Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Hà Tĩnh.
Đăng ngày 26/11/2020
E-mail     Bản in

Nhớ Cao Lao Hạ
(LUUTOC.VN) - Vào dịp này năm ngoái đoàn của HĐLT Việt Nam đã về dự lễ khánh thành nhà thờ họ Lưu Quan ở làng Cao Lao Hạ sau tu tạo, tôi xin ghi lại vài dòng cảm tưởng.

Nhận lời mời của dòng họ Lưu Quan, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam do Tiến sỹ Lưu Văn Thành-Chủ tịch và Tiến sỹ Lưu Tất Thắng-Phó chủ tịch thường trực dẫn đầu về dự lễ khánh thành nhà thờ Họ ở thôn 5, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sau khi được tu tạo.
Đoàn HĐLT Việt Nam khởi hành lúc 7h ngày 27.04.2019 từ Văn phòng Lưu tộc 183 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội thẳng tiến hướng Quảng Bình, ngoài Phó chủ tịch Lưu Văn Chung, Hội trưởng Phụ nữ Lưu Kim Loan, Kế toán HĐLT Lưu Thu Hiền còn có sự tham gia của họ Lưu xã Thạch Đà, Mê Linh, đại diện là ông Lưu Văn Hải, ông Lưu Bá Đức - họ Lưu Thanh - Hà, ông Lưu Chí Nghiệp - họ Lưu Bắc Giang và vợ chồng ông Lưu Đình Tấn.
Khi đến địa phận Thanh Hóa, đoàn đã dùng cơm trưa thân mật với các đồng tộc công tác tại Công An tỉnh.
Tiếp tục hành trình vào Hà Tĩnh, đoàn được doanh nhân Lưu Quang Bình, uỷ viên HĐLT Nghệ Tĩnh (là anh trai của Phó chủ tịch HĐLT Lưu Quang Tường) đón tiếp và tài trợ nghỉ tại khách sạn Ngân Hà. Do đường xa, đoàn đến nơi khá muộn, nhưng ông Lưu Quang Bình vẫn kiên nhẫn chờ đợi, dẫn đoàn đi hồ Kẻ Gỗ ăn tối.
Sáng 28.04 (tức 24.03 Kỷ Hợi) sau khi điểm tâm, cà phê sáng với Đại tá Lưu Văn Tiến - Trường phòng CSGT tỉnh Hà Tĩnh, đoàn về tới Hạ Trạch, trước đây có tên gọi là làng Cao Lao Hạ.
Cao Lao Hạ xưa có tên là Kẻ Hạ thuộc châu Bố Chính. Từ xa xưa mảnh đất này thuộc Vương quốc Champa, năm Kỷ dậu 1069 vua Champa là Chế Củ đã dâng cho Đại Việt thời vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) cùng với châu Địa Lý và Ma Linh(1). Ngược về thời cổ đại, Cao Lao Hạ là thành Khu Túc(2), theo Thuỷ Kinh Chú, năm 527 là thị trấn rất lớn, chu vi gần 4km, dân số gần 10.000 người. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Cao Lao Hạ là đồn quan trọng nhất trong ba đồn: Cao Lao Hạ (Hạ Trạch), Ba Đề (Bắc Trạch) và Cao Lao Thượng (Mỹ Trạch) đối địch với ba đồn của quân nhà Trịnh bên bờ Bắc sông Gianh là Trung Thuần, Phan Long và Thuận Bài.
Nằm bên bờ nam sông Gianh, xung quanh có nhiều đồi núi chập chùng, Kẻ Hạ hội đủ các yếu tố "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ" của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Đặc biệt, ở giữa làng, khe suối uốn quanh tựa rồng chín khúc được gọi là “Cửu khúc Long khê” tưới mát cho những cánh đồng trù phú.
Theo các cụ đồ nho, Cao Lao được ghép từ Cao có nghĩa là cao cả, Lao có nghĩa là bền vững. Cao Lao là vùng đất cao đẹp, bền vững muôn đời(3). Cụ Lưu Trọng Tuần chép trong “Cao lao hương sử” về ý nghĩa của từ Cao Lao như sau:
“Cao Lao, Hạ Trạch quê mình
Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non
Cao Lao tiền thế đặt tên
Cao: trông vời vợi, Lao: bền không xiêu”.
