Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 20/11/2012
E-mail     Bản in

LƯU QUỐC HÒA và phong cách truyện ngắn
LƯU QUỐC HÒA và phong cách truyện ngắn (SongChau.Vn) Trên tay tôi là cuốn TRUYỆN NGẮN LƯU QUỐC HOÀ – Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2010. Thật là ngạc nhiên, từ tập truyện ngắn đầu tiên CUNG ĐÀN XƯA NGÂN MÃI – Nhà xuất bản Lao động, năm 2007 lúc anh đang nằm trên giường bệnh, một căn bệnh thập tử nhất sinh quái ác.

.

 


Thế rồi số mệnh hay lòng đam mê văn chương, khát khao sống, khát khao cống hiến đến mãnh liệt đã cải tử hoàn sinh cho anh, để rồi trong vòng ba năm anh cho ra đời liên tiếp ba đầu sách: tiểu thuyết VĨNH BIỆT LÀNG Ô HỢP – Nhà xuất bản Hội nhà văn, tập truyện CÂU ĐỒNG DAO LÀNG VÒI – Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2009 và năm nay anh lại cho ra TRUYỆN NGẮN LƯU QUỐC HOÀ – Nhà xuất bản Hội nhà văn.

 

truyen ngan Lưu Quốc Hoà và phong cách Truyện ngắn

Bìa tập truyện ngắn

Đọc TRUYỆN NGẮN LƯU QUỐC HOÀ cũng như các sáng tác trước đây của anh, xuyên suốt gần 250 trang sách người ta dễ dàng nhận ra anh vẫn những đề tài quen thuộc viết về nông thôn, nông dân, vẫn cái địa danh quen thuộc ấy, trong cái làng Đình Tràng quê anh bên cạnh con sông Châu hiền hoà. Không cần phải lặn lội kiếm tìm đâu xa, cứ quẩn quanh cái địa dư ấy, quanh cái làng Đình Tràng ấy anh cứ viết mãi, viết mãi mà không hết truyện như dòng sông Châu quê anh bao giờ ngừng chẩy thì Lưu Quốc Hoà mới thôi viết về quê anh, nhưng mà như thế chỉ hoạ có trời hết mưa thì Châu này hết nước!

Lưu Quốc Hoà sinh ra bên dòng Châu Giang, thật dễ hiểu truyện của anh cứ trở đi trở lại bên dòng sông, con sông quê hương anh, sông của tuổi thơ cứ diết da bám chặt vào tình cảm chảy mạnh trong anh lúc nào cũng như muốn thét gào, vẫy gọi. Không phải ngẫu nhiên mà ngay mở đầu tập truyện tác giả đã có ý định lôi cuốn người đọc về với con sông Châu quê hương “chẩy qua làng là dải bao xanh có vô vàn những mảnh đời lênh đênh chài lưới tụ bạ ở các lùm cây ven bờ”. Con sông có từ ngàn đời vẫn chẩy, đem biết bao những cái yêu, cái đẹp vào trong âm nhạc, thi ca, đem màu mỡ đến cho ruộng đồng và cho cậy nhờ biết bao số phận nổi trôi cùng dòng thời gian. Cùng với nó là sự kiến tạo văn hoá, một thứ văn hoá làng xã quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ với biết bao những tục lệ tốt có xấu có.

Trong lời nguyền chưa hoá giải sau cái nạn ôn dịch, hai vị chức sắc đứng đầu làng Đường và làng Lạc Hoà, nhân một buổi việc làng đã cao hứng nhận làm anh em để rồi để lại lời nguyền vô lối khiến cho hai làng từ đó không được kết duyên đôi lứa làm cho mối tình giữa chàng Vược làng Đường và cô Then làng Lạc Hoà tuy chưa lâm vào cái kết cục bi thảm như những mối tình khác nhưng cũng không qua nổi lời nguyền. Họ muốn đấu tranh bằng những sự phản kháng yếu ớt là tìm đến cái chết đến một kết quả bi thảm là cùng buộc nhau vào rồi trẫm mình xuống dòng sông Châu

Vẫn cái nhìn từ tình yêu quê hương, vẫn bên bờ con sông Châu ấy, trong những đứa trẻ xóm bãi sông – Lưu Quốc Hoà đi sâu vào những góc đời tưởng chừng như bị lãng quên vì đói nghèo “họ làm đủ nghề táp nham…góc phía nam là dân vạn chài “ăn đằng mũi, ỉa đằng lái” thất nghiẹp dưới sông vì nạn nước đen thượng nguồn đổ về, họ ghé thuyền vào bãi và phát hoang một vạt cắm lều để sống qua ngày, không kiếm tôm cá thì đi làm thuê trên phố lấy miếng cơm chín cho vào miệng. Góc phía tây là đám xe lôi, xe ba gác, cửu vạn bến xe nhà quê mất ruộng, dắt nhau lên đây tá túc”.

