Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Nghệ An.
Đăng ngày 5/4/2018
E-mail     Bản in

Lễ cầu yên đầu năm mới.
Vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch hàng năm, tại Nhà thờ Tổ, họ Lưu Đại tôn Tường Lai đều tổ chức Lễ cầu yên cho con cháu nội ngoại.
Lễ vật tế Tổ và dâng Đức Thánh Nương là hương đăng trầm trà, cỗ chay.

Vào “giờ tốt” buổi sáng, các bậc cao niên và con cháu nội ngoại tập trung trước nhà thờ; bậc cao niên Chủ tế cùng ông “Thầy tâu sớ - lấy quẻ” thay mặt toàn tộc làm thủ tục lễ cầu yên cho con cháu trước Án thờ Tổ;

Tiếp đến, trước Cung thờ Côn Sơn Thánh Nương, Thầy đọc tấu văn, Cung vọng Đức Thánh đệ tâu: 
“Nhật cung Thái Dương…; Nguyệt cung Thái Âm…; Nam Tào Bắc Đẩu…; Thái Bạch Thái Tuế…; Bắc cực Tử vi đại đức…; Văn Xương Văn khúc…; Nhị thập bát tú Ngũ hành…; La hầu Kế đô…
Cung duy!... xin các Tinh Quân/ lưu ân lưu phúc/ ban cho toàn tộc mệnh vị an cư/ thân cung khang thái… Vạn vạn bái!”.

Cuối buổi lễ, Thầy lần lượt tâu sớ, xóc thẻ hoặc tam giao cho từng con cháu, nhận “Phán bảo” của Thánh Nương việc hung, việc cát trong năm, để con cháu có hướng phấn đấu, khắc phục.
                                                      ***
Lưu truyền rằng [Đức Côn Sơn Thánh Nương sinh vào ngày giờ “Thiên Đế  giáng sinh”, làm con gái Họ Lưu. Tuy nhiên đang độ tuổi vị thành niên, theo lệnh Ngọc Hoàng mà phải “Hóa thân”; Linh Anh phải trở về “Cõi Tiên”. Ở chốn Thiên cung, được các Thiên tinh, Thiên tướng… truyền thụ binh pháp… luyện được các phép thần thông, thiên tài văn võ, biến hung thành cát, y thuật cao siêu… Sau khi tu luyện đắc đạo, Linh Anh cô gái lại được “Giáng hạ” trên Thạch bàn sườn núi Châu Sơn, để “Tỷ dân hộ quốc”.
Nơi đây là chốn linh thiêng bậc nhất trong vùng; cư dân thường xuyên đến gửi gắm tâm linh, cầu an, cầu phúc, xin bùa chú, xin đơn thuốc chữa bệnh,…

Trong những năm đào Kênh Nhà Lê, đặc biệt đào Kênh Sắt, đoạn Diễn Châu - Nghi Lộc, đây là Núi Sắt, ngày đêm dân phu đổ hết sức lực mà đá gềnh không hề lay chuyển… Vua Lê phải đem theo Công chúa vào múa hát động viên, do khí hậu vùng Nghệ An quá khắc nghiệt, Công chúa đã bị cảm ốm, danh y triều đình mang thuốc tốt điều trị, bệnh Công chúa vẫn ngày càng nặng. Thấy vậy, con cháu Họ Lưu đã mạo muội đem dâng vua Lê một Đạo phù và vài thang thuốc giải cảm do Thánh Nương Linh Ứng, tức thì bệnh Công chúa lui dần; dâng thêm vài thang thuốc bổ, Công chúa đã lên xa giá hồi cung. Vua Lê vô cùng khen ngợi; dân phu cũng được Thánh nương cho bùa chú, cho thuốc…Việc đào kênh đã hoàn thành; Triều Lê Trung Hưng đã ban Đạo sắc cho Anh Linh Thánh Nương “Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”].

Thánh hiệu của Đức Thánh Nương là: “Côn Sơn Linh ứng/Kim đức Thánh Nương/ trước phong Trai thục/tặng phong Đoan trang uy/ sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng/ tôn chư Duệ hiệu/ tối linh tôn thần/điện hạ!”

Vào thời vua Duy Tân (1907-1916), chính quyền đô hộ Pháp bỏ bê trì trệ, dân tình đói khổ, bệnh dịch lan tràn,… Cư dân ngày đêm đến cầu cứu Thánh Nương, bùa chú, đơn thuốc giải không kịp, “Ngọc Hoàng đã giáng hạ - giáng đồng” 2 vị Tổ Cô phụ trợ:
- Tổ Cô bà thần vị/ Tam vương Thánh mẫu/ Ngọc nữ tối linh tôn thần/điện hạ!;
- Chính vị Thất đại Tổ cô bà thần vị/ Nam vương Thánh mẫu/ Đệ nhất Thiên cung/ Thôi quyết Sơn lâm Thượng ngạn/ tối linh tôn thần/điện hạ!.

Hiện nay, cư dân trong vùng vẫn thường xuyên đến Điện thờ Thánh Nương họ Lưu Hải Thanh (Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) và Cung Thờ Thánh Nương họ Lưu Tường Lai (Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An) gửi gắm tâm linh cho Thánh Nương;

Họ Lưu Tường Lai vào đầu năm mới, vẫn duy trì Lễ Cầu yên cho con cháu nội ngoại.
Việc lưu truyền tế lễ Tổ và Lễ cầu yên đầu năm mới, giúp thêm cho con cháu  tự tin ra đi làm ăn gần xa, lên đường tới trường học tập đỗ đạt, yên tâm công tác… là nét văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể mà cha ông đã dày công sáng tạo.
Lưu Xuân Đáo


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)