Đối với làng Cao Lao Hạ, theo truyền tụng cũng bắt đầu từ những người di cư lập ấp từ thời Lý, Trần. Nhưng theo gia phả các họ tộc ở lâu đời nhất, có văn bản bút tích ghi chép, thì từ thời Hậu Lê, mà rõ nét nhất là từ thời Lê Thánh Tông (1470), khi vua xuống chiếu mộ dân lập ấp: “Bố Chính đất rộng người thưa, liền với châu Hoan, vậy quân và dân đến đó khẩn hoang sẽ có lợi lớn” (trích chiếu Nam Hạ). Đây là đợt di dân lớn của triều Lê. Người bốn trấn phía bắc hưởng ứng chiếu dụ, di dân rất nhiều. Phần đất vùng phía nam sông Gianh thuộc sơn hệ Lệ Đệ được danh dự đón tiếp người xứ Thanh – Nghệ đến lập làng xóm, khai hóa ba làng Cao Lao liền, xưa gọi là Cao Lao Thượng (còn gọi là Kẻ Thạng), làng Cao Lao Trung (còn gọi là Kẻ Chuông) và Cao Lao Hạ (gọi là Kẻ Hạ). Năm 2020 này nhân dân Cao Lao Hạ kỷ niệm 550 năm ngày thành lập làng.
Theo sách Địa chí làng Cao Lao Hạ của tác giả Lê Văn Sơn (cháu của danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải) thì ở Cao Lao Hạ có đến 24 dòng họ cùng chung lưng đấu cật, khai sơn phá thạch tạo nên một vùng đất văn vật, trù phú cho đến ngày nay. Trong đó họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê là những họ đầu tiên khơi nguồn cho mạch đất Cửu khúc Long khê - Kẻ Hạ:
- Đại tướng quân Lưu Văn Tiên, Chánh nhất phẩm, Dực bảo trung hưng, Linh phù chi thần;
- Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai;
- Triệu phong Lê Quang Lữ.
Các vị thủy tổ của 3 họ Lưu, Nguyễn, Lê là khai cơ tiền hiền của làng Cao Lao Hạ và hiện được thờ tại nhà thờ của mỗi họ và dân làng còn rước các vị ra thờ tại đình.
Tiếp theo có 4 vị của 4 dòng họ có công hậu khai khẩn: họ Lưu là ông Lưu Văn Hành, chức Tướng thần lai tư, Quý phúc công; họ Lê Văn là ông Lê Văn Giám, tước hiệu Dực bảo trung hưng linh phù chi thần; họ Lê Quang là ông Lê Quang Diệu; họ Lê Chiêu là ông Lê Chiêu Phúc, làng cũng rước 4 vị ra thờ tại đình.
Đồng hành với các vị tiền khai khẩn, khai canh còn có nhiều họ vào cùng một lúc hoặc sau một thời gian. Cho nên, Cao Lao Hạ lại có thêm nhiều họ đến cư trú nhưng vì gia phả gốc không còn, hoặc bị thất lạc nên chưa biết được thời gian chính xác, nhưng các họ đó có lẽ đã đến cư trú trên mảnh đất Cao Lao Hạ khoảng trên 15 đời và đều là những họ tộc lớn trong cộng đồng 24 họ ở Cao Lao Hạ(4).
Nguyễn Hoàng là chúa Tiên nhà Nguyễn đã khởi xướng cuộc Nam tiến anh dũng của nhân dân Việt Nam. Trước khi mất năm 1613 có trối lại hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613-1635) rằng: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn (núi Ngang) và Linh giang (sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”(5).
Điều đó chứng tỏ cho ta thấy vai trò tiền đồn của vùng đất Quảng Bình trong công cuộc mở cõi của cha ông ta.
Về phần mình, dòng họ Lưu Quan của cao tổ Lưu Văn Tiên từ thuở di dân lập ấp đã không ngừng phát triển, đến nay đã sinh sôi được 18 đời. Từ đời thứ nhất đến đời thứ sáu, nối dõi mỗi đời chỉ được một cụ ông.
