Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 27/7/2013
E-mail     Bản in

Bút ký: NGÓN TAY BÌNH DỊ - Lưu Gia Thịnh
(LUUTOC.VN)-Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7/2013, bà con họ Lưu - Việt Trì (Phú Thọ) đã tổ chức gặp mặt, trong đó có đồng tộc Lưu Gia Thịnh, Trung tá thương binh, nghỉ hưu tại nhà số 25 đường Đinh Tiên Hoàng, P. Nông Trang, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông Thịnh giới thiệu bài bút ký "Ngón tay bình dị" đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2010 (các nhân vật và tên là người thật).

Chiều, vàng thệch. Máy xe tăng nổ nhỏ vừa đủ đưa hai dàn xích trườn nhẹ vào vị trí tập kết. Đợi lệnh xuất kích, tấn công chi khu quân sự Sa Mát. Người mệt mề, lử lả. Xe tăng lại vươn cao nòng pháo, ngạo nghễ khoe mẽ chiến công đã vượt qua nhiều địa hình phức tạp. Công việc trước mắt như núi: Ngụy trang xóa dấu vết, kiểm tra kỹ thuật, kế hoạch tác chiến, nạp năng lượng cho xe, cho người… Việc nào cũng cần kíp, phải làm ngay. Như lính lên cơn sốt rét cần chăn, cần lửa, cần thuốc. Chậm trễ sẽ hết đường về quê mẹ.

Thế mà đại đội phó Nguyễn Khắc “ông ẩm thực” đã lăn ra ngáy khò khò (biệt danh Ẩm thực lính gọi từ khi huấn luyện lái xe tăng ở Trung đoàn 202. Chả là ăn sáng ông xơi óc ngô tới bát thứ năm mới gọi là ấm cái bụng. Hôm đó ông có thể đứng khom khom đưa bình điện 80kg ra ngoài ngon lành). Ông nằm sức vóc vạm vỡ, ngực căng phồng, tay nổi dây thừng, chân quận dây chão, da mìn mạng ánh màu đồng hun. Đũng quần nhô cao, nhọn, phập phồng, cương cứng, tươi tắn. Hẳn là đang lãng mạn trong giấc mơ đẹp.

Đàn voọc chàm má đi ăn về. Thấy người xâm lấn lãnh địa kêu khèn khẹt, văng từ cây này sang cây khác. Ông Ẩm thực đã tỉnh, nói nhỏ nhưng ồm ồm: “Thằng M24 tệ quá”. Nóng bừng bừng, thở phì phò, bụp bạch rồi ỳ ra giữa vũng nước, sướng mày, khổ tao. Đi đường rừng mà AM8 cứ vội vàng, lập bập, nhảy câng cẫng có mà lốp đặc cũng phải nổ. Chỉ hai quả đó thôi đã làm cho anh em mệt thở đứt hơi như mới ra khỏi sới vật làng Bùng.

Tôi đến gần, hỏi nhỏ:
- Đại phó mê gì? Mồm lẩm bẩm, mặt tươi tắn thế?
- Đâu có! Mẹ thẽm lay lay, chưa kịp phản ứng đã bị sờ má, bóp mũi. Nghẹt thở tớ vùng lên. Thấy con voọc đầu đàn ngồi ngay trên đỉnh đầu, quơ vội khẩu AK. Chưa kịp lấy đường ngắm, chợt nhớ ra: “bí mật, đi không dấu, nấu không khói”. Tiếc quá! Hỏng ăn mất bữa gặm chân, tay voọc ấm chân răng. Tôi nhìn bạn trìu mến, đồng tình.

Bộ chỉ huy mặt trận chọn Sa Mát là trận đánh mở màn cho chiến dịch Nguyễn Huệ. C33 sử dụng bốn “xe địch đánh địch”. Xe tăng M41 do Mỹ sản xuất từ năm 1948 đã từng tham chiến ở Trung Cận Đông, Kênh đào Xuy-ê, đưa vào Miền Nam năm 1967. Xe M24 do Anh sản xuất, xe AM8 và AM51 do Pháp sản xuất, viện trợ cho Ông Hoàng Xi Ha Núc. Ta thu được ở Công Pông Thơm và Công Pông Chơ Năng trong chiến dịch Chen Lơ 2.

