Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 21/8/2013
E-mail     Bản in

Nội công bí truyền Lưu Gia
Họ Lưu (Trung Quốc) nhiều đời nối nhau hành nghề Đông y và dạy võ thuật có uy tín ở Lam Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đầu thế kỷ XX, một lãng tử của dòng họ này là Lưu Hào Lương khăn gói sang Việt Nam gầy dựng cơ nghiệp, sáng lập nên một "thương hiệu" Đông y và võ thuật ở Chợ Lớn, đặc biệt là những chiêu thức nội công "oai trấn" giang hồ.

Dụng khí bất dụng lực


Chiếc xe tải nặng hơn một tấn nằm lù lù ở đấu trường. Chàng trai trẻ Lưu Hoán Phi trong trang phục võ sinh oai phong bước tới. Tám cây kích với đầu nhọn hoắc được các đồng môn lần lượt đâm vào bụng và yết hầu của anh, đầu còn lại của tám cây kích nối vào xe tải. Sau những động tác vận nội công của Lưu Hoán Phi, một tiếng thét rợn người vang lên, chiếc xe tải dần dần lăn bánh trong tiếng vỗ tay như sấm của người xem. Hiện nay, bài nội công "có một không hai" này ngoài Lưu Hoán Phi còn có người chú ruột là "cao thủ" Lưu Bửu Xương biểu diễn. Đó cũng là một trong những tiết mục độc đáo về khí công của Lưu gia nổi tiếng trên võ lâm gần 70 năm qua.

Đứng đầu Lưu gia hiện nay là lương y - võ sư chưởng môn Lưu Kiếm Xương, cha ruột của Lưu Hoán Phi và là anh ruột của Lưu Bửu Xương cùng ba "cao thủ" khác là Lưu Ký Xương, Lưu Vĩnh Xương và Lưu Bảo Xương (La Bảo). Tại võ đường của mình, đưa tôi xem các hình ảnh và kỷ vật của Lưu gia, võ sư Lưu Kiếm Xương tâm sự:

- Người học võ muốn có nội công phải biết kết hợp ý, khí và lực. Trong khí công "dụng khí bất dụng lực", tức chủ yếu dùng ý chí tập luyện mà thành. Tập khí công có hai cách: tịnh công và động công. Tịnh công là ngồi thiền, hít thở, tập trung tư tưởng, ý chí. Động công là luyện tập chiêu thức để phát huy sức mạnh cơ bắp.

. Để đạt đến trình độ có thể biểu diễn được một bài nội công như Xe cán qua bụng thì môn sinh phải trải qua bao nhiêu thời gian tập luyện, thưa võ sư?

- Ít nhất là ba năm. Thành công hay không còn phụ thuộc vào bản lĩnh và năng lực của từng võ sinh. Tập nội công còn kết hợp rèn luyện các chiêu thức võ thuật khác. Tập càng lâu thì trình độc càng cao, nội lực càng nâng lên.

. Điều quan trọng nhất trong quá trình luyện nội công là gì?

- Ý chí, kiên tâm khổ luyện. Cái khó của tập nội công là không biết mình sẽ đạt được cái gì, kết quả tới đâu. Vì vậy, khi bắt đầu tập thì ai cũng thích thú hào hứng, nhưng chỉ một thời gian sau đa số bỏ cuộc.

. Có người cho rằng tập nội công mà bỏ dở giữa chừng dễ bị "tẩu hỏa nhập ma", đúng không võ sư?

- Không bao giờ có chuyện ấy. Tập nội công cũng chỉ là một cách để rèn luyện, nâng cao sức khỏe, bản lĩnh võ thuật. Nếu có ai nói "tẩu hỏa nhập ma'' chẳng qua sợ đệ tử bỏ nghề, hoặc nhằm ''kích'' lòng kiên trì tập luyện mà thôi.

. Ở lứa tuổi nào tập nội công tốt nhất?

- Từ 6-7 tuổi đã có thể tập nội công, nhưng theo tôi tốt nhất là người tập phải 8 tuổi trở lên.

Dùng chỗ yếu để thể hiện sức mạnh

Bất cứ ai xem các tiết mục biểu diễn nội công của Nhơn Nghĩa Đường cũng đều vừa nể phục công phu, bản lĩnh vừa có cảm giác... ớn lạnh. Một thanh kiếm đâm xuyên cuống họng mà không thủng. Một sợi dây sắt to tướng siết chặt cổ mà không nghẹt. Một chiếc mô tô ''chất'' thêm mấy người trên đó cán qua bụng mà không xẹp. Và nhiều, rất nhiều tiết mục ly kỳ hấp dẫn khác nữa. Vậy đâu là bí quyết của các màn biểu diễn ''không tưởng" ấy? Võ sư Lưu Kiếm Xương lý giải:

- Khi tập nội công, tất cả sức mạnh tiềm năng trong cơ thể được phát huy tập trung có sức đề kháng, phản xạ nhanh nhạy đối phó với mọi tình huống. Bí quyết của nội công là dùng chỗ yếu để thể hiện sức mạnh, như cổ, yết hầu, bụng, ngón tay... Trong bài Thiết long quàng cổ chẳng hạn, khi vận nội công thì sức mạnh tập trung ở cổ tăng gấp nhiều lần, đủ khả năng cuốn được sợi dây sắt. Hay trong bài diễn Xe cán qua bụng, nội công phát huy tập trung giúp cho cơ bụng mạnh lên đủ sức chịu đựng áp lực.

. Trong quá trình biểu diễn, như cho xe cán qua bụng chẳng hạn, có khi nào gặp rủi ro...

- Không, chúng tôi luôn chuẩn bị, tính toán rất kỹ theo một trình tự từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng, xem người biểu diễn có chịu lực nổi hay không rồi mới thực hiện các động tác tiếp theo.