Đến đời thứ sáu, cụ Lưu Văn Hành, chức Tướng thần lại tư, tước Quý phúc công, sinh hạ ra 5 quý tử. Từ đó dòng họ Lưu Văn Tiên phát triển thành 5 nhánh, ngày càng đông con nhiều cháu.
Điểm đặc biệt là dân gian đã tặng cho dòng họ Lưu Văn của Cụ Tổ Đại tướng quân Lưu Văn Tiên là dòng họ Lưu Quan. Phải chăng dòng họ đã sinh ra nhiều nhân kiệt do hiếu học, vượt khó, chịu khổ, chăm lo học hành nên đã đỗ đạt cao, ra đảm trách các công việc của triều đình, tỉnh, phủ, huyện, tổng, làng, xã; đã đem hết sức mình ra phục vụ đất nước, phục vụ dân lành, nên danh xưng đó đã in sâu vào tiềm thức của dân làng, tiêu biểu là:
- Cụ Lưu Văn Thiệp: Hàn lâm viện thị độc học sĩ;
- Cụ Lưu Văn Bình: Phó bảng, ngoại lang bộ hình, hàn lâm viện thị độc học sĩ;
- Cụ Lưu Điệt: 1 trong 4 nhân vật nổi tiếng phong trào Cần Vương, sát cánh cùng danh tướng Lê Mô Khải;
- Cụ Lưu Đức Xứng (em cụ Lưu Điệt): Cử nhân, thượng thư bộ lễ, đồng tác giả “Đại Nam nhất thống chí”;
- Các cụ cử nhân Lưu Đức Tuân, Lưu Trọng Kiến, Lưu Lượng …
Trong phong trào Cần vương, cụ Lưu Quang Chánh nguyên cử nhân võ, làm quan Đề đốc theo Lê Mô Khải lập căn cứ Trại Nái (nay là Ba Trại) được cử làm Phó tướng. Khi Trại Nái thất thủ, không chịu hàng giặc, cụ ra Hương Sơn theo cụ Phan Đình Phùng tiếp tục cuộc kháng chiến cho đến khi mất. Hai anh em cụ Lưu Điệt và cụ Thượng thư Lưu Đức Xứng (con cụ Phó bảng Lưu Văn Bình) theo danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải chiến đấu anh dũng cho đến phút cuối cùng trong rừng sâu.
Những đóng góp của vị Phó bảng Lưu Văn Bình và những hậu duệ của ông càng làm vẻ vang thêm truyền thống khoa bảng của quê hương Cao Lao Hạ. Ngày nay con cháu cụ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cha ông, phấn đấu học tập rèn luyện. Hiện có nhiều giáo sư, tiến sỹ, sỹ quan cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam, nhà khoa học, nhà thơ, nhà đạo diễn nổi tiếng,… sống và làm việc khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Trong mọi lĩnh vực, con cháu họ Lưu Quan đều đảm trách những công việc quan trọng và cống hiến nhiều công sức, trí tuệ cho đất nước, quê hương. Hiện tại, ở Hà Nội con cháu họ Lưu Quan có 53 hộ, nhiều người đỗ đạt, giữ các vị trí trọng trách trong các cơ quan nhà nước, quân đội, trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật... chẳng hạn gia đình ba thế hệ đều có học vị Tiến sĩ: Tiến sĩ Lưu Đức Hồng (cha) - Phó Viện trưởng (Bộ KHĐT), Tiến sĩ Lưu Đức Hải (con) - Trưởng Ban nghiên cứu, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) và Tiến sĩ Lưu Đức Hiếu (cháu) được nhận học bổng toàn phần của Mỹ. Hàng năm bà con đồng hương Cao Lao Hạ vẫn duy trì đều đặn các cuộc gặp mặt đầu xuân, thăm các bậc cao tuổi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mỗi khi có các việc hiếu, hỷ. Người Cao Lao Hạ sinh sống và thành đạt ở nước ngoài như Tiến sĩ sinh học Lưu Trọng Hà; nữ Tiến sỹ Lưu Trọng Xuân An, người đã từng làm cố vấn trong nội các thủ tướng Canada…
Từ đường họ Lưu Quan làng Cao Lao Hạ đã có từ lâu đời, nay con cháu kế tiếp ông cha phát tâm công đức, người góp công, người góp của xây dựng lại khang trang, bề thế hơn. Tọa lạc trên mảnh đất khoảng trên một sào trung bộ, từ đường được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, trang trọng. Cổng vào có bốn cột trụ đắp nổi hai đôi câu đối:
“Long thủy viễn triều lai hoạt thủy;
Kỳ sơn cao cung tác bình phong.”