 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội xe M8 tháng 1/1956
 
Hành quân trên 100km, bốn chiếc xe tăng “một cha ba mẹ”, chạy như rùa bò. Trong rừng rậm dây leo chằng chịt, rạch luồn lách. Lái xe cứ phải căng mắt như thi sát hạch đường hạn chế, cầu vệt. Được đoạn đường cao su mát mặt anh hùng. Hàng cây thẳng tắp vun vút chạy về phía sau. Gió phần phật, mát rười rượi. Lính tăng như bay bổng, cánh mũi phập phồng. Tiếc! Chả có em mà thể hiện “chân kính”. Cực nhất là chạy trên đường ủi, chất độc Đi-ô-sin làm rụng lá khô cành. Cơn mưa rừng ào ào, đổ nước. Sau đó bầu trời được trong ấm ngay. Công binh mở cho con đường nhỏ như sợi chỉ vắt qua các thung lũng hẹp, lô nhô gốc cây, ổ trâu, ổ vóc gập ghềnh như chạy trên vách đứng, vách hụt, hố bom… Xe M24 đói giải lao.
 
Xe tăng M51 - chiến lợi phẩm tham gia tiến công căn cứ Xa Mát (Tây Ninh)

 
Xe tăng M41- chiến lợi phẩm tiến vào Sài Gòn 1975
 
          Ông Ẩm thực chạy vội vàng, chân thục vào thứ gì nhão nhoét, nóng hâm hấp, mùi thum thủm, ai ai, xộc lên mũi. Nhìn xuống. Giật mình. Đống phân voi to bằng cái rổ hai gióng úp ngược, khói còn bốc nhờ nhờ. Xung quanh nhiều dấu chân lớn nhỏ. Phía trước con voi quăng quẻ cái đuôi to đùng. Ông hô: “Sẵn sàng chiến đấu”. Mọi người còn đang ngơ ngác. Bỗng có tiếng: “Cha cha! Voi rừng đâu có dám vuốt vòi voi sắt”. Lính cười ồ làm ông Ẩm thực ngượng chín mặt.

Hoàng hôn buông xuống. Tia nắng yếu ớt trốn chạy, bóng tối nhờ nhờ ập tới. Trong rừng đêm đến nhanh. Muôn vàn tiếng muỗi kêu vo vo rền rã. Hàng ngàn con bù mắt lao thẳng vào mặt, vào cổ rát ràn rạt, nhặm như bị rắc trấu. Nhiều con chui vào mồm, vào mũi ho sặc sụa.

 
     Xe tăng M24 do Anh sản xuất
 
M24 thu được trong trận Điện Biên Phủ tham gia diễn tập cùng bộ binh

Đại đội trưởng và trinh sát đi điều nghiên và hợp đồng chưa về. Giờ G chưa đến. Lính cần ngủ lấy sức. Tôi bồn chồn, võng lắc lư mà không sao chợp mắt nổi. Thời khắc như đã kéo dài ra. Lái xe M41 Chu Văn đến bên đầu võng nói thổn thức:

-         Em hồi hộp quá chính trị viên ạ! Bao giờ mới được tung hoành?
-         Chả còn lâu đâu, cố mà chợp mắt, chiến thắng trận đấu mới xây dựng được truyền thống “đã ra quân là chiến thắng”. Trên 300 cán bộ chiến sỹ từ núi Đinh Tam Đảo, “xe chưa xung trận, người xuống xe ra trận” đang theo dõi, chờ tin chiến thắng. Tôi cũng đang nghẹt thở vì hồi hộp lo lắng nói với chiến sỹ cũng là nói với chính mình.
 

Chiến sĩ Đội 33 và số xe tăng - xe bọc thép chiến lợi phẩm

Những hồi ức về hành quân xẻ dọc Trường Sơn, những kỷ niệm của tôi với ông Ẩm thực Nguyễn Khắc, tưởng như bom đạn, trận mạc, những cơn sốt rét rừng làm khô cứng, nát vụn. Trong giờ phút chờ đợi này tái hiện rõ mồn một.

