Ξ|Ξ   DOANH NHÂN ::. DOANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 13/6/2014
E-mail     Bản in

Doanh nhân Lưu Hải Minh - Thành công từ lối đi riêng
Tự nhận mình là kẻ khác người trong kinh doanh, với niềm đam mê máy tính ngay từ thuở cắp sách đến trường, cậu sinh viên ngành giao thông vận tải Lưu Hải Minh ngày nào giờ đã trở thành một vị Tổng GĐ thành danh. Dưới sự dẫn dắt của anh, Cty cổ phần Dự án Công nghệ Nhật Hải (OIC) từ một đơn vị không tên tuổi đã trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Duyên nghiệp

Tốt nghiệp THPT, Lưu Hải Minh thi đỗ vào trường Đại học Giao thông Vận tải. Sẽ không có gì đáng nói nếu mọi chuyện cứ thế trôi đi và giờ đây Minh đã là một anh cán bộ ngành giao thông đầy mẫn cán.

Nhưng “đời có số”. Câu nói đó quả không sai đối với cuộc đời và sự nghiệp của Minh. Năm 1993, trong buổi trao đề tài Luận văn tốt nghiệp, vì mải chơi nên Minh đến muộn. Do chậm chân nên các bạn đã chọn hết đề dễ và không có cách nào khác buộc anh phải chọn đề tài “Dao động khung ôtô”. Đây được cho là đề tài “xương xẩu” bởi để thực hiện được nó không đơn giản chỉ là các phép giải toán trên giấy mà bắt buộc phải lập trình trên máy vi tính.

Hình như trong cuộc đời mỗi con người, mọi thay đổi dù lớn lao đến mấy đôi khi cũng chỉ bắt nguồn từ những việc tình cờ. Để hoàn thành luận văn tốt nghiệp, Minh buộc phải sang trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lập trình trên máy tính. Quá trình thực hiện đề tài, niềm đam mê máy tính đã thấm sâu trong Minh và anh chợt nhận ra rằng: hình như mình sinh ra không phải để làm cái nghề giao thông, mà Công nghệ thông tin mới chính là nghề phù hợp mà mình cần theo đuổi.

Ra trường, Minh được nhận vào làm việc tại Cty VMEP, một DN chuyên sản xuất xe máy của Đài Loan. Mặc dù đã có một công việc ổn định cộng với mức lương khá cao nhưng Minh vẫn không yên tâm và anh luôn mong ngóng một công việc nào đó liên quan đến máy tính. Thật tình cờ, một hôm Minh đọc được một mẩu rao vặt trên báo có mục tuyển người của FPT, biết đây là một DN hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin nên Minh đã bỏ lại tất cả, nộp đơn xin thi vào làm nhân viên kinh doanh tại đây.

Khởi nghiệp bằng …  500 ngàn đồng

Làm việc tại FPT được hơn một năm, thấy rằng mình cần phải làm cái gì đó để có thể kiếm được nhiều tiền và thỏa nỗi đam mê kinh doanh, thế là Minh quyết định rời FPT ra ngoài lập nghiệp.

Ban đầu, Minh thuê một cửa hàng để bán linh kiện và máy tính. Vốn liếng của anh lúc này chỉ là 5 triệu đồng dành dụm được từ hồi còn đi làm thuê. Nói vậy cho oai chứ thực ra Minh đã phải bỏ ra 4,5 triệu để trả cho 3 tháng tiền thuê nhà, số còn lại chỉ là 500 ngàn đồng, không đủ mua 1 chiếc mainboard lúc bấy giờ. Cái khó ló cái khôn, với năng khiếu kinh doanh cùng quan hệ rộng rãi, Minh đã mạnh dạn mua chịu linh kiện của anh em bạn bè về để lắp máy và bán. Ơn trời, ngay tháng đầu tiên anh đã kiếm được hơn 2.000 USD, một số tiền khá lớn đối với cái cửa hàng vốn liếng còi cọc như vậy.

Mọi việc cứ xuôi chèo mát mái và Minh đã tích cóp được số vốn kha khá. Lúc này Minh lại nghĩ rằng đã đến lúc mình phải làm cái gì đó lớn hơn và kinh doanh một cách đàng hoàng, có tên tuổi. Nghĩ là làm, Minh quyết định thành lập DN.

Ngày 13/10/1997, Cty Công nghệ và Thương mại Nhật Hải ra đời, đến năm 2003 chuyển thành Cty cổ phần Dự án Công nghệ Nhật Hải – OIC. Cũng từ đó thương hiệu OIC được đăng ký bản quyền toàn cầu và chính thức bắt đầu đầu chinh phục thị trường Công nghệ thông tin.

