Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Quảng Nam.
Đăng ngày 7/7/2016
E-mail     Bản in

Tộc Lưu Văn - Thôn Thạnh Mỹ, Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam
Quá trình hình thành và phát triển Tộc Lưu Văn - Thôn Thạnh Mỹ, Xã Quế Xuân 1 (làng Dưỡng Mông cũ) Huyện Quế Sơn, Quảng Nam

Từ đường Tộc Lưu Văn - Thôn Thạnh Mỹ, Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam

LƯỢC SỬ GIA TỘC:

Trên bước đường di dân Nam tiến của dân tộc vào thế kỷ thứ XV, đặc biệt sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tông vào mùa xuân năm 1471, Thừa tuyên Quảng Nam ra đời và từ đó sự quần tụ của cư dân theo trào Nam tiến tại vùng đất mới này bắt đầu phát triển.

Theo như Gia phả ghi chép lại, Ngài Cao Tổ tộc Lưu Văn xuất thân từ vùng đất thuộc Nghệ An tỉnh, Đức Thọ phủ (nguyên Đức Quang phủ), Nghi Xuân huyện, Tam Đa tổng (nguyên Tam Chế hựu Tam Đăng), Quả phẩm xã (nguyên Ba Phẩm xã) , Sung Mỹ thôn, vào làng Dưỡng Mông, Quảng Nam sinh cơ lập nghiệp.

Với bề dày truyền thống của gia tộc, nhiều vị tiền hiền đã có công với đất nước và được phong các chức sắc như:
  • Bút tri Huân hầu Lưu Quý Công.
(Liệt vị Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
  • Chánh Đề Lãnh Hùng Lương hầu Lưu Quý Công.
(vị liệt Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
  • Khâm Lý Phủ Đặng Võ hầu Lưu Quý Công.
(vị liệt Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
  • Phó Đề đốc Đông Lương hầu Lưu Quý Công.
  • (vị liệt Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
  • Chánh Đề đốc Tài Lộc hầu Lưu Quý Công.
  • (vị liệt Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
  • Chánh Đề đốc Vinh Lộc hầu Lưu Quý Công.
  • (vị liệt Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
  • Ký phủ Nhuệ thắng tử Lưu Quý Công.
  • (vị liệt Tiên hiền Hương yên vĩnh thế)
Có nhiều Ngài được vua ban các chức sắc như :
- Ngài Lưu Văn Toán (Đời thứ 8) làm đến chức Tham tri hương sự đã có công kiến bộ khai điền được vua Gia Long ban thưởng vào năm Gia Long thứ 13 (1815)
 - Ngài Lưu Văn Trí (Đời thứ 8) đầu quân có công trạng và đến năm Gia Long thứ 15 (1817) được sắc phong Hãn Đức hầu.
- Ngài Lưu Văn Vân (Đời thứ 8), chức Tham tri hương sự, có nhiều công trạng trong việc chăm dân như làm đình, sức dân đắp đường, xin cấp đê phu, đơn lấy đất Quan Trại 9 mẫu cấp cho dân nghèo.
 - Ngài Lưu Văn Thọ (Đời thứ 10), nhà nghèo học giỏi, thi đậu khoa Hiền Lương triều Tự Đức vào năm Tự Đức thứ 16. Khi đậu xong được vua ban yến tiệc cấp bằng ban thưởng và cho vinh quy bái Tổ. Sau đó, Ngài vâng chiếu chỉ của nhà vua quy dân lập ấp và Ngài tự xuất của nhà để lo việc đó. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) Ngài phục lập được xã Long Phước, thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay thuộc huyện Tam Kỳ). Đến năm Thành Thái thứ 3 (1891), Ngài lại phục lập được xã Mậu Chánh thuộc tổng Quảng Đợi, huyện Duy Xuyên. Dân chúng hai xã ấy tôn Ngài làm vị tiền hiền thường niên phụng tự.
 
