Ξ|Ξ   KHUYẾN HỌC ::. TUỔI TRẺ LƯU TỘC VƯỢT KHÓ.
Đăng ngày 7/8/2012
E-mail     Bản in

Nghị lực của chàng trai có “gương mặt quỷ”
Cuộc đời của Lưu Viết Kiên ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hoà (Thanh Trì, Hà Nội) được viết lên như một chuyện cổ tích thời hiện đại, ở đó ý chí đã chiến thắng định mệnh nghiệt ngã...
 

Tuổi thơ 5 lần trên bàn mổ…
 
Tôi tình cờ gặp Kiên trong một lần đi thăm Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề từ thiện ở Thanh Trì. Ánh mắt của Kiên đã làm tôi ấn tượng, nhưng rồi lại ám ảnh bởi khuôn mặt dị dạng của em. Tôi ám ảnh không phải vì sợ hãi, mà ám ảnh bởi tôi nhận ra "con ác quỷ" đang án ngự trên khuôn mặt em chính là sản phẩm của thứ chất độc hủy diệt mà đế quốc Mỹ đã trút xuống Việt Nam trước kia. Mãi sau này tôi mới biết em là một người thợ, người thầy chuyên sửa chữa điện thoại, điện dân dụng rất giỏi.

Hôm đó Kiên đến Trung tâm từ thiện để truyền nhiệt, nghị lực vượt khó cho các bạn cùng cảnh ngộ tại Trung tâm. Khuôn mặt của Kiên bị một khối u to như cái bát to kéo lệch hẳn nửa khuôn mặt sang một bên, toàn thân nổi đầy mụn nhọt sần xù. Để cắt bỏ đi khối u trên mặt, Kiên đã phải trải qua tới 5 lần phẫu thuật.

 Lưu Viết Kiên bên cửa hàng của mình
Lưu Viết Kiên bên cửa hàng của mình

Mỗi lần mổ, gia đình Kiên lại chụp lại một tấm hình để so sánh. 5 lần lên... bàn mổ là 5 lần Kiên và gia đình mang theo hi vọng cắt đứt "quan hệ" với "con ác quỷ". Con mắt bên phải của Kiên cũng đã bị khoét đi để mong cứu lấy khuôn mặt, nhưng rồi lại thất vọng khi con ác quỷ - dioxin không chịu buông tha, nó cứ bám lấy mặt em như con bạch tuộc bám lấy con mồi vậy. Cắt vòi này lại mọc ra vòi khác dài hơn, ác độc hơn... nên cuối cùng mắt Kiên vẫn mù, còn mặt thì ngày càng dị dạng... 

Theo lời kể của ông Lưu Viết Thanh, bố của Kiên: năm 1965, cũng như bao chàng trai khác đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ ở đơn vị C3, D112, E595, F377 - thuộc Bộ Tư lệnh 559, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1968, ông bị thương nặng nên được chuyển ra Nghệ An điều dưỡng, tại đây ông đã gặp bà Trần Thị Hạnh một người phụ nữ xinh đẹp, quả cảm xứ Nghệ và hai người đã đến với nhau.

Tháng 4/1975 hòa bình lập lại, ông đưa vợ về Hà Nội sinh sống và lần lượt 5 đứa con của ông đã ra đời. Bốn anh chị của Kiên đều khỏe mạnh cả, riêng Kiên khi vừa tròn 1 tuổi, bỗng bên mắt phải xuất hiện một cục thịt to bằng hạt đậu, lúc đầu trông rất bình thường càng về sau càng to dần lên. Tuy túng quẫn nhưng thương con, vợ chồng bác Thanh đành phải bán tạm mấy tạ lúa non để đưa con đi khám. Bác sĩ bảo cháu bị u xơ thần kinh phải mổ, nhưng không biết lấy đâu ra tiền nữa nên vợ chồng bác đành ngậm ngùi đưa con về nhà.

Kiên và bố bên ngôi nhà cổ đã xuống cấp của gia đình.
Kiên và bố bên ngôi nhà cổ đã xuống cấp của gia đình.

Đến tuổi đi học, cũng là lúc khối u trên mặt Kiên to như cái bát tô, thấy khuôn mặt "quái dị" nên bạn bè hay trêu chọc. Thậm chí có người lớn còn ác độc lấy Kiên ra để dọa những đứa trẻ hư, nên nhiều đứa trẻ nhắc đến tên Kiên, chúng sợ như sợ một "ngáo ộp" vậy! Bởi vậy, Kiên thường xuyên chui vào xó tối để giấu mặt. Khi đang học dở lớp 6, nghĩ bỏ học là liệu pháp tốt nhất để tránh bị chúng bạn trêu chọc,  Kiên đã quyết định ở nhà.

