Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 1/8/2015
E-mail     Bản in

Nữ GS. Họ Lưu - Việt Nam được ngưỡng mộ và tự hào
(LUUTOC.VN) - GS Lưu Lệ Hằng (Jane X. Luu) – một trong các nhà thiên văn học lỗi lạc thời nay, đã tham gia cùng GS David C. Jewtt nghiên cứu khám phá ra Vành đai Kuiper với 70 ngàn thiên thạch, mở ra hướng đi mới liên quan đến sự hình thành Thái Dương Hệ. GS Lưu Lệ Hằng được tặng Giải thưởng Annie J. Cannon (của Hội Thiên văn Mỹ - năm 1991) và 2 giải khoa học Quốc tế cao quí về thiên văn học (Giải thưởng Shaw và Kavli – năm 2012). Vinh hạnh lớn lao nhất là Họ Lưu của GS được đặt tên cho tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.
 
          Hai mươi năm, sau lần thứ nhất về thăm TP Hồ Chí Minh (1995), ngày 19/7/2015, theo lời mời và thu xếp của GS Trần Thanh Vân, GS Lưu Lệ Hằng lần thứ hai về thăm Việt Nam. Đầu tiên GS Lưu Lệ Hằng về Quy Nhơn, Bình Định gặp ông bà GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc và được Lãnh đạo tỉnh Bình Định chào đón thân mật.
 
GS Lưu Lệ Hằng gặp lại Ông bà GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc tại Quy Nhơn

          Ngày 20/7/2015, GS Lưu Lệ Hằng đã dự Lễ khởi công “Tổ hợp không gian khoa học” và Hội nghị khoa học vật lý quốc tế “Các hệ hành tinh - Một quan điểm đồng vận” của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần XI” tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành của GS Trần Thanh Vân tại Quy Nhơn.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp GS Lưu Lệ Hằng tại Hà Nội, ngày 24-7-2015
  
        Tại Hà Nội, ngày 24/7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp và chia sẻ sự ngưỡng mộ GS Lưu Lệ Hằng. "Do số lượng hành tinh trong vũ trụ cực lớn nên khả năng loài người phát hiện hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống khá cao. Tuy nhiên, tôi chỉ không biết chúng ta có thể xác nhận sự tồn tại của những hành tinh đó bằng cách nào", cựu Giảng viên Đại học Harvard (GS Lưu Lệ Hằng) bày tỏ lập luận.

          Chiều cùng ngày, tại Hội trường Tạ Quang Bửu, Lãnh đạo Trường, các nhà khoa học và sinh viên ĐHBK Hà Nội đã tổ chức buổi Xêmina, tọa đàm Khoa học với GS Lưu Lệ Hằng về chuyên đề "Cách nhìn mới về hệ mặt trời", giống như hai buổi tọa đàm diễn ra ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định (21/7/2015) và ở Đại học Sư Phạm Huế (23/7/2015). Tham gia buổi Xêmina tại Hà Nội có Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, PGS Phạm Hoàng Lương (Hiệu phó ĐHBK HN), PGS Phó Thị Nguyệt Hằng (Viện Trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐHBK HN)...

 

Về phía Ban Liên lạc Lưu Tộc VN có TS Lưu Văn Thành - Phó Ban TT; Ông Lưu Thành - Phó Ban; Họa sỹ Lưu Thiên An - Phó Ban, kiêm TTK tham dự và giao lưu với GS Lưu Lệ Hằng.

GS.TS. Lưu Lệ Hằng sinh 1963 ở Sài Gòn, sang Hoa Kỳ 1975; 21 tuổi (1984) tốt nghiệp xuất sắc ngành Vật lý, Đại học Stanford; đã từng làm việc tại Phòng TN Jet Propulsion của NASA, Pasadena, sau đó học sau đại học tại Đại học California, Bekerley, Nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts, với thầy hướng dẫn là GS David C. Jewitt, nghiên cứu về các vật thể di chuyển chậm bên ngoài hệ mặt trời. Năm 1992, sau 5 năm quan sát, hai thầy trò đã tìm thấy thiên thể đầu tiên trong vành đai Kuiper nhờ kính thiên văn 2,2 mét của Viện ĐH Hawaii, trên Đài quan sát Mauna Kea, và nhờ đó đã phát hiện ra khoảng 70 ngàn thiên thạch... đặt nền móng cho việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương Hệ.