. Trong số môn sinh của võ sư có cả phái đẹp. Họ có tập nội công?

- Nữ võ sinh cũng tập nội công, nhưng không tham gia biểu diễn võ thuật.

. Xem truyện chưởng của Kim Dung thấy có nhiều nhân vật vì luyện công mà thay đổi giới tính, như Nhạc Bất Quần trong Tiếu ngạo giang hồ chẳng hạn. Vậy theo hiểu biết của võ sư, người luyện nội công đạt đến trình độ thượng thừa có chịu ảnh hưởng gì về sinh lý?

- Dù luyện nội công đạt trình độ cao hay dở dang đều không ảnh hưởng gì đến sinh lý cả. Anh em, con cháu họ Lưu chúng tôi lẫn các môn sinh đều lập gia đình và có đời sống riêng bình thường như mọi người.

. Có khi nào luyện công lại giúp... mạnh lên?

- (Cười) Kinh nghiệm cho thấy, luyện nội công đúng phương pháp sẽ giúp tăng cường sinh lực lẫn sinh lý.

Những bước đường của Lưu Gia

Từ đời này sang đời khác, con cháu dòng họ Lưu ở Lam Hải tỉnh Quảng Đông truyền nhau hành nghề Đông y trặc đả và võ thuật. Cuối thế kỷ XIX, đến đời ông Lưu Vinh thì gặp phải lúc đất nước Trung Hoa đầy biến cố, ảnh hưởng đến kế sinh nhai gia tộc. Bước sang đầu thế kỷ XX, một người con của Lưu Vinh là Lưu Hào Lương quyết chí xuống thuyền vượt biển Đông sang tận Sài Gòn - Chợ Lớn của Việt Nam mang theo nghề gia truyền để sinh cơ lập nghiệp. Cùng đi với Lưu Hào Lương còn có một số huynh đệ của võ phái Thiếu Lâm Châu Gia.

Sau một thời gian làm thuốc, dạy võ ở Hội quán Quảng Đông cùng nhiều cơ sở khác của người Hoa ở Chợ Lớn, Lưu Hào Lương đã tự đứng ra thành lập Nhơn Nghĩa Đường chiêu tập anh hùng hảo hán bốn phương, khuếch trương võ phái Thiếu Lâm Châu Gia do ông làm chưởng môn vào năm 1937. Gần bảy mươi năm qua, Nhơn Nghĩa Đường đã cho ra "lò'' hàng chục ngàn môn sinh, tỏa đi khắp trong nước lẫn nhiều quốc gia trên thế giới.

Tiếp quản cơ nghiệp từ người cha tài ba và hào hiệp, Lưu Kiếm Xương cùng các em trai của mình vừa chữa bệnh cứu người vừa khuếch trương ''thương hiệu'' Nhơn Nghĩa Đường thành một đoàn nghệ thuật đặc sắc do anh làm trưởng đoàn. Do đến ca trực phòng thuốc, Lưu Kiếm Xương đã nhờ người em Lưu Vĩnh Xương ra tiếp chuyện tôi. Gương mặt anh em nhà họ Lưu đều hao hao giống nhau, nói tiếng Việt lơ lớ, người nào trông cũng phương phi, rắn chắc. Lương y - võ sư Lưu Vĩnh Xương cho biết:

- Gia đình chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề thuốc. Theo lịch, mấy anh em thay nhau trực phòng thuốc để khám chữa bệnh. Đông y trặc đả chuyên trị về xương, thấp khớp, phong thấp, bong gân, giãn dây chằng, trặc khớp, máu tụ lục phủ ngũ tạng... Nó giống như một phần của khoa chấn thương chỉnh hình.

. Vậy còn hoạt động của Nhơn Nghĩa Đường hiện ra sao, thưa võ sư.

- Hiện nay, Nhơn Nghĩa Đường có 180 võ sinh. Biểu diễn võ thuật là sự thích thú, đam mê lớn và cũng là niềm tự hào truyền thống tổ tiên. Chúng tôi đã đi biểu diễn khắp trong lẫn ngoài nước, như Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia...

. Những tiết mục nào của Nhơn Nghĩa Đường được xem "ăn khách''?

- Chúng tôi có các tiết mục múa lân, múa rồng, múa sư tử, múa trống, biểu diễn nội công và các bài quyền thuật. Mới đây, nhân năm Dậu- con gà, chúng tôi luyện tập đưa ra biểu diễn tiết mục mới là múa phượng có tên Kim kê hóa phượng hoàng. Con gà nếu biết phát huy nội lực, có ý chí tiến thủ thì sẽ có lúc hóa thành phượng hoàng! Vào dịp Tết, đoàn nghệ thuật Nhơn Nghĩa Đường đi biểu diễn liên tục.

 

Đoàn Lân Sư Rồng Nhơn Nghĩa Đường đại diện Việt Nam tham gia thi đấu quốc tế tại Quảng Tây


 Kết thúc cuộc thi, đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường được trao tặng "Giải Phong Cách"
 
Thông tin liên hệ: 
1/ Công Ty TNHH Lân Sư Rồng Nhơn Nghĩa Đường Việt Nam
Địa Chỉ: 79/24/2 Âu Cơ, Phường 14, Quận 11, TP Hồ Chí Minh
2/ Trụ sở chính: trung tâm biểu diễn Lân Sư Rồng
Địa chỉ: số 78, đường số 14, P. An Lạc, Q.Bình Tân, TP Hồ Chí Minh
Điện Thoại:(08) 37527765 - (08) 38841370     DĐ: 0908882003

www.nhonnghiaduongvn.com - Mail: nhonnghiaduongluuphi@yahoo.com
Theo KTNN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)