Bước vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, lính xe tăng khỏe lắm, hừng hực khí thế tiến công và niềm tự hào. Đồng thanh hát “hành quân xa, dẫu có nhiều gian khổ, vai vác nặng…”. Càng vào sâu sự gian khổ cứ tăng nấc một, nhiều mức nữa, tăng lên theo cấp số, ngày lại ngày vô tận. Người đẫy đà là vậy, mòn mỏi còn lại da bọc xương. Mặt nổi lưỡng quyền cao, môi khô co dúm hở ra hàm răng bàn cuốc vàng khè (nào có đánh răng đâu). Ai cũng xác xơ cộc cằn. Đói cóp đói, dạ dày co thắt cồn cào, cơ bắp mệt mỏi hành hạ cơ thể. Cắn răng chịu đựng. Đi bằng đầu. Không đi không đến. Tụt lại có mà chết sốt rét hoặc phải bổ sung vào đơn vị khác. Vì danh dự, vì Miền Nam chấp nhận cuộc sống xa cách mọi nhu cầu tối thiểu. Đoàn quân trùng trùng ai cũng khổ như ai. Chả có cái gì mà tỵ nạnh cao thấp. Chỉ có cây rừng Trường Sơn mới đánh giá được sức mạnh phi thường của con người.
 
Kể ra đây vài mẩu truyện, thật như bịa quá. Cầu treo lắt lẻo (thứ cầu độc nhất vô nhị chỉ có lính Trường Sơn mới sáng tạo ra được). Cầu làm bằng những sợi mây sợi hèo mọc trong rừng. Hai đầu cầu buộc vào hai cành cây bên bờ suối. Leo thang dựng đứng lên đầu cầu. Qua từng người để tránh rung lắc cộng hưởng. Rừng âm u, mưa rấm riết. Cây lá sóng sượt ướt nhèm, mây hèo trơn tuột. Tôi đi được mươi chục bước chân, cầu lắc lư như bà cốt lên đồng. Nhìn xuống, nước tung bọt trắng xóa. Tim đập như trống thúc, tai ù, mắt hoa. Cây cối lộn tùng phèo, tóc gáy dựng ngược, toàn thân nổi da gà. Tôi ngồi thụp. Ẩm thực quát: “Không đi được thì bò, đồ dài lưng tốn vải”. Hắn gỡ ba lô trên vai tôi và hạ giọng “Quên nó là cầu đi, coi như đi trên bờ mương bờ ruộng. Mắt nhìn chếch lên, hàng ngàn vạn người qua, sao không qua được”. Sang bên đầu cầu bên kia nhìn lại hắn nhún nhẩy theo độ rung của cầu. Miệng huýt sáo điệu đàng. Tôi xấu hổ chín mặt. Từ đó mỗi khi qua cầu bạn lại mang cho tôi lúc ba lô, lúc khẩu súng.
 
Ngược lại qua cầu Kiều (một cây gỗ thẳng như cây trò chỉ, chặt cho đổ vắt ngang qua suối), không lắc lư nhưng trơn tuột như bôi mỡ xe tăng. Chả biết do chủ quan hay tuột quai dép mà Ẩm Thực rơi tõm, chìm nghỉm như hòn đá rơi vào nước, suối sủi tăm ùng ục. Vội vàng tôi cởi quần áo ngoài lao xuống. Mất vài cái sải tay, đập chân, ba bốn hơi lặn tìm kiếm, tôi khéo léo túm tóc hắn kéo vào bờ. Y tá vác ngược, sốc vài cái, nước từ mồm chảy ra tồng tộc, hô hấp nhân tạo, thổi hút mũi, hắn tỉnh mắt lim dim. Tôi hỏi:

-         Không biết bơi hả?
-         Nhà ở chân Núi Thắm, có hồ, nước đâu mà bơi.

Người cứu được, dép mất, ba lô mất. Hắn mặc tạm bộ đồ bà ba màu đen của tôi. Đi chân trần. Đến trạm bờ sông Đa Quýt, gặp nghĩa trang, lính chết sốt rét. Nhiều lắm, mộ như bát úp thẳng tắp chạy dài. Ẩm thực tìm được đôi dép lính để lại, hắn vui như bắt được vàng: “Đồng đội ra đi còn nhường lại cho mình đôi dép, ơn này sẽ trả”.

Nghỉ hai ngày chuẩn bị vượt Đường 14. Con đường quái gở vượt đi vượt lại vẫn Đường 14 (xem bản đồ mới biết nó xuất phát từ Quảng Đà, nối với Tây Nguyên rồi trườn về Miền Đông Nam Bộ). Lính chia nhau đi “tư tỏi”. Rau tàu bay, rau môn thục… Tôi ôm về con gà choai. Trung trưởng “Thắng râu” ngạc nhiên sợ hãi nói nhanh như đạn bắn liên thanh:

-         Bắt trộm hả, vi phạm chính sách dân tộc hả, tội nặng lắm đấy, muốn xử bắn hả?...
-         Kh…ô…ng. Đ…ổ…i.