     Từ các đời thứ 11 đến nay có nhiều Ngài đôn quân lập công trạng và được phong các chức sắc đến thất phẩm như Ngài Lưu Văn Thành , Lưu Văn Huyền, Lưu Văn Trí, Lưu Văn Quốc, Lưu Văn Thám, Lưu Văn Quát, có Ngài thi đỗ Tú tài và ra dạy học như Ngài Lưu Văn Quỳ, Ngài Lưu Văn Tụy. (theo Gia phả phụng tu vào năm 1914).

         Tộc Lưu Văn thôn Thạnh Mỹ, cựu làng Dưỡng Mông đã vào đến làng Dưỡng Mông (cũ) của huyện Quế Sơn, Quảng Nam ngày nay sinh cơ lập ấp từ khá lâu. Theo như Gia phả ghi chép lại, tính đến nay ước tính khoảng chừng bốn tram hoặc năm trăm năm. Qua thời gian dài, con cháu sinh sôi nảy nở và sinh sống ở quanh làng, bên cạnh đó cũng không ít con cháu di cư và sinh sống ở trên nhiều miền của Tổ quốc và ở nước ngoài do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  1. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG TỪ ĐƯỜNG:
          Sau khi chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại vào năm 1975, phần lớn về kinh tế gia đình của các con cháu trong tộc cũng còn rất nhiều khó khăn, nhưng việc cúng giỗ hay sinh hoạt hội họp, Tộc cũng được duy trì trở lại như thời kỳ trước kia mà ông cha đã làm.

           Qua nhiều năm, Tộc xét thấy nếu tình hình đó kéo dài mãi thì rất khó khăn cho con cháu sau này không biết nơi cội nguồn dòng tộc để về viếng thăm và hương khói Tổ tiên. Xuất phát từ sự trăn trở đó, Hội đồng Gia tộc (HĐGT) quyết định mở cuộc họp vào ngày 13 tháng 6 năm 1991 (nhằm ngày mồng 02 tháng 5 năm Tân Mùi) triệu tập toàn thể con cháu trong tộc về họp để bàn việc trọng đại xây dựng ngôi Từ Đường.

           Nhưng vấn đề khó khăn nhất trong giai đoạn này là không có mặt bằng đất để xây dựng Nhà thờ Tộc, vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, đất đai là tài sản thuộc nhà nước quản lý toàn bộ, nên việc xin đất để làm Từ đường là vấn đề không khả thi.

          Trong những lúc khó khăn như thế lại xuất hiện những tấm lòng hảo tâm, những suy nghĩ và nhận thức đúng đắn, kịp thời trong việc hiến cúng tài sản (đất đai) để có nơi thờ phụng Tổ tiên. Đó là tấm lòng cao thượng của hai chị em ruột thuộc thế hệ con cháu đời thứ 13: Cô Lưu Thị Hiệp và Ông Lưu Văn Thanh (tục gọi là Chú Ba Cọng - Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã thống nhất cao trong gia đình và phát tâm hiến cúng cho Tộc một mảnh đất thổ cư với diện tích là 300 m2. Trên tinh thần đó, HĐGT nhanh chóng quyết định thành lập Ban Xây dựng  với các thành phần như sau:
  1. Ông Lưu Văn Trúc - Trưởng tộc (Đời 12):  Trưởng Ban Xây dựng
  2. Ông Lưu Văn Thăng (Đời 12) - Ủy viên
  3. Ông Lưu Văn Chẩm - Phó Trưởng tộc (Đời 13): Phó Ban Xây dựng kiêm Thủ quỹ.
  4.  Ông Lưu Văn Chất - Phó Trưởng tộc (Đời 13): Phó Ban Thường trực - Phụ trách tại hiện trường thi công.
  5. Ông Lưu Văn Tích (Đời 14): Phó Ban Xây dựng
  6. Ông Lưu Văn Hường (Đời 13): Ủy viên - Phụ trách nguyên vật liệu
  7. Ông Lưu Văn Phận (tức Chức) (Đời 13): Ủy viên
  8. Ông Lưu Văn Dũng (Đời 13): Ủy viên
  9. Ông Lưu Văn Mài (Đời 14): Ủy viên - Phụ trách công tác vận động
  10. Ông Lưu Văn Bảy (Đời 14): Ủy viên - Phụ trách công tác thiết kế
  11. Ông Lưu Văn Tăng (Đời 13): Ủy viên - Phụ trách thường niên.
  12. Ông Lưu Văn Dũng (Đời 13): Ủy viên - Phụ trách thường niên.
  13. Ông Lưu Văn Ấn (Đời 14): Ủy viên
  14. Ông Lưu Văn Hoàng (Đời 14): Ủy viên - Thư ký HĐ Tộc
  15. Ông Lưu Văn Chân (Đời 14): Ủy viên – Giám sát kỹ thuật (Trích sao y biên bản số 02 họp ngày 16 tháng 6 năm 1991 – nhằm ngày mồng 05 tháng 5 năm Tân Mùi và biên bản số 03 ngày 07/7/1991 – nhằm ngày 26 tháng 5 năm Tân Mùi).
            Qua cuộc họp, ông Lưu Văn Bảy (Đời 14): Ủy viên Ban xây dựng đã trình nhiệm sơ đồ thiết kế xây dựng Nhà thờ.

