Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 29/1/2013
E-mail     Bản in

Tết xưa của Lưu Tộc ở Hưng Yên
Gọi là Tết xưa nhưng thật ra thì chưa lâu lắm với một đời người, bởi trong ta, hai tiếng quê hương nguồn cội chẳng bao giờ xưa cũ và mùa xuân mãi mãi không có tuổi.
 

 
    Ông Nội tôi là Lưu Hát Khanh, quan Tổng lãnh binh Hà Nam thời kỳ Pháp đô hộ nhưng gốc lại ở thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông là quan võ nên tính nết cương cường, làm quan đến năm 1929 thì chết đột tử khi ngủ ngoài vườn.
 
Bây giờ ở Hà Nam, trong bản đồ địa danh cũ do Pháp để lại vẫn còn tên Dốc Ông lãnh, có nghĩa là con dốc dẫn vào dinh thự công đường của quan Lưu Hát Khanh vang bóng một thời.
 
    Dòng họ Lưu, ở Hưng Yên nhiều người tha phương cầu thực do biến động của lịch sử nên tứ tán khắp nơi, nhưng nhiều nhất vẫn định cư tại Hà Nội để kiếm sống. 
 
   Quan Lãnh có hai vợ và bố tôi là con độc nhất của bà Hai. Bố tôi tham gia Cách mạng từ rất sớm trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội và đến năm 1930 là Đảng viên Cộng sản đầu tiên tại Hà Nam, một trong những người thành lập Đảng bộ lâm thời, bị đế quốc Pháp lưu đày Côn Đảo từ năm 1931 – 1936 cùng một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau này.
 
  Bà Cả vợ Quan Lãnh có 3 người con, hai trai một gái nhưng các anh chị cũng tham gia kháng chiến. Anh Cả bây giờ là Trưởng tộc họ Lưu, Hưng Yên: Trung tướng Lưu Sĩ Hiệp, anh thứ 2 liệt sĩ và chị út Lưu Thị Bích Hà trong chiến tranh làm Giám đốc Bưu điện Hà Nội và chồng là nhà báo Hồng Lĩnh, cựu Tổng biên tập báo Hà Nội mới.
 
     Các bác, các chú tôi ở Hà Nội khá đông, người làm cán bộ, người buôn thúng bán bưng hay lao động phổ thông ngoài biên chế Nhà nước. Như vậy,  dòng Lưu tộc Hưng Yên cho đến hôm nay, người nối nghiệp làm quan, người làm dân thường nhưng chưa ai làm điều gì hổ danh cho dòng Lưu Tộc Việt Nam.
 
     Những năm 60, 70, 80 của thế kỷ 20 tôi là cậu bé rồi trở thành chàng trai mỗi năm, trước hoặc sau Tết đều viếng Tổ đường tại Thanh Xá, Nghĩa Hiệp, Hưng Yên. Điều còn đọng lại mãi trong tôi là những cái Tết thời bao cấp trong chiến tranh  tại một làng thuần nông thôn Thanh Xá.
 
     Đó là năm Hà Nội sau đợt B52, chúng ta đón Tết năm 1973 khi Hà Nội còn trắng những vành khăn tang sau đợt bom hủy diệt của đế quốc Mỹ.
 
   Tôi và bố chọn ngày mồng Ba Tết cho rộng tàu xe để về quê. Trước đó một hôm (Mồng Hai tết) hai bố con từ Hà Nam đi tàu lên Hà Nội thăm một lượt họ hàng rồi đi thăm mấy bạn tù Côn Đảo của bố đang làm nguyên thủ Quốc Gia, các Thứ, Bộ trưởng. Các Cụ quý nhau lắm, gặp nhau là ôm nhau rất lâu mà khóc, rồi “mày tao” với nhau, ôn lại một thưở nhường nhau viên thuốc, manh áo, chịu đòn thay nhau khi ốm yếu trong tù.
 

Sáng Mồng Ba Tết, bố con tôi ra bến xe về Hưng Yên. Buổi sớm xuân Hà Nội co ro trong rét. Dọc dãy phố Khâm Thiên người ta vẫn đeo tang trắng đi chúc Tết nhau. Hai bố con đi dọc phố bên những hố bom chưa kịp lấp, mái nhà che tạm sau bom đạn tàn phá để lập ban thờ nghi ngút khói hương, gọi Tổ tiên và người thân về đón Tết. Một cái Tết đặc biệt mấy ai đã qua mà có thể quên được. Một điều may mắn hiếm có là dòng họ Lưu gốc Hưng Yên của tôi rất đông ở Hà Nội năm đó không ai bị thiệt mạng. Bố tôi bảo: Hồng phúc họ mình dày lắm.
 