Tuy nghỉ học nhưng hàng ngày nghe chúng bạn gọi nhau đến trường, ngồi trong góc bếp Kiên lại lén nhìn qua khe cửa rồi chợt nhớ đến tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký và những bạn khuyết tật vượt khó mà cô giáo kể, Kiên vội kéo vạt áo lau vội những giọt nước mắt, bởi mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Khi Kiên đang vẩn vơ suy nghĩ, thì cô giáo chủ nhiệm Trịnh Thị Na đến nhà thăm hỏi. Như tỉnh lại sau cơn mê Kiên đã xin lỗi cô giáo và xin cô cho trở lại lớp học.
 
Em không muốn làm người thừa!
 
Năm 2002, bệnh của Kiên ngày một nặng, bắt buộc phải mổ nếu muốn kéo dài sự sống. Nhưng khổ nỗi tiền không có, đồ đạc trong nhà cũng đã bán hết. Đang lúc cùng cực nhất, thì Kiên may mắn gặp một đoàn từ thiện của Pháp, khi họ thăm và làm từ thiện tại Bệnh viện Việt Đức. Khi biết hoàn cảnh của Kiên, đoàn từ thiện Pháp đã tài trợ toàn bộ chi phí cho ca mổ để cắt bỏ khối u trên mặt của Kiên.

Đặc biệt trong quá trình điều trị có một bác sĩ trong đoàn tên là Catherine thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên em. Trước lúc trở về Pháp, bà Catherine đã trao đổi với ông Thanh và bà Hạnh ngỏ ý nhận đỡ đầu cho Kiên và tình nguyện chu cấp một khoản tiền nho nhỏ hàng tháng cho Kiên suốt đời.

"Cuộc đời em dường như em đã trải qua tất cả các cung bậc của cảm xúc. Vui rồi lại buồn, lại thất vọng và rồi lại hi vọng. Đã nhiều lần em ôm những tấm hình "dị dạng" khóc đến nghẹn cổ, rồi nghĩ cả đến cái chết. Nhưng rất may em đã kịp nghĩ lại, chứ không mình đã phụ lòng bố mẹ, người thân và những người yêu thương giúp đỡ mình!" - Kiên tâm sự.

Cảm phục trước tấm lòng của bà Catherine, vợ chồng bà Hạnh mừng đến rơi nước mắt. Kể từ đó Kiên có thêm một người mẹ nuôi ở bên kia bán cầu. Tuy xa cách về khoảng cách địa lí, nhưng bà Catherine vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi Kiên và gia đình thông qua Đại sứ quán.

Năm 2003, gia đình đưa Kiên lên Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân để học nghề sửa điện thoại. Đúng là ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Mặc dù nhiều hôm Kiên phải nghỉ học vì bệnh tật, nhưng bù lại Kiên rất thông minh và học nghề rất nhanh. Với bản tính cần cù, chịu khó sau mỗi buổi học Kiên lại mượn phụ kiện của nhà trường về nhà học. Hết tháo rồi lại lắp và Kiên đã thành một thợ giỏi chuyên "bắt bệnh" điện thoại từ lúc nào không hay.
 
"Người bình thường để học được nghề cho ra nghề đã khó, với người khuyết tật như em còn khó gấp bội. Khổ nhất là những lúc trái gió trở trời người em lại đau ê ẩm,  nhiều lần em đã định bỏ cuộc. Nhưng  cứ nghĩ đến niềm hi vọng mà những người thân yêu đặt vào mình, em lại nghiến răng chịu đau học tiếp. Bởi em không muốn làm người thừa!" - Kiên chia sẻ. Đặc biệt, những bức thư của mẹ nuôi gửi về như tiếp thêm sức mạnh cho em vượt qua mọi khó khăn, thử thách… 
 
Đầu năm 2006, Kiên ra trường trở về quê ý định mở cửa hàng sửa chữa điện thoại. Nhưng ngặt nỗi vốn không có, nên em buộc phải lên Từ Liêm làm phụ với thầy giáo. Một thời gian dành dụm được ít vốn, Kiên kết hợp với bạn của anh trai đã mở một quán chuyên chữa điện thoại, điện dân dụng. Với tay nghề giỏi, cộng với tính cẩn thận, nên quán "Quân - Kiên" được rất nhiều người tin tưởng. Tiếng lành đồn xa, khách sửa điện thoại, máy bơm, quạt điện... ở tận Thanh Xuân, Hà Đông cũng tìm về nhờ Kiên sửa. Và cái tên “Kiên điện thoại, điện dân dụng” đã trở thành thương hiệu, địa chỉ quen thuộc cho nhiều bạn trẻ trong đó đa số là người đồng cảnh ngộ đến sửa chữa và học nghề./.
 

 

Theo Phạm Lão Pháp luật Việt Nam


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)