“Đức đại giáo gia tổ tông thịnh
Công cao khai địa hậu thế trường”
Mặt trong cổng có đôi câu đối:
Càn thủy chi trạch bội tùng gia bách thế bổn chi
Kỳ sơn chi thạch điệp mão kim thiên thu trợ đậu
Phía trên cửa từ đường có ba bức đại tự: chính giữa: PHỤNG TỔ ĐƯỜNG LƯU ĐẠI TỘC, bên tả THỦY HỮU NGUYÊN, bên hữu MỘC HỮU BẢN. Bên trong là các ban thờ thủy tổ, các vị cao tổ, quang tiền, dụ hậu họ Lưu Quan.
Sau lễ Dâng hương của các đoàn và con cháu dòng họ, ban tổ chức đã giới thiệu về dòng họ Lưu Quan, tổng kết quá trình tu tạo nhà thờ họ và tuyên bố khai mạc Lễ khánh thành. Thay mặt HĐLT Việt Nam Chủ tịch Lưu Văn Thành đã lên đọc lời chào mừng và giới thiệu vài nét về các cao tổ họ Lưu Việt Nam, sự hình thành, phát triển và các hoạt động của Hội đồng Lưu tộc. Ông đã giới thiệu về ý nghĩa của cờ thần Lưu tộc và trân trọng trao cho ông Lưu Văn Sơn – đại diện dòng họ Lưu Quan.
Cùng với bài tế trầm hùng của ông Chủ tịch HĐLT ngợi ca Lưu tộc, tất cả bà con đã hướng về lá cờ thần được trang trọng nâng niu trước cửa nhà thờ. Không khí thật thiêng liêng và tự hào đối với mỗi người con họ Lưu Quan xã Hạ Trạch nói riêng và họ Lưu Việt Nam nói chung.
Về dự Lễ khánh thành nhà thờ họ Lưu Quan hôm nay, đại diện của Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu của bà con Hạ Trạch. Những lời chúc đầy tình đồng tộc, những cái bắt tay ấm áp. Những phút giây chia tay bịn rịn, mong có ngày gặp mặt tiếp theo trên quê hương Cao Lao Hạ, Quảng Bình thân yêu.
Trên đường về Hà Nội đoàn được một số bà con ở Nghệ An, Thanh Hóa đón chào trong không khí thắm tình anh em đồng tộc.
Hành trình kết nối, đoàn kết của họ Lưu càng ngày càng phát triển cả về lượng và chất, Lưu Tộc Việt Nam đang thực sự được chấn hưng.
Đúng là:
HẬU DUỆ LƯU, KẾ NGHIỆP LƯU, ĐOÀN KẾT LƯU, ĐỂ HỌ LƯU, LƯU LƯU TRUYỀN MUÔN THUỞ;
VÌ HẠNH PHÚC, TRỒNG CÂY PHÚC, THÀNH QUẢ PHÚC, LƯU HỒNG PHÚC, PHÚC PHÚC MÃI ĐỜI SAU!
 
Tài liệu tham khảo
(1) Trần Trọng Kim “Việt Nam sử lược”, NXB Văn học 2017, tr.102
(2) Hồ Trung Tú "Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử", NXB Thời đại, 2011, tr.223
(3) Phan Viết Dũng “Cao Lao Hạ - miền đất Cửu khúc Long Khê”
(4) Lưu Đức Hải “Lịch sử hình thành và phát triển làng Cao Lao Hạ”
(5) Đại nam thực lục tiền biên, tr.44.

Xin kích con trỏ vào đường dẫn để xem thêm nhiều hình ảnh > https://www.facebook.com/groups/985305278214487/user/715134781
Lưu Ngọc Anh