            Vì điều kiện kinh tế con cháu trong tộc còn khó khăn, HĐGT đưa ra phương án và định mức kinh phí đóng góp mỗi gia đình 100.000 đồng được chia ra làm 2 đợt (Đợt 1: thu từ ngày 12/7/1991 đến 17/7/1991; Đợt 2: thu từ ngày 21/7/1991 đến ngày 09/8/1991). Mỗi chi trong Tộc cử một người thu và nộp về cho ông Lưu Chẩm để tổng hợp nguồn kinh phí. Những trường hợp nào quá khó khăn có thể nộp vào nhiều đợt hoặc xét miễn giảm. Quy định mỗi gia đình con cháu trai của Tộc đều phải đóng góp vào 5 ngày công. Nếu vì điều kiện khách quan không tham gia được thì sẽ quy đổi ngày công ra tiền (5000đ/ngày – theo giá thị trường lúc bấy giờ); đồng thời các Chi có trách nhiệm thông báo cho con cháu gái được biết và vận động đóng góp vào công việc xây dựng nhà thờ. Nếu con cháu nào có khả năng thì tự nguyện đóng góp thêm. Nhân công do Ban Xây dựng điều động. Mỗi Chi phải có trách nhiệm huy động đủ công lao động phục vụ cho công trình để Nhà thờ Tộc được hoàn thành sớm trước mùa mưa lũ.
  1. Lịch sử xây dựng:
  1. Thời gian xây dựng:
  • Bắt đầu khởi công từ ngày 25/7/1991 (nhằm ngày 14 tháng 6 năm Tân Mùi).
  1. Kinh phí xây dựng:
    • Tiền mặt: vận động và thu được 16.411.600 VND.
    • Về hiện vật tài trợ cho gia tộc:
      • Gia đình cô Lưu Thị Ngà (Đời 13): ủng hộ 600 kg sắt.
      • Gia đình chú Lưu Văn Bốn (Đời 13): ủng hộ lót 3 căn gạch bông.
      •  
  2. Lễ An vị Ông Bà và Lễ Khánh thành Từ Đường:
           Với tinh thần nhiệt huyết không quản ngại khó khăn gian lao vất vả, các thành viên trong HĐGT và toàn thể con cháu quyết tâm nhất tề xây dựng cho được ngôi Từ đường Tộc để có nơi thờ phụng Tổ tiên ông bà được trang nghiêm tôn kính. Sau một thời gian xây dựng, ngôi Từ đường đã được hoàn thiện và HĐGT đã thống nhất tổ  chức Lễ An vị Tổ tiên ông bà vào lúc 7 giờ sáng ngày 08/10/1991 (nhằm ngày mồng 01 tháng 9 năm Tân Mùi)
 
