Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. DI TÍCH, SỬ LIỆU LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 24/11/2014
E-mail     Bản in

Ngôi đền trên đất Lưu gia
Trong cái nắng hanh hao của một chiều đầu đông, vượt qua hơn 40km đường bộ từ thành phố Thái Bình đến xã Canh Tân (Hưng Hà), chúng tôi có mặt trên con đường đá phẳng lì một bên là con mương nhỏ sâm sấp nước, một bên là những ruộng ngô xanh mướt dẫn vào đất Lưu gia xưa (nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân).
 
Qua cổng làng, tiếng còi xe đinh tai nhức óc của đường 39 không còn, làng cổ nằm yên bình giữa trung tâm của một vùng kinh tế sôi động bậc nhất huyện. Nơi đây có một ngôi đền cổ kính, rêu phong, là một trong những ngôi đền cảnh quan đẹp nhất tỉnh – đền Lưu Xá.
 
Đền Lưu Xá (xã Canh Tân, Hưng Hà).

Ðền Lưu Xá nằm ở đầu thôn, trên thổ đất cao nhất của làng. Ðền có quy mô tương đối lớn được thiết kế theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh”. Tòa tiền tế 5 gian xây lối “hồi văn cánh bảng”, đại bờ đắp hoa chanh, cấu trúc nội thất “lòng thuyền tứ trụ”, các vì kèo làm theo kiểu chồng rương, chạm trổ, tứ linh tinh xảo. Tòa điện trung tế kiến trúc tương tự tòa ngoài (tòa tiền tế). Tòa hậu cung gồm 3 gian chia làm 2 phần: Ống muống nối tòa trung tế và cấm cung, các vì kèo làm theo kiểu “Thượng chồng rương, hạ chắp mảng”, chạm trổ tứ quý, tứ linh, đầu rồng. Theo ngọc phả còn lưu giữ tại Ðền và nhân dân trong thôn: Ðền Lưu Xá là nơi thờ nhị vị Thái phó Lưu Khánh Ðàm và Lưu Ðiều – những người con của quê hương Lưu Xá, làm quan dưới triều Lý, có công phò vua giúp nước đánh đuổi quân Tống xâm lược, giữ yên bờ cõi giang san. Cuối đời, nhị vị Thái phó trở về quê, sửa sang lại chùa làng và tu tại đó. Khi hai ông mất, vua Lý đã ban cho hai ông tước vương, ban mĩ tự là “Chính trực chiêu cảm” và giao dân làng lập đền ngàn năm hương lửa phụng thờ.

Ông Hồng Nguyên, Trưởng ban Quản lý di tích đền Lưu Xá cho biết: Theo sử sách, thôn Lưu gia xưa (Lưu Xá ngày nay) là nơi gặp gỡ của Trần Thị Dung, con gái Trần Lý và Thái tử Sảm, con vua Lý Cao Tông. Cuộc tình duyên ấy đã đưa họ Trần từng bước nắm quyền triều chính lập nên vương triều Trần với những trang sử hào hùng ba lần thắng giặc Nguyên – Mông.  Thế kỷ XIII, cảnh quan đất Lưu Xá được ông Trần Quang Khải ghi trong bốn câu thơ đầu của bài thơ chữ Hán “Lưu gia độ”, Lê Quý Ðôn dịch thơ như sau: “Lưu gia xanh ngắt một trời cây/Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây/Tháp cũ đình xưa tàn nước chiếu/Ðền hoang mộ cổ dãy lân bày”. Ðền Lưu Xá lúc đầu được xây gần bờ sông Luộc nhưng theo thời gian, sông Luộc bị sạt lở, nhân dân trong làng đã di chuyển Ðền về trong làng xây dựng lại vào năm Tự Ðức 22 (1868). Trải qua nhiều lần tu bổ nhưng nhiều cổ vật của Ðền vẫn được nhân dân lưu giữ. Hàng năm, từ 9 – 15/2 âm lịch, dân làng lại mở hội tri ân công đức của nhị vị Thái phó đồng thời giáo dục nhân dân niềm tự hào về truyền thống quê hương, hun đúc tình yêu nước trong thế hệ trẻ. 

Nét độc đáo trong cảnh quan đền Lưu Xá là trong sân Ðền có một cây sanh cổ thụ thuộc họ si. Tháng 11/2013, cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Cây có chiều cao 23m, tán rộng gần 300m2, có gốc chính cao 2,85m với 13 cành chính, chu vi từ 0,6 - 1,2m. Người dân trong thôn không ai biết ai là người trồng cây, cây có từ năm nào, chỉ ước chừng cây được trồng cách đây hơn 200 năm. Hiện tại, thân cây và rễ cây liên kết với nhau tạo thành một khối gần như phủ kín cả bức trấn phong trước cửa Ðền. Nhìn từ xa, cây giống như một chiếc lọng che chở, bảo vệ ngôi đền Lưu Xá. Trước cửa Ðền, có một giếng nước, thành giếng được nhân dân xây cẩn thận từ năm 1995, mặc dù hiện nay mỗi hộ dân đều dùng nước giếng khoan, nước máy song nhân dân vẫn có ý thức bảo vệ, giữ gìn giếng nước, tạo cảnh quan cho làng. 

 Ðền Lưu Xá với mái đền cong vút, cây cổ thụ và giếng nước ngay đầu thôn là nét đẹp văn hóa làng không dễ tìm trong thời hiện đại, là biểu tượng trường tồn của đất làng nơi đây. Tại ngôi đền này, vào những trưa nóng bức hay những chiều hè oi ả, người dân từ già đến trẻ thường ra ngồi hóng mát kể chuyện làng, đọc sách. Những ngày rằm, mồng một, nhân dân đều đến thắp hương kính cẩn. Năm 1991, Ðền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Theo Dự án được UBND tỉnh phê duyệt, trong tương lai, đền Lưu Xá sẽ tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo trở thành điểm du lịch quan trọng trong hệ thống du lịch văn hóa tâm linh trên đất Hưng Hà nói riêng và của tỉnh Thái Bình nói chung.

Rời Lưu Xá khi bóng chiều dần buông, hình ảnh một ngôi đền cổ kính, bình yên và những con đường bê tông thênh thang, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ở đất làng Lưu gia xưa cứ ám ảnh trong tâm trí. Là 1 trong 5 xã của huyện Hưng Hà vừa được UBND tỉnh thẩm định đạt chuẩn xã nông thôn mới, ở Lưu Xá, Canh Tân tôi thấy dáng dấp của một làng quê đậm đà văn hóa truyền thống nhưng cũng có nhiều nét hiện đại, văn minh của nông thôn mới.

 
Theo VŨ HƯỜNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)