Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 16/6/2014
E-mail     Bản in

ĐÔI BÀN TAY CHA
Tính cả thời gian đi học và đi lấy chồng tôi đã xa nhà được tám năm. Tôi đã rời xa dòng suối mát trong trước nhà, xa những thửa ruộng bậc thang, xa ngồi nhà giản đơn nép dưới chân đồi với người cha lam lũ. Nhưng chưa bao giờ tôi thôi nhớ về nơi ấy, nơi quê nghèo xác xơ, tiêu điều.


 
Giờ về nhà chồng tôi không phải làm ruộng nữa, nhưng trước cửa nhà tôi vẫn là một cánh đồng bát ngát. Mỗi mùa về ngửi mùi đất mới, mùi mạ, mùi rơm tươi, mùi khói rạ cũng thấy lòng xuyến xao. Một bóng dáng tảo tần lướt qua cũng đủ khơi dậy trong tôi nỗi nhớ cha khôn xiết. 

Mỗi lần tôi về thăm nhà mọi người đều vui mừng và lại bắt gà giết thịt, tôi nhớ lại cái ngày xa xưa khi tôi còn là một cô bé nhà quê chân đất quần vá, vẫn thường đốt đuốc, soi đèn dầu, rồi đèn pin cho cha tôi làm thịt gà sau những buổi đi làm về tối muộn. 

Hôm nay, tôi lại về thăm nhà, cha tôi lại thịt gà, xã tôi lại mất điện và tôi lại soi đèn pin cho cha như bao năm về trước. Tôi làm việc này không biết bao nhiêu lần rồi, khi bé thì ghét vì bị muỗi đốt, vì không được chơi với chị, với em, nhưng bây giờ tôi thích. 

 

Tôi nhìn con gà thì ít mà nhìn bàn tay cha tôi thì nhiều. “ Sao bàn tay cha to thế ? “ – tôi tự hỏi và cũng tự có thể trả lời được. Nếu đem so với bàn tay tôi thì những ngón tay của cha tôi vẫn dài hơn nhưng có lẽ vì chúng to quá, nhiều vết nứt nẻ, chai sạn quá nên trông chúng cứ tủn ngủn, móng tay thì lúc nào cũng sát vào tận da thịt, ngắn đến không thể ngắn hơn được nữa. Cha tôi bảo cắt hết móng tay đi để nếu mình có phải đụng vào các loại phân tro trong khi làm việc thì đỡ gây mất vệ sinh. Với lại cha bảo ai nuôi móng tay dài là lười ra, đặc biệt những người làm ruộng vì lúc nào cũng sợ móng tay gẫy, bẩn nên không dám đụng vào việc gì. Chị em tôi không có đứa nào được cha cho nuôi móng tay dài. 

Tôi lên sống ở thành phố, ngày ngày được nhìn thấy những bác trai dù tuổi đã cao nhưng đôi bàn tay vẫn thon đẹp như tay con gái, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến cha tôi, nghĩ đến đôi bàn tay mà mỗi khi duỗi ra những nếp nhăn ở các khớp ngón tay hiện lên xù xì thô ráp. Nhưng với tôi đôi bàn tay ấy đẹp hơn tất cả mọi đôi bàn tay đẹp trên đời. 

Tôi có củ mài củ sắn độn cơm, làm bánh cho qua những tháng ngày đói khát là nhờ đôi bàn tay ấy, phát nương đốt rẫy đến phồng rộp. Tôi có ngôi nhà sàn cao ráo chắc chắn mà tránh mưa, tránh nắng cũng nhờ đôi bàn tay ấy miệt mài đốn gỗ, cắt cỏ tranh rồi đục đẽo đêm hôm mà thành. 

Xong mùa vụ, cha lên rừng hái măng, chặt củi, thậm chí đi bộ hàng chục km đường rừng tìm cho được cây gỗ vừa tốt, vừa đẹp để vác về đẽo gọt những mái chèo trơn tuột, bóng bẩy đem bán để lấy tiền cho chị em tôi đi học. Chị em tôi không đứa nào bị còi cọc cũng là nhờ cha không quản ngại thời tiết, mệt nhọc chặt tre đan đó kết nơm đợi mùa cá, mùa tôm, mùa ếch. Tôi nhớ nhất những năm sương muối rơi lã chã trên những tán lá, cha tôi tự tay chặt nứa tươi, nứa khô, quẩy theo xoong nồi, chăn chiếu lên bãi giữa sông quê bắt cá. Gọi là chăn chiếu thôi chứ thực ra là mảnh chăn chiên cũ kỹ mỏng tang. Tôi nằm nghe sương rơi, nghe côn trùng rỉ rả, nghe cái lạnh luồn qua ngôi nhà sàn đơn sơ mà thương cha, mà ngủ quên để hôm sau thức dậy thấy cha trở về với gánh cá nặng trên vai, với lỉnh kỉnh xoong nồi và với khuôn mặt gầy gò hốc hác. 

Rồi bàn tay ấy đã cầm bừa đưa cày, nhổ mạ cấy hái cùng mẹ để năm chị em tôi được chuyển từ ăn cơm độn củ mài, độn củ sắn, độn ngô tẻ đỏ sang cơm trắng rau xanh. Cũng chính đôi bàn tay xấu xí ấy đã đập đá trên núi, nhào đất đóng gạch, nung lò để một ngày gia đình tôi được thở phào nhẹ nhõm trong ngôi nhà xây bằng đá mà nghe mưa bão đi qua, nghe gió mùa bất lực ngoài chân tường đá, cha không còn phải lo chặt chống nhà sàn, không còn lo mái tranh bị tốc mỗi khi mùa bão về nữa… 

Những gì đã đi qua bàn tay cha không sao nhớ nổi và kể hết được. Trong tôi cha lúc nào cũng là người đàn ông đa tài nhất: một người chồng người cha có trách nhiệm, yêu thương vợ con; một “ bác tiều phu “ thạo việc, một ngư dân trái mùa khéo léo, một ông thợ đóng cối, làm nhà sàn tài ba, và hơn tất thảy là một bác nông dân chăm chỉ biết tính toán hợp lý cho những mùa vụ của mình, bắt sỏi đá phải thành cơm cho đời con được ấm no, hạnh phúc.

 

Là con người ai cũng yêu cái đẹp, tôi cũng không ngoại lệ. Trong mắt tôi những đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo thật tuyệt và đáng để tôi mơ ước, nhưng trong trái tim tôi, bàn tay xù xì với những ngón tay to gần bằng quả chuối của cha tôi mới thực sự là đôi bàn tay đẹp nhất. Đôi bàn tay cha xấu đi bao nhiêu là cuộc đời con tươi đẹp bấy nhiêu. 

Xin cảm ơn CHA , cảm ơn đôi bàn tay xấu xí đã nuôi dạy chị em con khôn lớn trưởng thành, cho con bài học cuộc đời trong gian lao khó nhọc.


 
Theo Hoài Hương (Hà Nội)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)