Thôi thì bốn phương tám hướng, không còn đất dung thân họ trôi dạt về đây tạo thành một cái xóm. Một cái “xóm liều” bên sông. Cứ theo cái lý dân nghèo trời sinh voi ắt sinh cỏ, sinh con đẻ cái nhuốm màu hoang dã. Có muôn vàn những lý do để che đậy cái hành vi sinh sản tự nhiên vô kế hoạch, không y tế…không có gì hết! Càng đói khổ càng mắn con để rồi cái thế hệ vừa mới sinh ra “ như đàn ong ve, mũi dãi nhệch nhạc, lê la bò toài. Chúng lớn lên như cỏ dại và vô bệnh tật”. Như cỏ dại! Đọc đến đây ta không khỏi băn khoăn, nhưng nhức. Nhìn chúng nó, những đứa trẻ sinh ra trong xóm liều, những mầm non đất nước hoang dại và thương đau mà chỉ còn biết đổ lỗi cho số phận! đây là một truyện ngắn khá hay trong toàn bộ tập truyện.

Lưu Quốc Hoà tập trung miêu tả và lý giải cái nghèo bằng thứ ngôn ngữ đặc sệt dân dã, nghèo cũng chỉ nghèo đến thế thôi, thế là cùng và sợ nghèo hơn tý nữa sẽ ra ma cả! Điều đáng nói ở đây trong Những đứa trẻ xóm bãi sông tác giả khéo khai thác, đặt cái xóm liều đối xứng với “bên ấy là những nhà cao tầng đủ màu đủ kiểu với những con người cũng đủ kiểu đủ màu. Hai chốn ấy nhìn sang nhau nửa thương hại, nửa thách thức nhau về thân phận người đang cùng sống với nhau dưới gầm trời”. Anh đặt cái trục đối xứng ấy cốt để nhấn mạnh khoảng cách giầu nghèo và giữa họ có hai dòng văn hoá khác nhau, nghĩ khác nhau làm cũng khác nhau.

Từ cái trục ấy Lưu Quốc Hoà dẫn chúng ta đến sự thay đổi nghiệt ngã của đô thị hoá, của nền kinh tế thị trường. Một bên là sự nghèo nàn, cái không gian văn hoá còn chưa biến dị, lũ trẻ xóm ven sông với những trò chơi dân gian bắt chước người lớn vẫn là để chơi trò trẻ con. Giản dị là thế nhưng là cả một sự thèm muốn, ước ao được nô đùa tự nhiên, thoả thích cùng với bạn bè của cô bé Lan Kha con của vợ chồng ông Lâm giầu nhất dãy phố. Trong thế giới người giàu thì cái gì cũng có nhưng xét cho cùng thì lại chả có gì cả! Tài sản lớn nhất của vợ chồng ông Lâm là cô con gái. Cô bị bố mẹ đóng khung trong cái biệt thự sang trọng chất ngất của cải. Cái thế giới trẻ thơ của cô bé Lan Kha so với các bạn cùng trang lứa thật cằn cỗi và tù túng, thèm khát cái thế giới hồn nhiên của trẻ con. Tuổi thơ của em bị cầm tù trong cách nhìn của vợ chồng ông Lâm nếu để con ra ngoài sợ lây cái nghèo, sợ bụi bặm phố phường…

Ở đây cái sự độc ác của vợ chồng ông Lâm được đặt dưới ống kính văn hoá của nhà văn, của những kẻ giầu có mà nền kinh tế thị trường mang lại. Cái mà nhà văn vạch ra bên cạnh sự phát triển, những cái được của tăng trưởng kinh tế phải được đặt trong nền kinh tế tri thức mà cốt lõi vẫn là văn hoá vì thế cuối truyện cảnh vợ chồng ông Lâm khi tìm được con đang nô đùa với lũ trẻ xóm bãi sông đã ứng xử bằng một loạt các hành vi vô văn hoá, trực tiếp gây nên cái chết thương tâm của Can. Đây là một truyện ngắn Lưu Quốc Hoà khai thác tập trung vào chủ đề chính, không lan man. Câu chuyện Những đứa trẻ xóm bãi sông về những đứa trẻ sống nghèo đầy tính nhân văn đồng thời anh cũng đặt ra câu hỏi cho mỗi chúng ta về không gian sống cho trẻ thơ, chỉ rõ những hành vi độc ác của con người đều liên quan đến vấn đề văn hoá cho lớp người mới phất nhờ nền kinh tế hàng hoá mang lại.

