Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 21/11/2012
E-mail     Bản in

Luật Thủ đô nên ban hành sau Luật Đô thị ?
Về vấn đề này PV Báo Lao động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Theo ông, khi ban hành Luật Thủ đô cần chú ý những vấn đề gì?

- Tư tưởng của Luật Thủ đô nên bắt đầu từ việc đối với thủ đô thì cần làm gì, thủ đô khác gì với những đô thị khác để ban hành các chế tài. Chúng ta phải thấy rõ rằng thủ đô là một thành phố trực thuộc trung ương nên thủ đô mang trong mình hai yếu tố, nó có những đặc thù của đô thị như những đô thị khác, đồng thời cũng là một đơn vị hành chính cấp tỉnh cho nên soạn thảo luật cần thể hiện tính chất của đô thị vừa thể hiện những đặc trưng của một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tuy nhiên, thủ đô lại có cái khác với những đơn vị hành chính khác, vì là trung tâm của một quốc gia, các cơ quan đầu não của đảng, nhà nước đóng ở đây, là trái tim của cả nước. Chính cái khác biệt này là cái cần chú ý khi làm luật. Mặt khác, Hà Nội với vai trò là một đơn vị hành chính cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) nên có nội thành và ngoại thành, tức là phần đô thị và nông thôn. Nội thành có những vấn đề của đô thị như: quản lý di sản, giao thông, xây dựng, cấp thoát nước, chiếu sáng, quản lý chất thải rắn… trong luật phải thể hiện vấn đề này. Ngoại thành có những vấn đề của ngoại thành nên cũng cần được thể hiện trong luật.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật còn có những điều khá chung chung. Ông có nhận xét gì về dự thảo luật lần này?

- Mục tiêu ban hành Luật Thủ đô là để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc quản lý và phát triển thủ đô, trong đó có vấn đề dành cho thủ đô những quy chế, chính sách đặc thù để có cơ sở pháp lý trong việc xây dựng và phát triển nhưng đọc bản dự thảo chúng ta thấy có một số điều luật còn chung chung. Chẳng hạn tại điều 22 quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng không nói rõ hạ tầng kỹ thuật bao gồm những gì. Trong khi đó tại điều 23 lại có quy định về quản lý giao thông vận tải. Phải chăng, giao thông vận tải không nằm trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật? Còn nếu nằm trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì tại sao lại chỉ có quy định cho giao thông vận tải mà không có các quy định về hạ tầng khác như cấp thoát nước, hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng đô thị, hệ thống công viên cây xanh, nghĩa trang…

Trong dự thảo luật cũng không quy định rõ việc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn như thế nào. Hà Nội là thủ đô nên ngoài chính quyền địa phương còn có các cơ quan cấp trên (Đảng, Quốc hội, Chính phủ…) đóng ở đó, mối quan hệ giữa các cơ quan cấp trên và cơ quan quản lý địa bàn (TP.Hà Nội) cần được làm rõ trong luật này. Hà Nội là thủ đô, khác với các tỉnh khác chỉ có cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh là cao nhất, còn có các cơ quan cấp cao hơn nên phải quy định rõ cái gì chính quyền thành phố được quyết, cái gì cấp trên quyết. Dường như tư duy của luật vẫn là tất cả vì thành phố Hà Nội.

Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển hơn khi có những quy chế đặc thù. 	Ảnh: Hoàng Hà
Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển hơn khi có những quy chế đặc thù. Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài những vấn đề trên, theo ông dự thảo cần phải quan tâm đến những vấn đề gì?

- Như đã phân tích ở trên, những điều trong dự thảo, nếu đứng vai trò là luật riêng đã thấy còn có những điều không ổn. Nếu đứng trong một luật chung về đô thị thì thấy chuyện này càng nên xem xét. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Đô thị, trong luật này sẽ quy định những vấn đề liên quan đến các đô thị nói chung trong đó có Thủ đô Hà Nội. Hà Nội cũng là một đô thị, cho nên Luật Đô thị không thể không nói đến đô thị này với vai trò là thủ đô. Nhưng nếu Luật Thủ đô ra đời trước Luật Đô thị thì rất có thể nhiều quy định sẽ bị trùng hoặc chưa đầy đủ và đến một lúc nào đó các quy định này sẽ hoà vào nhau, như vậy có thể gây ra sự lãng phí.

Có một câu hỏi được đặt ra là chúng ta có nên chờ ban hành Luật Đô thị trước sau đó mới ban hành Luật Thủ đô? Nếu chờ Luật Đô thị được ban hành rồi mới ban hành Luật Thủ đô thì dù có là hai luật riêng hay Luật Thủ đô là một phần, là đô thị đặc biệt của Luật Đô thị cũng sẽ tránh được những điều “vênh”. Thực tế làm luật của nước ta trong những năm vừa qua cho thấy có khá nhiều đạo luật ra đời không lâu đã thấy cần phải sửa đổi, bổ sung. Việc thay đổi luật thì tuy khó, nhưng việc thực hiện, mà cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân hiểu và thực hiện tốt các luật còn khó khăn hơn nhiều bởi khi thay đổi một văn bản luật nào đấy thì cần phải tham chiếu rất nhiều văn bản khác để thực hiện. Vì vậy nên chăng những nhà soạn thảo, biên tập cần xem xét kỹ hơn trước khi dự thảo luật được thông qua để luật này thực sự đi vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của thành phố Hà Nội và thủ đô của quốc gia.

 

 

 
Theo Phạm Ngọc