TỪ ĐƯỜNG LƯU VĂN TỘC

      Qua đây ta cũng thấy được rằng sự thành công đó đã vượt quá tầm vóc và sự mong đợi của con cháu. Nếu tính chính xác thì công trình xây dựng  chỉ hoàn thành trong một thời gian quá ngắn ngủi (2 tháng 12 ngày) , trong điều kiện gặp vô vàn những khó khăn cả về tài lực, vật lực; thế nhưng ngôi Từ Đường Tộc Lưu Văn – thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã được xây dựng sừng sững, uy nghiêm trên mảnh đất hoang sơ trước đó, kết quả của một sự tư duy về Tổ tiên dòng họ và lòng quyết tâm cao của HĐGT, dám nghĩ, dám làm, thể hiện lòng nhiệt tình, và với tinh thần đoàn kết thống nhất cao của con cháu trai, con cháu gái.

      Từ đó đến năm 2016  đã trải qua 25 năm, 25 mùa mưa bão và nắng gió nhưng công trình vẫn còn nguyên vẹn dẫu cho thời gian năm tháng trôi qua. Tuy thời gian chưa phải là nhiều so với thời gian lịch sử của dân tộc,  nhưng trong mỗi con cháu Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ, Quế Xuân 1 cũng rất đỗi tự hào và sung sướng vui mừng đã có được một nơi thờ phượng tôn nghiêm cung kính ông bà Tổ tiên nhiều đời của Tộc mà các bậc tiền nhân trước kia từng ao ước nhưng chưa làm được.
  1. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA GIA TỘC:
KỶ NỆM 10 NĂM KHUYẾN HỌC TỘC LƯU VĂN
           Từ sau khi có ngôi Từ Đường, hằng năm con cháu ở mọi miền đều về dự các ngày giỗ kỵ của các Cụ Cao Tổ vào ngày 16/02 Âm lịch, giỗ Tiền hiền vào ngày 12/7 Âm lịch để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất đai, xây dựng làng xóm quê hương vào những thế kỷ trước.
 
CHÚ  LƯU VĂN CHÂN ĐỌC QUYẾT ĐỊNH KHEN THƯỞNG
     Mồ mả ông bà cũng được con cháu trùng tu khang trang, Từ Đường cũng được tu bổ thường xuyên và được nhiều con cháu tham gia hỗ trợ mua sắm như cô Lưu Thị Sáu, cô Lưu Thị Bảy đã trang bị cho tộc năm bộ lư đồng, bàn ghế để hội họp sinh hoạt  v.v…

    Từ năm 2006 đến nay (khoảng 10 năm) nhưng con cháu đã tổ chức được ba lần Đại Lế Kỳ siêu, Trai đàn Chẩn tế, tổ chức phát quà từ thiện cho các bà con sinh sống trên địa bàn quê hương còn gặp nhiều khó khăn. Tộc luôn ghi nhận những tấm lòng hiếu kính của các con cháu trai gái, dâu rể,  nội ngoại đã có nhiều công lao đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần trong việc xây dựng gia tộc như gia đình cô Lưu Thị Ngà, cô Lưu Thị Giá, gia đình chú Lưu Văn Bốn, anh Từ Văn Phước, gia đình chú Lưu Văn Tùng, chú Lưu Văn Lộc, cô Lưu Thị Thanh Xuân, gia đình cô Lưu Thị Ánh, gia đình chú Lưu Văn Huỳnh, gia đình Bác Quế, gia đình chú Lưu Văn Bổn, anh Lưu Văn Mài, anh Lưu văn Ấn, gia đình cháu Lưu Văn Vụ, Lưu Văn Tấn, Lưu Văn Thời, Lưu Văn Thủy, Lưu Văn Cường (Thủy Em), chú Lưu văn Thóa, chú Lưu Văn Tùng, Quảng, Nam,  Danh, Thoại, Tấn, Bảy v.v...
       Trong quá trình xây dựng và phát triển, Tộc chú trọng đến công tác khuyến học khuyến tài, củng cố và xây dựng Hội Nàng Dâu (HND) và một số công tác khác, cụ thể như sau:
  1. Công tác khuyến học khuyến tài:
  • Ngày Chi hội Khuyến học Việt Nam ra đời vào ngày 02 tháng 10 năm 1996 và sau này vào ngày 16/9/2008 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1271/ QĐ-TTg lấy ngày 02 tháng 10 hằng năm làm Ngày Khuyến học – Khuyến tài trên toàn quốc.
 
