Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 24/11/2012
E-mail     Bản in

Lưu Trọng Ninh: ’Tôi tôn trọng sự thật của đời sống’
Không chỉ nổi tiếng với những phim truyện gai góc, dữ dội như "Canh bạc", "Hãy tha thứ cho em", "Nước mắt thời mở cửa", "Ngã ba Đồng Lộc"... đạo diễn còn nổi tiếng bởi lối sống hiệp sĩ phong trần của mình. Dưới đây là tự sự của anh.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Tôi sinh trưởng trong một gia đình nền nếp. Thân phụ là nhà thơ tiền chiến tài danh Lưu Trọng Lư, thân mẫu là Tôn Nữ Lệ Minh, một thời được coi là trang quốc sắc thiên hương. Bà là thầy dạy đàn tranh cho Nam Phương hoàng hậu và đã sáng tác rất nhiều bản nhạc trữ tình thấm đậm hồn dân tộc. Tôi chỉ được sống trong không khí văn chương nghệ thuật của gia đình một thời gian ngắn, từ nhỏ đến năm lên 8 tuổi. Sau đó là loạn lạc, chiến tranh và tôi phải theo lớp học đi tản cư ở khắp các vùng nông thôn miền Bắc. Môn văn tôi học cực dốt vì không thể nào hiểu và phân biệt được các thể loại khô cứng như phân tích, chứng minh, bình luận... Tôi đâm ra ghét nghệ thuật và cho rằng nó quá khuôn phép, phù phiếm và vô bổ. Tôi theo học các môn tự nhiên và học rất giỏi. Năm 1979, tốt nghiệp xuất sắc ĐH Bách Khoa, chưa biết làm gì thì tôi được gọi nhập ngũ. Cái thời lính tráng tươi đẹp nhất của tôi kéo dài suốt từ năm 1980 đến hết năm 1982 ở bãi biển Mỹ Khê.

Mãn hạn binh nghiệp, tôi lại rơi vào tình trạng vô công rồi nghề, không biết sống để làm gì. Dù đang chán đời nhưng khi bị chó dại cắn, tôi vẫn thấy sợ chết. Tôi vội vàng lao ra Hà Nội chỉ để tiêm một mũi chống dại. Lơ ngơ giữa phố phường, tình cờ tôi được biết người ta đang thi tuyển đạo diễn điện ảnh. Tôi nghĩ sao mình không vào thử một cú xem sao? Mặc dù chẳng hiểu gì về điện ảnh, nhưng tôi vẫn đỗ thủ khoa. Kể từ đó, tôi lại thấy yêu văn chương nghệ thuật.

Tôi không thú chuyện học gạo, càng không ưa lối làm phim cốt chỉ minh họa cho ý tưởng chủ quan của một nhóm người nào đó, nên tôi không chủ động làm quen với những người trong nghề. Tôi cho rằng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, chẳng ai dạy khôn cho ai được. Tiền thân của bộ phim Canh bạc là tác phẩm tốt nghiệp của tôi có nhan đề Người đàn bà qua bốn đời chồng, chủ yếu nói về khả năng tự giải phóng của những người phụ nữ thời kỳ đầu đổi mới. Những kẻ đam mê đen đỏ có thể quên sạch mọi ràng buộc đạo lý và thậm chí anh ta dám gán cả vợ vào một canh bạc. Mọi sự trên đời này, nếu nghĩ cho kỹ thì chẳng giống một canh bạc sao? Cái bản năng gốc ham hưởng thụ và ham sống đến mức bất nhã ấy tôi nhìn thấy rất rõ và tôi tôn trọng sự thật cơ bản của đời sống. Đến Hãy tha thứ cho em, tôi càng chú tâm khai thác phần nhân tính chưa được ai nói tới này. Tôi yêu một lớp người mới trẻ trung tràn đầy sức sống và họ biết lắng nghe tiếng nói nội tâm. Trong cuộc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, nếu họ có mắc sai lầm thì cũng dễ tha thứ.

Nghệ thuật đích thực phải là tiếng nói của chính bản thân đời sống, đúng hơn là tiếng nói của bản năng trong mỗi con người chúng ta. Nhiều người nhận xét rằng, những phim truyền hình của tôi như Hoa cỏ may rất dở. Điều đó đúng một phần vì tôi bị sức ép quá căng thẳng về kinh phí, về thời hạn. Đang làm phim truyện cầu kỳ chuyển sang làm phim truyền hình với tốc độ 100 cảnh quay một ngày tôi không chịu nổi. Sở dĩ tôi chấp nhận làm phim truyền hình dài tập là vì tôi đã quá chán cung cách quản lý, chỉ đạo trong khi làm phim truyện hiện nay của chúng ta. Bộ phim truyền hình sắp tới của tôi sẽ chỉ nói về những chuyện tình xảy ra tại Đà Lạt, dự kiến bản thảo kịch bản dài khoảng 1.200 trang.

Cả hạnh phúc và nỗi khổ đau vì tình yêu của tôi chỉ gói gọn trong có... ba năm trời. Vợ tôi đã bỏ tôi và cả hai chúng tôi đều cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều. Có lẽ hình bóng người mẹ hiền thục đã bao trùm lên mọi suy nghĩ về tình yêu và hạnh phúc của tôi. Vì tình yêu, mẹ tôi đã bỏ qua mọi lễ giáo phong kiến để lấy cha tôi và hai người suốt đời quý trọng nhau như khách quý. Hạnh phúc giản dị như thế đấy. Theo tôi, gia đình là một cái gì đó giống như chiếc bình pha lê mỏng manh, dễ vỡ. Tôi đã tìm kiếm nhiều nhưng chỉ thấy những người đàn bà chứ không thấy người vợ hiền thục nào cả. Nỗi cô đơn trống trải bình thường thì không đáng sợ vì tôi có thể chạy trốn vì công việc, nhưng những khi trái gió trở trời, những dịp lễ tết thì thật khủng khiếp, đến nỗi tôi cho rằng người ta hoàn toàn có thể chết vì cô độc.

 

Theo Nông Thôn Ngày Nay