Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. TUỔI TRẺ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 14/9/2012
E-mail     Bản in

Lưu Việt Hùng: Tìm sự đồng cảm trong nhạc Trịnh
Từ một ca sỹ chuyên hát nhạc thị trường và cũng có một vị trí đáng kể trong dòng nhạc giải trí, Lưu Việt Hùng chàng “Hoàng tử đại dương” bất ngờ phát hành một album quay ngược 180 độ với phong cách sở trường của mình, đó là album nhạc Trịnh Công Sơn và Phú Quang.
Luu Viet Hung Tim su dong cam trong nhac Trinh
Ca sĩ Lưu Việt Hùng.

Trong cái heo may lãng đãng của thu Hà Nội, chợt nghe Hà Nội ngày trở về của Phú Quang do Hùng hát, thấy một cảm xúc nhè nhẹ len lỏi trong tâm hồn. Đó là sự đồng cảm của một người con không phải sinh ra tại Hà Nội nhưng lại có những năm tháng tuổi mới lớn gắn bó với những con đường rợp bóng cây của phố phường Thủ đô.

Lưu Việt Hùng sinh ra tại Hải Phòng trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Tuổi thơ của Hùng trải qua không mấy êm đềm vì gia đình khó khăn, bố lâm bệnh nằm nhà, mẹ thì làm công nhân “thảm len” Hải Phòng - một ngành nghề mà không đủ sống mà vẫn không bỏ được vì là nghề gia truyền.

Ký ức tuổi thơ của Hùng là những tờ giấy ghi lời dặn dò của mẹ mỗi lần bà đi làm mà chưa kịp ra chợ mua gạo. Hùng luôn là người đi “mua chịu” và những bà bán hàng thấy thằng bé ngoan ngoãn dễ thương cũng sẵn lòng mà không hề phàn nàn. Tuổi thơ khá vất vả nhưng cũng không ngăn được sở thích ca hát của cậu. Những buổi nghỉ học theo mẹ đến xưởng, Hùng thường thi hát với các cô trong xí nghiệp và lúc nào cũng giành phần thắng. Và cũng trong những tháng năm tuổi thơ ấy, Hùng đã đoạt được một giải Nhì cuộc thi Tiếng hát hoa phượng đỏ thành phố Hải Phòng.

Hùng bảo, số em chỉ có duyên với giải nhì. Từ giải Tiếng hát hoa phượng đỏ đến giải Tìm kiếm tài năng Close-up và một số giải thưởng nho nhỏ khác, chưa bao giờ biết cảm giác của người đứng trên vị trí cao nhất của người chiến thắng, chính vì vậy mà em luôn nỗ lực hết mình, có thể bây giờ em cũng chưa hẳn là thành công nhưng em sẽ tiếp tục phấn đấu cho con đường sự nghiệp của mình.

Rời Hải Phòng lên Hà Nội học.. múa, Hùng bắt đầu có những tháng năm đầy kỷ niệm tại mảnh đất Thủ đô. Học múa nhưng lại có giọng hát và ngoại hình khá, Hùng đi hát quán bar kiếm tiền học, và sau đó tham gia vào Nhóm Giao thời (cùng Hồ Hoài Anh và Hoàng Hiệp). Tuy nhiên, Giao thời cũng tồn tại không lâu thì tan rã. Nghe tin có cuộc thi hát Tìm kiếm tài năng Close-up, Hùng tham gia và bay vào thành phố Hồ Chí Minh dự thi.

Đoạt giải nhì và giải thí sinh có phong cách biểu diễn ấn tượng cuộc thi này, Hùng bắt đầu bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Một năm sau anh về đầu quân cho công ty T&V của “bầu Hòa” và đồng hành cùng công ty từ đó đến nay. Lưu Việt Hùng đã phát hành 2 album Hoàng tử đại dương 1&2 và cũng được một bộ phận khán giả trẻ đón nhận và yêu thích. Bẵng đi một vài năm anh mải mê chạy sô hết trong nước rồi nước ngoài, Hùng và công ty bất ngờ cho phát hành một album khác “chất” hoàn toàn sở trường của anh.

Những tình khúc Trịnh Công Sơn và Phú Quang là album có ý tưởng bắt nguồn từ những chuyến biểu diễn ở nước ngoài. Khi ấy Hùng thường hát một vài bài nhạc Trịnh sau khi đ㠓quậy tơi bời” những ca khúc trẻ trung sôi động, và thật bất ngờ là khán giả lại cổ vũ nhiệt liệt. Sau đó, nhiều sô diễn ở nước ngoài Hùng liên tục nhận được lời yêu cầu hát nhạc Trịnh. Được sự động viên của nhiều anh chị đồng nghiệp, Việt Hùng mới dám bắt tay vào làm album này, nhưng cũng mới chỉ dám khiêm tốn với 4 bài nhạc Trịnh và 4 ca khúc của nhạc sỹ Phú Quang.

Có thể Hùng hát Hà Nội ngày trở về, Nỗi nhớ mùa đông, Về lại phố xưa… không được hay như Trọng Tấn và Hồng Nhung, nhưng ở Hùng lại có sự chân thành và giản dị. Bởi Hùng nói rằng tuổi thơ Hùng gắn bó với Hải Phòng nhưng chính Hà Nội mới là nơi anh lưu lại nhiều kỷ niệm nhất. Mỗi lần trở ra Hà Nội, Việt Hùng lại chọn những quán café gần Bờ Hồ hay hồ Thiền Quang. Hùng thích mùa thu Hà Nội với cái bảng lảng sương khói Hồ Tây và lãng đãng heo may mỗi khi dạo những con phố rợp bóng cây của phố phường Hà Nội.

Còn với nhạc Trịnh, Hùng nói, không phải em hát theo trào lưu hay định gây “sốc” đâu, đơn giản là do khán giả yêu cầu nhiều quá. Với lại, giai đoạn này em thấy mình chín chắn và nhiều trải nghiệm hơn, có nhiều điều đồng cảm với âm nhạc Trịnh Công Sơn bởi nhạc Trịnh vốn đầy những chiêm nghiệm về thân phận con người. Tuổi thơ của em trải qua trong vất vả, bố nằm bệnh 8 năm rồi mất lúc em vừa bước vào tuổi dậy thì rất cần sự giúp đỡ của người cha, chính những điều đó khiến em cảm thấy đôi khi có những ca khúc của Trịnh Công Sơn chính là nỗi lòng mình vậy.

Mỗi người đều có một con đường riêng và chẳng con đường nào là không có chông gai. Với Hùng cũng vậy, trên con đường ca hát của Hùng cũng có nhiều niềm vui và nỗi buồn, có những khó khăn và cũng nhiều thuận lợi. Ở một giai đoạn mới, Hùng muốn thay đổi hình ảnh của mình kể cả phong cách lẫn âm nhạc và dòng nhạc “sang” là sự lựa chọn của Hùng, có thể khán giả chưa quen nghe Hùng hát thể loại này, thế nhưng hy vọng khán giả sẽ tìm thấy những sự đồng cảm giống như Hùng cũng từng có nhiều đồng cảm với những ca khúc về Hà Nội hay những tình khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.




Theo QUANG BÌNH St