Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Quảng Bình.
Đăng ngày 8/1/2012
E-mail     Bản in

Họ Lưu Văn (Lưu Quan) ở Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
Sơ lược trên 540 năm lịch sử hình thành và phát triển : Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) sau khi đánh tan quân Minh ở phía Bắc và quân Chiêm Thành ở phía Nam đã ra lời kêu gọi: “Chúng ta phải giữ gìn đất đai của tổ tiên; đừng để cho ai lấy đi một phân núi, một tấc sông”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, hàng nghìn binh sĩ, hàng ngàn dân chúng từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vượt đèo Ngang đi vào phía Nam để khai khẩn vùng đất rộng lớn của dân tộc Việt nhằm vừa bảo vệ bờ cõi, biên cương của đất Việt; vừa khai phá đất đai để sản xuất lương thực, dự trữ quân lương, rèn luyện binh sĩ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc đất Việt.

Đình làng Cao Lao Hạ,Quảng Bình - Ảnh : Bùi Xuân Hoàng

Bởi vì khi đó ở phía Bắc, mặc dù quân Minh đã bị đánh tan tác, nhưng dã tâm xâm chiếm đất Việt của chúng vẫn còn; còn ở phía Nam, dù quân Chiêm Thành đã phải dâng 3 châu Bố Chính, Mê Linh, Tân Bình cho Đại Việt nhưng vẫn mưu mô liên kết với vua Thái Lan, vua Lào tấn công ra Bắc mưu đồ dành lại đất 3 châu đó.
 
Trong đoàn quân di cư vào Nam đó có các ông :
 
- Ông Lưu Văn Tiên : Đại tướng quân, Chánh nhất phẩm, Dực bảo trung hưng, Linh phù chi thần thời Lê Mạc (1470)
- Nguyễn Khai :          Đại tướng quân
- Lê Quang Lữ :         Triệu phong Lê Quý Công
 
        Ba ông đã dừng chân trên vùng đất phía Nam sông Gianh để lập làng khai canh. Vùng đất này có địa thế là trước mặt có dãy núi Lệ Đệ hùng vĩ, sau lưng có dòng sông Gianh hiền hòa chảy đến một vùng phá rộng lớn. Đó là một địa thế chiến lược vững chắc, các ông đã chọn để rèn luyện quân binh; trước mặt làng là một vùng đất: “Cửu khúc long khê” rộng lớn, trù phú, màu mỡ, thuận tiện cho việc phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực phục vụ cho dân tại chỗ và dự trữ quân lương.
 
Về sau nhiều đoàn dân binh khác trên đường vào Nam đã dừng lại trên mảnh đất ba ông đã chọn, xây dựng nên làng Cao Lao Hạ, gồm 24 họ tộc, nay là xã Hạ Trạch. Địa linh sinh nhân kiệt, từ đó đến bây giờ, làng Cao Lao Hạ phát triển không ngừng. Cùng với sự phát triển của làng xã, dòng họ Lưu Văn Tiên từ đó cũng không ngừng phát triển, đến nay đã trải qua 18 đời sinh sôi nảy nở.
 
- Từ đời thứ nhất đến đời thứ sáu, nối dõi mỗi đời chỉ được một ông.
- Đến đời thứ sáu, Ông Tổ Lưu Văn Hành, chức Tướng thần lại tư, tước Quý phúc công, sinh hạ ra 5 quý tử. Từ đó dòng họ Lưu Văn Tiên phát triển thành 5 nhánh ngày càng nhiều con đông cháu.  
        
Không biết từ bao giờ dân gian đã phong tặng cho dòng họ Lưu Văn Tiên là họ Lưu Quan. Phải chăng dòng họ đã sinh ra nhiều nhân kiệt do hiếu học, vượt khó, chịu khổ, chăm lo học hành nên đã đỗ đạt cao, ra đảm trách, gánh vác các công việc của triều đình, tỉnh, phủ, huyện, tổng, làng, xã; đã đem hết sức mình ra phục vụ đất nước, phục vụ dân lành nên được dân gian phong tặng như vậy.
 
Theo gia phả Hán Nôm để lại, trong xã hội phong kiến, dòng họ Lưu Văn Tiên đã có nhiều người từng gánh vác trách nhiệm trong triều đình, ở phủ, ở huyện, ở tổng, ở làng xã. Ở đây, chúng tôi muốn nêu lên một số nhân vật tiêu biểu từ đời thứ bảy đến đời thứ mười bốn.
 
