Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 8/2/2013
E-mail     Bản in

NÉN HƯƠNG GỬI TỚI NHẠC SĨ HOÀNG HIỆP
Dẫu biết rằng sẽ có một ngày như hôm nay nhưng sao nghe tin nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đi vào cõi vĩnh hằng lòng tôi cứ xao động mãi. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp sinh ngày 01/10/1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nguyên là Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TPHCM.

Ít ai biết từ đâu có bút danh Hoàng Hiệp.

Có một lần ông tâm sự với tôi, ông có một người bạn chí cốt tên Hòa do đó ông ghép tên bạn với tên mình thành HOÀNGHIỆP sau đó tách ra thành HOÀNG HIỆP. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc là sao hồi đó mình không hỏi tới nơi tới chốn để hiểu thêm người bạn tên Hòa đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông như thế nào để ông có thể gắn tên hai người đồng hành trong sự nghiệp âm nhạc của ông.

Cố Nhạc sỹ HOÀNG HIỆP (LƯU TRẦN NGHIỆP)
(1931 - 2013)

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, công tác tại Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Long Xuyên, Long Châu Hậu rồi Long Châu Hà.

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc trong Đoàn Văn công Nam bộ. Năm 1956, học lớp sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1960 ông về làm biên tập viên âm nhạc Nhà xuất bản Mỹ thuật – Âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa, sau đó làm Trưởng phòng Âm nhạc, rồi Phó Tổng biên tập. Năm 1969, là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giải phóng (bộ phận ở miền Bắc). Tháng 5/1975, về TPHCM, là cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1981, khi Hội Âm nhạc TPHCM được thành lập, ông là ủy viên thường vụ, sau đó là Phó Tổng Thư ký, Tổng Thư ký. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Âm nhạc TPHCM, Ủy viên BCH Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TPHCM. Ông đã có nhiều ca khúc thành công trong đề tài giải phóng miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước như: Câu hò bên bờ Hiền Lương (thơ Đằng Giao), Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu), Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly), Cô gái vót chông (thơ Moly Clavy), Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật), Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi)… Sau giải phóng nhiều bài hát nổi tiếng của ông đã được nhiều người hâm mộ: Viếng lăng Bác (thơ Viễn Phương),Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Nhớ về Hà Nội, Trở về dòng sông tuổi thơ…

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Khánh chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II, Huy hiệu 65 năm tuỗi Đảng, Giải sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1993, 1994, 1995. Ông còn được Giải thưởng của Tổng cục Chính trị, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, của các tỉnh Minh Hải, Hậu Giang, An Giang, Bình Dương và TPHCM.

Có thể nói, ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng về phổ thơ. Khi còn là Chủ nhiệm CLB Sáng tác Trẻ Thành đoàn TPHCM, tôi thường mời ông đến tham gia hướng dẫn về nghệ thuật phổ thơ. Những kinh nghiệm ông chỉ bảo cho lớp nhạc sĩ trẻ chúng tôi vô cùng quý báu. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát lớn đối với Hội Âm nhạc TPHCM mà còn là nỗi luyến tiếc đối với công chúng yêu nhạc trong cả nước nhất là với các nhạc sĩ trẻ chưa có dịp tiếp thu những kinh nghiệm sáng tác do ông truyền đạt.

Ông từ trần vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 09/01/2013 (nhằm ngày 28/11/ Nhâm Thìn) Lễ nhập quan vào lúc 16 giờ ngày 09/01/2013, Lễ viếng bắt đầu từ 19 giờ cùng ngày tại Nhà Tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn. Q.3). Ngày 12/01/2013 Lễ truy điệu tiến hành lúc 7g30 và động quan lúc 8 giờ. Linh cửu được an táng tại Nghĩa trang thành phố (Thủ Đức).

Xin được thay mặt thế hệ nhạc sĩ trẻ thắp một nén nhang tưởng nhớ đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp – một người thầy kính mến !

UV BCH HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ÂM NHẠC TPHCM
 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp về cõi thiên thu trong tiếng nhạc
 

Vợ và các con bên linh cữu Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Lưu Trần Nghiệp)

Nhiều người xúc động tiễn đưa nhạc sĩ tài hoa trong giai điệu những ca khúc bất hủ và ánh nắng xuân phai. Vợ và các con bên linh cữu Hoàng Hiệp Sáng nay 12/1, lễ tang của nhạc sĩ Hoàng Hiệp diễn ra tại TP HCM. Đông đảo bạn bè, người thân và khán giả yêu nhạc đã đến tiễn đưa nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông ra đi trong những giai điệu âm nhạc bất hủ của các bài hát: Trở về dòng sông tuổi thơ, Lá đỏ, Ông đồ... 


Nhạc sĩ Ca Lê Thuần đọc điếu văn

Trưởng ban Tang lễ, nhạc sĩ Ca Lê Thuần nhắc lại những chặng đường khó khăn nhưng đầy vinh quang của nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong âm nhạc.  Hoàng Hiệp được nhớ đến như là một nghệ sĩ tài hoa, một người ông, người cha mẫu mực. Chặng đường sự nghiệp của ông cũng được nhắc đến như là một tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Sau 2 ngày quàn tại Nhà Tang lễ TP HCM, đã có hàng trăm bạn bè của 115 đoàn tới thăm viếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Đông đảo bạn bè, người hâm mộ đến viếng Những vòng hoa tưởng nhớ được trải dài trong khuôn viên Nhà Tang lễ cho thấy sự nuối tiếc vô vàn của người hâm mộ dành cho ông. 

Trong đó đặc biệt có cả vòng hoa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một số lãnh đạo cấp cao khác. Hoàng Hiệp SN 1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang.  Với ca từ giàu chất thơ, giai điệu ngọt ngào, các nhạc phẩm của ông lưu dấu trong tâm khảm nhiều thế hệ như: Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em, Nhớ về Hà Nội, Đất quê ta mênh mông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây... Năm 2000, nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

 

Nhạc sĩ được an táng tại nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh


 

 


Ý kiến - Nhận định
Phân ưu Tang quyến Nhạc sỹ Hoàng Hiệp
Liên hệ: Hà Nội - -979444*** - banlienlac@luutoc.vn
Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam xin gửi đến Tang quyến của Cụ Lưu Trần Nghiệp (Nhạc sĩ:Hoàng Hiệp) lời chia buồn sâu sắc nhất. Cầu nguyện hương hồn Cụ thanh thản đoàn tụ với Tổ tiên Lưu Tộc nơi chốn Suối vàng!
Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam
Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)