  Năm ấy cả họ Lưu ở khắp nơi đều đổ về Hưng Yên lễ Tổ vào Mồng Bốn Tết nên ngay từ sáng Mồng Ba, các Chi họ đã tấp nập tìm đường về quê.
 
    Qua cầu Thăng Long nham nhở thương tích, tôi lặng ngắm Sông Hồng mùa nước cạn. Những bãi ngô ngơ ngác những  búp non đang mọc lên hai triền sông màu mỡ phù sa, những mái nhà sau chiến tranh lại bình yên khói bếp bay lên. Đường quốc lộ 5 về quê  tôi ngày đó còn chưa phẳng phiu, một số đoạn bị bom vừa tạm lấp. Chiếc xe khách thời chiến như con trâu phế canh ậm ạch bò, cửa kính bị vỡ, các hàng ghế bong hết vải bọc và tiếng máy nổ như cụ già ho khan. Nó vừa phục vụ đợt vận chuyển dân đi sơ tán rồi đón người sau đợt bom rải thảm.
 
Tôi liên tưởng, chiếc xe cũng như thành phố, cùng dân tộc đang gồng lên, hết mình cho thắng lợi của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Chiếc xe cũng như mỗi con người năm ấy lấy mục đích chiến đấu là mệnh lệnh lương tâm. Không ai chú ý đến dung nhan mình, thậm chí cả tính mạng bản thân cũng đem thi gan cùng bom đạn.
 
  Qua Bần - Sặt, chiếc xe dừng lại Phố Nối. Con đường vào thôn Thanh Xá thẳng tắp những hàng nhãn tơ. Tôi và bố đi bộ vào làng chừng một cây số. Làng quê hiện ra với nhiều gam màu. Những cánh đồng mới cấy trong Tết đang lên xanh. Những cánh đồng khoai tây, ngô, đậu tương sắp thu hoạch chuyển màu vàng. Một nhịp sống với những giai điệu tiết tấu rất riêng đang lặng lẽ vào xuân.
 
     Thôn Thanh Xá đa phần là Họ Lưu. Chúng tôi là Chi trên, con cháu của Cụ Quan Lãnh nên rất được trọng vọng.

 
Đại tá Lưu Sĩ Hiệp và vợ (lúc đó vợ bác Cả đang làm Giám đốc Ngân Hàng) đi xe com-măng-ca không kính và vải bạt rách te tua cùng cả nhà, được cả họ đón rất trọng vọng. Ông vừa chỉ huy chiến dịch B52 lo hậu cần cho bộ đội nên già xọm đi, kế đến là các bác sĩ quan quân đội và viên chức cấp cao cũng đạp xe Thống nhất, kẽo kẹt chở vợ con, bầu đàn thê tử về quê. Các cô bác trong họ từ Thái Bình, Hải phòng tụ về. Những hàm răng đen, khăn mỏ quạ, áo nâu chen với sắc màu thành thị, tạo nên một bức tranh đầm ấm buổi đoàn viên họ tộc. Bao nhiêu cái bắt tay, ôm hôn trong nước mắt của một dòng họ đã đi qua chiến tranh, hôm nay tụ về bên Nhà thờ Tổ, bái vọng Tổ phụ Lưu Minh Dương đã sinh ra những Cri, những ngành của Họ Lưu ở Hưng Yên.
 
     Suốt thời kỳ làm quan. Ông Nội tôi rất nặng tình với quê hương bản quán. Ông tôi cho xây đường làng bằng gạch lát nghiêng, vôi và mật nên tồn tại rất vững bền. Ông ra lệnh miễn bắt phu bắt lính trong làng, xây đình chùa am miếu cho làng  nên cả làng rất nhớ ơn. Lứa chúng tôi được dân làng kính trọng gọi là : Con cháu Cụ Quan Lãnh với thái độ rất kính trọng. Năm đó tôi là cậu bé hơn chục tuổi, về quê chạy nhảy khắp làng. Một vài lần quên đường về, hỏi thăm đường đều được mọi người đưa về tận đến nhà.
 
Chuyện Tết quê Nội tôi là một điều gây ấn tượng khó quên. Thời kỳ đó rất khó khăn về thực phẩm vì có lệnh cấm giết mổ gia súc, nhưng suốt cả  tháng Giêng, cả làng ăn cỗ và đánh tổ tôm. Đến nhà ai cũng ăn cỗ. Trước Tết, mọi nhà đã đóng “kệ” để bày cỗ nguội thường trực tiếp khách.Trên mỗi cái kệ đều xếp đủ giò nạc, giò mỡ, giò thủ và bánh chưng xanh. Những tảng thịt mỡ luộc to và rất thơm ngon bị xéo dần. Họ vẫn qua mắt lệnh cấm của chính quyền để lo Tết như đụng bò, đụng lợn. Cả làng sống đúng với câu ca “ tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

 
  Còn một điều cũng rất đặc biệt nữa là làng tôi mọi nhà đều lợp “bỗ” và trước cửa đều có chiếc “rại” bằng tre ngà. Mái nhà lợp bỗ cũng là nét văn hóa làng bởi lợp nhà kiểu này rất khó. Người ta phải rũ rối rạ mùa và đánh đống 5 lần rồi rút ra tung lên mái. Có nhà mái bỗ dày cả thước chịu được mưa nắng cả chục năm. Mỗi khi thay mái đều giết lợn, giết bò mời cả làng tới giúp.
 
