Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 23/9/2012
E-mail     Bản in

Mối tình cảm động của người cựu binh tù Côn Đảo
(Đời sống) - Bà Lưu Thị Nguyệt chia sẻ: “Dù có khó nhọc về vật chất một chút nhưng lại được thoải mái về tinh thần. Được sống cùng người mình yêu thương sau bao năm trời xa cách đó là niềm an ủi quá lớn, tôi không mong muốn điều gì hơn”.

Chồng đi bộ đội biệt tăm tích hơn 10 năm trời. Trong hoàn cảnh “mỗi viên đạn bắn ra là lại có một chiến sĩ nằm xuống ấy” cũng không làm cho bà Lưu Thị Nguyệt, năm nay 76 tuổi, người làng Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản, Nam Định) mất đi ý trí. Bà vẫn kiên trung chờ chồng. Với niềm hy vọng mong manh, bà “oằn lưng” chăm sóc con, bố mẹ chồng, người em trai chồng bị liệt toàn thân, mất trí từ năm 13 tuổi và… chờ chồng trở về.

Kiên trung chờ chồng trong…dị nghị

Người cựu chiến binh “may mắn” lấy được bà Nguyệt không ai khác chính là ông Vũ Minh Tằng, năm nay đã 74 tuổi, người tù Côn Đảo nổi tiếng với 9 chiếc răng được lưu lại tại Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội).

Có mặt tại gia đình ông bà, tôi may mắn khi được ông Tằng cho biết: “Hôm nay trời mưa nên tôi không đi bệnh viện lấy thuốc được, vì thế cả nhà (có 3 người – PV) đều có mặt đông đủ cả”.

Rót chén nước mời khách xong, ông Tằng gọi người vợ và em trai của mình lên ngồi tiếp khách cùng “cho vui”. Ông bắt đầu kể về câu chuyện tình của mình: “Bà nhà tôi vốn là người xã Đại Thắng, cách đây chừng 3 km. Ngày trước chúng tôi quen nhau là do cùng đi chơi hội làng Si.

Thấy cô thôn nữ có nét duyên thầm nên tôi đã muốn tỏ ý làm quen. Sau lần đi hội đó, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện. Rồi hai chúng tôi đem lòng yêu mến nhau, tháng 3/1955 thì chúng tôi nên duyên chồng vợ.

Đến đầu năm 1962, tôi tình nguyện lên đường tòng quân đánh Mỹ. Với mong ước được cầm súng chiến đấu, tiêu diệt quân thù, giải phóng miền Nam”.

 Vợ chồng ông Vũ Minh Tằng - bà Lưu Thị Nguyệt khi còn trẻ
Vợ chồng ông Vũ Minh Tằng - bà Lưu Thị Nguyệt khi còn trẻ

Bà Nguyệt nói tiếp: “Đúng ra là ông nhà tôi thuộc diện được miễn đi bộ đội vì ngày đó ông đang theo học ngành y. Nhưng biết được chồng có ý định lên đường đánh Mỹ, tôi đã nhiệt tình ủng hộ và động viên mặc dù lúc đó tôi đang đứa thứ 2…”.

Khi ra chiến trường, vào đến hang Đá Chẹt trong Quảng Ngãi, trong một trận huyết chiến, ông Tằng bị thương ở hộp sọ bên phải nhưng vẫn cố thủ trong hang tiêu diệt địch. Bọn chúng tức tối thả lựu đạn cay, hơi ngạt xuống.

Lúc tỉnh dậy, ông đã thấy mình ở nhà tù Côn Đảo – Phú Quốc, ông bị địch tra tấn hết sức dã man và mất liên lạc với người vợ trẻ từ đó.

Trong thời gian ấy, ở nhà, em trai ông Tằng, tên là Vũ Văn Mỹ (năm nay 63 tuổi), trèo lên cây bắt tổ chim chẳng may ngã gẫy cột sống, liệt toàn thân, mất trí nhớ. Khi đó ông Mỹ mới 13 tuổi.

“Rõ khổ, lúc ông Tằng đi bộ đội rồi bị địch đưa ra nhà tù Phú Quốc, bao nhiêu năm không có tin tức, không biết sống chết thế nào, ở nhà thì chú Mỹ lại gặp tai nạn. Mẹ chồng thì già yếu nên công việc chăm sóc người em đều mình tôi làm cả, từ giặt giũ đến cho ăn.

Tôi ngày nào cũng phải tắm cho chú em trần truồng. Lúc đầu, chú ấy còn nhỏ tôi cũng cảm thấy bình thường, nhưng khi chú ấy lớn lên thì bắt đầu có nhiều điều tiếng dị nghị và đôi lúc tôi cũng thấy ái ngại. Khi mà chồng đi vắng, có ai đó vô tình nhìn thấy lại không hiểu rồi nói thế này thế khác.