- Ngài Lưu Văn Tô :       Cai hợp duy hàm bá
- Ngài Lưu Văn Chiên :  Vũ công đô úy đội trưởng
- Ngài Lưu Văn Xướng : 2 bằng Cử nhân, đồng tác giả “Đại Nam nhất thống chí”
- Ngài Lưu Văn Thiệp :   Hàn lâm viện Thị độc học sĩ
- Ngài Lưu Văn Bình :    Phó bảng, Ngoại lang Bộ Hình, Hàn lâm viện Thị độc học sĩ
- Ngài Lưu Đức Xưng :   Cử nhân, Thượng thư Bộ Lễ
- Ngài Lưu Trọng Kiến : Cử nhân, quan Tri huyện (Nhà thờ Kỳ Sơn)
- Ngài Lưu Đức Tuân :    Cử nhân, quan Tri phủ
- Ngài Lưu Đức Vinh :    Cử nhân, quan Huấn đạo (Tỉnh trưởng)
- Ngài Lưu Đức Hàn :     Chánh tổng
- Ngài Lưu Bá Kỳ :         Chánh tổng
- Ngài Lưu Điệt :            1 trong 4 nhân vật nổi tiếng trong phong trào Cần Vương
- Ngài Lưu Đức Nhu :     Cửu phẩm,dạy học
- Ngài Lưu Đức Chước :  Nhà giáo
- Ngài Lưu Quý Khản :   Nhà giáo
 
Từ Cách mạng tháng 8 đến nay, từ đời thứ 14 đến đời thứ 18, con cháu họ tộc Lưu Quan hết sức hiếu học, chịu khổ, vượt khó, tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành để trở thành những người con ưu tú phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng tổ quốc vững mạnh. Trong từng lĩnh vực, con cháu họ Lưu Quan đều đảm trách những công việc quan trọng và cống hiến nhiều công sức, trí tuệ cho đất nước, quê hương:
 
Trong lĩnh vực quân sự: Họ Lưu Quan đã từng đóng góp nhiều người con ưu tú vào quân đội. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng từ 185-200 người con đã nhập ngũ, phục vụ trên các chiến trường khác nhau, ở đâu các quân nhân cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống của dòng họ. Có người ngã xuống nơi chiến trường, nhiều người xuất ngũ với nhiều thương tích trên người, về quê hương vẫn tham gia những công việc xã hội giao cho và hoàn thành xuất sắc.
 
Nhiều người mẹ chỉ biết ngóng trông chồng con ra mặt trận và những người chồng, người con đó đã hy sinh,những người mẹ đó đã trở thành những người mẹ anh hùng của dân tộc Việt Nam,đó là :
 
- Bà Lưu Thị Én.
- Bà Lưu Thị Thuyết
- Bà Lưu Thị Con
- Bà Nguyễn Thị Tùy (Vợ liệt sĩ Lưu Văn Chu).
 
Đã có 11 liệt sĩ bỏ mình lại trên các chiến trường, 23 người con mang thương tật suốt đời trong mình.
 
Trong quân ngũ, nhiều người đã phấn đấu chăm chỉ học hành để trở thành những tướng tài, tá giỏi, tiêu biểu như:
 
- Ông Lưu Bá Xảo :      Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Lục Quân 1.
- Ông Lưu Quý Ngữ :    Đại tá, Chính ủy Quân khu.
- Ông Lưu Trọng Lân : Nhà quân sự, Nhà văn.
- Ông Lưu Đức Thọ :    Thượng tá, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn.
- Ông Lưu Đức Lợi :     Thượng tá.
- Ông Lưu Anh Tuấn :  Thượng tá, Bộ đội Biên phòng
   và nhiều sĩ quan cấp tá, cấp úy khác…
 
Trong lĩnh vực văn hóa :
 
Họ Lưu Quan đã từng đóng góp nhiều nghệ sĩ, văn sĩ ưu tú cho dân tộc, làng xã tiêu biểu như :

-  Ông Lưu Trọng Tuần : Nhà thơ.
-  Ông Lưu Trọng Lai (Nhà thơ Kỳ Linh) : Nhà thơ.
- Ông Lưu Trọng Lư : Nhà thơ lớn, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh,Danh nhân văn hóa dân tộc, Tổng thư ký hội Sân khấu Điện ảnh Việt Nam
- Ông Lưu Trọng Hồng : Tiến sỹ, Cục trưởng Cục Điện ảnh.
- Ông Lưu Trọng Ninh :  Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú…
 