16 truyện ngắn với nhiều chủ đề khác nhau Lưu Quốc Hoà vẫn là thế mạnh trong mảng viết về hiện thực. Bằng lối văn gai góc, giễu nhại, lộng ngôn, châm biếm, đả kích đến hài hước đọc lên cứ thấy gai gai như ta vẫn thường thấy các bà bị mất gà mất chó đi rong làng mà chửi rủa đứa ăn cắp. Anh không tha bất kỳ một thói hư tật xấu nào, từ những kẻ phong tình vô trách nhiệm được anh ví với Mèo cộc đuôi anh mua được của một gã đi buôn từ miền Nam ra. Nhân vật Hải Hồ trong truyện phải chăng giống như con mèo đó sao? Một con súc sinh “chuột không hay chỉ hay đi theo gái”. Chuyện ông Vọng trong Đi tìm hương đồng gió nội một ông Đai tá về hưu có căn nhà hai phía mặt tiền ở phố. Ngòai 70 cố làm cái việc hoài niệm. Thường tuổi già thích sống với quá khứ vả lại quê hương trong mỗi con người, trong mỗi đứa con quê dù đi đâu cũng đau đáu nhớ về chỗ chôn nhau cắt rốn của mình.

Cũng phải! Cái mơ ước chính đáng và giản dị ấy ở vào tuổi ấy ai mà chả có. Đang ở cái nơi phồn hoa đô thị với những tất bật náo nhiệt phố phường, mưu sinh dễ dãi nhưng đầy tâm trạng, cái tâm trạng người già, của một Đại tá đã rửa tay gác kiếm đang quay về với đời sống tinh thần, tìm đến với sách với tri trức nhưng cuộc sống đô thị sôi động bức bách quá. Các con thì mải ăn mải làm, các cháu mải học mà cái sự học bây giờ xem ra mới lạ. Học cho bằng được, học cho kỳ “sề sễ cái kính”, tuổi đến đâu thì độ dày đi ốp theo đến đấy!

Đọc đến đây người đọc bỗng bỏ dở trang sách mà ngẫm nghĩ mà khiếp hãi cho cái sự học. Học cốt để ngộ ra nhưng học để mà nhìn đời qua lăng kính cận thì ôi thôi cái sự học của con em chúng ta cũng thành công cốc! Anh cả nhà ông, cái trụ cột sau sẽ thay ông gánh vác gia đình, ông cũng chả có dịp để trò chuyện, bàn bạc, tâm tình. Anh cả “tối nhọ mặt người mới về lại lao đầu nhòm vào vi tính mà lắc, mà gật, mà vỗ đùi, mà bực dọc hay hớn hở…hình như mọi buồn vui, lo lắng trong con người anh trưởng nằm ở sàn giao dịch chứng khoán” cô con dâu thì đi làm nhà nước về đến nhà lại bận kiếm tiền với mấy cô nhân viên bán hàng. Nhà chỉ có mấy thành viên mà cứ như bị cắt rời ra, cứ từng khúc, từng khúc chả có sự liên hệ nào với nhau trong một gia đình tưởng chừng như sung sướng và hạnh phúc lắm. Từng ấy con người là từng ấy cái Tôi, cái Tôi lớn quá chẳng có một sự kết dính nào trong cái gọi gia đình là “ tế bào xã hội”, văn hoá và văn minh gia trị đang dần biến mất.

Chán quá! Không ai buồn chăm sóc đến nhau, không còn quan tâm đến nhau nữa khiến ta lo ngại rằng cái lối sống ích kỷ kia sẽ phá hoại sẽ gặm nhấm và phá nát các nền tảng đạo đức xã hội, cái sợi dây huyết thống, truyền thống văn hoá trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.Trong truyện ngắn Đi tìm hương đồng gió nội Lưu Quốc Hoà muốn truy tìm nguyên nhân những bế tắc trong đời sống tinh thần của thời đại @. Đại tá Vọng chạy trốn khỏi căn nhà của mình để tìm về với quê, về với hương đồng gió nội, về bên dòng Châu Giang kiếm lấy sự yên ổn, thư thái mà ông lầm tưởng rằng ở đó vẫn còn sự hoang dã, giản dị đầy mộng mơ của cái chất đồng quê vẫy gọi ông, gợi nhớ trong ông.