Khi đã lấy lại bình tĩnh tôi kể: “Đang đi em gặp ba người đàn ông, đeo khố hở cả lông xoăn tít. Tay cầm điếu bục, tay kia cầm rựa dữ dằn lắm, miệng nhả hơi khói khét lẹt. Họ cứ chỉ, trỏ, nói gì to lắm nhưng em không hiểu. Em sợ hết hồn, vội đưa ra tấm ảnh để chứng minh mình là bộ đội Cụ Hồ. Họ thay nhau ngắm, chỉ trỏ. Họ lấy ra con gà này, lại chỉ trỏ. Em nhìn xuống chân nơi con vắt đang đo. Họ tưởng em đồng ý. Người cao lớn nhất ấn gà vào tay em và cất tấm ảnh đi. Em hiểu, mừng quýnh, ba chân bốn cẳng chạy vội sợ bị đòi lại. Vừa chạy vừa cởi áo bọc kỹ gà, không ai nhìn thấy đâu”.

Chờ đến tối nấu cơm mới dám mổ gà. Đích thân Trung đội trưởng đem chôn lông gà. Cháo gà không gia vị mà thơm ngậy. Cả Trung đội húp sụt soạt, nhai xương rau ráu. Thịt gà nhường Ẩm thực ăn lấy sức. Mặt anh nào cũng tươi hơn hớn, bõ cái đận nghẹn sắn, cổ dài ra ngắc ngư như cổ vịt.

Đường hành quân phụ thuộc hoàn toàn vào các trạm giao liên. Trạm dài phải dậy từ hai giờ sáng đi đến bảy tám giờ tối mới đến. Trạm ngắn hai ba giờ chiều đã được nghỉ. Ẩm Thực nháy mắt: “tớ phát hiện ra nương sắn”. “Xa không”. “Gần, khắc đi khắc đến”. Tôi tưởng tượng ra mùi sắn nướng thơm phức, mùi béo ngậy của loa canh rau sắn chua nấu với tép trắng.
(Món ăn đặc sản của dân Phú Thọ).

Tôi chép miệng, “đi thì đi”. Tôi mải mê hái lá sắn bánh tẻ, ẩm thực bẻ vội mấy củ sắn sót lại đã khô tai tái. Bỗng đâu một tiếng quát làm tôi giật nảy mình.

-         Thằng kia ăn cắp sắn của bố hả?
Mặt Ẩm thực lạnh tanh, tai đỏ nhừ nhưng giữ được bình tĩnh.
-         Làm gì mà hắc xì dầu thế? Bọn tớ xin ít lá sắn và một vài củ sắn sượng, chứ có nhổ sắn đâu nào?
-         Mót cái con củ C... Ai trồng cho mà mót.

Tay kia xầng sộ, tay cầm cây sắn như nhứ, quơ quơ.
Nhanh như cắt, miếng võ làng Bùng tung ra. Tay hắn quặt ra phía sau kêu oai oái. Ẩm thực nói ôn tồn nhưng kiên quyết.

-         Tớ nói cho mà biết, bọn cậu lính công tử ưu tiên ưu đãi mà chả biết điều. Sắn trồng trên đất ba dan này, bỏ xuống là lên thành rừng, củ dài như đòn gánh, to bằng bình vôi.

Mà cậu ăn gì để trồng sắn? Có phải là lương thực của quân giải phóng không? Thế thì sắn của quân giải phóng rồi bọn tớ xin cho quân giải phóng ăn mà vuông tròn cũng là đói quá phải ăn, mật mỡ riêu cua gì đâu. Lính xe tăng bọn tớ vào cướp xe tăng địch, đánh địch. Tạo ra quả đấm thép Thiệu Kỳ chịu sao đặng. Sài Gòn giải phóng, cơ man nào là sơn hào hải vật. Có đồ ngu mới quay lại rừng để ăn sắn nhà các cậu. Thôi thì “xấu mặt xin tương” bọn tớ xin vài gốc nhé. “Không cho” “này thì không cho”, mồm nói Ẩm thực kéo tay hắn ngược lên đầu “loại người như cậu chín xu đổi lấy một hào thì có cho ai được thứ gì”. Hắn đành phải “nhổ đi vài gốc thôi, đau lắm, bỏ tay ra”.