Cũng có những lời đồn đại hay những lời trêu đùa ác ý. Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai và một lòng tin tưởng chồng mình vẫn còn sống”, bà Nguyệt ngậm ngùi rồi nói tiếp: “Nhớ nhất là có lần, một người bạn đến nhìn thấy chú Mỹ nằm giường rồi hỏi: Chồng cô bị tàn tật thế từ bao giờ vậy?

Chồng mình đi mấy năm trời không có tin tức, trong lòng sẵn có lòng nhớ thương chồng vô hạn, lúc ấy lại có người vô tình chạm vào nỗi nhớ ấy. Trong người tôi cố kìm nén cảm xúc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Nghĩ lo lắng cho chồng, thương cho chú Mỹ và tủi cho chính mình”.

Trong 10 năm ông Tằng bị đày ở nhà tù Côn Đảo, bà Nguyệt cũng đã phải chịu sự cực nhọc vì lao động nuôi mấy miệng ăn, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu với nỗi khổ về tinh thần. Bà Nguyệt : Với người phụ nữ, sinh đẻ là cực khổ nhất trong đời.

 Vợ chồng ông Vũ Minh Tằng - Lưu Thị Nguyệt
Vợ chồng ông Vũ Minh Tằng - Lưu Thị Nguyệt

Lúc ấy người phụ nữ nào cũng muốn có người thân yêu ở bên chăm sóc, dỗ dành. Nhưng khi bà sinh đứa con thứ 2 thì không có ai ở bên, đã thế vừa cho con bú lại vừa nghĩ đến người chồng không biết còn sống hay đã chết mà lòng bà như thắt lại, rồi nước mắt cứ thế trào ra.

Tuy thế, tất cả nỗi tủi thân ấy bà chỉ giữ cho riêng mình mà không nói cho một ai. Mẹ chồng bà, thấy hoàn cảnh bà cực nhọc quá mới khuyên: “Chồng con đã lâu không có tin tức, trong cái thời buổi này như thế có nghĩa là khó mà giữ được tính mạng.

Nếu như con cứ ở vậy thì thiệt thòi cho con quá, thôi thì con cứ tìm ai đó ưng ý, đi theo người ta làm vợ. Mẹ không trách gì con mà bản thân mẹ cũng cảm thấy an lòng”, bà Nguyệt nhớ lại lời mẹ chồng mình trước lúc lâm chung.

Lúc ấy bà nói rằng: “Chồng con chưa có giấy báo tử tức là chưa chết, mà nếu như có giấy báo tử thì chắc gì đã đúng. Thời buổi loạn lạc mọi thứ có thể nhầm lẫn. Đến khi nào con nhìn thấy tận mắt chồng con nằm xuống thì con mới tin. Mẹ yên tâm nghỉ ngơi, con sẽ ở vậy nuôi 2 cháu ăn học tử tế, chăm chú Mỹ chu đáo…”.

Vỡ òa trong hạnh phúc

Thời gian cứ thế nặng lẽ trôi, người phụ nữa trẻ Lưu Thị Nguyệt lúc đó mới 30 tuổi, một mình âm thầm , chăm em, chờ chồng trong niềm hy vọng mong manh. Đến tháng 1/1973 Hiệp định Paris được ký kết, buộc quân Mỹ phải trao trả tù binh.

Ông Vũ Minh Tằng may mắn sống sót trở về với gia đình, khi đó ông chỉ nặng vỏn vẹn 23 kg và bị đa chấn thương ở đầu gối, mặt, đầu, thái dương, dạ dày…

Bà Nguyệt không thể quên được cái buổi chiểu ngày hôm đó, bà kể: “Lúc đó tôi đang phơi ngô ngoài sân thì nhìn thấy một người nhỏ thó, tóc dài, miệng móm mém, tay chống chiếc nạng, tập tễnh đi vào sân. Ngây người ra một lúc, tôi mới nhận ra đấy là người chồng của mình.

Tôi đứng chết nặng hồi lâu rồi òa khóc như một đứa trẻ. Hàng xóm thấy tiếng tôi khóc nên tất cả đều chạy đến. Lúc đó mọi người nháo nhác nhận ra ông nhà tôi còn sống trở về, cũng lúc ấy tôi mới tin vào điều mình trông thấy là sự thật.

Buổi tối, mọi người đến chơi rất đông, chật cả nhà, ai cũng ngỡ ngàng. Còn tôi thấy mình như được sinh ra lần thứ 2 trong đời vậy”.

Bà Nguyệt đang kể thì ông Tằng tiếp lời: “Tôi không tin là tôi còn có thể sống được. Ngoài tù Côn Đảo, chúng tra tấn tôi hết sức dã man, dùng một cái ống sắt dài, gọi là "gậy biệt ly" và một cái vồ gỗ lớn, gọi là "vồ sầu đời" để tra tấn tôi. Tôi ngất đi, khi tỉnh lại thì bọn chúng lại dùng "vồ sầu đời" tiếp tục đập.