Thôi, về với quê đi! Quê hương dịu ngọt sẽ xoa dịu những vết đau thị thành. Thật bất ngờ khi Đại tá về đến quê mình. Hương đồng đâu rồi? Gió nội nơi nao? Chỉ thấy: chó cắn, mèo hoang, vịt kêu quàng quạc…những âm thanh ấy, cái mùi vị chăn thả thối tha thôi thì vẫn còn chịu được. Nhưng cứ hàng đêm ông Vọng cứ phải nghe “tiếng lợn bị chọc tiết kêu xé tầng trời, kêu rởn tóc gáy”. Ban ngày tổ hợp máy sát gạo phía bên trái nhà ông “Suốt ngày máy nổ tòng tọc kêu, bụi trấu bay mù trời, khói phun lên nồng nặc”, còn cái ao nhà ông nữa “mấy trang trại nuôi heo đồng loạt thải nước bẩn vào cái ao nhỏ. Nước ao đặc sệt và tanh lợm”. Lại “mùi thuốc sâu, mùi phân từ cánh đồng dưa gang, dưa chuột hợp sức chen vào”

Làng quê bị ô nhiễm đến thế sao? Rồi nạn cúp điện cứ gọi là tối tăm mù mịt. Hình như cái bản đồ điện khí hoá nông thôn vẫn còn bỏ trắng. Mưa – cắt, nắng – cắt, cấy -  cắt, gặt – cắt. Hễ thiếu điện là điện lực cứ nhè vào nông thôn mà cắt, nếu có cho cốt có “đủ lệ bộ chứ không tài nào hoạt động được…oái oăm là cái điện lưới. Đã yếu lại phì phụp…khi dọn cơm nóng chảy mỡ thì không có điện, ăn xong tám hoánh vác cuốc ra đồng mới có. Ban đêm cũng vậy. Lúc thức thì tối om. Ngủ vài giấc tự nhiên bừng lên chói cả mắt…”

Đọc đến đây hẳn độc giả không khỏi tiếc rẻ không gian sống, cái chất hương đồng gió nội mà giờ đây sự đô thị hoá, dưới sự tàn phá huỷ hoại môi trường tự nhiên của bàn tay con người trong cái cơ chế thị trường làm giầu bằng mọi giá, kiếm tiền bằng mọi giá, mọi trò bất chấp tất cả và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho môi trường sống. Có lẽ Lưu Quốc Hoà rất thích hợp với những trang văn  phê phán. Cái thứ văn phong điền dã, giết gióng, quày quả rất thủ công nhưng tạo cho người đọc một tâm lý thích thú vốn dĩ ai cũng sẵn ghét những thói hư và muốn loaị cái ác không sợ cái ác, cái ác không phải là kẻ mạnh trong đời sống như trong truyện ngắn Nhân ác bất khả cường hay truyện Thẹn thùng nghề bút mực truyện đơn giản cứ lẩn mẩn từ chuyện nọ, chuyện kia xung quanh những sinh hoạt gia đình nông thôn của mấy mụ đàn bà quê kệch, ghen tuông quê mùa của những lớp người ít được học hành cứ động một tý là kiện.

Tác giả dùng ngôi thứ ba trong vai cái ông nhà văn xóm kiêm luật sư bất đắc dĩ để có chuyện mà kể, kể những chuyện vụn vặt mà hài hước nhưng cũng không kém sâu cay. Cái yêu và cái ghét được bộc lộ khá rõ nét. Anh châm biếm cái lũ quan tham bất kể cũ mới dù là quan phong kiến hay quan Cộng Sản, bọn ác bá cũ hay lũ cường hào mới, anh cứ đem chúng ra mà giày vò theo cái kiểu của anh, rủa xả cái lòng tham qua cái chửi của lão Tam, bạn thân của Đức Cao na ná như cái anh Chí trong làng Vũ Đại. Trong truyện Ky cóp cọp xơi lão Đức Cao cán bộ to ở tỉnh đa mưu túc kế, tính cách thì “đãi cứt sáo lấy hạt đa – đãi cứt gà lấy tấm mẳn” Làm một cái lễ động thổ cũng không cho ai một miếng thụ lộc. Hẳn đây cũng là một mẫu quan tham, tham đến thế là cùng! Để rồi chính cái tham ấy lão bị điện cao thế đốt cháy.

