Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 25/11/2012
E-mail     Bản in

Khát vọng được làm sạch và mới
Thi đàn Việt Nam năm 2007 xuất hiện một cây bút mới, nữ nhà báo Lưu Thị Bạch Liễu. Dấu ấn của chị trong làng thơ đương đại là hai giải thưởng quốc gia: giải nhất thơ tình báo Văn Nghệ trẻ năm 2006 và giải ba toàn quốc của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Cõi tôi” năm 2007. Chính vì vậy, Lưu Thị Bạch Liễu đã được Hội Nhà văn Việt Nam dành cho hẳn một “Cây thơ trẻ” tại Văn Miếu trong ngày thơ Việt Nam năm 2008.
 Thơ Lưu Thị Bạch Liễu nghiêng về những cảm xúc trí tuệ, mang tính luận đề khá cao, với nhiều đổi mới trong cách cảm, cách nghĩ và phương pháp thể hiện. Bài thơ sau đây là một ví dụ:
 
Tôi, con đường
và cây chổi
Cùng con đường
tôi chờ đêm
đêm nào cây chổi cũng đến
dù uể oải
dù tận tình
Tiếng chổi xiết trên mặt đường
hay tiếng con đường rên lên vì nhát chổi...
Kiên trì
nhẫn nại
âm thanh đánh thức tôi.
 
Đêm đêm
tôi hóa con đường
trải dài
đợi.
 
Lưu Thị Bạch Liễu
(Tạp chí Người Kinh Bắc 1-2008)
 
Nhiều năm trước đây, nhà thơ Tố Hữu đã có bài thơ: “Tiếng chổi tre” ca ngợi chị lao công “như sắt như đồng” quét rác trên đường phố. Cái tiếng chổi tre và hình bóng người công nhân quét rác trong đêm ấy vẫn còn xao động và lung linh trong lòng bạn đọc. Cũng viết về con đường và cây chổi quét rác trong đêm tối nhưng Lưu Thị Bạch Liễu lại hướng bạn đọc tới những suy tưởng mới, liên quan tới sự hoàn thiện của chủ thể sáng tạo số 1 là con người.
 
Bài thơ được mở đầu hết sức ngắn gọn nhưng nội hàm không nhỏ một chút nào:
 
Cùng con đường/ Tôi chờ đêm/ đêm nào cây chổi cũng đến/ dù uể oải/ dù tận tình...
 
Chỉ với 18 chữ thôi mà dày đặc thông tin: không gian và thời gian (Con đường-ban đêm), nhân vật (Tôi-cây chổi), chất lượng công việc (uể oải, tận tình), tâm trạng (Tôi chờ)... Sự dồn nén ấy bỗng nhiên vỡ òa ở hai câu tiếp theo, vô cùng thú vị và tài hoa:
 
Tiếng chổi xiết trên mặt đường
Hay tiếng con đường rên lên vì nhát chổi.
 
Đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Quan sát và cảm nhận tiếng chổi quét rác trên đường, những nhát chổi mạnh mẽ và không hề nương tay: “Tiếng chổi xiết”. Hình như con đường bị đau bởi những tiếng chổi đó. Nhưng nếu không mạnh tay, không xiết mạnh cây chổi xuống đường thì con đường sạch sẽ làm sao được. Giống như người mẹ tắm rửa cho con, không kỳ cọ thật mạnh thì đứa con mình có tắm cũng như không. Và con đường cũng ý thức được điều đó: phải chịu đau, chịu gột rửa thì mới sạch sẽ và phong quang lên được. Tiếng rên của con đường ở đây là những tiếng rên sung sướng vì được tân trang, được đổi mới: “Hay tiếng con đường rên lên vì nhát chổi”. Nhà thơ đã sử dụng hai động từ: “xiết” và “rên” rất tài tình và đắc địa. Nhờ đó mà cả cây chổi và con đường đều như có linh hồn. Cả hai vật vô tri này đều đang hổn hển, đang vật vã để làm mới mình.
 
Và chính những âm thanh xiết mạnh và rên lên ấy đã tạo nên những phản ứng dây chuyền: “Âm thanh đánh thức tôi/Tôi hóa con đường/trải dài/đợi”. Đến đây thì thông điệp của bài thơ đã rõ: Con người và vạn vật cần phải được thanh lọc, được làm mới thường xuyên để tốt đẹp hơn. Đó là một quá trình không hề dễ dàng nhưng vô cùng cấp thiết.
 
Theo Nguyễn Anh Thuấn Hội viên Hội Nhà văn VN