Ẩm thực cõng sắn chạy thục mạng, miệng cười đắc thắng. Tối hôm đó cả Trung đội nghẹn tắc cổ. Ăn sắn vội đố mà nuốt được. Bụng phưỡn ra, mệt, nằm võng thở.

Màn đêm buông xuống. Trăng hạ tuần nhờ nhờ. Rừng yên tĩnh, không gian nhẹ bỗng, tưởng chừng rừng núi được nâng lên trong giấc mơ cổ tích. Văng vẳng tiếng trăng thở, rừng thở. Tôi dự cảm được số phận Sa Mát như số phận chiếc lá rơi lả tả vì chất độc đi-ô-xin gây ra. Điều kỳ diệu sắp xảy ra, những khát vọng chiến thắng ập đến. Pháo mặt trận lên tiếng, rừng rung chuyển, tiếng chim chao chát. Những quả bi chuối đỏ lừ lao vun vút. Cứ điểm địch rực lửa như ta chập que hàn vào tấm thép lớn. Ba phát tín hiệu đỏ vụt bay trên đầu. Pháo ngừng bắn, xe tăng lật bỏ nguỵ trang xuất kích. Đội hình hàng dọc, rồi so le yểm trợ nhau. Ấn hết chân ga, các pít tông lên xuống “hút, nén, nổ, xả” hết công xuất. Tiếng gầm rú của máy nổ, tiếng xích xe kèn kẹt đạt cung độ cao nhất. Đèn pha cốt gật gù chéo cánh sẻ. Xe tăng tạm dừng, vọt tiến bắn bài bắn ban đêm. Pháo bắn thẳng, các loại súng bắn bằng điện như vãi đạn. Ổ đề kháng đầu cầm bị tiêu diệt. Địch khu trung tâm chống trả quyết liệt. Chiến sỹ bộ binh khự lại, chơi vơi rồi ngã vật như cây chuối bị phạt ngang, trước nhãn tiền. Pháo thủ đôi mắt nheo làm lông mày xốc ngược, mồm hét to “đạn xuyên vạch sáng cực nhanh ba phát, tao bắt chúng mày câm họng quân dã man”. Đạn pháo  nối tiếp nhau ra khỏi nòng, căng như dây đàn, xé toạc màn đêm lao vun vút. Những tên lính rằn ri liêu xiêu như chuột chạy ban ngày, rồi đổ sập.

Xe M41 bị đạn M72 xuyên thủng mặt vát phía trước, khói như hun chuột, lái xe Chu Văn bị thương, Nguyễn Khắc nhảy tọt vào buồng lái. “Tao nghiến nát hết đồ chó ghẻ”. Tay kéo mạnh cần lái sang trái, sang phải, tiến, lùi trà sát. Thịt xương quân thù rát đỏ hai hàng dây xích. Toàn bộ cơ thể Khắc như cục lửa hừng hực.

Đài kỹ thuật thu được tín hiệu “Báo cáo thượng cấp, Việt Cộng tấn công bằng xe tăng Mỹ, Anh, Pháp”. “Thực hiện phương án 2 (rút chạy), nếu sai mai ông ra toà án binh”. C33 cùng với bộ binh Sư đoàn 5 truy kích nhanh chóng làm chủ trận địa.

Tôi và Nguyễn Khắc cùng nhau đánh nhiều trận, chưa trận nào độc đáo, thắng lợi trọn vẹn như trận này. Thắng địch và thắng cả sự nghi ngờ tự ty của  mỗi người. Bõ những ngày vất vả lấy chiếc xe tăng M41 này.

Trời mưa, rừng le cúi rạp, đè xuống đầu, mưa khiếp đảm, mặt đất loang loáng nước. Các loài côn trùng bò lên gò mối cao. Mảnh ni lông mỏng treo trên cổ như một dấu chấm than loè xoè. Mũ tai bèo cụp vành nước len lỏi chui vào chỗ kín đáo sau tấm áo ướt sũng. Tôi, Nguyễn Khắc và Quang Minh đứng bất động ngoài căn hầm nửa nổi, nửa chìm lợp lá trung gian. Chính uỷ Mai giao nhiệm vụ như vỗ về các em “cố gắng lấy bằng được loại xe M41 về để anh em tập lái, tập bắn...”, gấp gáp lắm đi suốt ngày, tối ra tới trận địa. Cùng ăn, cùng ở, cùng đánh giặc với đơn vị chốt chặn Đầm Be. Sau những ngày vây lấn, tấn, diệt quân địch rút chạy theo lộ 13, đơn vị chốt chặn Đầm Be nổ súng, địch tán loạn chạy tạt xuống cánh đồng lầy. Bỏ xe pháo chạy thoát thân. Trận địa nồng nặc mùi thuốc súng, mùi máu... Những chùm pháo sáng lơ lửng nối tiếp. Máy bay phản ực gầm rú và những loạt rốc két đỏ rực vun vút lao xuống trận địa. Bất chấp nguy hiểm, chúng tôi lao lên xe địch, ấn nút khởi động, xe nằm im, nổ được máy phụ tháp pháo quanh vù vù, không tìm được công tắc ngắt điện đành lấy dao cắt dây để tìm cách nổ máy chính. Mất mấy ngày mò mẫm, tháo ra, lắp vào, tháo xe nọ lắp vào xe kia... cạn hai ruột bút bi vẽ, xoá, lần đường điện khởi động xe tăng...

