Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 12/2/2013
E-mail     Bản in

Ngày xuân nói về chữ Hiếu
Chữ hiếu tuy nghe đơn giản dựa trên triết lý nho giáo nhưng cơ sở của nó đã có sẵn từ ngàn xưa. Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tiên.

         Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành một nét đẹp trong gia đình Việt Nam, là cơ sở để tạo dựng hạnh phúc gia đình, đồng thời là nền tảng xã hội mang đậm tính nhân văn.
 
 
Ảnh minh họa (internet)

Trước hết chữ hiếu đối với cha mẹ là trọn đạo làm con. Ngày xưa các bậc hiền triết đều lấy sự hiếu đối với cha mẹ là mối luân thường rất lớn. Chữ hiếu làm đầu trăm đức tính tốt đẹp của con người “Trai thời trung hiếu làm đầu”.

Hiếu là biết kính trọng, yêu mến cha mẹ, biết tiếp thu và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của gia phong, biết chăm lo phụng dưỡng cha mẹ những lúc ốm đau, trái gió, trở trời hoặc khi già yếu. Câu nói: “Trẻ cậy cha già cậy con” là triết lý muôn đời. Khi còn nhỏ con cái nhờ cậy cha mẹ về mọi mặt nên mới có câu: “Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây”. Đến lúc già yếu, chỗ dựa của cha mẹ chính là con cái. Cho nên cái gì tốt nhất, đẹp nhất, ngon nhất trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, con cái phải ưu tiên dành cho cha mẹ. Bởi lẽ, cha mẹ một nắng hai sương tần tảo nuôi con khôn lớn, cho con ăn học nên người, lo dựng vợ gả chồng và lúc nào cũng muốn cho con là người con có hiếu thảo vừa giúp đỡ gia đình vừa có ích cho xã hội.

Chữ hiếu còn lại được biểu hiện ở phong tục của nhân dân ta từ hàng ngàn năm qua là thờ cúng tổ tiên. Đây cũng là một nét đẹp của văn hóa tâm linh, mang ý nghĩa thiêng liêng nhớ về cội nguồn. Chúng ta cần duy trì phong tục tốt đẹp này và điều chỉnh cho phù hợp với nền văn minh hiện đại. Ngày tết, ngày giỗ kỵ chúng ta thắp nén nhang thơm, sắm sửa mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên để nói lên lòng thành kính của con cháu. Cũng cần phê phán nghiêm khắc một số người lợi dụng truyền thống tốt đẹp này để biến thành những việc làm mang tính chất mê tín dị đoan, làm biến dạng ý nghĩa tâm linh của phong tục, thậm chí có kẻ còn lợi dụng để trục lợi, để buôn thần bán thánh. Có những hủ tục đã một thời xóa bỏ thì nay quay trở lại như cũ và có khi còn nặng nề hơn như tục lên đồng, cầu hồn, tục đốt vàng mã…

Chữ hiếu còn được suy rộng ra là lòng thương yêu, kính trọng mọi người. Đó là việc làm cao cả mang đậm tính nhân văn: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thương người như thể thương thân”… thể hiện ý thức cộng đồng gắn kết với cá nhân, gia đình, làng xóm, Tổ quốc.

 
Theo HOÀNG VIỆT


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)