GS Lưu Lệ Hằng đã phát biểu:"Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương Hệ, trong vành đai Kuiper giống như hành tinh Diêm Vương Tinh vậy... Khám phá này làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về định nghĩa hành tinh là gì”.

GS Lưu Lệ Hằng đã từng giảng dạy tại Đại học Harvard, làm giáo sư Đại học Leiden ở Hà Lan. Sau khi trở lại Hoa Kỳ, làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở Phòng TN Lincoln tại MIT. GS sư hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. GS thích du lịch và làm từ thiện cho tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tại Nepal, thích các hoạt động ngoài trời và chơi vi-ô-lông-xen. Giáo sư lập gia đình với Ông Ronnie Hoogerweft - một nhà thiên văn học người Hà Lan.

GS Lưu Lệ Hằng quê gốc ở Hải Phòng, quê hương của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) tại tỉnh Hải Dương trước kia, nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

 
Thay mặt đoàn BLL Lưu Tộc Việt Nam, TS Lưu Văn Thành đã mời GS Lưu Lệ Hằng về thăm đền Đại Từ, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên - thờ Cao Tổ Thái sư Lưu Cơ (940-1013), đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội (thờ Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín -Thế kỷ 15), thăm chùa Trấn Quốc và dự bữa cơm thân mật với BLL LTVN. Tuy nhiên, do chương trình đã bố trí kín lịch nên GS Lưu Lệ Hằng hẹn gặp lần sau.
 
           Như vậy, GS Lưu Lệ Hằng là một trong ít các nhà khoa học tin vào sự tồn tại của hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời, giống như Ông Charles Bolden (Giám đốc NASA) tin rằng sự sống có thể tồn tại ngoài địa cầu, hay Frank de Winne (Phi hành gia Châu Âu đầu tiên từng chỉ huy Trạm Không gian Quốc tế -ISS), cũng tin rằng trái đất không phải là nơi duy nhất có sự sống: “Nhưng ngày nay chúng ta đều biết điều đó không đúng và trái đất chỉ là một phần tử cực kỳ nhỏ trong không gian bao la. Vũ trụ bao gồm hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên hà lại có hàng tỷ ngôi sao. Giờ đây cứ mỗi ngày chúng ta phát hiện từ 3 tới 5 hành tinh mới. Tôi là người có tư tưởng cởi mở. Vì thế tôi tin loài người không hề đơn độc trong vũ trụ” (Winne giải thích trong buổi giao lưu với sinh viên ĐHQG Hà Nội ngày 12/3/2012). Minh chứng mới nhất (23/7/2015), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ -NASA tuyên bố tàu thăm dò vũ trụ Kepler đã phát hiện “Trái Đất thứ hai” trong chòm sao Cygnus - to hơn, già hơn 60% so với trái đất, được đặt tên là Kepler-452b, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng.
 
Trái Đất và Mặt Trời so với “Người anh của địa cầu” và mặt trời của nó (Ảnh của NASA 7-2015)
 
“Điều quan trọng nhất đáng ghi nhớ là: nếu ta tò mò về một cái gì đó, thế mà ta chưa tìm được câu trả lời nào thỏa đáng thì ta hãy tự mình tiến hành một số quan sát hoặc thí nghiệm, không quan tâm đến việc có ai đó bàn ra tán vào. Phải kiên trì, các bạn ạ, bởi vì lời giải thường rất khó tìm thấy; nếu không thì người khác đã tìm thấy trước ta rồi. Và, cuối cùng, các bạn phải giữ cho đôi mắt luôn rộng mở, tâm trí luôn rộng mở, bởi lẽ bạn không bao giờ biết điều gì bạn có thể trông thấy ngày mai”.

Đó là lời GS Lưu Lệ Hằng nhắn nhủ các nhà KH tương lai của Việt Nam.
TS. Lưu Văn Thành
 
 


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)