi! Có một việc mà từ hồi sang đây con muốn lắm mà chưa dám làm. Việc gì? Mua một cốc coca uống ạ! Tôi nghe mà phì cười, vì coca ở Úc khá đắt mà cháu muốn tiết kiệm tiền. Thế là tôi mua cho cháu uống.
 

Xong Bốp lại bảo: Nhưng mà coca uống xong một cốc thì lại muốn uống cốc nữa mẹ ạ! Hôm sau, khi đưa Bốp đi ăn cùng đoàn công tác của mẹ, tôi nhường luôn phần coca của mình cho cháu. Uống xong cả hai cốc, cậu chàng vẫn tỏ ra thòm thèm nhưng mẹ phải cố tình lơ đi. Một cô đi cùng đoàn bảo: “Chị Châu ơi! Sao chị “ki bo” thế? Nó ngoan như thế, giỏi như thế mà chị lại tiếc nó cốc coca”.
 

Nhưng mẹ thì giải thích với Bốp rằng không phải vì mẹ tiếc tiền mà là vì con đã uống phần của mình, rồi cả phần của mẹ. Tức là mẹ đã hy sinh cho con rồi, con phải biết để kìm chế bản thân mình từ những chuyện nhỏ thì mới làm được chuyện lớn. Một trong những bài học mà gia đình NSƯT Lưu Quang Minh dạy các con là sự tiết kiệm và coi trọng đồng tiền.
 

Thế nên tài năng âm nhạc tuổi 18 rất biết cách để đi tàu điện thế nào cho rẻ nhất và đúng luật nhất. Sau hơn một năm xa nhà, chàng trai trẻ đã biết nấu nhiều món ăn ngon và món tủ là canh thịt nấu chua. Bốp còn đang ấp ủ một mục tiêu “thầm kín” là trở thành một đầu bếp nấu các món ăn HN thật ngon.
 

 Đây cũng là một phần thành quả của bài học thứ hai từ bố mẹ: trên sân khấu là nghệ sĩ nhưng bước ra khỏi sân khấu thì phải hoà nhập được với đời thường, phải biết tự chăm sóc chính mình. Bài học thứ ba là một nghệ sĩ nếu không có tâm hồn rộng mở, biết cách chia sẻ chân thành với xung quanh thì không thể có tiếng đàn hay được. 
 

Và giờ đây, ông bố bà mẹ nghiêm khắc của gia đình âm nhạc đã có thể mỉm cười khi Bốp luôn sẵn sàng tham gia tất cả các chương trình biểu diễn từ thiện được mời và sắp xếp thời gian để có thể ở lại giao lưu cùng các bạn không may mắn. Bi thì luôn cố gắng chia sẻ, hỗ trợ những khó khăn về bài vở, tập đàn cùng các bạn ở trường. Cả gia đình giờ đây đang “nín thở” chờ kết quả tuyển chọn của Học viện Âm nhạc quốc gia Úc đối với Bi. Có thể một ngày không xa, Bi lại sẽ theo anh trai lên đường sang nước Úc và sẽ mang về cho gia đình âm nhạc những niềm vui mới.

 

Theo Đỗ Huyền