Ngôi Tổ đường nằm ở một khu vườn sát nhà bác ruột tôi. Đây là đất hương hỏa của Quan Lãnh trao lại cho họ tộc. Những ngày lễ Tết âm âm lời kinh kệ và tiếng chuông, tiếng trống, tiếng hát văn hầu bóng. Cả họ quỳ trước Tổ tiên cầu cúng, sang hèn đều bình đẳng. Các sĩ quan quân đội thêm sao, thêm vạch cũng về bái yết, các con cháu thăng tiến cũng không quên việc dâng hương tạ ơn đấng sinh thành và bái lạy Tổ phụ, hứa hẹn sẽ là quan liêm, dân thảo.
 
  Thấm thoắt thế mà đã non nửa thế kỷ. Cùng với bao dòng họ trên Tổ quốc. cộng đồng Lưu tộc ở Hưng Yên chúng tôi vẫn  vui vầy bên nhau trước bao biến động của lịch sử.
 
  Bố tôi và bao người trong họ đã theo Tổ tiên. Trên bàn thờ Tổ đường, các Cụ lần lượt xếp hàng để con cháu mỗi năm về đây bái vọng.
 
    Trung tướng Lưu Sĩ Hiệp trưởng họ năm nay cũng vào tuổi 82. Cả đời chinh chiến  ông cạn kiệt sức lực và tai biến não 3 lần và nhiều khi lú lẫn. Quê tôi giờ đã lên khu công nghiệp sầm uất. Mới có một năm không về tôi đã phải ngơ ngác tìm người hỏi thăm. Không còn những mái nhà lợp “ bỗ” với làn khói bay lên quấn quyện mỗi sớm, mỗi chiều. Không còn những “kệ cỗ”. Người ta đón Tết rất nhanh, rất nhạt rồi lại hối hả lao vào kinh tế thị trường.

 
    Đứng trước làng quê sớm nay, lòng tôi thoáng một nỗi u hoài nhớ về kỷ niệm đã đi qua trong ngày Tết ở quê của những năm xưa cũ.
 
    Nay mai thôi, tôi một Nhà văn nghèo, phận mỏng cánh chuồn sẽ đảm nhiệm chức phận Trưởng họ thay Bác Cả sắp theo Tiên tổ. Tôi lặng ngắm ngôi Tổ đường rêu phong, nép bên gốc tre của một căn nhà mới xây cao ngất ngưởng. Mảnh đất Tổ này, ông Nội tôi đã để lại và bây giờ bị cháu Ngoại làm một bậc quan xã nho nhỏ cấu kết thì thụt với các cửa công quyền chiếm dụng. Họ chiếm dụng rất “đúng pháp luật” bằng giấy tờ hợp pháp thành văn, nhưng cái truyền thống và đạo lý bất thành văn vẫn gây nhức nhối cho cả dòng họ. Mỗi khi mấy anh em trong họ về thắp hương, vợ con và các đứa cháu ngoại hằm hè cảnh giác, sợ chúng tôi đòi lại đất hương hỏa theo di chúc của ông Nội tôi để lại.
 
    Vẫn là chiếc bát hương cổ, vẫn là những di ảnh trầm mặc của họ hàng bị ám bụi thời gian. Tổ phụ thanh thản vô tư nhìn mỗi lần con cháu về dâng hương. Họ có biết đâu rằng, trên cõi người cát bụi có bao biến động. Điều tưởng bất biến nay thành thường biến. Chỉ có khói hương vẽ lên thinh không nhiều dấu hỏi về đạo lý cội cành. Chia sẻ với Lưu tộc trước xuân Quý Tỵ những tâm sự này, lòng tôi thoáng buồn. Tôi thấy mình có lỗi với Tổ tiên. Tôi ao ước được góp một điều gì đó để bớt đi lầm lỗi.
 
Tôi mong ước điều ấy không còn tái diễn trong bất kỳ Chi, Nhánh nào trong cộng đồng Lưu Tộc Việt Nam và mong  Lưu Tộc kiêu hùng của Đất Việt mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc.

 
    Mất đi lũy tre, mất đi mái rạ nhưng đừng mất đi một nết quê, đừng mất đi nghĩa nhân Con Người và cội nguồn Họ Tộc…Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin vào điều nhân nghĩa ấy !
LƯU QUỐC HÒA


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)