Ngày thứ ba, tôi phát hiện ra pan chính rõ như ban ngày. Hộp Rơ le nằm ở mặt vát đuôi xe bị bùn đất bám vào hoen rỉ. Tháo Rơ le xe khác lắp vào. Khắc lên xe, ấn nút khởi động, tiếng máy nổ thình thình ròn rã. Vào số từ từ nhả cần lái, con quái vật rùng mình nhích lên. Tôi ra hiệu đừng tắt máy. Khắc chui ra nhễ nhại mồ hôi, thở hổn hển. Lúc đó là 9h27phút ngày 29/7/1971. Nhận được tin vui Sư Trưởng Nam Phong cho công binh dò mìn, cắm cọc tiêu, tôi đưa xe vào rừng. Lần đầu tiên được điều khiển xe tăng địch, Khắc không khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp sung sướng dâng trào. Đứng trên ghế xe trưởng nửa người nhô cao khỏi tháp pháo, gió mơn man vuốt ve da thịt tôi tự hào vô hạn.

Hơn ba mươi năm sau. Trước ngày truyền thống binh chủng tôi lại về chân Núi Thắm, thăm lại người bạn cố tri. Bất ngờ hơn cả bất ngờ. Vẫn căn nhà thấp, ẩm. Một ông già ngồi bệt trên chiếc đi văng thấp tè, run run, đứng dậy khom khom, nửa muốn bước, nửa muốn ngồi, mắt chớp chớp mọng nước. Hồi lâu, mặt mới có sinh khí, mồm ấp súng “Ông chính trị’. Có mấy năm mà đã lấy đi mái tóc xanh đen,  nỗi nhọc nhằn lấy đi bắp tay nổi dây thừng, bắp chân quận dây chão. Ông như cây già cỗi dạng rụng dần lá mùa đông. Tôi chép miệng.

-         Đã đến nỗi này ư?
-         Yếu lắm, mới qua trận tai biến thập tử nhất sinh. May mà còn gặp được ông.

Nếu phải nằm liệt thì khổ hơn cái chết. Đêm đã khuya, đồng hồ quả lắc buông vào thì khắc tiếng tành tạch, điểm nhịp chuông như búa đập vào gỗ lim. Trăng vàng úa, mây quấn quanh núi thắm như vành khăn trắng. Gió lào khào rơi rụng cong lá soan lộp bộp. Hàn huyên chuyện lính đã cạn, ông kể: Sau 75 tôi tham gia đánh đuổi bọn Pôn Pốt tới tận Xiêm Diệp, Bát Tam Băng. Năm 1978 được điều ra Trung đoàn xây dựng kinh tế. Đó là đoạn đời chó ghẻ. Mình là lính oánh giặc, nay lại chỉ huy lính đảo ngũ, suốt ngày đốp chát đưa đất vào khuôn khổ. Cán bộ trên mình mặt mũi non choẹt, mòn đít trên ghế nhà trường mà lại chỉ coi mình là thiếu uý quèn, Trung đoàn xét hoàn cành bán rẻ cho mình 2000 lá cọ để lợp lại cái nhà này lại gặp bọn “chín su đổi lấy một hào”, “sắm cối cây say bột đá”. Chúng khất lần, lại còn bớt xén lợp chuồng lợn có ức không? Tôi ngắt lời “máu công thần nổi lên chứ gì? Bệnh sỹ chết trước bệnh tim”.

“Ông làm chính trị cứng vuốt mãi sẽ mềm, mềm kéo ra cho cứng”.

