Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 18/6/2014
E-mail     Bản in

THẦN NÚI ĐỒNG CỔ - LINH KHÍ ĐẤT VIỆT
(LUUTOC.VN): Danh tiếng “Hồn thiêng sông núi” của núi và Đền Đồng Cổ đã hút hồn rất nhiều tài tử giai nhân. Thần núi Đồng Cổ ở đây có lẽ là thần duy nhất được phong là “Thiên hạ Minh chủ” của Việt Nam. BTT LUUTOC.VN xin giới thiệu tóm tắt nét đặc thù có một không hai này của Xứ Thanh, do TS. Lưu Văn Thành sưu tầm và biên tập.

Phong cảnh sơn thủy hữu tình của đền Đồng Cổ
 
Bốn lần khảo sát đền Đồng Cổ, lần nào cũng ấn tượng, cũng thật sự ngỡ ngàng với nhiều điều kỳ thú. Ngày 20/5/2014, cùng một thầy tu và một nhà văn hóa tâm linh tiếng tăm đến thăm viếng đền, đoàn khảo sát được Lãnh đạo xã Yên Thọ hướng dẫn dâng hương và trực tiếp đọc hiểu bài vị của thần Đồng Cổ là “Thiên hạ minh chủ” và được cảm nhận vô vàn anh linh anh hùng liệt sĩ từ xa xưa vẫn vảng vất trên bến Trường Châu, trên dòng sông Mã. Dưới đây là giới thiệu tóm tắt về vùng địa linh hiếm có: núi và đền Đồng Cổ.

1.   Khởi dựng:

 
Đền Đồng Cổ được xây dựng từ thời Hùng Vương [1; 2; 3], do thần núi Đồng Cổ (Trống Đồng) phù trợ Vua Hùng đi dẹp giặc phương Nam (Hồ Tôn - Chiêm Thành và Lâm Ấp) nên khi thắng trận quay về vua phong là “Đồng Cổ Đại vương” và cho lập miếu để thờ.Đền nằm trong thung lũng núi Tam Thai, một vùng địa linh thuộc thôn Đan Nê (xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa), trên bến Trường Châu cổ xưa, ngay bờ sông Mã [4].
 
Ấp Khả Lao (Kẻ Lao) cổ xưa, làng Đan Nê (ngày nay) được ba dòng họ chính lập nên, là họ Trịnh, họ Lưu và họ Hà (thông qua hai vế đối: “Vật Lưu Bách Việt Tổ; Kiến ấp Trịnh Lưu Hà”) [5; 6, tr.193]. Quanh đền Đồng Cổ, dưới chân núi Tam Thai có ba ngôi mộ tổ cổ kính của ba dòng họ Trịnh, Lưu, Hà vẫn trường tồn đến ngày nay.

 2. Phong cảnh mỹ miều, dày lớp văn hóa cổ, địa linh nhân kiệt:
 
Phong cảnh tuyệt đẹp, sơn thủy hữu tình, thế đất phong thủy đắc địa. Dãy núi Đồng Cổ ba làn cao thấp hình dáng ba vì sao nên các tài tử giai nhân gọi là núi Tam Thai (còn có tên là núi Khả Lao), có dòng sông Mã uốn khúc quanh co, khí thiêng chung đúc qua các triều đại [4; 7]. Bến Trường Châu xưa nằm ngay dưới chân núi là một bến cảng sông Mã nổi tiếng sầm uất, các loại thuyền rồng, thuyền chiến, thương lái nườm nượp đi kinh lí, chinh chiến, giao thương... “Bốn phương người qua lại; Khách trăm nhà buôn bán; Bao xe ngựa chen vai; Núi châu quanh sau trước; Đò qua lại đêm ngày”... Cảnh đẹp đã được rất nhiều vua chúa và danh nhân họa thơ, khắc câu đối, bài minh, bia kí [6, tr.692-695].
 

Cảnh hùng vĩ từ núi Tam Thai nhìn về sông Mã uốn khúc quanh co

 
Di tích núi và đền Đồng Cổ, theo kết quả khảo cổ học năm 2007, đã phát hiện là nơi cư trú lý tưởng cho con người thời tiền - sơ sử với lớp văn hóa tiền Đông Sơn - Đông Sơn, như ở các trung tâm lớn lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, tương ứng với văn hóa thời Hùng Vương. Trong đền luôn có một trống đồng cổ là vật linh thiêng được thờ cúng. Trống đồng đã trở thành linh vật quan trọng nhất của Văn hóa Đông Sơn, là bảo vật của Việt Nam. Cổ hơn có di chỉ Đan Nê Thượng (cách núi và đền Đồng Cổ khoảng 100m, có niên đại tương đương giai đoạn văn hóa Đồng Đậu (đã 3.500 năm). Nét cổ xưa còn được thể hiện qua tín ngưỡng phồn thực của Văn hóa Việt cổ với hòn đá âm dương đặt thờ trong Thượng điện. Đó là hòn đá trắng, cao hơn một mét, dựng đứng, đầu nhọn chỉ lên trời, được đặt trên tảng đá lõm xuống như lòng chảo [8, tr.36-64].  

