Họa sĩ Lưu Công Nhân (ảnh) sinh ngày 17.8.1929, tại xã Lâu Thượng (nay là Trưng Vương) thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Theo ông Lưu Công Hoành (83 tuổi, anh ruột của họa sĩ Nhân). Lưu Công Nhân từng học lớp Mỹ thuật tại trường Trung học kháng chiến (Việt Bắc), là học trò của họa sĩ tài ba Tô Ngọc Vân (từ 1950-1952).
Cố họa sĩ LƯU CÔNG NHÂN (1929 - 2007)
Sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại ông về dạy học ở trường Mỹ Thuật Công nghệ (Hà Nội) một thời gian, sau đó về làm phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Lê Lợi, huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Từ năm 1960 Lưu Công Nhân chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên vẽ tranh trừu tượng ở Việt Nam. Lưu Công Nhân chịu đi, chịu vẽ, ông ra đi để lại bộ sưu tập tranh phác họa và tranh thuốc nước khá đồ sộ về đề tài nông thôn, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, biệt thự Đà Lạt…
Từ năm 1985, Lưu Công Nhân chọn phố núi Đà Lạt để “dừng chân” nhưng ngày ngày ông vẫn miệt mài sáng tác. Từ năm 1997 ông phát hiện chứng bệnh Parkimson (rung tay). Từ tháng 5.2006 căn bệnh phát nặng, nhưng ông vẫn đều đặn sáng tác.

Người “họa sĩ phố cổ” tài hoa đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 14h30 ngày 21.7.2007 tại nhà riêng số 13 Bis đường 3 Tháng 4, Đà Lạt (Lâm Đồng).