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước :
 
Họ Lưu Quan đã từng đóng góp nhiều người con ưu tú, tiêu biểu như :
 
- Ông Lưu Trọng Lạc :      Cục trưởng Bộ Lương thực.
- Ông Lưu Đức Khiêm :    Cục trưởng Cục Đường sắt.
- Ông Lưu Đức Hồng :      Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển.
- Ông Lưu Hữu Túy :        Chuyên viên cao cấp, Bí thư đảng ủy khối Nông nghiệp phía Nam.
- Ông Lưu Quý Dịch :       Chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng.
- Bà Lưu Thị Thanh Sơn : Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch,Vụ Lương thực thực phẩm.
- Ông Lưu Văn Đăng :      Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh, Bí thư huyện ủy.
- Ông Lưu Minh Thành :   Bí thư Đảng ủy, Giám đốc vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
- Ông Lưu Đức Hải :         Tiến sỹ, Trưởng Ban nghiên cứu…
 
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo :
 
Con cháu dòng họ Lưu Quan đã đóng góp nhiều giáo viên xuất sắc từ tiểu học đến đại học, tiêu biểu như :
 
- Ông Lưu Trọng Thùy : Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm.
- Ông Lưu Đức Trung :  GS.TS, giảng viên trường Đại học Hà Nội;
- Ông Lưu Bá Phùng :  Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên. - Ông Lưu Quý Thoái : Giảng viên trường Đại học Kinh tế Kế hoạch…
 
Trong ngành giao thông vận tải :
 
- Ông Lưu Minh Châu :     Kỹ sư, Trưởng ban A sở STVT Bình Trị Thiên.
- Ông Lưu Đức Diệm :       Kỹ sư đường sắt.
- Ông Lưu Trọng Hải :       Kiến trúc sư trưởng.
- Ông Lưu Bá Hồng Anh : Thạc sỹ, Kỹ sư, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở Xây dựng…
 
Trong lĩnh vực kinh tế :
 
Con cháu họ Lưu có rất nhiều người làm ăn phát đạt, trở thành những doanh nhân tiêu biểu :
 
- Ông Lưu Quý Hà (Sài Gòn).
- Ông Lưu Đức Ngọc (Đồng Hới)
- Ông Lưu Minh Tường (Đồng Hới)
- Ông Lưu Bá Ngọc (Hà Nội).
 
Ngay trên quê hương thân yêu này, cũng đã xuất hiện những người làm ăn giỏi để mọi người trong xã hội noi theo như :
 
- Ông Lưu Đức Sơn
- Ông Lưu Văn Tham
- Ông Lưu Quý Văn
   và rất nhiều những người con cháu khác.
 
Trong lĩnh vực y tế, vì sức khỏe của cộng đồng :
 
Họ Lưu Quan đã đóng góp rất nhiều y, bác sỹ tài giỏi, phục vụ ở khắp các bệnh viện khác nhau, từ chiến trường đến địa phương, một số bác sĩ tiêu biểu như :
 
- Ông Lưu Đức Thọ :           Bác sĩ, Chủ nhiệm quân y sư đoàn.
- Bà Lưu Thị Tuyết Lê :      Trưởng khoa.
- Ông Lưu Trọng Huỳnh :   Giám đốc bệnh viện.
- Bà Lưu Thị Minh Hường : Trưởng khoa
   và nhiều bác sĩ, y sĩ khác…
 
Trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội, họ Lưu Quan đã đóng góp nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư,cử nhân cho đất nước, quê hương. Trong công tác xây dựng quê hương làng xã, con cháu họ Lưu Quan đã cùng với con cháu 23 dòng họ của xã đã xây dựng thành một khối đoàn kết nhất trí cao, cùng nhau tìm ra những phương thức làm ăn có mới có hiệu quả kinh tế lớn nhằm xây dựng xã ta thành một xã giàu có. Đi đầu trong công tác xây dựng giao thông nông thôn, bê tông hóa các đường giao thông trong xã như xóm 9, xóm 10, xóm 19 và nhiều xóm khác.
 
Nếu như trước đây ông Lưu Trọng Dư đời thứ 14 – một nhà thuốc có nhiều công lớn kêu gọi, động viên,tổ chức dân làng góp công, góp của xây dựng đình Hạ, nạo vét, khơi thông từng lạch Cửu khúc Long Khê để phục vụ sản xuất nông nghiệp làm giàu cho làng xã thì hiện nay, trong việc xây dựng lại đình làng con cháu họ Lưu Quan đóng góp công không ít.
 