Nhiều đời vua chúa từ thời Vua Hùng, Trưng Vương, Lê Đại Hành [9, tr. 141], nhà Lý (Lý Phật Mã; Lý Thường Kiệt), nhà Trần, nhà Hậu Lê (Lê sơ và Lê Trung Hưng), chúa Trịnh, Tây Sơn... đã dừng thuyền bè ở bến Trường Châu, rồi lên bờ di chuyển tiếp vào Nam để trinh phạt bảo vệ và khai khẩn đất nước. Các triều đại đều được Thần núi Đồng Cổ âm phù chiến thắng. Do vậy, đền được ban rất nhiều sắc phong (chỉ tính thời Hậu Lê, Tây Sơn và Chúa Trịnh thì tổng có 43 lần được phong sắc và lịnh chỉ) và được phong khoảng 100 mỹ tự (như Bảo hựu, Dực chính, Dũng Liệt, Cảm thông, Đoan túc...) [4, tr.7-13].


Đền Đồng Cổ tại thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa (tôn tạo 2008)
 
Thuyết minh về đền Đồng Cổ “được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 TCN)”

Dân làng Đan Nê có thờ hai Tiến sĩ khoa bảng như là thờ Thành hoàng làng. Đó là Tam nguyên Nguyễn Văn Giai (đỗ 1580, từng giữ chức Tể tướng, Thượng Thư Bộ Lại, được phong là Thái Bảo, Quận công, Khai quốc công thần thời Lê Trung Hưng) và Tiến sĩ Trịnh Minh Lương (đỗ 1680, từng giữ chức Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn). Ngoài ra có rất nhiều văn quan võ tướng trong các triều đại từ xưa đến nay [5, tr.18-20].

3. Dấu ấn và linh ứng:

 
Đền Đồng Cổ thờ thần Đồng cổ (Trống đồng) trong núi Tam Thai. Thần Đồng Cổ, ngoài là “Đồng Cổ Đại vương”, còn được Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) chiếu phong là “Thiên hạ Minh chủ” năm 1028. Thần Đồng Cổ còn được thờ tại đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, ngoại vi thành Thăng Long (gọi là đền “Thề Trung Hiếu” với lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”).
 
Đền Đồng Cổ tại 353 phố Thụy Khê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội
 
Ở Hà Nội còn có miếu Đồng Cổ ngự tại đất Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm [5, tr.2]. Miếu do các nghĩa sĩ Thanh Hóa đến Mê Linh để tụ nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng, mến cảnh đẹp và con người nơi đây, nên đã ở lại sinh cơ lập nghiệp và rước linh vị thần Đồng Cổ ra, lập miếu Đồng Cổ. Trong miếu còn giữ được nhiều câu đối cổ và bức hoành phi khắc bài thơ vua Lý Thái Tông đề tặng năm 1028, khi đến yết tạ thần Đồng Cổ vì được thần linh ứng báo mộng trước nên đã dẹp được loạn Tam Vương [4, tr.6]. Bức Đại tự treo trên cửa vào gian giữa của chính điện ghi: “LINH TỪ QUỐC LỄ” phải chăng là một yếu tố thể hiện lễ tế tại đền Đồng Cổ mang tính chất quốc gia và nghi thức nhà nước.


Bài thơ của vua Lý Thái Tông đề tặng năm 1028


Bức đại tự “LINH TỪ QUỐC LỄ” ở cửa vào Chính điện, miếu Đồng Cổ tại Nguyên Xá

 
Khu di tích núi và đền Đông Cổ gồm: Núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, quán (động) Triều Thiên (trên gần đỉnh núi), chùa Thanh Nguyên (lưng trừng núi), chùa Hội Đồng (dưới chân núi), bến Trường Châu (cạnh đền, trên bờ sông Mã)... đã được nhiều đời vua chúa Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia năm 2001, được quy hoạch và tôn tạo (giai đoạn I) năm 2008. Đây là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Việc tôn tạo giai đoạn II là rất cần thiết, nhất là các chùa nói trên. Trên núi Tam Thai còn có 2 bia đá của dân Đan Nê (tổng Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa) khắc trên vách núi để tỏ lòng dân tôn sùng thần Đồng Cổ [3, tr.44].


Bia đá giới thiệu tóm tắt về miếu Đồng Cổ tại Nguyên Xá, Từ Liêm, Hà Nội

 
Các Vương triều Lý, Trần, Lê, chúa Trịnh - Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại hai đền Đồng Cổ cả ở Đan Nê (Thanh Hóa) và ở phường Bưởi (Hà Nội). Nhiều năm vua lệnh cho tổ chức nghi lễ triều đình cầu đảo được mưa, cầu trừ tai cản họa cho dân, phù trì cho việc dẹp loạn phương Nam và khôi phục quốc gia, cầu và tạ được thăng chức... Tất cả đều linh ứng. Dân khấn lễ cũng rất ứng nghiệm. Vua Lê và Chúa Trịnh đã nhiều lần ban lệnh tôn tạo, mở rộng đền và đem tế khí về tế lễ (nhiều lần chở bằng 2 chiến thuyền, gồm trống đồng, hương án, mâm son, tàn vàng, lọng, kiệu và các đồ thờ cúng khác...), như 1679 giao cho Ngô Hữu Dụng (Trấn thủ Thanh Hóa), Thiếu bảo Dĩnh quận và Lê Trịnh Khả (Giám sát Ngự sử) đôn đốc cấp tiền và tu sửa đền [4, tr.8-13].