Tôi! cái gì ra cái ấy. Không nén được cái bực, mà bực là mất khôn, tôi chửi đổng. Không cần thì cho ra quân, sợ gì? “Chúng bảo đồng chí làm đơn đi” “sợ đếch gì? đơn đây”. Tôi nhận quyết định phục viên, về thẳng chẳng liên hoan, chia tay. Sau này mới biết mình dại, 18 năm hai tháng phục vụ quân đội. Quy đổi là 24 năm có lẻ - quá thiệt thòi. Trong khi đó một số anh em ở địa phương họ có sáu, bảy năm giữ kho có biết gì đến trận mạc, bom đạn... thế mà về bệnh binh, mất sức tháng lĩnh sáu bảy trăm ngàn. Mất giấy chứng nhận thương tật. Thế là mình không bằng anh nông phu vì sức khoẻ, vì gì đó không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội...

Cú lắm. Cái danh quan trọng lắm, nhất là đối với người nhà quê. “Một miếng giữa làng còn hơn một sàng só bếp”. Trở thành anh nông phu cày bừa, cấy hái, việc có tên, việc không tên tôi làm tất tần tật. Hơn 18 năm không được làm việc đồng áng, sức lực cất mãi, nay bung ra với tâm huyết xóa đói giảm nghèo. “Nhất canh trì nhì canh điền” Mỗi năm trên 500 - 600 gánh đè nặng vai từ đồng về nhà và từ nhà ra đồng. Ăn khoẻ, người khoẻ ông còn nhớ câu:

Trường sơn sáng nắng chiều mưa
Ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình.
Mình đã hiểu mình. Lao động, chuyện nhỏ, miễn là cơm no, rượu say, bò cưỡi.

Họ chê tôi là Thiếu uý quèn! Nào đâu có biết tôi bị oan. Cấp B bậc trưởng (phiên ra là chuẩn uý) bị giam 6 năm bảy tháng. Dấu mãi nay tôi kể ông nghe.

Lớp huấn luyện xa kích cho chiến sỹ nữ cơ quan Quân khu 7. Buổi kiểm tra đường ngắm cơ bản cuối cùng trước khi bắn đạn thật. Út Hạnh lóng nga lóng ngóng. Tôi nằm soài ra cầm tay đưa vào vòng cò, miệng nói “kề vai, áp má, nín thở, bóp cò”. Tay kia quàng qua cổ sờ tìm chỗ hõm của má, áp báng súng vào, nắn đầu cho tư thế thoải mái... Út thay đổi tư thế chắc vô tình môi đụng vào môi tôi êm ái, ngọt dìu dịu khó tả, mặt út đỏ như quả bồ quân mọng nước, mắt liếc thẹn thùng như là cảm ơn, xin lỗi. Tôi luống cuống đụng vào cái nịt ngực... Lần đầu tiên cầm bàn tay mềm mại, vuốt má căng mọng mát rười rượi, mắt nhìn rõ từng chân lông kẽ tóc của cô gái Nam Bộ. Thân thể mình nóng dần lên như nước đun trong ấm điện. Lửa gọi lửa, đám cháy trong lòng bừng lên. Vật giống! Biểu tượng sức mạnh nam nhi trong tôi thức dậy, mạnh mẽ cường tráng, cương cứng. Rùng mình, luồng rấm rứt chạy dọc sống lưng, kiến bò từ bàn chân chạy ngược. Cướp cò. Công tắc được xả. Người nhẹ tênh, mắt mờ sương khói, tiên cảnh đê mê. Đũng quần ươn ướt lan toả. Đứng dậy khom khom, tôi cáo đau bụng về hầm thay đồ. Từ đó Út mắc thứ bệnh của phụ nữ ở rừng, mỗi khi lên cơn sùi cả bọt mép. Thần dược hữu hiệu là bàn thay người khác giới sờ nắn dăm phút khỏi liền. Người đó chỉ là mình mới chết chứ. Ông Năm, Phó Chủ nhiệm chính trị ghen nực lên (ông già Chín Năm mê Út say đắm, nhưng chỉ một phía). Ông ta chơi bài quyền lực, điều Út lên phục vụ Thủ trưởng và khăng khăng điều tôi xuống Sư đoàn 7. Sợ đếch gì “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Thủ trưởng Ba Bôn quyết giữ số ít ỏi lính tăng còn lại chờ thời cơ. Chỉ thế mà tôi bị giam B bậc trưởng ông ạ.