LỄ PHÁT THƯỞNG NGƯỜI CÓ CÔNG XÂY DỰNG TỘC
Với ý nghía đó, cách đây 10 năm, vào năm 2002, hưởng ứng phong trào Khuyến học Việt Nam, Tộc Lưu Văn làng Dưỡng Mông, thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam kêu gọi con cháu đồng tâm hiệp lực quyết tâm xây dựng phong trào khuyến học khuyến tài nhằm mục đích khuyến khích con cháu trong Tộc có ý thức rèn đức luyện tài, nâng cao nhận thức hiểu biết, trân trọng giữ gìn giá trị truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Với suy nghĩ đó, HĐGT quyết định thành lập Chi hội Khuyến học của Tộc và đưa Hội vào hoạt động hằng năm. Qua 13 năm, nhiều gia đình trong Tộc đã có nhiều cháu học giỏi, thi đạt giải các cấp, thi đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học, nhiều gia đình có truyền thống hiếu học được tiếp nối ở nhiều thế hệ, Chi hội Khuyến học của Tộc đã tuyên dương và phát thưởng cho số học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp ( từ mẫu giáo, Tiểu học, THCS đến HSTT, HSG cấp III) là 550 giải; HS thi đạt giải cấp huyện ( quận) là 36 giải, cấp tỉnh ( thành phố) đạt 22 giải, cấp quốc gia đạt 03 giải, Olimpic Miền Trung và phía Nam đạt 03 giải, 01 giải nhất toàn quốc thi giải toán trên máy tính Casio do báo Tuổi thơ tổ chức, 45 cháu thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH nâng tổng số phần thưởng lên 683 lượt được phát thưởng với tổng số tiền thưởng trong 13 năm qua khoảng trên 70 triệu đồng.
 
 Đây chỉ là con số thống kê trong phạm vi của xã và các vùng phụ cận ( không kể ở các tỉnh thành phố khác). Tộc hiện nay có nhiều cháu đã là cử nhân, kỹ sư, giáo viên, bác sĩ, nhiều vị đỗ thạc sĩ, tiến sĩ tham gia làm việc ở các cơ quan nhà nước và tư nhân, cụ thể có 30 cử nhân, 15 kỹ sư, 05 giảng viên công tác ở các trường Đại học, 04 thạc sĩ, 02 tiến sĩ. Ngoài ra Hội còn chú trọng đến công tác hỗ trợ cho các cháu thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập. Chi hội Khuyến học đã trao tặng được 24 lượt suất học bổng cho 10 cháu có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng nhằm hỗ trợ cho các cháu có điều kiện tiếp bước đến trường với tổng số tiền là 12.000.000 đồng ( trong đó Hội Nàng dâu đã tiết kiệm và trích chi ủng hộ được 04 suất).Tộc nhiều năm qua đã được UBND xã Quế Xuân 1 khen tặng là Tộc văn hóa, Tộc có nhiều thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài và đã được Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam khen tặng là Dòng họ hiếu học vào năm 2013.
 