Thành công từ những điều khác biệt

Có DN đã khó, nhưng làm thế nào để DN đứng vững và ngày càng phát triển còn khó hơn. Với cá tính mạnh mẽ của mình, Lưu Hải Minh đã vạch ra cho Cty một lối đi riêng, khác với các DN khác. Hơn thế nữa, anh còn xây dựng OIC thành một DN với những nét văn hóa riêng mang đầy tính chuyên nghiệp. Những việc Minh làm khiến nhiều người phải ngạc nhiên nhưng nghe ra thì lại hoàn toàn hợp lý.

- Nghe nói OIC đang rất thành công nhờ áp dụng một chiến lược kinh doanh đặc biệt, Anh có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Hiện OIC đang kinh doanh phân phối sản phẩm Công nghệ thông tin và cung ứng giải pháp công nghệ. Chiến lược mà chúng tôi đang áp dụng có tên là “Đại dương xanh”. Ngày nay khi mà thị trường Tin học và Công nghệ thông tin đang cạnh tranh rất quyết liệt, việc các DN nhỏ hoặc mới phát triển nếu cứ lấy cạnh tranh đối đầu và trực diện theo kiểu ra sức tìm kiếm lợi thế so sánh, giành giật thị trường và không ngừng cá biệt hóa sản phẩm thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi, đôi khi tự làm suy yếu mình. Áp dụng chiến lược “Đại dương xanh” tức là OIC chọn con đường tránh đối đầu trực diện với các DN lớn, tự tạo ra khoảng trống thị trường, vô hiệu hóa cạnh tranh từ các đối thủ và tạo ra những “Đại dương xanh” với những phân đoạn thị trường chưa được khám phá.

Để thực hiện điều đó, chúng tôi đã quyết định xây dựng OIC thành một DN mạnh dựa trên nền tảng coi “khách hàng là thượng đế”. Muốn làm được như vậy chúng tôi đã chọn giải pháp ”Bán những thứ mà khách hàng cần, chứ không chỉ bán những thứ mà mình có” bằng cách ký kết hợp tác cung ứng sản phẩm với hàng loạt hãng tên tuổi trên thế giới. Đến với OIC, khách hàng sẽ luôn tìm được những thứ mình cần với chất lượng và giá cả tốt nhất mà không phải nơi nào cũng có được.  

Chưa dừng lại ở đó, sự khác biệt của chúng tôi còn được thể hiện ở tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng. Tại OIC, khách hàng dễ dàng cảm nhận một không khí vui vẻ, thái độ phục vụ tận tình chu đáo bất kể thời gian và giờ giấc, dù đó là ngày Lễ hay Chủ nhật.

   Nhằm tạo thương hiệu, nâng cao tỷ lệ lợi nhuận và tiếp cận gần hơn nữa nhu cầu của khách hàng, OIC đang chuyển dần sang cung cấp các giải pháp công nghệ của các ngành như: bưu chính viễn thông, tài chính tiền tệ, ngân hàng, siêu thị…

- Tại sao anh lại đặt tên các phòng ban trong Cty là “phòng tác chiến, phòng tham mưu”. Liệu đây có phải là một sự khác biệt nữa góp phần tạo nên thành công cho OIC ngày hôm nay? 

Đúng vậy, một DN muốn phát triển nhanh và bền vững thì yếu tố đầu tiên phải bắt nguồn từ con người. Sở dĩ OIC có những cái tên khác lạ như vậy bởi tôi luôn mong muốn mỗi khi đến cơ quan, tất cả mọi người từ Tổng GĐ đến nhân viên đều nhìn thấy những tấm biển hiệu này và tự nhắc nhở mình làm việc sao cho hiệu quả nhất. Mọi người cần phải luôn trong tư thế sẵn sàng, bởi ngày nay thương trường là chiến trường, việc cạnh tranh là vô cùng khốc liệt. Nó ví như một trận đánh thầm lặng mà mỗi cá nhân trong Cty chỉ cần lơ là một chút sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể và xa hơn nữa là ảnh hưởng đến thu nhập của chính bản thân họ. Chính vì ý thức được điều đó nên suốt những năm qua, OIC luôn phát triển một cách nhanh chóng và bền vững.

- Nghe nói anh đã yêu cầu toàn bộ Cty phải đứng chào cờ trong một lần đi chơi xa ?

