Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 9/10/2015
E-mail     Bản in

 “Cửu Huyền Thất Tổ” mang ý nghĩa gì trong văn hoá Việt Nam?

1) Ý nghĩa của “Cửu Huyền Thất Tổ”

Câu hỏi của cư sĩ làm chúng tôi phải tra khảo lại các từ điển Phật học và Hán học. Hơn thế nữa, chúng tôi còn nhờ Đại Đức Thích Minh Nghị hiện đang du học tại Trung Hoa tra khảo giúp nơi các bộ từ điển lớn của Trung Hoa, nhưng cũng không thấy gốc gác của bốn chữ này. Như chúng ta biết, phần lớn các thuật ngữ Hán Việt đều được người Việt tiếp thu thông qua các cuộc giao lưu văn hóa, tôn giáo Hán - Việt qua nhiều thời đại. Nhưng bốn chữ này, chúng tôi nghĩ là do các nhà sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng văn hóa của Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Bốn chữ này được xuất hiện trong văn bản nào sớm nhất, chúng tôi chưa dám khẳng quyết, nhưng theo chỗ chúng tôi biết, bốn chữ này xuất hiện trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải (1728 - 1815) được Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã dày công biên khảo và dịch lại, cho in chung trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (Nhà Xuất bản TP. HCM, 2000). Phía sau cuốn sách có in toàn bộ tác phẩm và ngữ lục của Thiền sư bằng chữ Hán. Tác phẩm Sự Lý Dung Thông (trang 416) cũng nằm trong phần phụ lục này, có đề cập đến bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” trong 2 câu thơ:

"Thích độ nhân miễn tam đồ khổ

Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương"

(Nghĩa là giáo lý đức Phật Thích-ca hóa độ chúng sanh để thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, và có khả năng cứu thoát cửu huyền và thất tổ được siêu thăng).

Có lẽ vì câu trên quá cô đọng nên bản dịch Việt ngữ của Giáo sư Lê Mạnh Thát (trang 392), vẫn giữ nguyên như vậy, và phần dưới có chú thích ngắn gọn về bốn chữ "cửu huyền thất tổ" như sau:

"Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ."

Chữ “huyền” () có 3 nghĩa: (i) màu đen, (ii) lẽ sâu xa, bí ẩn, (iii) chín đời. Do nghĩa thứ ba này, nên cháu chín đời được gọi là “huyền tôn” ( ). Như vậy, nghĩa của chữ “cửu huyền” nên được hiểu là “chín đời” hay nghĩa rộng là “chín thế hệ”.

Chín thế hệ trên, nếu viết và phiên âm Hán Việt thì như sau: Cao, Tằng, Tổ, Khảo KỷTửTônTằng, Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời.

Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ.

Như vậy, chữ "cửu huyền" bao quát hơn chữ "thất tổ". Vì "thất tổ" chỉ cho bảy thế hệ trước, còn "cửu huyền" không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn bao gồm cả bốn thế hệ sau. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là "Nhà Thờ Cửu Huyền" (viết bằng tiếng Việt), nghĩa là thờ những người trước mình và sau những người sau mình. Cụm danh từ này thường được những Phật tử theo truyền thống Khất Sĩ thường dùng hơn là các tự viện bên Bắc truyền. Bên Bắc truyền thường dùng danh từ "hương linh" chỉ người đã khuất, và nơi thờ các hương linh ấy được gọi là "bàn linh".

 2) “Cửu Huyền Thất Tổ” trong nền văn hóa Việt Nam

Theo cách nhìn tổng quát, văn hóa có hai phần đặc trưng, đó là văn hóa vật chất và văn hóa phi vật chất hay còn gọi là văn hóa tinh thần. Nền văn hóa vật chất bao gồm các lĩnh vực thuộc khoa học kỹ thuật. Văn hóa tinh thần bao gồm các lĩnh vực thuộc học thuật, tư tưởng, tôn giáo và các loại hình giải trí, nghệ thuật.

Cách biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn và biết ơn ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp qua việc thờ cúng của người Việt Nam thuộc loại hình văn hóa tinh thần. Cách tôn kính, thờ cúng này không phải ở Việt Nam mới có, mà từ thuở nhà Hạ (2183-1752 trước TL), Thương/ Ân (1751-1112 trước TL), Chu (1111? – 249 trước TL) bên Trung Hoa cũng đã có nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên rồi. Các vua chúa thường đi tế Giao (cúng trời đất) ở một nơi được xem là linh thiêng, hoặc cúng tổ tiên trong Thái Miếu. Nền văn hóa Việt Nam thời cổ và trung đại cũng vậy. Các vua chúa thường đi cúng tế nơi Thái Miếu, nơi đền thờ các vị khai quốc công thần. Còn người dân dã thì thường thờ ông bà cha mẹ tại nhà và làm lễ cúng giỗ hàng năm.

Điều đáng nói ở đây, là nền văn hóa tinh thần này đã được duy trì, phát huy và thấm sâu vào lòng dân tộc Việt Nam dù trải bao biến thiên lịch sử. Không phải đất nước nào cũng duy trì được nền văn hóa quý báu này. Trung Hoa, một trong 3 cái nôi văn minh nhân loại thời cổ, nhưng đến khi Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 thì nền văn hóa tinh thần này gần như bị hạ bệ triệt để, nhất là giai đoạn “Cách Mạng Văn Hóa”.

Các vị du học bên Trung Hoa kể cho chúng tôi nghe, ngày nay vẫn còn nhiều nhà ở Đại lục Trung Hoa không có bàn thờ ông bà cha mẹ, mà thay vào đó là hình ảnh của những nhà lãnh đạo chính trị thập niên 20-30 của thế kỷ XX. Một số tự viện thì cũng không có nhà thờ “Cửu Huyền Thất Tổ”, “Vãng Sinh Ðường” hoặc “Nhà Linh” và một số tự viện vì một vài lý do nào đó cũng không có nhà thờ Tổ (Tổ đường). Khái niệm “thờ cúng” ông bà cha mẹ gần như bị lãng quên bởi một số người và họ còn cho đó là một nghi thức “cổ lổ xỉ”. Họ cho rằng “thờ cúng” là một hình thức mê tín dị đoan, nên đã cực lực loại bỏ! Thế là cả một nền văn hóa “Ẩm thuỷ tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) tốt đẹp mấy ngàn năm, một truyền thống hiếu thảo “phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sanh ngã  lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Kinh Thi), nghĩa là: Cha sanh ra ta, mẹ nuôi lớn ta, xót thương cha mẹ, nuôi ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu của cha mẹ, như vói lên trời cao không cùng” đã từng làm xúc động bao trái tim của bao thế hệ, nay bị nhạt nhòa!

May mắn thay, văn hóa Việt Nam, dù trải bao thăng trầm lịch sử, nhưng đạo lý: “Sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây” vẫn được khắc sâu trong tâm khảm người Việt, vẫn ấm áp trong tiếng hát hời ru con muôn thuở:

“Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ

Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha”.

Theo DAOPHATKHATSI.VN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)