TỘC  LƯU VĂN TRAO TẶNG
TIỀN XÓA NHÀ TẠM CHO GIA ĐÌNH CHÚ LƯU VĂN CÁCH


 
Công tác Hội Nàng Dâu:
  • Song song với hoạt động khuyến học khuyến tài, Hội Nàng dâu cũng là một hoạt động không thể nào thiếu được đối với một gia tộc trong thời đại hiện nay. Để phát huy về vai trò con cháu dâu trong tộc và trở thành điểm tựa bờ vai vững chắc trong mỗi gia đình, vào tháng Giêng năm Đinh Hợi (2007), HĐGT quyết định thành lập Hội Nàng Dâu (HND); từ đó đến nay HND đã đi vào hoạt động thực sự có hiệu quả. Hội tổ chức thăm viếng nàng dâu lúc ốm đau hoặc đến động viên chia sẻ và tặng quà các gia đình có các cháu lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự,
 
TỘC  LƯU VĂN TRAO TẶNG
TIỀN MỔ TIM


 
Tộc và Hội Nàng dâu tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ ông, cụ bà cao niên từ 80 tuổi trở lên, tuyên dương khen thưởng những vị đã có công lao đóng góp xây dựng Từ Đường của tộc trong thời gian trước đây; thường xuyên tổ chức thăm hỏi công việc làm ăn của con cháu vào những ngày giỗ kỵ hoặc những ngày Tết Nguyên Đán, tổ chức dự tang lễ, đọc điếu văn cho các Cụ ông Cụ bà Nội Ngoại, người thân trong Tộc qua đời; gặp mặt giao lưu cùng với HND của các Tộc bạn, giao lưu giữa HND Tộc Lưu Văn tại quê nhà với HND tại TP.HCM, tạo mối quan hệ giữa các nàng dâu trong tộc ngày càng gần gũi, khắng khít và có trách nhiệm hơn v.v...

      Công tác xã hội từ thiện:
  • Vào năm 2011, 2012, 2014 tộc Lưu Văn cũng đã vận động con cháu các nơi ủng hộ vào Quỹ xóa nhà tạm. Trong 3 năm đó, Tộc đã xét hỗ trợ được 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất ủng hộ 20 triệu đồng, đó là gia đình chú Lưu Văn Cách, gia đình ông Lưu Văn Lọ, gia đình cô Lưu Thị Sáu với tổng số tiền là 60 triệu đồng . Bên cạnh đó, tộc còn hỗ trợ cho một cháu ngoại trai mổ tim với số tiền 12 triệu đồng.
  • Vào những năm do thiên tai lũ lụt hoặc đến những ngày gần Tết Nguyên Đán, cô Lưu Thị Thanh Xuân ở tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là người thường xuyên tham gia công tác từ thiện, mỗi năm ủng hộ hằng trăm suất quà nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn của bà con ở quê nhà (mỗi suất từ 200 đến 300 ngàn đồng). Vào Tết Bính Thân (năm 2016) cháu Lưu Văn Cường (Thủy Em) đã trao tặng quà  Tết cho bà con nghèo trong Tộc với số lượng 100 suất, mỗi suất quà trị giá 900.000 đồng (trong đó 400.000 tiền quà, 500.000đ tiền mặt).
  •  
  • Công tác xây dựng Ban Liên Lạc phía Nam:
Số con cháu của Tộc Lưu Văn – thôn Thạnh Mỹ hiện nay phân tán ở nhiều nơi. Ước tính khoảng 600 hộ gia đình với tổng số lượng khoảng 3000 người, trong đó con cháu đi làm ăn xa , phân tán ở các nơi chiếm khoảng 50%. Từ thực tế này, HĐGT suy nghĩ nếu như vậy về lâu về dài lần lượt con cháu sẽ dễ bị thất lạc, thất truyền, con cháu cùng một dòng họ nhưng không biết nhau, dễ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Sau khi được sự thống nhất cao của bà con trong tộc, các thành viên trong HĐGT quyết định đi vào Nam và thành lập Ban Liên lạc Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ tại các tỉnh phía Nam vào năm 2010. Đây là chi nhánh của Tộc
 
BAN LIÊN LẠC TỘC  LƯU VĂN - THẠNH MỸ PHÍA NAM
 
Lưu Văn thuộc làng Dưỡng Mông, thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, được tập hợp tất cả các con cháu sinh sống và làm ăn ở tại TP.HCM và các vùng phụ cận.