Ngoài việc trình bày ý tưởng xây dựng lại đình làng với lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, sau khi được Đảng, chính quyền và 24 dòng họ trong xã thống nhất, con em họ Lưu Quan nhiệt tình, đi đầu trong việc kêu gọi con em trên mọi miền đất nước cũng như nước ngoài hưởng ứng đóng góp sức lực, trí tuệ, tiền của để xây dựng lại đình làng. Con cháu trong họ đã góp hàng trăm triệu đồng.
 
Đặc biệt có những người đã đóng góp với số lượng tiền rất lớn như :
 
- Ông Lưu Đức Hồng (Hà Nội) :         60.000.000 VND  
- Ông Lưu Trọng Hải (Sài Gòn) :       25.000.000 VND
- Ông Lưu Quý Hà (Sài Gòn) :           20.000.000 VND
- Ông Lưu Minh Tường (Đồng Hới) : 20.000.000 VND
- Họ Lưu ở Đồng Hới :                       47.000.000 VND
- Các nơi khác không nộp theo họ nên không thống kê được.
 
 Lễ Khánh thành Đình làng Cao Lao Hạ, Quảng Bình - Ảnh : Bùi Xuân Hoàng

Dòng họ Lưu Quan, Hạ Trạch đóng góp được nhiều người con ưu tú cho đất nước, quê hương là do dòng họ có truyền thống hiếu học, chịu khổ, vượt khó, tu dưỡng,  vươn lên trong học tập để thành danh. Không những trong nước nhà mà ở cả nước ngoài nhiều người con xa xứ của dòng họ vẫn phát huy được truyền thống hiếu học của họ tộc, có nhiều người được cấp bằng tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, bác sỹ tiêu biểu như:
 
- Ông Lưu Trọng Hà :        Tiến sỹ sinh học.
- Ông Lưu Trọng Hồ :        Tiến sỹ dược.
- Bà Lưu Trọng Xuân An : Tiến sỹ, Cố vấn Thủ tướng Canada


Đặc biệt, sau năm 1975 dân tộc được hoàn toàn giải phóng, đất nước trở về một mối, con cháu họ Lưu Quan càng phát huy truyền thống hiếu học của họ tộc, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay họ tộc có hàng trăm con em tốt nghiệp từ đại học trở lên, trong đó có hàng chục tiến sỹ, thạc sỹ, nhiều gia đình đã phổ cập đại học, có những gia đình phần lớn cha mẹ, con cái đều là tiến sỹ, thạc sỹ tiêu biểu như gia đình ông Tiến sỹ Lưu Đức Hồng, hai cha con đều là tiến sỹ (con trai là Tiến sỹ Lưu Đức Hải); gia đình ông Lưu Đức Quế, cha mẹ, con cái đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 03 người con có bằng Thạc sỹ.
 
Đặc biệt, đời thứ 17 có cháu Lưu Đức Hiếu, cháu nội của ông Lưu Đức Hồng được nước Mỹ cấp học bổng toàn phần sang Mỹ học ở một trường Đại học lớn của Mỹ.

 
Với truyền thống hiếu học của dòng họ Lưu Văn Tiên qua nhiều triều đại, UBND tỉnh Quảng Bình đã công nhận họ Lưu Quan Hạ Trạch là một trong bốn dòng họ hiếu học xuất sắc của tỉnh Quảng Bình, với thành tích đó, hội Khuyến học Trung ương đã cấp bằng khen hiếu học cho dòng họ và đuợc tỉnh, huyện cấp nhiều giấy khen. Nếu như ngày xưa dân gian phong cho dòng họ Lưu Văn Tiên là dòng họ Lưu Quan thì hiện nay, trên các văn bản, bằng khen, giấy khen của chính quyền, của các đoàn thể chính thức được mang tên dòng họ Lưu Quan xã Hạ Trạch đã thành dòng họ Lưu Quan thực thụ do chính quyền và các cơ quan thừa nhận.
 
Những người lược trích lịch sử họ tộc:
 
- Ông Lưu Quí Dịch (Đời 14)
- Ông Lưu Văn Trọng (Đời 14)
- Ông Lưu Thái Dư (Đời 15)
- Ông Lưu Bá Phùng (Đời 16)
 
 
Trích nguồn : caolaoha.com


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)