Đáng tiêc trong mảng đề tài chính trị – xã hội anh rất có thế mạnh trong sử dụng ngôn từ mà hình như anh vẫn còn tránh né. Độc giả rất cần anh đi sâu phát hiện những vấn đề nóng bỏng mà xã hội quan tâm ở một tầm cao hơn. Đọc TRUYỆN NGẮN LƯU QUỐC HOÀ bên cạnh những đề tài quen thuộc ta bỗng bắt gặp những trang văn xúc động viết về tình yêu, hôn nhân. Câu chuyện của anh chàng lái máy kéo với Hà, cô Y tá nông trường Thanh Hà. Ở đây nhân vật (Tôi) hình như là mối tình đầu vụng dại, trong trẻo của anh trong Cung đàn xưa ngân mãi. Đọc truyện độc giả rất có cảm tình với nhân vật Hà, rất điển hình của người phụ nữ chịu đựng và giàu lòng nhân ái. Tình yêu, tình thương và trách nhiệm ở cuối truyện mở ra là cuộc hôn nhân giữa Hà với Ninh là cái kết thúc chia sẻ có hậu nhưng đầy tiếc nuối, như một tiếng đàn cứ vang lên ngân mãi trong lòng anh chàng lái máy kéo (Tôi) trong mối tình đầu.

Truyện Thày tôi là tình cảm thành kính, biết ơn những người đã giúp đỡ tận tình trong cái nghiệp văn đầy khổ ải. Một lần nữa Con nước rửa lá dong lại được anh cho xem những dòng cảm xúc rưng rưng, kính dâng lên người mẹ đã sinh ra anh, người đọc như hoà chung cảm xúc với anh, cảm giác như mình đang tâm sự với mình, tình cảm dâng trào, lúc trầm nén xuống như con sông Châu, những buồn vui cuộc đời cứ theo dòng năm tháng mà trôi, nổi chìm con nước truỷ triều. Đọc Con nước rửa lá dong, đọc những tâm sự của anh gửi gắm vào trang viết thật thà, cảm động khiến ta càng trân trọng anh, trân trọng tấm lòng của mỗi đứa con trước đấng sinh thành.

Đọc những truyện ngắn của Lưu Quốc Hoà, cá nhân tôi cũng  muốn  bày tỏ sự khâm phục cho cách viết phóng túng và rất nhanh, chính nó tạo nên sự riêng biệt mà chỉ anh mới có. Một truyện ngắn ra đời có khi chỉ trong một đêm, thật đáng nể! Anh nói với tôi: “Mình viết truyện giống như người  lang thang trong rừng, tự phạt lối mà đi”. Nhưng cái gì thì cũng có tính hai mặt, chính từ cái viết nhanh ấy mà tỏ ý vội vàng.

Trong các truyện ngắn ta ít gặp thủ pháp nghệ thuật, sử dụng thủ đoạn hay kỹ xảo truyện ngắn trong việc xây dựng các hình tượng văn học mà thường ta gặp anh ở lối kể chuyện bằng một thứ ngôn ngữ điền dã, dễ dãi, thứ ngôn ngữ đồng quê, đôi chút ngoa ngoắt kẻ chợ. Cái ngôn ngữ ấy rất thích hợp với các nội dung bài xích, tố cáo mà đôi lúc anh quá lạm dụng nó, ví dụ như trong Thày tôi anh mơ thấy người thầy trong đời của mình bị mất. Tong một không khí đau thương và trang nghiêm thì cụm từ “kèn trống ỏm nhả cất lên” e không đúng chỗ và hơn thế nữa, ở những thể tài diễn đạt tình cảm trong trẻo, cao thượng anh nên linh hoạt hơn trong việc sử dụng ngôn từ giống như người ta nghe nhạc Trịnh, nếu biết trộn lẫn với các dòng nhạc khác thì sẽ nghe mãi mà không chán.

Dù thế nào đi nữa thì tập TRUYỆN NGẮN LƯU QUỐC HOÀ cũng góp sức cho sự thành công của anh trên con đường văn chương đầy khổ ải mà anh đang nhẫn nại bước đầy kiêu hãnh, trong sự nỗ lực cá nhân anh có hơn một lần chiến thắng bệnh tật bằng chính lòng đam mê, đắm đuối với văn chương, yêu đến kiệt cùng cái nghiệp chữ nghĩa đã để lại cho anh một phong cách riêng – Phong cách Lưu Quốc Hoà

 

 


 
 
Theo Lê Anh Hải