     Tính đến thời điểm hiện nay, Hội phía Nam đã hoạt động được 5 năm. Hội tổ chức viếng thăm động viên và chia sẻ thông tin với nhau. Hằng năm, Hội tổ chức khen thưởng, động viên con cháu đã có những thành tích tốt trong học tập và trong rèn luyện hạnh kiểm. Số tiền thưởng cho các cháu trong 5 năm qua khoảng trên 25 triệu đồng và Chi hội Khuyến học phía Nam đã trao tặng 03 suất học bổng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 6 triệu đồng. Hội còn chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ thêm kinh phí cho gia tộc, cho HND. Thông qua hoạt động tạo được mối quan hệ giao lưu gắn kết tình cảm bà con xa quê hương, tạo nhận thức đúng đắn về nguồn gốc huyết thống của con cháu trong Gia tộc. Mọi công tác hoạt động được giao lại cho Ban Liên Lạc các tỉnh phía Nam tổ chức điều hành hằng năm.

Thay cho lời kết:
Mặc dù công việc làm chưa nhiều so với nhiều Tộc bạn khác, nhưng tộc Lưu Văn – Thạnh Mỹ cũng rất vui mừng với những gì mình đã đạt được trong thời gian vừa qua. Mong sao con cháu trong tộc ngày càng thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những bậc tiền nhân, ra sức vun đắp cây phước báu của gia tộc ngày càng nhiều hơn, tất cả con cháu đoàn kết, yêu thương và có tinh thần trách nhiệm xây dựng gia tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ  phát triển ngày càng thịnh vượng và hạnh phúc hơn.

Vô cùng cảm kích và tri ân các thành viên có tâm ý tốt trong việc đã tạo trang thông tin điện tử  LUUTOC.VN . Nhờ đó thông qua tin tức trên website này của Lưu tộc Việt Nam và những Nội san của Lưu Tộc Phương Nam mà Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ mới  biết thêm được chiều sâu của cội nguồn Tổ tiên, cũng như thể hiện được những công việc làm của Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ được chuyển tải lên website chung của Lưu Tộc Việt Nam, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho con cháu sinh sống ở mọi miền Tổ quốc và hải ngoại vẫn có thể biết được thông tin dòng họ ở quê cha đất Tổ và có thể chia sẻ nhiều điều cần thiết. 

Rất mong Ban Biên tập và các thành viên của trang WEBSITE LUUTOC.VN duy trìvà phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

 
TỘC LƯU VĂN - THÔN THẠNH MỸ, XÃ QUẾ XUÂN 1, QUẾ SƠN,QUẢNG NAM
                                             



Hoa hậu Lưu Diễm Hương - Hậu duệ của Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ đã Vinh quy bái Tổ sau khi đăng quang







Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ hằng năm được Chính quyền địa phương khen thưởng về Khuyến học và thực hiện Nếp sống Văn hóa

Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ đã hổ trợ xây tặng 3 căn nhà cho 3 gia đình đồng tộc nghèo và tài trợ mổ tim cho 1 cháu hậu duệ



HĐGT Họ Lưu Văn - Thạnh Mỹ với Đoàn sưu tập Gia phả Lưu Tộc Miền Trung & Miền Nam



Ông Lưu Quang Bình - Phó Ban BLL Lưu Tộc Việt Nam và Ông Lưu Văn Chức - Trưởng Tộc Lưu Văn - Thạnh Mỹ
 


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)