Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 23/8/2012
E-mail     Bản in

Phục dựng điện Kính Thiên: Theo hướng nào?
(HNM) - Ngày 17/8/2012, UBND TP Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Nghiên cứu hoàn trả không gian nền điện Kính Thiên". Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra ý kiến xung quanh vấn đề có nên nghiên cứu phương án phục dựng điện Kính Thiên và tháo dỡ hay di dời Cục Tác Chiến để phục vụ nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay không?
    Phục dựng là cần thiết


Theo TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là một tổng thể di tích quan trọng, là di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Khu di tích gồm hai khu vực chính tạm gọi là khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ. Từ các nguồn sử liệu, các dấu tích đã được phát lộ qua các đợt đào thám sát, khai quật khảo cổ học và thành phần kiến trúc hiện còn trên mặt đất, chúng ta đã xác định khu vực thành cổ hiện nay nằm trong phạm vi của Cấm Thành - trung tâm của Hoàng thành Thăng Long xưa. Các kiến trúc hiện còn từ Cột Cờ, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Bắc Môn nằm trên trục trung tâm của Cấm Thành. Và trên trục trung tâm quan trọng ấy, điện Kính Thiên là cung điện trung tâm, công trình hạt nhân quan trọng nhất. Vị trí quan trọng như vậy, chức năng, vai trò, ý nghĩa đặc biệt trọng yếu là thế, nhưng những gì hiện chúng ta nhìn thấy được lại quá ít ỏi. Những bậc thềm đá với thành bậc chạm rồng đặc sắc, mang đặc trưng nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XV gây xúc cảm mạnh nhưng không đủ sức truyền tải, dù chỉ là một phần những đặc điểm, giá trị của công trình lịch sử này. Chính vì vậy, việc phục dựng điện Kính Thiên là hết sức cần thiết.

Khách tham quan Hoàng thành. Ảnh: Nguyệt Ánh

Phục dựng theo hướng nào?

PGS.TS Phan Khanh, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, nhiều nước Tây Âu đã dựa trên ảnh cũ và phương pháp đo trên ảnh để thiết kế, tu bổ lại các kiến trúc nhà thờ cổ bị tàn phá trong Đại chiến thế giới thứ II. Các thành phố nổi tiếng thế giới bị tàn phá như Praha, Paris... cũng đã dựa trên ảnh cũ và truyền thống kiến trúc để phục hồi khá thành công. Với điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, chúng ta có một số tấm ảnh, tranh gravure do người Pháp chụp khoảng năm 1885, ngay trước khi cung điện này bị tàn phá, do vậy cũng có thể áp dụng phương pháp phục dựng này.

Vấn đề khó nhất cho việc hoàn trả không gian điện Kính Thiên chính là các công trình kiến trúc kiểu Pháp dường như bao vây không gian điện Kính Thiên. Đó là nhà Con Rồng, hai ngôi nhà một tầng kiểu tân cổ điển Pháp và một ngôi nhà hai tầng kiểu Pháp nằm ngang che khuất không gian nhìn vào điện Kính Thiên. Để hoàn trả không gian cho điện Kính Thiên, theo ông Phan Khanh, không có cách nào khác, phải nâng lùi nhà Con Rồng khoảng vài chục mét. Ngôi nhà hai tầng kiểu Pháp ngay sau Đoan Môn, chắn ngang trước nền điện Kính Thiên cũng cần chuyển dịch từ hướng nằm ngang hiện nay sang chiều dọc và dịch chuyển ra phía tường di tích, giáp với đường Hoàng Diệu hoặc Nguyễn Tri Phương. Hai tòa nhà một tầng cũng cần chuyển dịch sao cho không che khuất điện Kính Thiên sau khi được phục hồi.

Theo TS Lê Thành Vinh, việc phục dựng điện Kính Thiên không nhất thiết phải là xây dựng lại toàn bộ công trình như đã từng có trước đây. Phục dựng có thể là tái hiện công trình theo một hình thức nhất định nào đó. Có thể chỉ là hình vẽ trên giấy, hình ảnh 3D, một mô hình, một hình ảnh trong không gian thật được tạo ra bằng các hiệu ứng ánh sáng. Ngay cả khi phục dựng theo cách xây dựng lại công trình thật thì cũng có thể là phục nguyên hay không phải là phục nguyên. 

Trước hội thảo, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xin ý kiến các nhà khoa học về việc có nên tháo dỡ hay di dời Cục Tác Chiến để phục vụ nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên. Có 17/20 ý kiến cho rằng nên di dời hoặc tháo dỡ nhà Cục Tác Chiến, một ý kiến cho rằng không nên vì đó là di tích và một ý kiến cho rằng chỉ khi nào có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như phương án tối ưu thì mới di dời.

Một vấn đề lớn đặt ra tại hội thảo là Cục Tác Chiến là một bộ phận cấu thành của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Vậy việc di dời có ảnh hưởng đến việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới không? GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị cần tham khảo ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam về phương án một, tức là di dời Cục Tác Chiến, phương án hai là để lại nhưng có cải tạo, đồng thời lấy ý kiến thêm các nhà khoa học, nghiên cứu sâu và toàn diện hai phương án trên.


Theo VŨ HOA