Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Dâu hiền - Rể thảo.
Đăng ngày 7/7/2012
E-mail     Bản in

“Dâu con - rể khách”
Đối với gia đình bên vợ, rể thường được xem như khách; có người trở thành “khách quý” nhưng cũng có người là… “khách lạ”.

Yêu con rể như con ruột

 Nhà ông Lực (TP Nha Trang- Khánh Hòa ) có ba chàng rể. Người nào cũng thành đạt, giỏi giang. Chiều thứ bảy nào, ba gia đình nhỏ cũng kéo về bên ngoại để “gặp nhau cuối tuần”.
 
Ba chàng rể và bố vợ tỏ ra rất “tâm đầu ý hợp” trong mọi lĩnh vực. Hàng xóm, bạn bè của ông Lực rất ngưỡng mộ cảnh hạnh phúc này. Họ bảo, rể nhà ông Lực không phải là “khách” mà là con, cứ nhìn cách vợ chồng ông ấy đối xử với họ cũng đủ thấy, ông bà thương rể như con ruột.
 
Ông Lực nói: “May mắn là tôi có ba đứa con rể tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn, biết cách cư xử. Tôi nghĩ, rể là con hay “khách” cũng là do mình cả. Ở gia đình tôi, mọi việc đều rất dân chủ, rể cũng có quyền tham gia thảo luận khi có vấn đề gì đó. Thậm chí, có nhiều chuyện tôi còn phải tham khảo ý kiến các chàng rể đó!”.
 
Năm ngoái, ông Lực bán một lô đất ven thành phố. Số tiền đó, ngoài phần dành cho vợ chồng dưỡng già, ông chia phần cho các con như nhau. Ngay cả lúc họp công bố di chúc, ông cũng “triệu tập” các con rể và tham khảo ý kiến từng người.
 
Anh Quang - con rể đầu của ông Lực nhận xét: “Bố mẹ vợ tôi là những người tốt. Ngay từ đầu về nhà vợ ra mắt, tôi đã rất ấn tượng với ông bà. Họ niềm nở, vui vẻ, coi như con cháu trong nhà, hoàn toàn không có khoảng cách. Gần 8 năm qua, tôi thật sự xem ông bà như cha mẹ đẻ của mình. Các anh em “cọc chèo” của tôi cũng thế”.
 
Vị khách đặc biệt
 
Cũng làm rể được ngần ấy thời gian như anh Quang, nhưng với anh Trần Hoàng - kiến trúc sư, mỗi lần về nhà vợ, anh lại cảm thấy mình như một “vị khách” đặc biệt.
 
Chả là quê vợ anh ở tận Quảng Bình, một năm anh chỉ về nhà vợ một lần vào dịp Tết. Lần nào về, anh cũng lóng nga lóng ngóng như người thừa trong gia đình, dù nhà vợ anh rất “cưng chiều” con rể. Bố mẹ và các anh chị em bên vợ lúc nào cũng “ưu tiên” cho anh con rể ở xa, họ phục vụ anh rất chu đáo, nhiệt tình, không cho anh đụng tay đụng chân vào bất cứ chuyện gì.
 
Mỗi lần về chơi, anh Hoàng chỉ có việc duy nhất là ngồi... uống trà “hầu chuyện” với bố vợ. Tuy nhiên, do thỉnh thoảng mới gặp, lại không rành tiếng địa phương nên có những câu chuyện giữa bố vợ và con rể người nói một đằng, người hiểu một nẻo! Nhưng “kinh khủng” nhất với anh Hoàng là luôn được bố vợ “ưu ái” trong những bữa nhậu, cứ  bố một ly là con cũng một ly. Nhiều khi anh muốn từ chối nhưng lại bị bố vợ khích: “rể của nhà này làm vậy coi sao được, bố vợ còn nâng ly thế này mà con rể đã hạ ly là sao?”.
 
Nhưng lần nào cũng vậy, anh con rể ở xa luôn là người bị “knock-out” đầu tiên, bởi hết bố vợ lại đến anh vợ, em vợ, họ hàng vợ thi nhau chúc tụng, kết quả là 5 ngày ở nhà vợ thì hết 4 ngày anh Hoàng say bét nhè!
 
Anh Hoàng tâm sự: “Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì gia đình vợ rất tuyệt vời. Các thành viên trong gia đình đều hòa thuận, vui vẻ và dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Do đó, tuy là “khách” nhưng tôi không bị đối xử như “khách lạ”, mà là “khách quý”“. Bố mẹ vợ của anh Hoàng cũng hết lời khen ngợi chàng rể Nha Trang vì anh hiền lành, chất phác, hết lòng thương yêu vợ con.
Theo Gia đình & Xã hội


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)