Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 8/10/2012
E-mail     Bản in

LƯU CƠ vị công thần chuẩn bị Hoàng thành Thăng Long cho Nhà Lý
Lưu Cơ là vị quan đầu triều của nhà Đinh. Theo thần phả các di tích thành Đại La, Lưu Cơ cai quản thành Đại La từ thời Đinh, trải qua thời Tiền Lê, cho tới đầu triều Lý trong suốt gần 40 năm (từ năm 971 đến năm 1010).

 

Khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược, Ông không chọn Đại La làm nơi đóng đô, mà chọn Cổ Loa (nay thuộc địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội). Các nhà sử học cho rằng, bởi Đại La là tòa thành ngoảnh hướng Bắc, nên Ngô Quyền mới chọn Cổ Loa, một tòa thành ngoảnh hướng Nam, làm Kinh đô. Ấy cũng là cách thể hiện tinh thần độc lập dân tộc.

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, chọn đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), là quê hương của ông. Thành Đại La được giao cho Lưu Cơ, vị quan đầu triều của nhà Đinh, cũng là người đồng hương, từng cùng Đinh Bộ Lĩnh dàn trận cờ lau ngày bé, sau này trở thành cánh tay phải đắc lực trong nỗ lực thống nhất quyền lực của Đinh Bộ Lĩnh cai quản.

Theo nghiên cứu và phân tích của các nhà sử học, khi được giao cai quản thành Đại La, Lưu Cơ đã sửa lại thành này, cho ngoảnh mặt về Nam, hướng về nơi đặt Kinh đô dưới triều đại của nhà Đinh.

Lưu Cơ cai quản thành Đại La từ thời Đinh, trải qua thời Tiền Lê, cho tới đầu triều Lý trong suốt gần 40 năm (từ năm 971 đến năm 1010). Khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Đại La, từ khi có quyết định tới khi chính thức dời đô chỉ vỏn vẹn trong vài tháng. Trong vài tháng ngắn ngủi ấy, Lưu Cơ đã chuẩn bị hoàn tất mọi cơ sở để sẵn sàng đón nhà vua, hoàng thất và triều đình. Bởi vậy, một số nhà sử học đã nói vui: Lưu Cơ chính là người trao “sổ đỏ” thành Đại La – Thăng Long cho vua Lý Thái Tổ.

Theo các tư liệu cổ, bấy giờ, khi chuẩn về Kinh đô mới, triều đình đã ổn định được ngay. Như vậy, trước đó rất lâu, Đại La đã phải là một tòa thành đủ lớn và các công trình kiến trúc trong đó cũng tạm đủ làm nơi đặt Kinh đô của một nước.

Trước đó, Đại La đã được chọn làm nơi đặt đô hộ phủ của chính quyền đô hộ phương Bắc. Tuy nhiên, thành Đại La khi ấy, vốn là tòa thành của chính quyền đô hộ, ngoảnh mặt hướng Bắc, theo ý chầu về triều đình phương Bắc. Trước khi nhà Lý chuyển Kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La, tòa thành này đã được sửa lại, ngoảnh mặt hướng Nam. Việc sửa thành như vậy là một thông điệp rõ ràng: Đại Cồ Việt là một quốc gia độc lập, không phải là một phần lãnh thổ của đế chế phong kiến phương Bắc.

Sau khi bàn giao thành Đại La cho vua Lý Công Uẩn làm Kinh thành Thăng Long, Lưu Cơ cáo lão về quê vui thú thanh nhàn. Năm ấy, ông 70 tuổi.

Lưu Cơ mất tại quê nhà năm 73 tuổi.

Theo hoangthanhthanglong.vn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)