Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. TUỔI TRẺ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 8/9/2012
E-mail     Bản in

Di cảo Lưu Quang Vũ: Những điều ký gửi…
Lưu Quang Vũ là người tài năng phát lộ sớm. Mới hai mươi tuổi, anh đã có tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" in chung với Bằng Việt. Bài thơ "Vườn trong phố" (hiện được xem là bài có sức vượt thời gian của Lưu Quang Vũ) cũng xuất hiện trong tập thơ này. Vậy "mầm thơ" của Lưu Quang Vũ đã được hình thành và phát triển như thế nào?
 
 






 

Ảnh hưởng của gia đình và tác động của xã hội tới đâu? Rồi không gian "văn hóa đọc" của anh… Những điều mà bạn yêu thơ và các nhà nghiên cứu văn học quan tâm ít nhiều sẽ được giải đáp ở phần I của cuốn sách - tức phần nhật ký của Lưu Quang Vũ.

Các nhà văn Việt Nam ít người có thói quen viết nhật ký. Càng ít người bắt tay viết nhật ký khi tuổi đời còn nhỏ, lúc chưa thành đạt. Thật may mắn cho những ai quan tâm nghiên cứu sự nghiệp thi ca Lưu Quang Vũ, bởi ngay ở tuổi niên thiếu, anh đã rất ý thức về mình và nói như TS.

Lưu Khánh Thơ, em gái anh,  thì "thời đi học, Lưu Quang Vũ có ba niềm say mê lớn, đó là: ghi nhật ký, vẽ tranh và làm thơ". Cũng là may mắn cho Lưu Quang Vũ bởi gia đình anh là một gia đình làm nghệ thuật - những di cảo của anh đã được họ gìn giữ cẩn thận để nay có cơ hội ra mắt bạn đọc.

Nếu như ngay ở bìa 1 của tập sách, bạn đọc được tiếp xúc với 2 bức ảnh ghi lại gương mặt "non choẹt" của cậu học sinh cấp III Trường Việt - Đức Lưu Quang Vũ (ảnh chụp năm 1964), thì hẳn khó ai có thể hình dung nổi, cũng chính cậu học sinh này, qua nhật ký, lại thể hiện là một chàng trai có những ý nghĩ hết sức nghiêm túc, già dặn.

Ở tuổi 15, anh ước muốn viết được "một cuốn hồi ký dài về tuổi thơ của mình và những người thân", kẻo "sau này lớn lên, quên hết về những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống"; anh "muốn đem hết sức mình mà làm thơ, mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời yêu mến".

Ngoài văn thơ, Lưu Quang Vũ còn ham vẽ. Anh tỏ ra khá trăn trở với thể loại này: "Sau một thời gian dài nghỉ vẽ đã nghiên cứu và tìm tòi hơn. Vẽ một loạt tranh. Màu sắc không những khỏe như trước mà trữ tình hơn, suy nghĩ hơn, cách vẽ chỗ nhẹ chỗ đậm chứ không bốc lửa như trước".

Anh cũng cho biết anh đã bắt tay vào viết một vở kịch ngắn, lấy tên là "Trên sân ga" (trong phần nhật ký có in kèm vở kịch cùng bức vẽ minh họa của chính Lưu Quang Vũ).

Với thơ ca, là phần Lưu Quang Vũ dành nhiều tâm huyết nhất giai đoạn ấy, cũng đã có lúc anh phải nghiêm khắc nhìn nhận: "Đọc lại các bài thơ của mình, một điểm yếu quá rõ ràng: lời dễ dãi, hình ảnh chưa sâu. Cần tìm tòi hơn". Người đời thường nói "ngựa non háu đá".

Mặc dù mới 15 tuổi nhưng những dòng nhật ký của Lưu Quang Vũ đã cho ta thấy, rất hiếm khi anh tự "ve vuốt", "cưng nựng" mình mà luôn nghiêm khắc ngẫm ngợi, trở đi trở lại vấn đề nhằm tìm ra những điểm hạn chế trong sáng tác của mình để điều chỉnh. Điều này lý giải tại sao Lưu Quang Vũ lại có những bứt phá trong sáng tác ở vào những năm tiếp theo…

Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, ta nhận thấy môi trường văn hóa giai đoạn ấy đã ảnh hưởng rất tốt tới việc hình thành khuynh hướng thẩm mỹ của anh. Anh đọc các truyện dịch của Pauxtốpxki, đọc "Âm mưu và tình yêu" của Sile, đọc "Chiến tranh và hòa bình" của Lép Tônxtôi, xem phim "Phục sinh", phim "Tiểu thư Mêri" (chuyển thể từ tác phẩm của Tônxtôi và Lécmôntốp).

Anh suy ngẫm về cái hay của "Truyện Kiều", của thơ Hồ Xuân Hương… Sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật (cụ thân sinh của anh là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận), Lưu Quang Vũ cũng có điều kiện tiếp xúc với các bác, các cô chú là bạn văn nghệ sĩ của bố mẹ.

Từ đó, anh được tiếp xúc với những thi phẩm bấy giờ không phải ai cũng có điều kiện được đọc như thơ tiền chiến của Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên…

So với một học sinh THCS thời nay (vốn có lợi thế hơn hẳn về các công cụ hỗ trợ), những thứ đọc, xem, nghe… ấy kể cũng đã là nhiều, song cái chính là Lưu Quang Vũ đã đến với chúng bằng một sự say mê hiếm thấy: Anh tiếp thu và nghiền ngẫm kỹ. Những điều ấy đã tạo cho anh một cái nền vững chắc để tạo đà vươn xa…

Bên cạnh những chuyện liên quan đến sáng tác, phần nhật ký cũng cho thấy một Lưu Quang Vũ với tất cả sự trong sáng, hăm hở, đầy ước vọng của một thế hệ học sinh khi phải đối mặt với một thực tế đất nước đang trong lửa đạn.

Và phần nhật ký kết thúc bằng những dòng Lưu Quang Vũ ghi lại sau một buổi học chính trị tại Đa Phúc - nơi anh trở thành thợ máy thuộc Quân chủng Phòng không Không quân.

 
 
 
Theo PHẠM KHẢI


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)