Quy hoạch Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ

 
Từ xưa đến nay, trong đền luôn có Bài vị thờ thần Đồng Cổ. Nội dung của Bài vị là: Đồng Cổ đại vương thiên hạ minh chủ cảm thông linh ứng anh thanh vĩ liệt tôn thần”. Thật là hiếm thấy!

Bài vị chữ Hán thờ thần Đồng Cổ trong đền (tại Đan Nê)
 
 4. Nghiên cứu địa nhân văn lịch sử và cầu nguyện “Trời yên biền lặng”:  
 
Với sự linh thiêng của thần Đồng Cổ trải dài lịch sử 4000 năm, lớp dày văn hóa Đông Sơn - Trống Đồng và sự đậm đặc dấu ấn lịch sử của vùng đất Đan Nê cổ thì việc nghiên cứu đồng bộ về địa nhân văn lịch sử vùng Đan Nê là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để khôi phục lại Quốc Lễ về đạo lý “Trung Hiếu” của người Việt, có thể tổ chức hàng năm tại đền Đồng Cổ.

Những năm gần đây thời tiết khắc nghiệt, thất thường, có nhiều bão ngoài khơi, lũ lụt các sông, gió lốc, áp nhiệt đới... Riêng Biển Đông đang động, bị xâm phạm... Mặt khác, qua dòng sông Mã, trong các cuộc trường trinh từ xưa đến nay, có rất nhiều anh linh của các liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh, tử nạn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong cuộc sống sinh tồn theo thời gian. Tuy nhiên, từ thời nhà Nguyễn chưa có một tế lễ cầu siêu được tổ chức tại núi, đền, chùa Đồng Cổ...

 Với linh khí của thần Đồng Cổ (Trống Đồng), tiếp theo truyền thống tri ân tổ tiên, tri ân các anh hùng liệt sĩ và để chúng sinh siêu thoát... việc tổ chức một lễ tâm linh cầu nguyện để các đứng Tiên vương, Đế Chúa của các triều đại nước Việt, các thánh thần linh thiêng của đất nước phù hộ cho gió thuận mưa hòa, cho trời yên biển lặng, quốc thái dân an, giữ vững hòa bình, mang lại phồn vinh, thịnh vượng cho nước nhà và phú quý cho nhân dân... là một việc nên làm tại chính núi, đền Đồng Cổ, bến Trường Châu. Lễ cầu nguyện bao gồm cả cầu siêu, thắp đèn hoa đăng từ Quán Triều Thiên xuống chân núi, quanh hồ bán nguyệt, qua trước đền, ra bến Trường Châu và thả trên dòng sông Mã.
 
Ghi chú:
1. Bảng giới thiệu về di tích của Ban QLDT đền Đồng Cổ (theo sách “Hùng Vương diễn nghĩa” của Trúc Lê Ngô Văn Triện) -đền được xây thời Hùng Quốc Vương (2569 TCN).
2. Việt điện U Linh, Tg: Lý Tế Xuyên, 1329 (do Lê Hữu Mục dịch 1949), Nxb VH 1960 – đền được xây từ thời Hùng Vương.
3. Tư liệu về Thần núi Đồng Cổ, Tg: Trịnh Trọng Khâm sưu tầm và biên soạn 2001 (theo sách “Lĩnh nam trích quái” -đền được khởi dựng từ năm 258 TCN.
4. “Linh tích núi Tam Thai”, Tg: Lam Kiều Nguyễn Dật Sáng viết năm 1763 (dịch từ bản chữ Hán A226 và A838, lưu tại Trung tâm Thông tin, Viện NC Hán Nôm).
5. Sơ thảo Địa chí làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa, tháng 9-1997.
6. Địa chí huyện Yên Định, 2010, Nxb KHXH, tr 692-695 (Bài minh của Tiến sĩ, Thượng thư, Thiếu úy, Lễ Quận Công Nguyễn Văn Giai soạn; được khắc dựng trên bia miếu thần Đồng Cổ (Bính Thân -1656) và Bia Miếu Đồng Cổ của Trấn đốc Thanh Hóa Hoàng đệ Tuyên Công (Bảo Hưng -1802)).
7. Đền Đồng Cổ -Tâm linh và khát vọng giữ yên nước nhà; http://yendinh.thanhhoa.gov.vn/ (Thứ Ba, 16-7-2013).
8. Di tích núi và đền Đồng Cổ của Ban NC và Biên soạn Lịch sử, Sở VHTTDL Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 2009 (Tài liệu do Ông Hà Văn Tăng cung cấp).
9. Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ) Nxb Thời đại, 2011.
TS. LƯU VĂN THÀNH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)