Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 6/9/2013
E-mail     Bản in

Nhà văn gốc Hoa Lưu Thị Lương: Nhanh mà chất lượng cao
Vai trò của người Hoa, sau hai cuộc di dân từ Cù Lao Phố và Mỹ Tho đại phố về Sài Gòn và dần góp phần quan trọng trong sự sầm uất của đô thị này là không thể phủ nhận.
 
 
 
 
 
 
Nhà văn Lưu Thị Lương.
 
Nhà văn gốc Hoa Lưu Thị Lương, người viết bằng sự phóng khoáng của một người Nam Bộ và nét tự nhiên, cởi mở của cư dân Sài Gòn mới. Chị chia sẻ về phong cách của người dân thành phố này, về góc nhìn của một người Hoa sinh ra, lớn lên và thành công tại Sài Gòn. Chị tâm sự:

- Người Hoa cha truyền con nối đã làm ra những thứ nổi bật sau đây. Một vùng buôn bán giá sỉ to rộng mênh mông, từ chợ vải Soái Kình Lâm băng qua chợ đồ điện và hương liệu Kim Biên, lan tới chợ Bình Tây. Cái phố Đông Y chuyên bán cây, cỏ, củ thuốc bắc.

Những xe hủ tíu mỳ hoành thánh, bánh bao thơm phức rải rác khắp 22 quận, huyện. Những tiệm bán heo quay, vịt quay béo ngậy. Phố đầu lân đỏ rực, vàng khè… Tóm lại là sự buôn bán của người Hoa đã làm cho Sài Gòn có bộ mặt tấp nập phồn hoa đô hội.
 
- Vậy đâu là sự "cấu kết" trong tổng thể chung giữa người Hoa và những nhóm lưu dân khác để tạo thành phong cách sống của người Sài Gòn?
 
- Lưu dân đến Sài Gòn có nhiều lí do, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng khi làm người Sài Gòn, họ giống nhau ở chỗ sống cho đẹp, nghĩ cho hay, làm phải tốt.
 
- Theo chị, một người Hoa trong lòng Sài Gòn có điều gì là nổi bật?
 
- Có những ông nội, bà ngoại người Hoa khai giấy tờ, ghi nơi sanh là Chợ Lớn rồi. Các thế hệ con cháu của họ nói năng, ăn mặc, vui chơi, học hành… gần giống như người Sài Gòn, bản thân những người đó rõ ràng là người Sài Gòn.

Có lẽ điều nổi bật nhất là cái tên của họ, đọc lên nghe khác hẳn, thí dụ người Việt tên Tấn Phát, người Hoa tên Chấn Phát. Tôi sống ở Sài Gòn tới nay là 43 năm. Ở trường tôi dạy, sĩ số mỗi lớp 45, trung bình sẽ có khoảng năm, bảy em học sinh người Hoa. Và tôi tâm phục khẩu phục vì họ nghe, nói được tới hai thứ tiếng. Quá chừng hòa hợp.
 
- Khi viết truyện, chị có đề cao cá tính của dân tộc mình không?
 
- Tôi là một người Hoa có 50% thôi. Ba tôi cho tôi học trường chữ Việt. Tôi cũng không được sống ngay chính giữa cộng đồng người Hoa, nên không dám nhận là mình biết về cá tính của dân tộc Hoa. Tôi có mấy truyện ngắn, mấy bài tản văn về đề tài người Hoa, thấy gì viết nấy. Ba tôi, mấy người hàng xóm, những em học trò… Như tất cả những con người chân chính, người Hoa trong suy nghĩ của tôi cần cù chăm chỉ làm ăn và mong muốn được sống no ấm, yên ổn suốt đời mình, đời con, đời cháu.

- Văn chương của chị, về cơ bản là một tâm hồn hướng thượng, cái nhìn khá phóng khoáng. Đó theo chị, có phải cũng là đặc trưng phong cách Sài Gòn?

- Tôi muốn thêm mấy thứ nữa vào phong cách Sài Gòn: thân thiện, tốt bụng, tử tế. Nói theo lối miền Nam là dễ thương. Tức là nhìn thấy thích, thấy có cảm tình, không thấy ghét.

-Cảm ơn chị!               

 

Theo Hoài Phố (CAND.COM)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)