Ấp a ấp úng hết sẵng giọng lại e hèm, như mồm ngậm hột thị. Giọng ông đặc quánh “chuyện này tôi nguyện sống để bụng chết mang đi. Nay giãi bầy và xin ý kiến ông”. “Quan trọng thế ư” tôi hỏi. Sau giải phóng 75 được đi phép. Háo hức gặp người thân, gia đình và Phúc. Trước khi vào chiến trường chúng ta được nghỉ phép 12 ngày, tôi cưới Phúc. Tôi chưa định nhưng Phúc khăng khăng đòi cưới “các anh đi biệt biệt, ai mà giữ chân được, cứ sấn sẹo buộc sừng cho chắc ăn”. Năm ngày trăng mật. Trời mưa sối xả, lộp bộp trên tán cọ gần nhà “mưa rừng cọ, gió rừng thông”. Đó là lý do để chúng tôi yêu hối hả, yêu cuống cuồng. Ngày dài lê thê đêm ngắn gang tấc. Phúc nằm rúc nách tôi, mùi hoa bưởi gội đầu, mùi trinh nữ quyến rũ “em xin anh đứa con để ôm ấp, để chăm bẵm nũng nịu...” Khi luyện tập đeo gạch hành quân ở núi Đanh, Tam Đảo, Phúc lên thăm với mục đích “cho chắc ăn. Cầu trời cho em một đứa con”.

 
 
Xe tăng Quân Giải phóng đã húc đổ cổng chính và tiến vào dinh Độc lập 30/4/1975
 
Bố mẹ tôi đã mất. Phúc đưa con về nhà mẹ đẻ. Tôi buồn tái tê, tràn trề. Anh cả, chị dâu kể tội Phúc, nào là chửa hoang, tự bỏ về không được sự đồng ý của nhà chồng... “Lời nói ngọt lọt đến xương” tôi hoài nghi lòng chung thuỷ của Phúc. Tôi quyết định gặp vợ cho ra ngọn ngành. Phúc khóc rấm rứt như mưa mùa đông ngày đại hàn. “Em không thể sống với vợ chồng anh cả được, gái xuất giá quay lại nhà mình là cực chẳng đã. Hiền là con chúng ta, là giọt máu của anh, em cầu xin anh thương lấy mẹ con em... Em sinh con tháng 5 anh chị ấy bù lu bù loa: “cô đẻ tháng 7, chửa trâu à, hẳn là tát nước theo mưa, đồ gái đĩ...” Chiến tranh có ai làm giấy khai sinh đâu, âu cũng tại sự “không ưa, dưa có giòi”. Em “ngậm bò hòn làm ngọt”. Mặt tôi đỏ tía tai, vành tai tím tái, lời nói ra như đạn vãi. Mãi sau tôi mới biết nóng mất khôn. Đằng sau lời nói cục súc vô lý hôm đó là cái gì ông biết không? Tôi đã trúng viên đạn bọc đường của cô gái trẻ hơn mình mười tuổi. Đợt phép ngắn ngủi tôi làm vội vàng hai việc ly hôn và kết hôn.

Cháu Hiền đã ngoài 40, Phúc đã có cháu ngoại, em ở vậy nuôi con. Tôi ray rứt - Hiền có phải là con tôi không”. Tôi càng hiểu bạn, con người cương thường dũng có thừa, trí đoản, thiếu chữ nhẫn.

Đêm thành phố ngã ba sông lộng gió. Tôi vắt óc tìm lời khuyên bạn. Giám định ADN ư? Không được. Kết quả giám định sai càng làm tăng lòng hận thù, buồn đau bội phần.

Hơn ba mươi năm thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, ta vẫn chưa thấy hết chiều cao, chiều rộng và cả chiều sâu của mất mát, hy sinh. Người chết chưa thấy thi hài, người sống như bạn tôi, bà Phúc cháu Hiền đang ray rứt lương tâm.

Bom đạn dần bị xoá nhoà, chiến công đi vào lịch sử dân tộc. Nỗi đau của người lính vẫn còn thấm ngầm trong bữa ăn, giấc ngủ chưa nguôi./.
 
Lưu Gia Thịnh
Thương binh, Cựu sỹ quan Tăng Thiết giáp, chiến đấu tại Mặt trận Đông Nam Bộ
Đ/C: Số nhà 25, Đinh Tiên Hoàng, P. Nông Trang, TP Việt Trì, Phú Thọ.
ĐT: 0210.3843 878

 

 
 

...


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)