Chúng dùng tấm sắt có lỗ tròn sắc lẻm, đặt vừa khít gót chân người tù, rồi cứ thế nện vào đầu gối họ. Đầu gối vỡ, xương bánh chè vỡ, gót chân cũng bị lỗ sắt tròn tiện mất từng khoanh.

Hai đầu gối tôi lạo xạo vỡ như vỏ trứng gà. Chúng cứ đập từng chày một, xương ở chân tôi cứ vỡ dần. Chúng không cho tôi ngất, cứ phải "hà hơi tiếp sức" bao giờ tôi tỉnh thì mới đánh tiếp. Lần lượt, 9 cái răng chui vào miệng tôi trong một buổi tối tra tấn”.

Ông Tằng trở về là niềm hạnh phúc vô bờ với bà Nguyệt nhưng việc ông bị đa trấn thương đã làm cuộc sống của bà trở lên cực nhọc hơn. Ông Tằng bị thương tật 67%, được xếp hạng Bệnh binh hạng 2, khi mới về, mỗi tháng ông chỉ được trợ cấp 36 đồng/tháng, bây giờ được 1,8 triệu/tháng, không đủ tiền thuốc hàng ngày cho 3 người.

Trong nhà, ông Tằng chỉ làm được những công việc nhẹ như cắm cơm, quét nhà… còn những công việc nặng nhọc lại “đặt lên vai” bà Nguyệt nhưng bà nghĩ:

“Dù có khó nhọc về vật chất một chút nhưng lại được thoải mái về tinh thần. Được sống cùng người mình yêu thương sau bao năm trời xa cách đó là niềm an ủi quá lớn, tôi không mong muốn điều gì hơn”.

“Ba đứa trẻ” sống trong căn nhà

Sau 58 năm chung sống, hiện nay ông bà đã có với nhau cả tất cả 5 người con (2 trai, 3 gái), người con trai cả hiện đang làm việc trong quân ngũ, người con gái út cũng vừa lập gia đình năm ngoái. Trong căn nhà ba gian rộng thêng thang bây giờ chỉ còn lại 3 người già chung sống với nhau, nhưng nó chưa bao giờ lạnh lẽo cả.

Căn nhà của ông bà luôn thoang thoảng mùi hương hoa nhài, nền nhà, cốc chén, bàn ghế… được lau chùi sạch sẽ, mọi thứ đều ngăn lắp. Ông Tằng khoe: “Tất cả là nhờ bàn tay của người phụ nữ đảm đang này đấy cháu ạ”, vừa nói ông Tằng vừa cầm tay bà Nguyệt đưa vào lòng.

Ông bảo thêm: “Ông thấy thương vợ nhiều lắm nhưng không biết làm sao được, tất cả là vì bọn giặc ngoại xâm. Nhiều đêm nằm thương vợ, nghĩ vợ thiệt thòi nhiều, muốn làm gì đó cho vợ con mà sức khỏe không cho phép”.

Những vết thương trong chiến tranh bây giờ luôn hành hạ người cựu binh Vũ Minh Tằng, lúc nằm giở mình cũng khó vì hai đầu gối nhức nhối, những hôm trái gió trở trời thì toàn thân đau buốt, chỉ nằm bệt ở giường mà không đi lại được.

Với bà Nguyệt, những năm tháng lặn nội chăm chồng, chăm em, nuôi con cũng đã lấy đi một phần sức khỏe của bà. Bệnh thấp khớp làm hai đầu gối bà to như cái đấu, đi lại rù rờ, tê buốt. Còn người em trai tàn tật đã trở thành "đứa trẻ già" sống thực vật suốt 52 năm qua.

Bà Nguyệt nói vui: “Ba người chúng tôi bây giờ sống bởi thuốc chứ không sống bởi cơm nữa. Cơm có thể nhịn chứ thuốc thì không thể chậm bữa nào. Ngày nào cũng thế, 3 người 3 nồi thuốc Bắc. Những ngày thời tiết thay đổi, chân đau buốt lắm nhưng vẫn phải cố gượng dậy sắc thuốc cho chồng, cho em”.

Tuy thế, trong gần 2 tiếng trò chuyện cùng ông bà, không lúc nào không khí ngớt đi tiếng cười. Ông bà luôn niềm nở, lạc quan. Có đôi lúc, ông Tằng hướng đôi mắt ra xa xăm như để tưởng nhớ về những năm tháng hào hùng đã qua của bản thân ông nói riêng và dân tộc nói chung.

Còn người vợ, bà Lưu Minh Nguyệt thì luôn chăm chú nhìn người chồng của mình kể chuyện một cách say mê.

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu bà nghe ông kể những câu chuyện này? Phải chăng trong những câu , thấp thoáng công lao rất lớn của bà khi mà bà luôn là hậu phương vững chắc để ông yên tâm chiến đấu nơi chiến trường.

Theo TRUNG TUYẾN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)