Ở OIC có một quy định riêng, đó là vào thứ hai hàng tuần tất cả CBNV Cty đều phải làm lễ chào cờ. Tôi nhớ hồm đó chúng tôi đi du lịch, vô tình đến cửa khẩu Cầu Treo vào đúng sáng thứ hai, và thế là toàn bộ từ Ban GĐ đến nhân viên đã đứng ngay sát biên giới để chào cờ, thật xúc động và đáng nhớ biết bao. Tôi mong rằng việc chào cờ sẽ tạo ra cho mọi người tính kỷ luật, lòng tự hào dân tộc và những lý tưởng sống tốt đẹp. Đây cũng chính là động lực giúp OIC vượt qua mọi khó khăn và trở thành DN lớn như ngày hôm nay.

- Mọi người thường tránh con số 13 vì cho rằng nó xui xẻo, nhưng hình như đối với anh nó là con số “hên”, bởi tất cả những sự kiện của  Cty đều gắn liền với con số này?

Ồ đây cũng là điều thú vị, OIC ra đời vào ngày 13/10 một cách rất ngẫu nhiên. Ban đầu mọi người cho đó là ngày xấu, nhưng rồi mọi việc cứ thế diễn ra rất tốt đẹp. Sau này ngồi ngẫm lại tôi thấy có điều gì đó trùng hợp một cách kỳ lạ: tôi sinh ngày 11/2 nếu cộng lại là 13, vợ tôi sinh ngày 23/8 cộng lại là 31 và đảo ngược cũng là 13, rõ ràng đây là con số có duyên với chúng tôi. Và đặc biệt hơn cả là sau này, Ngày 13/10 hàng năm lại được chọn làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Thật ý nghĩa và tự hào biết bao vì ngày thành lập Cty lại trùng đúng ngày trọng đại của đất nước, và nó còn ý nghĩa hơn vì bản thân tôi cũng chính là một doanh nhân. Kể từ đó đến nay, tôi luôn chọn ngày 13 làm ngày khởi đầu cho các sự kiện quan trọng của mình.

- Mỗi khi mệt mỏi vì áp lực công việc, đã bao giờ anh muốn dừng lại?

Mệt mỏi thì có nhưng dừng lại thì chưa. Bởi con đường mà tôi đã chọn còn rất dài và chông gai, nhưng bù lại tôi có cơ hội thỏa mãn những ước muốn của mình. Theo tôi, cuộc đời có ý nghĩa nhất khi được làm những gì mà mình mong muốn.

Còn mệt mỏi cũng chỉ là thoáng qua, vì tôi không có nhiều thời gian để mà nghĩ đến nó. Hơn nữa những lúc như vậy tôi đã có những anh em đồng nghiệp bên cạnh động viên an ủi. Và đặc biệt hơn cả là bên tôi có một người bạn, người đồng nghiệp và là người vợ thân yêu luôn kề vai sát cánh cùng tôi, lo cho tôi từng bữa ăn giấc ngủ và gánh vác cùng tôi những công việc khó khăn. Hơn nữa tôi còn có một kho tài sản vô giá đó là 3 đứa con rất ngoan ngoãn và học giỏi. Mỗi khi về nhà thấy chúng là tôi lại cảm thấy hết mệt mỏi, vui và yêu đời.

Để có được những kết quả như ngày hôm nay, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các khách hàng yêu quý, các đối tác và đặc biệt là các OICers thân yêu và gia đình!

Những thành tích mà Cty OIC và cá nhân TGĐ Lưu Hải Minh đã đạt được: Cúp Vàng ISO, Giải Siêu cúp thương hiệu mạnh, Cúp Vàng Top 50 sản phẩm hàng đầu về Sở hữu trí tuệ, Cúp Sen vàng thương hiệu nổi tiếng VN và quốc tế, Giải thưởng Sao Khuê, Sao Vàng Đất Việt và hàng loạt chứng nhận là Tổng đại lý, đại lý vàng của Microsoft, Canon, Intel, IBM, HP, Cisco và các hãng máy tính lớn trên thế giới.

- Riêng Tổng Giám đốc Lưu Hải Minh được tặng nhiều giải thưởng cao quý như: danh hiệu Nhà quản lý giỏi, Doanh nhân trẻ Thăng Long, Doanh nghiệp trẻ tiêu biểu TP Hà Nội.

Chúng tôi đã chọn giải pháp “Bán những thứ mà khách hàng cần, chứ không chỉ bán những thứ mà mình có”

 

Theo TIẾN DŨNG (Diễn đàn Doanh nghiệp)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)